Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 28/2017/TT-BTNMT về quy định tiêu chí, chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công về quan trắc tài nguyên và môi trường. Thông tư bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/11/2017. Theo đó, việc đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công về quan trắc TNMT được thực hiện được đánh giá theo 4 mức:
- Tổng điểm từ 80 trở lên, trong đó tổng số điểm của từng tiêu chí phải lớn hơn 70% số điểm tối đa của tiêu chí: Tốt.
- Tổng điểm từ 60 đến dưới 80 điểm, trong đó tổng số điểm của từng tiêu chí phải lớn hơn 60% số điểm tối đa của tiêu chí: Khá.
- Tổng số điểm từ 50 điểm đến dưới 60 điểm, trong đó tổng số điểm của các tiêu chí tại Điều 8 và Điều 14 phải lớn hơn 50% số điểm tối đa của tiêu chí: Đạt.
- Tổng số điểm nhỏ hơn 50 điểm: Không đạt.
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28/2017/TT-BTNMT |
Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2017 |
Thông tư 28/2017/TT-BTNMT
QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ, CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG VỀ QUAN TRẮC TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định tiêu chí, chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công về quan trắc tài nguyên và môi trường.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định tiêu chí, chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước về quan trắc tài nguyên và môi trường (sau đây gọi là quan trắc).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; đơn vị sự nghiệp và tổ chức, cá nhân hoạt động cung cấp dịch vụ quan trắc.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Chất lượng dịch vụ sự nghiệp công là kết quả tổng hợp của các chỉ tiêu thể hiện mức độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ đối với dịch vụ đó.
2. Tiêu chí đánh giá là các nội dung, yêu cầu mà đối tượng cung ứng dịch vụ phải đáp ứng để hoàn thành mục tiêu đặt ra. Tiêu chí có các chỉ số đánh giá.
3. Chỉ số đánh giá là mức độ yêu cầu và điều kiện về một khía cạnh cụ thể của tiêu chí đánh giá.
Chương II
TIÊU CHÍ, CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG VỀ QUAN TRẮC
Điều 4. Tiêu chí đánh giá
1. Tiêu chí 1: Chức năng, nhiệm vụ hoặc đăng ký kinh doanh của tổ chức cung ứng dịch vụ.
2. Tiêu chí 2: Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động quan trắc.
3. Tiêu chí 3: Nhân lực phục vụ hoạt động quan trắc.
4. Tiêu chí 4: Thái độ phục vụ trong cung cấp dịch vụ quan trắc.
5. Tiêu chí 5: Tự kiểm tra, giám sát.
6. Tiêu chí 6: Lưu trữ thông tin.
7. Tiêu chí 7: Chấp hành quy định kỹ thuật.
8. Tiêu chí 8: Truyền tin.
9. Tiêu chí 9: Xử lý sự cố trong hoạt động quan trắc, truyền tin.
10. Tiêu chí 10: Sản phẩm quan trắc.
11. Tiêu chí 11: An toàn lao động.
Điều 5. Chỉ số và căn cứ đánh giá Tiêu chí 1
1. Chỉ số đánh giá:
a) Thành lập theo quy định của pháp luật, có chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức về quan trắc tài nguyên và môi trường;
b) Thời gian cung cấp dịch vụ quan trắc.
2. Căn cứ đánh giá:
a) Văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của đơn vị hoặc giấy phép, đăng ký kinh doanh;
b) Số năm kinh nghiệm cung ứng dịch vụ quan trắc.
Điều 6. Chỉ số và căn cứ đánh giá Tiêu chí 2
1. Chỉ số đánh giá:
a) Hệ thống máy móc, thiết bị, công trình đo phục vụ hoạt động quan trắc;
b) Nhà, công trình xây dựng, các thiết bị, phương tiện phụ trợ phục vụ hoạt động quan trắc.
2. Căn cứ đánh giá là thống kê tài sản hàng năm của tổ chức cung ứng dịch vụ.
Điều 7. Chỉ số và căn cứ đánh giá Tiêu chí 3
1. Chỉ số đánh giá:
a) Số lượng nhân lực trực tiếp thực hiện hoạt động quan trắc;
b) Chất lượng nhân lực trực tiếp thực hiện hoạt động quan trắc.
2. Căn cứ đánh giá là số liệu thống kê, hồ sơ nhân sự và hợp đồng lao động, hợp đồng thuê chuyên gia từ 03 tháng trở lên của tổ chức cung ứng dịch vụ.
Điều 8. Chỉ số và căn cứ đánh giá Tiêu chí 4
1. Chỉ số đánh giá:
a) Có kế hoạch và kịch bản ứng phó khi có yêu cầu đột xuất về quan trắc;
b) Mức độ sẵn sàng phục vụ theo yêu cầu đột xuất của cơ quan đặt hàng.
2. Căn cứ đánh giá:
a) Kế hoạch hoặc kịch bản của tổ chức cung ứng dịch vụ khí có yêu cầu đột xuất về quan trắc;
b) Số lần đáp ứng, mức độ sẵn sàng đáp ứng phục vụ theo yêu cầu đột xuất của cơ quan đặt hàng.
Điều 9. Chỉ số và căn cứ đánh giá Tiêu chí 5
1. Chỉ số đánh giá:
a) Việc thực hiện kế hoạch tự kiểm tra, giám sát hoạt động quan trắc của tổ chức cung ứng dịch vụ;
b) Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau khi tự kiểm tra, giám sát.
2. Căn cứ đánh giá:
a) Báo cáo về cung cấp hoạt động quan trắc;
b) Báo cáo, biên bản, văn bản liên quan đến thực hiện kết luận và kiến nghị của tổ chức cung ứng dịch vụ.
Điều 10. Chỉ số và căn cứ đánh giá Tiêu chí 6
1. Chỉ số đánh giá:
a) Thời gian, chủng loại, định dạng, mức độ đầy đủ của thông tin nộp lưu trữ;
b) Vật mạng tin đúng quy định (dạng giấy, dạng số);
c) Bảo đảm an toàn và bảo mật dữ liệu theo quy định.
2. Căn cứ đánh giá:
a) Các quy định kỹ thuật (quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định, quy trình); các quy định quản lý khác đã được công bố, ban hành liên quan đến lưu trữ thông tin quan trắc sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;
b) Biên bản bàn giao, nộp lưu trữ thông tin hoặc văn bản có giá trị tương đương xác minh việc nộp lưu trữ thông tin.
Điều 11. Chỉ số và căn cứ đánh giá Tiêu chí 7
1. Chỉ số đánh giá:
a) Tuân thủ quy định về hiệu chuẩn, kiểm tra, kiểm định đối với máy móc, thiết bị quan trắc, thiết bị phân tích, phòng thí nghiệm;
b) Chấp hành các quy định kỹ thuật hoạt động quan trắc trong điều kiện bình thường;
c) Chấp hành các quy định kỹ thuật hoạt động quan trắc trong điều kiện có các bất thường về thời tiết, điều kiện môi trường hoặc các nguyên nhân khách quan khác ảnh hưởng đến việc quan trắc.
2. Căn cứ đánh giá:
a) Các quy định kỹ thuật (quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định, quy trình) đã được công bố, ban hành và được phép sử dụng trong hoạt động quan trắc;
b) Báo cáo kiểm tra, giám sát hoạt động quan trắc của cơ quan có thẩm quyền (nếu có); biên bản, báo cáo kết quả hiệu chuẩn, kiểm tra, kiểm định đối với máy móc, thiết bị quan trắc.
Điều 12. Chỉ số và căn cứ đánh giá Tiêu chí 8
1. Chỉ số đánh giá:
a) Truyền tin theo thời gian thực, độ trễ không quá 30 giây. Bảo đảm truyền tin không gián đoạn trong mọi điều kiện thời tiết, môi trường;
b) Truyền tin định kỳ;
c) Mức độ chính xác của thông tin.
2. Căn cứ đánh giá:
a) Các quy định kỹ thuật về truyền tin trong hoạt động quan trắc;
b) Báo cáo, thống kê của đơn vị tiếp nhận thông tin được chỉ định và kiểm tra của cơ quan đặt hàng.
Điều 13. Chỉ số và căn cứ đánh giá Tiêu chí 9
1. Chỉ số đánh giá:
a) Thời gian xử lý sự cố làm gián đoạn việc quan trắc, thời gian xử lý, khắc phục gián đoạn (trừ trường hợp bất khả kháng);
b) Thời gian xử lý sự cố làm gián đoạn việc truyền tin, thời gian xử lý, khắc phục gián đoạn (trừ trường hợp bất khả kháng).
2. Căn cứ đánh giá:
a) Báo cáo, thống kê của tổ chức cung ứng dịch vụ quan trắc; đơn vị tiếp nhận thông tin quan trắc được chỉ định và kiểm tra của cơ quan đặt hàng;
b) Kế hoạch hoặc kịch bản ứng phó khi có sự cố xẩy ra.
Điều 14. Chỉ số và căn cứ đánh giá Tiêu chí 10
1. Chỉ số đánh giá:
a) Mức độ đáp ứng về số lượng theo đặt hàng, kế hoạch được giao;
b) Chất lượng được cơ quan chuyên môn đánh giá theo quy định và công nhận.
2. Căn cứ đánh giá là báo cáo, thống kê của tổ chức cung ứng dịch vụ quan trắc và các văn bản kiểm tra, nghiệm thu của cơ quan đặt hàng hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Điều 15. Các chỉ số và căn cứ đánh giá Tiêu chí 11
1. Chỉ số đánh giá:
a) Người lao động thực hiện công việc quan trắc được học tập an toàn lao động theo định kỳ, được trang bị các trang thiết bị bảo hộ lao động theo quy định;
b) Tỷ lệ an toàn lao động trong hoạt động quan trắc đạt 100% trong điều kiện bình thường; không có các tai nạn lao động nghiêm trọng trong vòng 03 năm kể từ thời điểm đánh giá.
2. Căn cứ đánh giá là báo cáo, thống kê của tổ chức cung ứng dịch vụ quan trắc và các văn bản kiểm tra, nghiệm thu của cơ quan đặt hàng hoặc cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Điều 16. Đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công quan trắc tài nguyên và môi trường
1. Việc đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công về quan trắc tài nguyên và môi trường theo phương thức chấm điểm. Thang điểm đánh giá là 100. Thang điểm đánh giá được xác định cụ thể đối với từng tiêu chí, chỉ số và thể hiện chi tiết tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Chất lượng dịch vụ sự nghiệp công được đánh giá theo 04 mức:
a) Tốt khi tổng điểm từ 80 điểm trở lên, trong đó tổng số điểm của từng tiêu chí phải lớn hơn 70% số điểm tối đa của tiêu chí;
b) Khá khi tổng điểm từ 60 điểm đến dưới 80 điểm, trong đó tổng số điểm của từng tiêu chí phải lớn hơn 60% số điểm tối đa của tiêu chí;
c) Đạt khi tổng số điểm từ 50 điểm đến dưới 60 điểm, trong đó tổng số điểm của các tiêu chí tại Điều 8 và Điều 14 phải lớn hơn 50% số điểm tối đa của tiêu chí;
d) Không đạt khi tổng số điểm nhỏ hơn 50 điểm.
…………..
Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 28/2017/TT-BTNMT Quy định về đánh giá chất lượng dịch vụ quan trắc TNMT của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.