Bạn đang xem bài viết ✅ Thông tư 29/2023/TT-BGDĐT Quy định mới về thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Ngày 29/12/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 29/2023/TT-BGDĐT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng đối với ngành Giáo dục.

Theo đó bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

  • Có thành tích tiêu biểu, xuất sắc được bình xét khi sơ kết, tổng kết phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động;
  • Hoặc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao có thời gian từ 03 năm trở lên có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương lan tỏa trong ngành Giáo dục;
  • Hoặc có thành tích tiêu biểu, xuất sắc được bình xét hàng năm, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động;
  • Hoặc trong thực hiện nhiệm vụ mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giao có thời gian từ 05 năm trở lên có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương lan tỏa trong ngành Giáo dục;

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 29/2023/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2023

THÔNG TƯ  29/2023/TT-BGDĐT

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG ĐỐI VỚI NGÀNH GIÁO DỤC

Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng ngày 15 tháng 6 năm 2022;

Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng đối với ngành Giáo dục.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định chi tiết thi hành khoản 4 Điều 24, khoản 3 Điều 26, khoản 3 Điều 27, khoản 3 Điều 28, khoản 3 Điều 32, khoản 2 Điều 71, khoản 6 Điều 74, khoản 2 Điều 75, khoản 3 và khoản 4 Điều 76, khoản 6 Điều 84 của Luật Thi đua, khen thưởng.

2. Thông tư này áp dụng đối với tập thể, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Giáo dục; người học; tập thể, hộ gia đình, cá nhân người Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tập thể và người nước ngoài có thành tích đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển giáo dục, đào tạo; tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo bao gồm các vụ, cục, Thanh tra, các văn phòng (sau đây viết tắt là đơn vị thuộc Bộ).

2. Các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo bao gồm các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; ban điều hành, ban quản lý dự án, đề án, chương trình thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (sau đây viết tắt là đơn vị trực thuộc Bộ).

3. Các đơn vị thuộc đại học quốc gia bao gồm văn phòng, các ban chức năng, các đơn vị thành viên và đơn vị trực thuộc đại học quốc gia (sau đây viết tắt là đơn vị thuộc đại học quốc gia).

4. Tập thể được xét danh hiệu thi đua, khen thưởng bao gồm tổ bộ môn, tổ chuyên môn và các tổ chức tương đương trở lên.

5. Tập thể người học bao gồm lớp học và nhóm người học.

Điều 3. Danh hiệu “Lao động tiên tiến”

1. Danh hiệu “Lao động tiên tiến” để tặng hàng năm khi kết thúc năm học, năm công tác cho cá nhân của đơn vị thuộc Bộ, đơn vị trực thuộc Bộ, đại học quốc gia và đạt các tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Thi đua, khen thưởng.

2. Trường hợp cá nhân được điều động, biệt phái đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong một thời gian nhất định thì việc xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” do cơ quan, tổ chức, đơn vị điều động, biệt phái xem xét, quyết định và được cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận cá nhân được điều động, biệt phái xác nhận. Đối với sĩ quan biệt phái của quân đội nhân dân Việt Nam và công an nhân dân thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến” đối với Thứ trưởng và công chức của đơn vị không có tư cách pháp nhân thuộc Bộ.

4. Thủ trưởng đơn vị có tư cách pháp nhân thuộc Bộ, đơn vị trực thuộc Bộ, giám đốc đại học quốc gia quyết định tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” cho cá nhân thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị mình trực tiếp quản lý.

Điều 4. Danh hiệu “Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo”

1. Danh hiệu “Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo” để tặng cho tập thể đạt các tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 26 Luật Thi đua, khen thưởng.

2. Đối tượng xét tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo” là các tập thể dẫn đầu phong trào thi đua của cụm, khối thi đua do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, gồm:

a) Các đơn vị thuộc Bộ, đơn vị trực thuộc Bộ và đơn vị thuộc đại học quốc gia;

b) Tập thể được quy định tại khoản 4 Điều 2 Thông tư này của đơn vị thuộc Bộ, đơn vị trực thuộc Bộ và đơn vị thuộc đại học quốc gia;

c) Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

d) Các đơn vị khác thuộc các cụm, khối thi đua do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức theo quy định.

Điều 5. Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”

1. Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” để tặng hàng năm khi kết thúc năm học, năm công tác cho tập thể đạt các tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Thi đua, khen thưởng.

2. Đối tượng xét tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” là các tập thể, gồm:

a) Các đơn vị thuộc Bộ, đơn vị trực thuộc Bộ và đơn vị thuộc đại học quốc gia;

b) Tập thể được quy định tại khoản 4 Điều 2 Thông tư này của đơn vị thuộc Bộ, đơn vị trực thuộc Bộ và đơn vị thuộc đại học quốc gia.

Điều 6. Danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”

1. Danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” để tặng hàng năm khi kết thúc năm học, năm công tác cho tập thể đạt các tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Thi đua, khen thưởng.

2. Đối tượng xét tặng danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” là các tập thể, gồm:

a) Các đơn vị thuộc Bộ, đơn vị trực thuộc Bộ và đơn vị thuộc đại học quốc gia;

b) Tập thể được quy định tại khoản 4 Điều 2 Thông tư này của các đơn vị thuộc Bộ, đơn vị trực thuộc Bộ và đơn vị thuộc đại học quốc gia.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định tặng danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” đối với đơn vị thuộc Bộ, đơn vị trực thuộc Bộ.

4. Thủ trưởng đơn vị có tư cách pháp nhân thuộc Bộ, đơn vị trực thuộc Bộ, giám đốc đại học quốc gia quyết định tặng danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” cho tập thể được quy định tại khoản 4 Điều 2 Thông tư này thuộc quyền quản lý.

Điều 7. Danh hiệu “Cờ thi đua của đại học quốc gia”

1. Cờ thi đua của đại học quốc gia để tặng hàng năm cho tập thể tiêu biểu xuất sắc nhất, dẫn đầu phong trào thi đua của khối, cụm thi đua do đại học quốc gia tổ chức và đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Hoàn thành vượt mức chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ được giao trong năm; có nhân tố mới, mô hình mới để các đơn vị trong đại học quốc gia học tập. Nếu là đơn vị sản xuất, kinh doanh phải thực hiện tốt các quy định của pháp luật, nghĩa vụ đối với Nhà nước và đại học quốc gia;

b) Nội bộ đoàn kết; tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội khác;

c) Tổ chức đảng, đoàn thể được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

2. Cờ thi đua của đại học quốc gia để tặng cho tập thể tiêu biểu xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua theo chuyên đề do đại học quốc gia tổ chức có thời gian thực hiện từ 03 năm trở lên khi tổng kết phong trào thi đua; đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng do đại học quốc gia quy định cụ thể theo từng phong trào thi đua.

Tham khảo thêm:   Danh sách cấp bậc vũ khí trong Roblox Rivals

3. Số lượng Cờ thi đua để tặng cho tập thể thuộc đại học quốc gia do giám đốc đại học quốc gia quy định, nhưng không quá 20% tổng số tập thể dẫn đầu các khối, cụm thi đua do đại học quốc gia tổ chức.

4. Đại học quốc gia không tặng Cờ thi đua của đại học quốc gia đối với tập thể được tặng Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo về cùng thành tích đạt được.

Điều 8. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”

Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” (sau đây viết tắt là Kỷ niệm chương) là hình thức khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để tặng một lần cho cá nhân trong và ngoài ngành Giáo dục, đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

1. Cá nhân trong ngành Giáo dục

a) Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục (bao gồm cả cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên chuyên trách công tác quản lý giáo dục tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương) có thời gian công tác trong ngành Giáo dục từ 20 năm trở lên. Trường hợp cá nhân đang công tác được cử đi học hoặc thực hiện nghĩa vụ quân sự, sau đó tiếp tục công tác trong ngành Giáo dục thì thời gian đi học hoặc thực hiện nghĩa vụ quân sự được tính là thời gian công tác trong ngành Giáo dục để xét tặng Kỷ niệm chương. Thời gian chịu kỷ luật không được tính để xét tặng Kỷ niệm chương;

b) Cá nhân đang công tác từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ được xét tặng Kỷ niệm chương sớm hơn so với thời gian quy định tại điểm a khoản này là 05 năm.

2. Cá nhân ngoài ngành Giáo dục

a) Đã đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý từ 05 năm trở lên, có nhiều đóng góp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần vào sự phát triển của ngành Giáo dục;

b) Có nhiều đóng góp trong việc tham gia ban hành cơ chế chính sách, tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả cho sự phát triển của ngành Giáo dục hoặc xây dựng, ủng hộ tài chính, hiện vật cho sự phát triển ngành Giáo dục, được đơn vị thụ hưởng xác nhận;

c) Cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người Việt Nam làm việc cho tổ chức nước ngoài tại Việt Nam và người nước ngoài có đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Việt Nam, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Giáo dục Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế.

Điều 9. Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

1. Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Có thành tích tiêu biểu, xuất sắc được bình xét khi sơ kết, tổng kết phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động; hoặc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao có thời gian từ 03 năm trở lên có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương lan tỏa trong ngành Giáo dục; hoặc có thành tích tiêu biểu, xuất sắc được bình xét hàng năm, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động; hoặc trong thực hiện nhiệm vụ mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giao có thời gian từ 05 năm trở lên có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương lan tỏa trong ngành Giáo dục;

b) Lập được nhiều thành tích hoặc thành tích xuất sắc đột xuất, có phạm vi ảnh hưởng ở một trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc có nghĩa cử cao đẹp, hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhân dân, của Nhà nước, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, địch họa, dịch bệnh, đấu tranh với những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, có tác dụng nêu gương và được đơn vị, địa phương ghi nhận, tôn vinh;

c) Có nhiều đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, có ý nghĩa xã hội to lớn, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho ngành Giáo dục, được đơn vị thụ hưởng và cơ quan quản lý trực tiếp của đơn vị thụ hưởng xác nhận;

d) Có thời gian công tác tại đơn vị từ 05 năm trở lên, có thành tích xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển của đơn vị được ghi nhận nhân dịp kỷ niệm thành lập (năm tròn);

đ) Cá nhân công tác tại các đơn vị thuộc Bộ, đơn vị trực thuộc Bộ, đại học quốc gia có 02 lần liên tục được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc có liên tục từ 02 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng có hiệu quả trong phạm vi cơ sở hoặc có 02 đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ, dự án khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cơ sở;

e) Cá nhân công tác tại các đơn vị thuộc Bộ, đơn vị trực thuộc Bộ, đại học quốc gia hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong 05 năm trước khi nghỉ hưu theo chế độ bảo hiểm xã hội, chưa được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen.

2. Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để tặng cho tập thể gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội bộ đoàn kết, đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Đạt tiêu chuẩn như quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Có thành tích xuất sắc đột xuất, có phạm vi ảnh hưởng ở một trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc có thành tích xuất sắc trong việc cứu người, cứu tài sản của nhân dân, của Nhà nước, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, địch họa, dịch bệnh ở đơn vị, địa phương;

c) Có nhiều đóng góp, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho ngành Giáo dục và được đơn vị thụ hưởng xác nhận;

d) Có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập (năm tròn);

đ) Tập thể được quy định tại khoản 4 Điều 2 Thông tư này của các đơn vị thuộc Bộ, đơn vị trực thuộc Bộ và đơn vị thuộc đại học quốc gia có 02 năm liên tục được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, tổ chức tốt các phong trào thi đua; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần trong tập thể; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

3. Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để tặng cho hộ gia đình gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có nhiều đóng góp về công sức, đất đai và tài sản cho ngành Giáo dục, được đơn vị thụ hưởng xác nhận.

4. Các trường hợp khác không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định trên cơ sở đề xuất của đơn vị thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 10. Bằng khen của giám đốc đại học quốc gia

1. Bằng khen của giám đốc đại học quốc gia để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Có thành tích xuất sắc, được bình xét trong phong trào thi đua do giám đốc đại học quốc gia phát động;

b) Lập được nhiều thành tích có phạm vi ảnh hưởng ở một trong các lĩnh vực thuộc đại học quốc gia hoặc có nghĩa cử cao đẹp cứu người, cứu tài sản, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đấu tranh với những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, có tác dụng nêu gương và được đơn vị, địa phương ghi nhận và tôn vinh;

c) Có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện, nghiên cứu khoa học; vượt khó, vươn lên học giỏi; tham gia có hiệu quả các hoạt động tình nguyện, thiện nguyện vì cộng đồng được cơ quan có thẩm quyền xác nhận;

d) Có đóng góp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, góp phần phát triển đại học quốc gia.

2. Bằng khen của giám đốc đại học quốc gia để tặng cho tập thể gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn quy định tại điểm a, điểm b và điểm d khoản 1 Điều này.

Tham khảo thêm:   Đề thi học kì 2 lớp 5 môn Toán trường tiểu học Lê Hồng Phong năm 2015 - 2016 Đề kiểm tra học kì 2 môn Toán lớp 5 có đáp án

3. Các trường hợp khác không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này do giám đốc đại học quốc gia xem xét, quyết định trên cơ sở đề xuất của thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng đại học quốc gia.

4. Giám đốc đại học quốc gia không tặng Bằng khen của giám đốc đại học quốc gia đối với tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về cùng thành tích đạt được.

Điều 11. Giấy khen của thủ trưởng đơn vị có tư cách pháp nhân

1. Giấy khen của thủ trưởng đơn vị có tư cách pháp nhân thuộc Bộ, trực thuộc Bộ, đại học quốc gia, sở giáo dục và đào tạo, hiệu trưởng, giám đốc hoặc tương đương của cơ sở giáo dục để tặng cho cá nhân, tập thể gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và có thành tích xuất sắc trong hoạt động của đơn vị, trong việc thực hiện các phong trào thi đua, kỳ thi, hội thi, cuộc thi do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, sở giáo dục và đào tạo và các tổ chức phát động, tổ chức.

2. Giấy khen của hiệu trưởng, giám đốc hoặc tương đương của cơ sở giáo dục để tặng cho người học có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nội quy nhà trường, thực hiện tốt nhiệm vụ của người học; tặng cho tập thể người học gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy của nhà trường và đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Có thành tích tiêu biểu trong các nội dung giáo dục theo quy định tại các văn bản về điều lệ trường học, quy định về đánh giá học sinh, sinh viên và quy chế công tác sinh viên;

b) Có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua do cơ sở giáo dục tổ chức;

c) Có thành tích xuất sắc đột xuất có ý nghĩa nêu gương trong phạm vi cơ sở giáo dục;

d) Đoạt giải trong các kỳ thi, cuộc thi, hội thi do cơ sở giáo dục tổ chức.

Điều 12. Thẩm quyền đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng

1. Thủ trưởng đơn vị không có tư cách pháp nhân thuộc Bộ trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tặng danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.

2. Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ, đơn vị trực thuộc Bộ

a) Trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, “Chiến sĩ thi đua cấp Bộ”, Bằng khen của Bộ trưởng, Kỷ niệm chương;

b) Trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xét, trình cấp có thẩm quyền xét khen thưởng cấp Nhà nước theo quy định.

3. Giám đốc đại học quốc gia trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, “Chiến sĩ thi đua cấp Bộ”, Bằng khen của Bộ trưởng, Kỷ niệm chương cho tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý.

4. Giám đốc sở giáo dục và đào tạo

a) Trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tặng Bằng khen cho tập thể, cá nhân của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý của sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo (trừ khen thưởng công trạng);

b) Trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tặng Kỷ niệm chương cho các cá nhân của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý của sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

a) Đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tặng Bằng khen cho tập thể, cá nhân của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, cơ sở giáo dục đại học tư thục, doanh nghiệp, tổ chức có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh, thành phố và của ngành Giáo dục;

b) Đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tặng Kỷ niệm chương cho cá nhân của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, cơ sở giáo dục đại học tư thục;

c) Đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tặng Kỷ niệm chương cho cá nhân ngoài ngành Giáo dục có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh, thành phố và của ngành Giáo dục.

6. Người đứng đầu Bộ, ban, ngành

a) Đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý và cơ sở giáo dục đại học trực thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các tổ chức chính trị – xã hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh;

b) Đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tặng Kỷ niệm chương cho cá nhân quy định tại Điều 8 Thông tư này.

Điều 13. Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng

1. Thành phần hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và quy định của Chính phủ.

2. Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Bộ được lập thành 01 bộ (bản chính); đồng thời gửi hồ sơ khen thưởng dưới dạng tệp tin điện tử (bản word và bản pdf) về Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước).

Hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương theo quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này gửi về Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Bộ gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 31 tháng 01 hàng năm, cấp Nhà nước gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 31 tháng 3 hàng năm (trừ hồ sơ đề nghị khen thưởng theo cụm, khối thi đua của các cơ sở giáo dục).

Hồ sơ đề nghị khen thưởng đột xuất: Ngay sau khi tập thể, cá nhân lập được thành tích, người đứng đầu đơn vị có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xét, quyết định khen thưởng hoặc trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xét, trình cấp có thẩm quyền xét, quyết định khen thưởng.

Hồ sơ đề nghị khen thưởng theo phong trào thi đua, chuyên đề, kỳ thi, cuộc thi, hội thi, khen thành lập: Ngay sau khi kết thúc sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, chuyên đề, kỳ thi, cuộc thi, hội thi và vào dịp thành lập năm tròn, thủ trưởng đơn vị xét chọn tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc, trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xét, quyết định khen thưởng hoặc trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xét, trình cấp có thẩm quyền xét, quyết định khen thưởng.

Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong công tác thi đua, khen thưởng

1. Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo là đơn vị thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ trì tham mưu về công tác thi đua, khen thưởng; tham mưu Bộ trưởng phát động phong trào thi đua; xây dựng chương trình, kế hoạch, biện pháp tổ chức, nội dung thi đua trong ngành Giáo dục; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, công tác thi đua, khen thưởng; nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong ngành; thẩm định hồ sơ, trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định khen thưởng theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xét, khen thưởng.

2. Cục Hợp tác quốc tế chủ trì tổng hợp hồ sơ đề nghị khen thưởng tập thể, cá nhân người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người Việt Nam làm việc cho tổ chức nước ngoài tại Việt Nam và tập thể, cá nhân người nước ngoài có thành tích tiêu biểu xuất sắc, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo; chủ trì thực hiện xin ý kiến của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, đơn vị có liên quan; chuyển hồ sơ về Vụ Tổ chức cán bộ để thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định.

3. Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ, đơn vị trực thuộc Bộ, giám đốc sở giáo dục và đào tạo, hiệu trưởng, giám đốc hoặc tương đương cơ sở giáo dục có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức đoàn thể cùng cấp cụ thể hóa nội dung, tiêu chí, biện pháp tổ chức các phong trào thi đua và kiểm tra việc thực hiện; sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, nhân rộng điển hình tiên tiến; phát hiện tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xét, khen thưởng kịp thời và tương xứng với thành tích đạt được; kiến nghị đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.

Tham khảo thêm:   Địa lí 6 Bài 8: Chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời và hệ quả Soạn Địa 6 trang 122 sách Kết nối tri thức với cuộc sống

4. Các cơ quan thông tin, báo chí, xuất bản thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục có trách nhiệm thường xuyên tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; tích cực tham gia phát hiện tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp cho ngành Giáo dục; phổ biến, nêu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; đấu tranh các biểu hiện chạy theo thành tích, hành vi vi phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng.

5. Tập thể, cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng phải thực hiện đầy đủ, kịp thời các quy định về hồ sơ, thủ tục, thời hạn gửi hồ sơ đề nghị theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan, chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ.

6. Người có thẩm quyền đề nghị, trình xét tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng (trừ trường hợp đề nghị Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”, khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo thủ tục đơn giản) có trách nhiệm công khai danh sách cá nhân, tập thể trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị ít nhất 07 ngày làm việc trước khi họp Hội đồng Thi đua – Khen thưởng của cơ quan, đơn vị. Kết quả công khai (kể cả đơn thư khiếu nại, tố cáo nếu có) phải báo cáo bằng văn bản với Hội đồng Thi đua – Khen thưởng của đơn vị trình, trước khi trình cấp trên khen thưởng và được nêu trong Biên bản xét khen thưởng của đơn vị trình.

Điều 15. Hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2024 và thay thế Thông tư số 21/2020/TT-BGDĐT ngày 31 tháng 7 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục.

2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, thay thế.

3. Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ, trực thuộc Bộ; giám đốc sở giáo dục và đào tạo; giám đốc đại học quốc gia, giám đốc đại học, học viện; hiệu trưởng trường đại học, hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm và các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

Nơi nhận:
– Văn phòng Chính phủ;

– Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội;
– Ban Tuyên giáo Trung ương;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Kiểm toán Nhà nước;
– UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Bộ trưởng;
– Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
– Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo;
– Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực;
– Hội đồng Giáo sư Nhà nước;
– Công đoàn Giáo dục Việt Nam;
– Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam;
– Hội Khuyến học Việt Nam;
– Công báo; Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
– Như Điều 15 (để thực hiện);
– Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
– Lưu: VT, Vụ PC, Vụ TCCB (05b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Ngô Thị Minh

PHỤ LỤC

MẪU ĐỀ NGHỊ XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG “VÌ SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC”
(Kèm theo Thông tư số 29/2023/TT-BGDĐT ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Mẫu số 01: Công văn đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương

Mẫu số 02: Danh sách đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương

Mẫu số 03: Bản tóm tắt thành tích cá nhân trong ngành Giáo dục

Mẫu số 04: Bản tóm tắt thành tích cá nhân ngoài ngành Giáo dục

Mẫu số 01: Công văn đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”

TÊN ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……………..

V/v đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”

………., ngày …. tháng ….. năm ….

Kính gửi: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Theo quy định xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư số 29/2023/TT-BGDĐT ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng đối với ngành Giáo dục, đơn vị (tên đơn vị):

……………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………..

………………….. đã xét chọn và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” năm …. cho số lượng các cá nhân đủ tiêu chuẩn như sau:

1. Tặng Kỷ niệm chương cho các cá nhân trong ngành Giáo dục: …. người

Trong đó:

– Đang làm việc: …….. người;

– Đã nghỉ hưu, thôi việc: ……. người;

2. Tặng Kỷ niệm chương cho các cá nhân ngoài ngành Giáo dục: ……..người.

(Có danh sách và báo cáo tóm tắt thành tích cá nhân kèm theo)

Nơi nhận:


– Lưu: VT, …

Thủ trưởng đơn vị
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

Mẫu số 02: Danh sách đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”

TÊN ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

DANH SÁCH

Đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”

(Kèm theo Công văn số ……./……… ngày …… tháng ……. năm …. của …….)

TT

Giới tính

Học hàm, học vị

Họ và tên

Chức vụ, đơn vị công tác (hiện tại hoặc trước khi nghỉ hưu, thôi việc)

Tóm tắt thành tích

Số năm xét tặng KNC (đã trừ thời gian kỷ luật nếu có)

1.

Ông

PGS.TS

Nguyễn Văn A

Giảng viên chính ……….

– Ngày vào ngành Giáo dục:

– Ngày nghỉ hưu (hoặc thôi việc):

– Số năm công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ:

– Mức kỷ luật:

Ngày ký quyết định kỷ luật:

22 năm

2.

Nguyễn Thị B

Nhân viên…….

20 năm

3.

Thạc sĩ

Nguyễn Thị C

Giáo viên…….

25 năm

4.

Danh sách trên có …. cá nhân./.

Mẫu số 3: Bản tóm tắt thành tích cá nhân trong ngành Giáo dục

TÊN ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

…………, ngày ……. tháng …… năm ……

BẢN TÓM TẮT THÀNH TÍCH CÁ NHÂN

Đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Họ và tên: …………………………………………………….……. 2. Nam, Nữ ……………

3. Ngày, tháng, năm sinh: …………………………………………

4. Chức vụ và nơi công tác hiện nay (hoặc trước khi nghỉ hưu, thôi việc)

…………………………………………………….…………………………………………………

…………………………………………………….…………………………………………………

…………………………………………………….…………………………………………………

5. Ngày vào ngành Giáo dục: ……………………………………………………………………

6. Ngày nghỉ hưu (hoặc thôi việc): ………………………………………………………………

7. Số năm công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (nếu có): …….

8. Mức kỷ luật (nếu có):

Ngày ký quyết định kỷ luật: ………………………………………………………………………

9. Tổng số năm được tính để xét tặng Kỷ niệm chương: …………………………………….

II. QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC TRONG NGÀNH GIÁO DỤC

Thời gian

Từ tháng, năm đến tháng, năm

Chức vụ, nơi công tác

Ghi rõ: Trường, xã (phường), huyện (quận)

Số năm, tháng công tác

Ghi chú

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
XÁC NHẬN ĐỀ NGHỊ
(Ký, đóng dấu)

NGƯỜI BÁO CÁO THÀNH TÍCH
(Ghi rõ họ và tên)

Mẫu số 4: Bản tóm tắt thành tích cá nhân ngoài ngành Giáo dục

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————-

………., ngày …… tháng…… năm ……

BẢN TÓM TẮT THÀNH TÍCH CÁ NHÂN

Đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Họ và tên: ………………………………………………………….…….. 2. Nam, Nữ ……..

3. Ngày, tháng, năm sinh: ………………………………………………………….……………

4. Quốc tịch (đối với người nước ngoài): ………………………………………………………

5. Chức vụ và nơi công tác: ……………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………….

……………………………………………………………………………………………………….

6. Tóm tắt quá trình công tác: ……………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………….

II. THÀNH TÍCH, CÔNG LAO ĐÓNG GÓP CHO NGÀNH GIÁO DỤC

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
XÁC NHẬN ĐỀ NGHỊ
(Ký, đóng dấu)

NGƯỜI BÁO CÁO THÀNH TÍCH
(Ghi rõ họ và tên)

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 29/2023/TT-BGDĐT Quy định mới về thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *