Từ ngày 01/01/2019, Thông tư 20/2018/TT-BLĐTBXH do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành ngày 26/11/2018 chính thức có hiệu lực. Thông tư hướng dẫn cơ chế phối hợp trong việc thực hiện thanh tra chuyên ngành lao động, an toàn, vệ sinh lao động vào ban đêm, ngoài giờ hành chính.
Thông đó, thông tư quy định trình tự phối hợp giữa các cơ quan như sau:
- Trong tối đa 04 giờ từ khi có cơ sở cho rằng có hành vi vụ xâm phạm quyền của người lao động tại nơi làm việc vào ban đêm, ngoài giờ hành chính, Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH… thông báo bằng email, điện thoại đến công an và chính quyền địa phương để xác nhận việc tham gia đoàn thanh tra;
- Trong tối đa 04 giờ kể từ khi thông báo cho các cơ quan chức năng về việc thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH ra Quyết định thanh tra;
- Tối đa 12 giờ kể từ khi ký Quyết định thanh tra đột xuất, Trưởng đoàn thanh tra phải công bố Quyết định thanh tra, đồng thời triển khai thanh tra tại nơi xảy ra vi phạm.
BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/2018/TT-BLĐTBXH |
Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2018 |
THÔNG TƯ 20/2018/TT-BLĐTBXH
HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ PHỐI HỢP TRONG VIỆC THỰC HIỆN THANH TRA CHUYÊN NGÀNH LAO ĐỘNG, AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG VÀO BAN ĐÊM, NGOÀI GIỜ HÀNH CHÍNH
Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 110/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Lao động – Thương binh và Xã hội;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra;
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế phối hợp trong việc thực hiện thanh tra chuyên ngành lao động, an toàn, vệ sinh lao động vào ban đêm, ngoài giờ hành chính.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về việc phối hợp giữa cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan chức năng có liên quan trong thanh tra chuyên ngành về lao động, an toàn, vệ sinh lao động vào ban đêm, ngoài giờ hành chính.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Chính quyền địa phương và cơ quan công an gồm:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã;
b) Cơ quan công an cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
3. Các cơ quan chức năng gồm:
a) Các Bộ, ngành ở Trung ương;
b) Các Sở, Ban, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
c) Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, Liên đoàn Lao động cấp huyện;
d) Cơ quan, tổ chức sử dụng lao động và cá nhân có liên quan.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Thanh tra vào ban đêm: Là việc cơ quan thanh tra có thẩm quyền tiến hành thanh tra tại đơn vị sử dụng lao động vào giờ làm việc ban đêm theo quy định của Bộ luật Lao động.
2. Thanh tra ngoài giờ hành chính: Là việc cơ quan thanh tra có thẩm quyền tiến hành thanh tra tại đơn vị sử dụng lao động ngoài giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước (không bao gồm thanh tra vào ban đêm).
Điều 4. Mục đích phối hợp
1. Đảm bảo hiệu lực và hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành lao động, an toàn, vệ sinh lao động.
2. Đảm bảo hành vi vi phạm pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động phải được ngăn chặn và xử lý kịp thời.
3. Phát huy vai trò của các cơ quan, tổ chức trong việc phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
4. Đảm bảo thực thi pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động vào ban đêm, ngoài giờ hành chính.
Điều 5. Nguyên tắc phối hợp
1. Việc phối hợp được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan; tuân thủ pháp luật thanh tra, pháp luật lao động và pháp luật khác có liên quan.
2. Việc phối hợp phải đảm bảo các nguyên tắc hoạt động thanh tra; đúng thành phần, đúng trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư này.
Chương II
CƠ CHẾ PHỐI HỢP VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN
Điều 6. Cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở Trung ương với cơ quan chức năng ở Trung ương
1. Khi có căn cứ cho rằng thông tin tiếp nhận về vụ việc xâm phạm quyền của người lao động hoặc không bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc xảy ra vào ban đêm, ngoài giờ hành chính là có cơ sở và nếu để vụ việc tiếp diễn có thể ảnh hưởng đến quyền hoặc gây nguy hiểm đến tính mạng nhiều người lao động thì Chánh Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phải thông báo đến các cơ quan chức năng có liên quan ở Trung ương.
2. Cơ quan được thông báo cử cán bộ tham gia đoàn thanh tra và phối hợp giải quyết vụ việc.
3. Chánh Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định thanh tra theo thẩm quyền quy định tại Điều 15 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định thanh tra theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp Trung ương và địa phương
1. Khi có căn cứ cho rằng thông tin tiếp nhận về vụ việc xâm phạm quyền của người lao động hoặc không bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc xảy ra vào ban đêm, ngoài giờ hành chính là có cơ sở và nếu để vụ việc tiếp diễn có thể ảnh hưởng đến quyền hoặc gây nguy hiểm đến tính mạng nhiều người lao động mà không cần thiết phải thành lập đoàn thanh tra cấp Trung ương thì Chánh Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thông báo kịp thời bằng văn bản hoặc qua điện thoại, thư điện tử, fax đến Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi xảy ra vụ việc để thực hiện thanh tra.
2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiến hành các hoạt động phối hợp theo quy định tại Điều 8 Thông tư này và tiến hành thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra.
Điều 8. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tại địa phương
1. Khi có căn cứ cho rằng thông tin tiếp nhận về vụ việc xâm phạm quyền của người lao động hoặc không bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc xảy ra vào ban đêm, ngoài giờ hành chính là có cơ sở và nếu để vụ việc tiếp diễn có thể ảnh hưởng đến quyền hoặc gây nguy hiểm đến tính mạng người lao động hoặc khi nhận được chỉ đạo của Chánh Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì bằng cách nhanh nhất, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phải thông báo đến các cơ quan chức năng có liên quan ở địa phương, cơ quan công an và chính quyền địa phương (nếu cần thiết) trên địa bàn tỉnh.
2. Cơ quan được thông báo cử cán bộ tham gia đoàn thanh tra và phối hợp giải quyết vụ việc.
3. Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi xảy ra vụ việc ban hành Quyết định thanh tra theo thẩm quyền quy định tại Điều 15 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quyết định thanh tra theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Trách nhiệm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
1. Tổ chức tiếp nhận và xử lý thông tin các vụ việc xâm phạm quyền của người lao động hoặc không bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
2. Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh thực hiện các cuộc thanh tra chuyên ngành lao động, an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng xảy ra tại địa phương.
3. Chủ trì và phối hợp với các cơ quan có liên quan, cơ quan công an và chính quyền địa phương (nếu cần thiết) để thực hiện các cuộc thanh tra chuyên ngành lao động, an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.
4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng và ban hành quy chế phối hợp trong công tác thanh tra chuyên ngành lao động, an toàn, vệ sinh lao động vào ban đêm, ngoài giờ hành chính cấp trung ương.
Điều 10. Trách nhiệm của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
Tổ chức tiếp nhận và xử lý thông tin các vụ việc xâm phạm quyền của người lao động hoặc không bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
1. Báo cáo và đề xuất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quyết định thanh tra đối với các vụ việc cần thiết.
2. Chủ trì và phối hợp với các cơ quan có liên quan, cơ quan công an và chính quyền địa phương (nếu thấy cần thiết) để thực hiện các cuộc thanh tra chuyên ngành lao động, an toàn, vệ sinh lao động xảy ra trên địa bàn.
3. Báo cáo kết quả thanh tra hoặc gửi kết luận thanh tra ngay sau khi có kết quả thanh tra từng vụ việc tới Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan công an và chính quyền địa phương xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan tại địa phương trong công tác thanh tra chuyên ngành về lao động, an toàn, vệ sinh lao động khi thanh tra vào ban đêm, ngoài giờ hành chính, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
Điều 11. Trách nhiệm của cơ quan chức năng có liên quan ở Trung ương
1. Cử cán bộ tham gia đoàn thanh tra và phối hợp giải quyết vụ việc; thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật để bảo đảm quyền và tính mạng của người lao động.
2. Cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan tới các vụ xâm phạm quyền của người lao động hoặc không bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc (nếu có) với cơ quan quản lý nhà nước về lao động các cấp để kịp thời xử lý.
3. Giao nhiệm vụ cho đơn vị trực thuộc làm đầu mối phối hợp theo quy định tại Thông tư này đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở Trung ương.
4. Tham gia xây dựng quy chế phối hợp trong công tác thanh tra chuyên ngành về lao động, an toàn, vệ sinh lao động vào ban đêm, ngoài giờ hành chính.
Điều 12. Trách nhiệm của cơ quan chức năng có liên quan, cơ quan công an và chính quyền địa phương
1. Cử cán bộ tham gia đoàn thanh tra và phối hợp giải quyết vụ việc; thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật để bảo đảm quyền và tính mạng của người lao động.
2. Cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan tới các vụ xâm phạm quyền của người lao động hoặc không bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc (nếu có) với cơ quan quản lý nhà nước về lao động các cấp để kịp thời xử lý.
3. Giao nhiệm vụ cho đơn vị trực thuộc làm đầu mối phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh tại địa phương theo quy định tại Thông tư này.
4. Tham gia xây dựng quy chế phối hợp trong công tác thanh tra chuyên ngành về lao động, an toàn, vệ sinh lao động khi thanh tra vào ban đêm, ngoài giờ hành chính.
Điều 13. Trình tự, thủ tục phối hợp giữa các cơ quan
1. Trong thời gian tối đa 04 giờ kể từ khi có cơ sở cho rằng thông tin, tài liệu có liên quan tới các vụ xâm phạm quyền của người lao động hoặc không bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc xảy ra vào ban đêm, ngoài giờ hành chính, Chánh Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi xảy ra vụ việc thông báo bằng một trong các hình thức email, điện thoại, fax đến đơn vị làm đầu mối tại các cơ quan chức năng có liên quan, cơ quan công an và chính quyền địa phương (nếu cần thiết) để xác nhận việc tham gia đoàn thanh tra.
2. Trong thời gian tối đa 04 giờ kể từ khi thông báo cho các các cơ quan chức năng có liên quan, cơ quan công an và chính quyền địa phương có liên quan biết có hành vi vi phạm pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động xảy ra trên địa bàn và đề nghị cử người tham gia đoàn thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi xảy ra vụ việc ban hành Quyết định thanh tra.
3. Trong thời gian tối đa 12 giờ kể từ khi ký Quyết định thanh tra đột xuất, Trưởng đoàn thanh tra phải công bố Quyết định thanh tra, đồng thời triển khai thanh tra tại nơi xảy ra vi phạm.
4. Thực hiện hoặc kiến nghị thực hiện các biện pháp xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Chương III
KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG PHỐI HỢP VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Kinh phí
Cơ quan quản lý nhà nước về lao động đảm bảo kinh phí cho việc thực hiện các cuộc thanh tra vào ban đêm, ngoài giờ hành chính, gồm chi phí phương tiện đi lại, tiền làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm và các khoản chi phí khác theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan cử người tham gia đoàn thanh tra đảm bảo kinh phí cho cán bộ được cử theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Điều khoản thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để nghiên cứu giải quyết theo thẩm quyền./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 20/2018/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn trình tự thanh tra lao động đột xuất của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.