Bạn đang xem bài viết ✅ Thông tư 38/2016/TT-BTTTT: Quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư Quản lý thông tin xuyên biên giới ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới. Theo Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT, Bộ TT&TT sẽ thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn thông tin vi phạm không được cung cấp tới người sử dụng tại Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2017.

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
___________________________________________________
Số: 38/2016/TT-BTTTT Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2016

THÔNG TƯ
Quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới

Căn cứ Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Căn cứ Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử,

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có truy cập từ Việt Nam (sau đây gọi là hoạt động cung cấp thông tin công cộng qua biên giới).

2. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động cung cấp thông tin công cộng qua biên giới.

Điều 2. Quy định chung

1. Cung cấp thông tin công cộng qua biên giới là việc tổ chức, cá nhân tại nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức, cá nhân nước ngoài) sử dụng trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trên mạng, dịch vụ tìm kiếm và các loại hình tương tự khác trên mạng để cung cấp thông tin công cộng mà người sử dụng tại Việt Nam có truy cập hoặc sử dụng dịch vụ (bao gồm cả tổ chức và cá nhân).

2. Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam có quyền thực thi các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện chính sách phát triển, quản lý thông tin trên mạng theo quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP trong các trường hợp sau đây:

a) Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin công cộng qua biên giới vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP;

Tham khảo thêm:   Nghị định số 103/2012/NĐ-CP Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã

b) Tổ chức, cá nhân nước ngoài không hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc phối hợp và xử lý thông tin vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.

Điều 3. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin công cộng qua biên giới

1. Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam khi cung cấp thông tin công cộng cho người sử dụng tại Việt Nam.

2 Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin công cộng qua biên giới thuê chỗ lưu trữ thông tin số tại Việt Nam để cung cấp dịch vụ hoặc có lượng truy cập từ người sử dụng tại Việt Nam từ 01 (một) triệu lượt người trở lên trong 01 (một) tháng có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

a) Thông báo thông tin liên hệ cho Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định tại Điều 4 Thông tư này;

b) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý thông tin vi phạm theo quy trình được quy định tại Điều 5 Thông tư này.

Điều 4. Thông tin và cách thức thông báo

1. Thông tin liên hệ của tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin công cộng qua biên giới bao gồm:

a) Tên tổ chức theo đăng ký, tên giao dịch, tên quốc gia đăng ký hoạt động của tổ chức hoặc tên cá nhân cung cấp dịch vụ;

b) Địa chỉ trụ sở chính của tổ chức hoặc địa chỉ thường trú, quốc tịch của cá nhân sở hữu trang thông tin điện tử và địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ;

c) Đầu mối liên hệ của tổ chức, cá nhân nước ngoài và đầu mối liên hệ tại Việt Nam bao gồm: tên tổ chức, cá nhân, địa chỉ email, điện thoại liên hệ.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài gửi thông báo đến Bộ Thông tin và Truyền thông bằng một trong các hình thức sau: Gửi báo cáo trực tiếp, qua đường bưu chính hoặc qua mạng Internet theo địa chỉ thư điện tử [email protected].

Điều 5. Nguyên tắc, biện pháp và cơ chế phối hợp xử lý thông tin vi phạm trên mạng

1. Bộ Thông tin và Truyền thông căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 5, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP để xác định các thông tin vi phạm cần gỡ bỏ hoặc chặn không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập đến.

Bộ Thông tin và Truyền thông gửi đề nghị phối hợp bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử thông báo cho tổ chức, cá nhân nước ngoài về các thông tin vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP cần xử lý.

Sau khi nhận được đề nghị phối hợp từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời gian 24 (hai mươi tư) giờ, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin công cộng qua biên giới xác định thông tin vi phạm và thực hiện việc xử lý thông tin theo đề nghị.

Sau thời hạn nêu trên, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý thông tin vi phạm theo yêu cầu và cũng không phản hồi trở lại, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ gửi thông báo lần 2. Trường hợp 24 giờ sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông gửi thông báo lần 2, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài vẫn tiếp tục không xử lý thông tin vi phạm theo đề nghị và cũng không phản hồi trở lại, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực thi các biện pháp kỹ thuật cần thiết.

Tham khảo thêm:   Bộ đề thi học kì 1 môn Giáo dục công dân 7 năm 2023 - 2024 sách Kết nối tri thức với cuộc sống 5 Đề kiểm tra học kì 1 môn GDCD lớp 7 (Có ma trận, đáp án)

2. Khi phát hiện thông tin vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, đe dọa đến lợi ích quốc gia Việt Nam thì cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam sẽ thực thi ngay lập tức các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn thông tin vi phạm không được cung cấp tới người sử dụng tại Việt Nam, đồng thời gửi yêu cầu xử lý thông tin vi phạm theo quy trình được nêu tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư này.

Biện pháp chặn kỹ thuật chỉ được gỡ bỏ sau khi các thông tin vi phạm đã được tổ chức, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số tại Việt Nam

1. Doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số tại Việt Nam có trách nhiệm báo cáo ngay cho Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) bằng văn bản, điện thoại hoặc thư điện tử có địa chỉ [email protected] trong thời gian 03 (ba) giờ kể từ khi phát hiện nội dung thông tin vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.

2. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm:

a) Triển khai các biện pháp kỹ thuật cần thiết để thực thi các quy định tại Điều 5 Thông tư này theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Thời gian hoàn thành chậm nhất không quá 03 (ba) giờ kể từ khi nhận được yêu cầu;

b) Thực hiện việc báo cáo lượng truy cập của người sử dụng tại Việt Nam tới các trang thông tin điện tử cung cấp thông tin công cộng qua biên giới theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).

3. Doanh nghiệp cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số tại Việt Nam có trách nhiệm thực hiện thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) về việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê chỗ lưu trữ thông tin số tại Việt Nam để cung cấp thông tin công cộng cho người sử dụng tại Việt Nam theo định kỳ 06 tháng một lần vào ngày 15 tháng 6 và ngày 15 tháng 12 hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu.

a) Nội dung thông báo gồm: Tên doanh nghiệp cho thuê chỗ, địa chỉ và điểm đặt thiết bị, pháp nhân của tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê chỗ, thời hạn thuê, số lượng thiết bị, dung lượng kết nối internet;

Tham khảo thêm:   Kể lại câu chuyện Lửa thần Kể chuyện lớp 4 Cánh diều

b) Thông báo được gửi bằng một trong các hình thức: nộp trực tiếp, gửi qua đường bưu chính hoặc gửi thư điện tử tại địa chỉ [email protected];

c) Chậm nhất 10 (mười) ngày làm việc, doanh nghiệp cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số tại Việt Nam phải thực hiện thông báo bổ sung trong trường hợp có thay đổi thông tin đã thông báo theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều này.

Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng tại Việt Nam

Người sử dụng tại Việt Nam khi phát hiện thông tin do tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin công cộng qua biên giới vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP có quyền và nghĩa vụ sau:

1. Thông báo thông tin vi phạm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

2. Thông báo vi phạm cho Bộ Thông tin và Truyền thông bằng một trong các hình thức sau đây: nộp trực tiếp, gửi qua đường bưu chính hoặc qua thư điện tử tại địa chỉ [email protected].

3. Khởi kiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền tại Việt Nam nếu thông tin vi phạm gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2017.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin công cộng qua biên giới cho người sử dụng tại Việt Nam triển khai thực hiện theo quy định tại Thông tư này trong thời gian 90 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực./.

Nơi nhận: BỘ TRƯỞNG
  • Ban Bí thư Trung ương Đảng;
  • Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ;
  • Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
  • HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
  • Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
  • Văn phòng Tổng Bí thư;
  • Văn phòng Chủ tịch nước;
  • Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
  • Văn phòng Quốc hội;
  • Văn phòng Chính phủ;
  • Tòa án nhân dân tối cao;
  • Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
  • Kiểm toán Nhà nước;
  • Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
  • Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
  • Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
  • Cục Kiểm tra văn bản QPPL;
  • Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
  • Công báo;
  • Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
  • Bộ TTTT: Bộ trưởng và các Thứ trưởng; các cơ quan,
  • đơn vị thuộc Bộ; Cổng thông tin điện tử Bộ;
  • Lưu: VT, Cục PTTH&TTĐT, NH.
Trương Minh Tuấn

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 38/2016/TT-BTTTT: Quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư Quản lý thông tin xuyên biên giới của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *