Theo đó, tần suất thu gom chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế tối thiểu một lần một ngày. Đối với các cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 0,5 kg trong một ngày, chất thải lây nhiễm được thu gom với tần suất tối thiểu một lần một ngày, chất thải lây nhiễm sắc nhọn được thu gom tối thiểu là một lần một tháng. Vậy dưới đây là nội dung chi tiết Thông tư, mời các bạn cùng đón đọc tại đây.
BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/2021/TT-BYT |
Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2021 |
THÔNG TƯ 20/2021/TT-BYT
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ TRONG PHẠM VI KHUÔN VIÊN CƠ SỞ Y TẾ
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế;
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.
Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định chi tiết việc phân loại, thu gom, lưu giữ, quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.
2. Thông tư này không quy định về quản lý chất thải phóng xạ phát sinh từ hoạt động y tế. Việc quản lý chất thải phóng xạ phát sinh từ hoạt động y tế thực hiện theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với cơ sở y tế bao gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế dự phòng, cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, cơ sở nghiên cứu, xét nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, thử nghiệm y, dược và có phát sinh chất thải y tế; các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến quản lý chất thải y tế trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Chất thải y tế là chất thải phát sinh từ hoạt động của cơ sở y tế, bao gồm chất thải y tế nguy hại, chất thải rắn thông thường, khí thải, chất thải lỏng không nguy hại và nước thải y tế.
2. Chất thải lây nhiễm là chất thải thấm, dính, chứa máu của cơ thể hoặc chứa vi sinh vật gây bệnh.
3. Thu gom chất thải y tế là quá trình tập hợp chất thải y tế từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải y tế tạm thời hoặc về nơi xử lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.
Chương 2
PHÂN ĐỊNH, PHÂN LOẠI, THU GOM, LƯU GIỮ, GIẢM THIỂU, TÁI CHẾ, BÀN GIAO CHẤT THẢI Y TẾ
Điều 4. Phân định chất thải y tế
1. Chất thải y tế nguy hại bao gồm chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm.
2. Chất thải lây nhiễm bao gồm:
a) Chất thải lây nhiễm sắc nhọn bao gồm kim tiêm, bơm liền kim tiêm, đầu sắc nhọn của dây truyền, kim chọc dò, kim châm cứu, lưỡi dao mổ, đinh, cưa dùng trong phẫu thuật, các ống tiêm, mảnh thủy tinh vỡ, các vật sắc nhọn khác đã qua sử dụng thải bỏ có dính, chứa máu của cơ thể hoặc chứa vi sinh vật gây bệnh;
b) Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn bao gồm bông, băng, gạc, găng tay, các chất thải không sắc nhọn khác thấm, dính, chứa máu của cơ thể, chứa vi sinh vật gây bệnh; vỏ lọ vắc xin thuộc loại vắc xin bất hoạt hoặc giảm độc lực thải bỏ; chất thải lây nhiễm dạng lỏng (bao gồm dịch dẫn lưu sau phẫu thuật, thủ thuật y khoa, dịch thải bỏ chứa máu của cơ thể người hoặc chứa vi sinh vật gây bệnh);
c) Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao bao gồm mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm thải bỏ từ các phòng xét nghiệm tương đương an toàn sinh học cấp II trở lên; các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly, khu vực điều trị cách ly, khu vực lấy mẫu xét nghiệm người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A, nhóm B;
d) Chất thải giải phẫu bao gồm mô, bộ phận cơ thể người thải bỏ, xác động vật thí nghiệm;
3. Chất thải nguy hại không lây nhiễm bao gồm:
a) Hóa chất thải bỏ có thành phần, tính chất nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc có cảnh báo nguy hại trên bao bì từ nhà sản xuất;
b) Dược phẩm thải bỏ thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc có cảnh báo nguy hại trên bao bì từ nhà sản xuất;
c) Vỏ chai, lọ đựng thuốc hoặc hoá chất, các dụng cụ dính thuốc hoặc hoá chất thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc có cảnh báo nguy hại trên bao bì từ nhà sản xuất;
d) Thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng thải bỏ có chứa thủy ngân, cadimi (Cd); pin, ắc quy thải bỏ; vật liệu tráng chì sử dụng trong ngăn tia xạ thải bỏ;
đ) Dung dịch rửa phim X- Quang, nước thải từ thiết bị xét nghiệm, phân tích và các dung dịch thải bỏ có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại;
e) Chất thải y tế khác có thành phần, tính chất nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất.
4. Chất thải rắn thông thường bao gồm:
a) Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, học viên, khách đến làm việc và các chất thải ngoại cảnh trong cơ sở y tế (trừ chất thải sinh hoạt phát sinh từ khu vực cách ly, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm);
b) Hóa chất thải bỏ không có thành phần, tính chất nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại;
c) Vỏ chai, lọ đựng thuốc hoặc hoá chất, dụng cụ dính thuốc hoặc hoá chất không thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc không có cảnh báo nguy hại trên bao bì từ nhà sản xuất;
d) Vỏ lọ vắc xin thải bỏ không thuộc loại vắc xin bất hoạt hoặc giảm độc lực;
đ) Chất thải sắc nhọn không lây nhiễm, không có thành phần, tính chất nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại;
e) Chất thải lây nhiễm sau khi đã xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;
g) Bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải không có thành phần, tính chất nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại; tro, xỉ từ lò đốt chất thải rắn y tế không có thành phần, tính chất nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại;
h) Chất thải rắn thông thường khác;
i) Danh mục chất thải rắn thông thường được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
5. Khí thải bao gồm khí thải phát sinh từ phòng xét nghiệm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền qua đường không khí; khí thải từ phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III trở lên.
6. Chất thải lỏng không nguy hại bao gồm dung dịch thuốc, hoá chất thải bỏ không thuộc nhóm gây độc tế bào, không có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất, không chứa yếu tố nguy hại vượt ngưỡng, không chứa vi sinh vật gây bệnh.
7. Nước thải y tế gồm nước thải phát sinh từ hoạt động chuyên môn trong cơ sở y tế. Trường hợp nước thải sinh hoạt thải chung vào hệ thống thu gom nước thải y tế thì được quản lý như nước thải y tế.
Điều 5. Bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế
1. Bao bì (túi), dụng cụ (thùng, hộp, can), thiết bị lưu chứa chất thải y tế phải bảo đảm lưu chứa an toàn chất thải, có khả năng chống thấm, chống rò rỉ và có kích thước phù hợp với lượng chất thải lưu chứa. Trên bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải phải có tên loại chất thải lưu chứa và biểu tượng theo quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Màu sắc của bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế theo quy định tại các khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 6 Thông tư này.
3. Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải phải có nắp đóng, mở thuận tiện trong quá trình sử dụng, có thể tái sử dụng sau khi đã được làm sạch và khử khuẩn.
4. Dụng cụ đựng chất thải sắc nhọn phải có thành, đáy cứng, kháng thủng, miệng thùng, dụng cụ được thiết kế an toàn tránh tràn đổ, rơi vãi chất thải ra bên ngoài.
5. Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải lây nhiễm phải có nắp đậy kín và chống được sự xâm nhập của các loài động vật.
6. Dụng cụ, thiết bị lưu chứa hóa chất thải phải được làm bằng vật liệu không có phản ứng với chất thải lưu chứa và có khả năng chống được sự ăn mòn nếu lưu chứa chất thải có tính ăn mòn.
7. Dụng cụ lưu chứa chất thải nguy hại dạng lỏng phải có nắp đậy kín chống bay hơi, tràn đổ.
8. Bao bì, dụng cụ đựng chất thải y tế xử lý bằng phương pháp đốt thì không sử dụng vật liệu làm bằng nhựa PVC.
Điều 6. Phân loại chất thải y tế
1. Nguyên tắc phân loại chất thải y tế:
a) Chất thải y tế phải phân loại để quản lý ngay tại nơi phát sinh và tai thời điểm phát sinh;
b) Từng loại chất thải y tế phải phân loại riêng vào trong bao bì, dụng cụ thiết bị lưu chứa chất thải theo quy định tại Điều 5 Thông tư này. Trường hợp các chất thải y tế nguy hại không có khả năng phản ứng, tương tác với nhau và áp dụng cùng một phương pháp xử lý có thể được phân loại chung vào cùng một bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa (trừ chất thải lây nhiễm sắc nhọn);
c) Trường hợp chất thải lây nhiễm để lẫn với chất thải khác thì hỗn hợp chất thải đó phải thu gom, lưu giữ và xử lý như chất thải lây nhiễm và tiếp tục thực hiện quản lý theo tính chất của chất thải sau xử lý.
2. Vị trí đặt bao bì, dụng cụ phân loại chất thải:
a) Tại khoa, phòng, bộ phận: bố trí vị trí phù hợp, an toàn để đặt bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa để phân loại chất thải y tế;
b) Tại vị trí đặt bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa phải có hướng dẫn cách phân loại và thu gom chất thải.
3. Phân loại chất thải lây nhiễm:
a) Chất thải lây nhiễm sắc nhọn: bỏ vào trong thùng hoặc hộp kháng thủng và có màu vàng;
b) Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn: bỏ vào trong thùng có lót túi và có màu vàng;
c) Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao: bỏ vào trong thùng có lót túi và có màu vàng;
d) Chất thải giải phẫu: bỏ vào trong 2 lần túi hoặc trong thùng có lót túi và có màu vàng;
đ) Chất thải lây nhiễm dạng lỏng: chứa trong túi kín hoặc dụng cụ lưu chứa chất lỏng và có nắp đậy kín.
4. Phân loại chất thải nguy hại không lây nhiễm:
a) Chất thải nguy hại phải được phân loại theo mã chất thải nguy hại để lưu giữ trong các bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa phù hợp. Được sử dụng chung bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa đối với các chất thải nguy hại có cùng tính chất, không có khả năng gây phản ứng, tương tác lẫn nhau và có khả năng xử lý bằng cùng một phương pháp;
b) Chất thải nguy hại không lây nhiễm ở dạng rắn: đựng trong túi hoặc thùng hoặc thùng có lót túi và có màu đen;
c) Chất thải nguy hại không lây nhiễm dạng lỏng: chứa trong dụng cụ lưu chứa chất lỏng có nắp đậy kín, có mã, tên loại chất thải lưu chứa.
5. Phân loại chất thải rắn thông thường:
a) Chất thải rắn thông thường không sử dụng để tái chế: đựng trong túi hoặc thùng hoặc thùng có lót túi và có màu xanh. Chất thải sắc nhọn đựng trong dụng cụ kháng thủng;
b) Chất thải rắn thông thường sử dụng để tái chế: đựng trong túi hoặc thùng hoặc thùng có lót túi và có màu trắng.
6. Phân loại chất thải lỏng không nguy hại: chứa trong dụng cụ đựng chất thải lỏng có nắp đậy kín, có tên loại chất thải lưu chứa.
Điều 7. Thu gom chất thải y tế
1. Thu gom chất thải lây nhiễm:
a) Cơ sở y tế quy định luồng đi và thời điểm thu gom chất thải lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực khác trong cơ sở y tế;
b) Dụng cụ thu gom chất thải phải bảo đảm kín, không rò rỉ dịch thải trong quá trình thu gom;
c) Chất thải lây nhiễm phải thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải tạm thời trong cơ sở y tế. Trước khi thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín miệng, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy kín;
d) Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải xử lý sơ bộ ở gần nơi phát sinh chất thải để loại bỏ mầm bệnh bằng thiết bị khử khuẩn. Đối với cơ sở y tế không có thiết bị khử khuẩn chất thải, trước khi thu gom túi đựng chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải buộc kín miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ 2, buộc kín miệng túi và bỏ vào thùng thu gom chất thải lây nhiễm, bên ngoài thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ LÂY NHIỄM CAO”, được thu gom, lưu giữ riêng tại khu lưu giữ chất thải lây nhiễm để xử lý hoặc chuyển cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định;
đ) Chất thải lây nhiễm dạng lỏng thu gom vào hệ thống thu gom nước thải y tế của cơ sở y tế và quản lý theo quy định về quản lý nước thải y tế;
e) Tần suất thu gom chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế tối thiểu một lần một ngày. Đối với các cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 05 kg trong một ngày, chất thải lây nhiễm được thu gom với tần suất tối thiểu một lần một ngày, chất thải lây nhiễm sắc nhọn được thu gom tối thiểu là một lần một tháng.
2. Thu gom chất thải nguy hại không lây nhiễm:
a) Chất thải nguy hại không lây nhiễm được thu gom, lưu giữ riêng tại khu lưu giữ chất thải trong cơ sở y tế;
b) Thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng thải bỏ có chứa thủy ngân được thu gom và lưu giữ riêng trong các hộp bằng nhựa hoặc các vật liệu phù hợp, bảo đảm không bị rò rỉ, phát tán hơi thủy ngân ra môi trường.
3. Thu gom chất thải rắn thông thường: chất thải rắn thông thường sử dụng để tái chế và chất thải rắn thông thường không sử dụng để tái chế được thu gom riêng.
4. Thu gom chất thải lỏng không nguy hại: chất thải lỏng không nguy hại được thu gom vào hệ thống thu gom nước thải của cơ sở y tế và quản lý theo quy định về quản lý nước thải y tế.
5. Khí thải phải được xử lý, loại bỏ các vi sinh vật gây bệnh trước khi xả ra môi trường xung quanh.
6. Thu gom nước thải:
a) Hệ thống thu gom nước thải phải là hệ thống kín và bảo đảm thu gom toàn bộ lượng nước thải phát sinh trong cơ sở y tế;
b) Nước thải y tế được thu gom và xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý nước thải.
Điều 8. Lưu giữ chất thải y tế
1. Cơ sở y tế bố trí khu vực lưu giữ chất thải y tế trong khuôn viên cơ sở y tế đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Bệnh viện và cơ sở y tế xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm phải có khu vực lưu giữ chất thải y tế đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Mục A Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Cơ sở y tế không thuộc đối tượng quy định tại Điểm a Khoản này lưu giữ chất thải y tế đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Mục B Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Từng loại chất thải phải được lưu giữ riêng tại khu vực lưu giữ chất thải tạm thời trong khuôn viên cơ sở y tế, trừ trường hợp các loại chất thải này có cùng tính chất, không có khả năng gây phản ứng, tương tác lẫn nhau và có khả năng xử lý bằng cùng một phương pháp.
3. Thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm:
a) Đối với chất thải lây nhiễm phát sinh tại cơ sở y tế, thời gian lưu giữ không quá 02 ngày trong điều kiện bình thường. Trường hợp lưu giữ chất thải lây nhiễm trong thiết bị bảo quản lạnh ở nhiệt độ dưới 8°C, thời gian lưu giữ tối đa không quá 07 ngày;
b) Đối với chất thải lây nhiễm được vận chuyển từ cơ sở y tế khác về để xử lý theo mô hình cụm hoặc xử lý tập trung, phải xử lý ngay trong ngày. Trường hợp chưa xử lý ngay trong ngày, phải lưu giữ ở nhiệt độ dưới 20°C và thời gian lưu giữ tối đa không quá 02 ngày;
c) Đối với cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 05 kg/ngày, thời gian lưu giữ không quá 03 ngày trong điều kiện bình thường và phải được lưu giữ trong các bao bì được buộc kín hoặc thiết bị lưu chứa được đậy nắp kín.
4. Thời gian lưu giữ chất thải nguy hại không lây nhiễm: thời gian lưu giữ không quá 01 năm kể từ thời điểm phát sinh chất thải. Trường hợp lưu giữ quá 01 năm do chưa có phương án vận chuyển, xử lý hoặc chưa tìm được cơ sở xử lý chất thải nguy hại phù hợp thì cơ sở y tế phải báo cáo bằng văn bản riêng hoặc kết hợp trong báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế hằng năm của đơn vị cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 13 Thông tư này và cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.
5. Đối với các cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo khó khăn, không có biện pháp xử lý phù hợp thì chất thải lây nhiễm sắc nhọn được lưu giữ an toàn trong bể bê tông trong khuôn viên cơ sở y tế sau khi đã xử lý tiệt khuẩn chất thải và phải có biển cảnh báo tại khu vực lưu giữ chất thải.
Điều 9. Giảm thiểu chất thải y tế
Cơ sở y tế phải thực hiện các biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải y tế sau đây:
1. Mua sắm, lắp đặt, sử dụng vật tư, thiết bị, dụng cụ, thuốc, hóa chất và các nguyên, vật liệu phù hợp với nhu cầu sử dụng.
2. Đổi mới thiết bị, quy trình trong hoạt động chuyên môn y tế và các biện pháp khác để giảm thiểu phát sinh chất thải y tế.
3. Có biện pháp, lộ trình và thực hiện hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni lông khó phân hủy nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa.
4. Phân loại chất thải nhựa để tái chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Quản lý chất thải rắn thông thường sử dụng để tái chế
1. Trên cơ sở Danh mục chất thải rắn thông thường được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này, cơ sở y tế ban hành danh mục chất thải rắn thông thường được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế phù hợp với tình hình phát sinh chất thải của đơn vị.
2. Chất thải lây nhiễm sau khi xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường được quản lý như chất thải rắn thông thường và được phép thu gom để tái chế. Khi chuyển giao chất thải, cơ sở y tế phải bảo đảm bao bì lưu chứa chất thải được buộc kín, bên ngoài bao bì có biểu tượng chất thải tái chế theo quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này và ghi đầy đủ thông tin vào Sổ bàn giao chất thải đã khử khuẩn đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường phục vụ mục đích tái chế theo mẫu quy định tại Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Chất thải nhựa được phân loại, thu gom để phục vụ mục đích tái chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Quản lý, vận hành công trình, thiết bị, hệ thống xử lý chất thải y tế
1. Cơ sở y tế tự xử lý chất thải y tế hoặc xử lý theo mô hình cụm phải vận hành thường xuyên công trình, thiết bị, hệ thống xử lý chất thải y tế theo hướng dẫn của nhà sản xuất, bảo đảm xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường và tuân thủ các quy định của pháp luật về giám sát, quan trắc môi trường.
2. Công trình, thiết bị, hệ thống xử lý chất thải y tế phải được bảo trì, bảo dưỡng định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất và ghi đầy đủ thông tin vào Sổ nhật ký vận hành công trình, thiết bị, hệ thống xử lý chất thải y tế theo quy định tại Phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 12. Chuyển giao chất thải y tế
1. Cơ sở y tế không tự xử lý chất thải y tế phải thực hiện chuyển giao chất thải y tế theo các quy định sau đây:
a) Chất thải y tế nguy hại phải được chuyển giao cho đơn vị có giấy phép phù hợp theo quy định của pháp luật, số lượng chất thải sau mỗi lần chuyển giao phải được ghi đầy đủ trong sổ giao nhận chất thải theo mẫu quy định tại Phụ lục số 06 ban hành kèm theo Thông tư này và sử dụng chứng từ chất thải nguy hại theo quy định;
b) Chất thải rắn thông thường được chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để vận chuyển, xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Đơn vị nhận chuyển giao chất thải y tế phải thực hiện vận chuyển theo quy định, không làm thất thoát chất thải y tế ra bên ngoài. Chất thải y tế phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
4. Cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt; việc bàn giao chất thải y tế để xử lý theo mô hình cụm phải được ghi vào sổ giao nhận chất thải y tế nguy hại theo mẫu quy định tại Phụ lục số 06 ban hành kèm theo Thông tư này.
Chương 3
CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VÀ HỒ SƠ QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ
Điều 13. Chế độ báo cáo
1. Tần suất báo cáo: Báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế được lập 01 năm một lần, tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của năm thực hiện báo cáo.
2. Hình thức báo cáo: Báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế được gửi bằng văn bản giấy hoặc bản điện tử hoặc qua phần mềm báo cáo.
3. Nội dung và trình tự báo cáo:
a) Cơ sở y tế báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế của cơ sở theo mẫu quy định tại Mục A Phụ lục số 07 ban hành kèm theo Thông tư này, gửi về Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Sở Y tế) trên địa bàn hoặc Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế) đối với các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế trước ngày 16 tháng 12 của kỳ báo cáo;
b) Sở Y tế tổng hợp, báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế trên địa bàn theo mẫu quy định tại Mục B Phụ lục số 07 ban hành kèm theo Thông tư này, gửi về Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế) trước ngày 20 tháng 12 của kỳ báo cáo.
Điều 14. Hồ sơ quản lý chất thải y tế
Cơ sở y tế phải lưu giữ tại cơ sở các hồ sơ sau đây:
1. Giấy phép môi trường và các văn bản, hồ sơ, tài liệu có liên quan về môi trường theo quy định (đối với cơ sở y tế thuộc đối tượng phải xin cấp giấy phép môi trường).
2. Sổ giao nhận chất thải y tế; chứng từ chất thải nguy hại (nếu có).
3. Sổ nhật ký vận hành công trình, thiết bị, hệ thống xử lý chất thải y tế (đối với cơ sở y tế tự xử lý chất thải).
4. Các biên bản thanh tra, kiểm tra liên quan (nếu có).
5. Báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế định kỳ hằng năm; báo cáo kết quả quan trắc chất thải định kỳ (nếu có).
6. Các tài liệu liên quan khác.
Chương 4
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Trách nhiệm thi hành
1. Trách nhiệm của Cục Quản lý môi trường y tế
a) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Thông tư này;
b) Ban hành các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế;
c) Đào tạo, tập huấn, phổ biến, truyền thông các quy định về quản lý chất thải y tế cho Sở Y tế, các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý.
2. Trách nhiệm của Sở Y tế
a) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Thông tư này trên địa bàn quản lý;
b) Tổ chức tập huấn, phổ biến, truyền thông các quy định về quản lý chất thải y tế của Thông tư này cho các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý;
c) Chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc lập kế hoạch quản lý chất thải y tế;
d) Phối hợp với Sở Tài chính đề xuất phân bổ kinh phí đầu tư, nâng cấp, vận hành công trình, thiết bị, hệ thống xử lý chất thải y tế đối với các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý;
đ) Báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế theo quy định tại Điều 13 Thông tư này.
3. Trách nhiệm của cơ sở y tế
a) Thực hiện quản lý chất thải y tế theo quy định tại Thông tư này và các văn bản pháp luật khác có liên quan;
b) Phân công lãnh đạo cơ sở y tế phụ trách về công tác quản lý chất thải y tế; bố trí cán bộ chuyên trách về công tác quản lý chất thải y tế; giao nhiệm vụ cho khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn hoặc khoa, phòng, bộ phận phụ trách về công tác quản lý chất thải y tế; bố trí người của cơ sở y tế hoặc phối hợp với đơn vị bên ngoài để thực hiện việc vận hành công trình, thiết bị, hệ thống xử lý chất thải y tế phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ (đối với cơ sở y tế tự xử lý chất thải);
c) Xây dựng kế hoạch quản lý chất thải y tế hoặc tích hợp trong kế hoạch hoạt động chung hằng năm của cơ sở y tế; bố trí kinh phí để thực hiện việc quản lý chất thải y tế;
d) Thực hiện việc xác định các loại chất thải phát sinh từ hoạt động của cơ sở y tế để áp dụng biện pháp quản lý phù hợp theo quy định của Thông tư này;
đ) Thực hiện yêu cầu về kế hoạch, biện pháp, trang thiết bị phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường do chất thải theo quy định của pháp luật (trong đó bao gồm cả phương án xử lý trong trường hợp lượng chất thải y tế nguy hại gia tăng bất thường do dịch bệnh hoặc lý do bất khả kháng);
e) Tổ chức đào tạo, tập huấn, truyền thông, phổ biến cho viên chức người lao động và các đối tượng có liên quan các quy định về quản lý chất thải y tế;
g) Báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế theo quy định tại Điều 13 Thông tư này.
Điều 16. Điều khoản thi hành
1. Hiệu lực thi hành
a) Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 01 năm 2022;
b) Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
2. Tổ chức thực hiện
a) Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, Chánh Thanh tra Bộ Y tế, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này;
b) Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế) để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: – Ủy ban Xã hội của Quốc hội (để giám sát); |
KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC SỐ 01
DANH MỤC CHẤT THẢI RẮN THÔNG THƯỜNG ĐƯỢC PHÉP THU GOM PHỤC VỤ MỤC ĐÍCH TÁI CHẾ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
TT |
Loại chất thải |
Yêu cầu |
I |
Chất thải là vật liệu giấy |
|
1 |
Giấy, báo, bìa, thùng các-tông, vỏ hộp thuốc và các vật liệu giấy |
Không thấm, dính, chứa máu của cơ thể, vi sinh vật gây bệnh hoặc không có yếu tố nguy hại khác vượt ngưỡng chất thải nguy hại |
II |
Chất thải là vật liệu nhựa |
|
1 |
Các chai nhựa đựng thuốc, hóa chất không thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc không có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất. |
Không thấm, dính, chứa máu của cơ thể, không chứa vi sinh vật gây bệnh |
2 |
Các chai nước giải khát bằng nhựa và các sản phẩm bằng nhựa khác sử dụng trong hoạt động sinh hoạt thường ngày |
Không thải ra từ khu vực cách ly, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A, nhóm B |
3 |
Các chai dịch truyền nhựa, dây truyền dịch, bơm tiêm nhựa (không bao gồm đầu sắc nhọn), vật liệu nhựa khác |
Không thấm, dính, chứa máu của cơ thể, không chứa vi sinh vật gây bệnh, không chứa yếu tố nguy hại |
4 |
Các chai dịch truyền nhựa, dây truyền dịch, bơm tiêm nhựa (không bao gồm đầu sắc nhọn), vật liệu nhựa khác đã xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường |
Không chứa yếu tố nguy hại |
III |
Chất thải là vật liệu kim loại |
|
1 |
Các chai, lon nước giải khát và các vật liệu kim loại khác sử dụng trong hoạt động sinh hoạt thường ngày |
Không thải ra từ khu vực cách ly, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A, nhóm B |
IV |
Chất thải là vật liệu thủy tinh |
|
Các vỏ chai, lọ, lọ thuốc thủy tinh thải bỏ |
Không dính, chứa các loại thuốc, hóa chất thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất; không thấm, dính, chứa máu của cơ thể, không chứa vi sinh vật gây bệnh |
……………..
Mời các bạn tải File về để xem thêm nội dung Thông tư
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 20/2021/TT-BYT Hướng dẫn phân định chất thải y tế nguy hại của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.