Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chi tiết một số nội dung về bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, có một số nội dung đáng chú ý như sau:
– Trường hợp người lao động (NLĐ) tham gia nhiều HĐLĐ, khi HĐLĐ đầu tiên hết hiệu lực thì trong vòng 30 ngày kể từ ngày hết hạn, Người sử dụng lao động (NSDLĐ) thuộc đối tượng tham gia BHTN kế tiếp phải nộp hồ sơ tham gia BHTN.
– NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được xác định là từ chối nhận việc làm mà không có lý do chính đáng khi thuộc một trong các trường hợp sau:
+ NLĐ được trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) giới thiệu việc làm phù hợp với ngành nghề, trình độ được đào tạo mà NLĐ đã ghi theo Mẫu số 01 nhưng không đến tham gia dự tuyển lao động.
+ NLĐ được TTDVVL giới thiệu việc làm mà NLĐ đó đã từng làm nhưng không đến tham gia dự tuyển lao động.
Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH – Hướng dẫn mới nhất về bảo hiểm thất nghiệp
BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28/2015/TT-BLĐTBXH |
Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2015 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN ĐIỀU 52 CỦA LUẬT VIỆC LÀM VÀ MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 28/2015/NĐ-CP NGÀY 12 THÁNG 3 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT VIỆC LÀM VỀ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
Căn cứ Luật Việc làm ngày 16 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Việc làm,
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng của Thông tư này là đối tượng áp dụng quy định tại Điều 2 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (sau đây được viết tắt là Nghị định số 28/2015/NĐ-CP).
Chương II
THAM GIA VÀ ĐÓNG BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
Điều 3. Tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP
1. Người sử dụng lao động phải lập và nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cho tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc của người lao động thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực.
2. Trường hợp người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động đều thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động có hiệu lực đầu tiên thì khi chấm dứt hoặc thay đổi hợp đồng lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp dẫn đến người lao động không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp của hợp đồng lao động kế tiếp theo quy định của pháp luật lao động phải lập và nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cho tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người lao động chấm dứt hoặc thay đổi hợp đồng lao động nêu trên. Hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động trong trường hợp nêu trên nộp cùng với hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động.
3. Trường hợp trước ngày 01/01/2015 người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng với người lao động và đang thực hiện hợp đồng lao động này, tính đến ngày 01/01/2015 thời hạn hợp đồng lao động nêu trên còn ít nhất 03 tháng trở lên thì người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động kể từ ngày 01/01/2015 trở đi.
Điều 4. Đóng bảo hiểm thất nghiệp
1. Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định mà mức tiền lương tháng của người lao động cao hơn hai mươi tháng lương tối thiểu vùng thì người sử dụng lao động và người lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức tiền lương bằng hai mươi tháng lương tối thiểu vùng từ ngày 01/01/2015 trở đi.
2. Trình tự, thủ tục đóng bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Chương III
HỖ TRỢ TƯ VẤN, GIỚI THIỆU VIỆC LÀM
Điều 5. Trình tự, thủ tục tư vấn, giới thiệu việc làm theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP
1. Người lao động ghi đầy đủ các thông tin cá nhân, nhu cầu tư vấn, nhu cầu giới thiệu việc làm vào phiếu tư vấn, giới thiệu việc làm theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này và nộp trực tiếp cho trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là trung tâm dịch vụ việc làm).
2. Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm tiếp nhận phiếu tư vấn, giới thiệu việc làm và căn cứ vào nhu cầu, khả năng của người lao động, nhu cầu tuyển lao động của người sử dụng lao động để kết nối việc làm phù hợp với người lao động.
3. Trung tâm dịch vụ việc làm gửi cho người lao động Phiếu giới thiệu việc làm theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này để người lao động tham gia dự tuyển lao động.
4. Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm theo dõi kết quả dự tuyển lao động để kịp thời hỗ trợ người lao động.
Điều 6. Từ chối nhận việc làm theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP
Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được xác định là từ chối nhận việc làm mà không có lý do chính đáng khi thuộc một trong các trường hợp sau:
1. Người lao động được trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu việc làm phù hợp với ngành nghề, trình độ được đào tạo mà người lao động đã ghi theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này nhưng không đến tham gia dự tuyển lao động.
2. Người lao động được trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu việc làm mà người lao động đó đã từng làm nhưng không đến tham gia dự tuyển lao động.
3. Người lao động đã tham gia dự tuyển lao động theo giới thiệu của trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và có thông báo trúng tuyển của người sử dụng lao động nhưng không nhận việc làm đã trúng tuyển, trừ trường hợp việc làm đó không đúng như thông báo tuyển lao động của người sử dụng lao động.
Chương IV
TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP
Điều 7. Người lao động không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp
Trong thời hạn 15 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu người lao động không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động phải trực tiếp nộp đề nghị không hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Mẫu số 08 ban hành kèm theo Thông tư này cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm gửi lại hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động vào ngày trả kết quả theo phiếu hẹn trả kết quả.
Điều 8. Mức hưởng và tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động được xác định như sau:
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng |
= |
Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp |
x |
60% |
a) Trường hợp những tháng cuối cùng trước khi thất nghiệp, người lao động có thời gian gián đoạn đóng bảo hiểm thất nghiệp thì 06 tháng liền kề để tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp là bình quân tiền lương của 06 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.
Ví dụ 1: Bà Nguyễn Thị A giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 24 tháng với trường tiểu học E với mức lương như sau: từ ngày 01/9/2013 đến ngày 31/8/2014 là 2.000.000 đồng/tháng, từ ngày 01/09/2014 đến 31/8/2015 là 4.000.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, từ ngày 01/1/2015 đến ngày 30/6/2015, bà A nghỉ hưởng chế độ thai sản. Sau đó, do điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bà không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động vì vậy bà A đã làm đơn xin nghỉ việc theo quy định của pháp luật lao động và ngày 01/7/2015 trường tiểu học E ban hành quyết định nghỉ việc cho bà A, quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký. Như vậy, mức tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của bà A là bình quân tiền lương của 06 tháng liền kề trước khi bà nghỉ việc mà có đóng bảo hiểm thất nghiệp (tháng 7, 8, 9, 10, 11, 12/2014). Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của bà A là (2.000.000 đồng x 2 tháng + 4.000.000 đồng x 4 tháng)/6 x 60% = 2.000.000 đồng/tháng.
Ví dụ 2: Ông Đào Văn B có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục 38 tháng (từ ngày 01/01/2012 đến ngày 28/02/2015), mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp 06 tháng cuối trước khi chấm dứt hợp đồng lao động (từ tháng 9/2014 đến tháng 2/2015) là 8.000.000 đồng/tháng, ông B được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian 03 tháng (thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông B tính từ ngày 05/4/2015 đến ngày 04/7/2015). Ngày 02/5/2015, ông B giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng với doanh nghiệp X (mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là 7.000.000 đồng/tháng) và thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định. Ông B bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp từ ngày 02/5/2015 và được bảo lưu 26 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Do ốm đau cần phải điều trị dài ngày nên ngày 28/7/2015 ông B thỏa thuận với doanh nghiệp X để chấm dứt hợp đồng lao động và nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp lần hai. Sáu tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp để làm căn cứ tính mức trợ cấp thất nghiệp của ông B là các tháng sau: tháng 12/2014 và tháng 01, 02, 5, 6, 7/2015. Như vậy, mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của ông B là (8.000.000 đồng x 3 tháng + 7.000.000 đồng x 3 tháng)/6 x 60% = 4.500.000 đồng/tháng.
b) Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
Ví dụ 3: Ngày 01/01/2015, ông Trịnh Xuân C giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng với doanh nghiệp F với mức lương là 70.000.000 đồng/tháng. Doanh nghiệp F hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I, áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ là 3.100.000 đồng/tháng. Do đó, mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của ông C là: 20 lần x 3.100.000 đồng = 62.000.000 đồng/tháng.
Ngày 28/9/2015, ông C thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp F và chuyển sang giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 03 tháng với doanh nghiệp G (từ ngày 01/10/2015 đến 31/12/2015) với mức lương là 80.000.000 đồng/tháng. Doanh nghiệp G có trụ sở chính hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV, áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ là 2.150.000 đồng/tháng nhưng ông C không làm việc tại trụ sở chính mà làm việc tại chi nhánh, chi nhánh này hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III, áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ là 2.400.000 đồng/tháng. Do đó, ông C tham gia và đóng bảo hiểm thất nghiệp tại tổ chức bảo hiểm xã hội nơi chi nhánh hoạt động với mức lương là: 20 lần x 2.400.000 đồng = 48.000.000 đồng/tháng.
Hết hạn hợp đồng lao động với doanh nghiệp G, ông C nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Như vậy, 60% mức tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề trước khi ông C chấm dứt hợp đồng lao động là: (62.000.000 đồng x 3 tháng + 48.000.000 đồng x 3 tháng)/6 x 60% = 33.000.000 đồng. Tuy nhiên, theo quy định thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông C tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm ông chấm dứt hợp đồng lao động. Do đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của ông C là 12.000.000 đồng/tháng (2.400.000 đồng x 5 lần = 12.000.000 đồng/tháng).
2. Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Khoản 4 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau:
Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo tháng dương lịch. Mỗi tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày người lao động bắt đầu hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Khoản 3 Điều 50 Luật Việc làm đến ngày đó của tháng sau trừ 01 ngày.
Ví dụ 4: Ông Cao Văn D được hưởng trợ cấp thất nghiệp 03 tháng, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông D tính từ ngày 11/3/2015 đến ngày 10/6/2015. Như vậy, tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông D được xác định như sau:
Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ nhất từ ngày 11/3/2015 đến hết ngày 10/4/2015;
Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ hai từ ngày 11/4/2015 đến hết ngày 10/5/2015;
Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ ba từ ngày 11/5/2015 đến hết ngày 10/6/2015.
3. Trình tự, thủ tục, hình thức chi trả trợ cấp thất nghiệp theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn mới nhất về bảo hiểm thất nghiệp của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.