Bạn đang xem bài viết ✅ Thông tư 18/2019/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn thực hiện tiền lương, tiền hỗ trợ đối với vận động viên ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Từ ngày 23/12/2019, Thông tư 18/2019/TT-BLĐTBXH do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành ngày 08/11/2019 chính thức có hiệu lực. Thông tư hướng dẫn thực hiện tiền lương, tiền hỗ trợ tập huấn, thi đấu, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ khi ốm đau, thai sản, bị tai nạn lao động đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu.

Theo đó, huấn luyện viên, vận động viên có số ngày tập trung thi đấu trong tháng vượt quá 26 ngày được hưởng thêm khoản tiền hỗ trợ cho những ngày thực tế tập huấn, thi đấu vượt quá 26 ngày trong tháng. Khoản hỗ trợ này được tính bằng 200% mức tiền lương, tiền hỗ trợ theo ngày, theo quy định của pháp luật.

BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 18/2019/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 08 tháng 11 năm 2019

THÔNG TƯ 18/2019/TT-BLĐTBXH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN TIỀN LƯƠNG, TIỀN HỖ TRỢ TẬP HUẤN, THI ĐẤU, BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP, BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP, CHẾ ĐỘ KHI ỐM ĐAU, THAI SẢN, BỊ TAI NẠN LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI HUẤN LUYỆN VIÊN, VẬN ĐỘNG VIÊN THỂ THAO TRONG THỜI GIAN TẬP TRUNG TẬP HUẤN, THI ĐẤU

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 152/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương;

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện tiền lương, tiền hỗ trợ tập huấn, thi đấu, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ khi ốm đau, thai sản, bị tai nạn lao động đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện về tiền lương, tiền hỗ trợ tập huấn, thi đấu, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ khi ốm đau, thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu theo quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 và Điều 6 Nghị định số 152/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu (sau đây gọi là Nghị định số 152/2018/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Huấn luyện viên, vận động viên quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 152/2018/NĐ-CP.

2. Cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 152/2018/NĐ-CP.

3. Cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 152/2018/NĐ-CP.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện các quy định tại Thông tư này.

Tham khảo thêm:   TOP app luyện đọc tiếng Anh cho trẻ em

Điều 3. Tiền lương, tiền hỗ trợ tập huấn, thi đấu

1. Đối với huấn luyện viên, vận động viên quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 152/2018/NĐ-CP đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hưởng tiền lương như sau:

a) Được hưởng nguyên tiền lương theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 152/2018/NĐ-CP.

b) Trường hợp huấn luyện viên, vận động viên có mức tiền lương ngày của tháng trước liền kề trước khi được triệu tập tập huấn, thi đấu thấp hơn mức tiền lương ngày tương ứng của huấn luyện viên, vận động viên quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 152/2018/NĐ-CP thì được hưởng khoản tiền bù chênh lệch giữa tiền lương ngày của tháng trước liền kề so với tiền lương ngày quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 152/2018/NĐ-CP nhân với số ngày thực tế tập huấn, thi đấu trong tháng.

c) Trường hợp huấn luyện viên, vận động viên có số ngày thực tế tập trung tập huấn, thi đấu trong tháng vượt quá 26 ngày thì được bù thêm số tiền bằng tiền lương quy định tại điểm a Khoản này chia cho 26 ngày nhân số ngày vượt.

d) Tiền lương trả cho huấn luyện viên, vận động viên trong tháng được xác định bằng tiền lương quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này cộng với khoản tiền bù chênh lệch (nếu có) quy định tại điểm b và điểm c Khoản này. Trường hợp số ngày thực tế tập trung tập huấn, thi đấu vượt quá 26 ngày thì được hưởng thêm tiền hỗ trợ quy định tại Khoản 3 Điều này.

Ví dụ 1: Huấn luyện viên Nguyễn Văn A của Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh T, từ ngày 01 tháng 11 năm 2019 được xếp lương ngạch huấn luyện viên, hệ số lương 3,66 với mức lương hiện hưởng là 5.453.400 đồng/tháng (3,66 x 1.490.000 đồng). Huấn luyện viên Nguyễn Văn A được triệu tập tập trung cho đội tuyển quốc gia tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, thời gian tập trung tập huấn, thi đấu là 03 tháng, kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2019. Số ngày tập huấn thực tế trong tháng 12 năm 2019 của huấn luyện viên Nguyễn Văn A là 27 ngày. Tiền lương của huấn luyện viên Nguyễn Văn A trong tháng 12 năm 2019 được xác định như sau:

Được hưởng nguyên tiền lương theo tháng do Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh T trả là 5.453.400 đồng.

Mức tiền lương ngày của huấn luyện viên Nguyễn Văn A tháng 11 năm 2019 là 209.746 đồng/ngày (5.453.400 đồng/26 ngày) thấp hơn mức tiền lương ngày của chức danh huấn luyện viên đội tuyển quốc gia quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 152/2018/NĐ-CP là 165.254 đồng (375.000 đồng – 209.746 đồng). Theo đó, huấn luyện viên Nguyễn Văn A được hưởng khoản tiền bù chênh lệch theo số ngày thực tế tập trung tập huấn, thi đấu trong tháng 12 năm 2019 là 4.461.858 đồng (165.254 đồng x 27 ngày).

Huấn luyện viên Nguyễn Văn A có 01 ngày thực tế tập trung tập huấn, thi đấu vượt 26 ngày, theo đó được hưởng bù thêm số tiền là 209.746 đồng (209.746 đồng x 01 ngày).

Tổng tiền lương tháng 12 năm 2019 của huấn luyện viên Nguyễn Văn A là 10.125.004 đồng (5A53.400 đồng + 4.461.858 đồng + 209.746 đồng). Ngoài ra, huấn luyện viên Nguyễn Văn A được hưởng thêm khoản tiền hỗ trợ nêu tại ví dụ 3 Khoản 3 Điều 3 Thông tư này.

2. Đối với huấn luyện viên, vận động viên quy định tại điểm b, điểm c và điểm d Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 152/2018/NĐ-CP được hưởng tiền lương hoặc tiền hỗ trợ tương ứng với từng chức danh theo số ngày thực tế tập trung tập huấn, thi đấu quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 152/2018/NĐ-CP.

Ví dụ 2: Vận động viên Trần Thị B được cơ quan có thẩm quyền triệu tập tập huấn, thi đấu cho đội tuyển trẻ của tỉnh trong thời gian 02 tháng, kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2019. Thời gian tập huấn, thi đấu thực tế trong tháng 12 năm 2019 của vận động viên Trần Thị B là 26 ngày. Tiền hỗ trợ của vận động viên Trần Thị B trong tháng 12 năm 2019 là 1.950.000 đồng (75.000 đồng/ngày x 26 ngày).

3. Huấn luyện viên, vận động viên quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này có số ngày tập trung tập huấn, thi đấu trong tháng vượt 26 ngày, thì ngoài tiền lương, tiền hỗ trợ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này còn được hưởng thêm khoản tiền hỗ trợ cho những ngày thực tế tập huấn, thi đấu vượt quá 26 ngày trong tháng. Khoản tiền hỗ trợ này bằng mức tiền lương hoặc tiền hỗ trợ theo ngày quy định tại Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 152/2018/NĐ-CP nhân với 200% và nhân với số ngày thực tế vượt quá 26 ngày.

Tham khảo thêm:   Quyết định 1205/QĐ-UBCK Sửa đổi Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán

Ví dụ 3: Trường hợp huấn luyện viên Nguyễn Văn A tại ví dụ 1 có số ngày tập trung tập huấn, thi đấu thực tế trong tháng 12 năm 2019 là 27 ngày (vượt 01 ngày). Theo đó, huấn luyện viên Nguyễn Văn A được hưởng thêm khoản tiền hỗ trợ là 750.000 đồng (375.000 đồng/ngày x 200% x 01 ngày).

Điều 4. Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Đối với huấn luyện viên, vận động viên quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 152/2018/NĐ-CP được cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 152/2018/NĐ-CP.

2. Đối với huấn luyện viên, vận động viên quy định tại điểm b, điểm c Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 152/2018/NĐ-CP trước khi được triệu tập tập huấn, thi đấu đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo hợp đồng lao động tại cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên thì việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

a) Cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với huấn luyện viên, vận động viên theo hợp đồng lao động tại cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu theo quy định của pháp luật.

b) Cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên có trách nhiệm thông báo cho cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên về số tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng đối với huấn luyện viên, vận động viên và số tiền đóng thuộc trách nhiệm của huấn luyện viên, vận động viên để cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên chuyển trả như sau:

Trường hợp thời gian tập trung tập huấn, thi đấu trong tháng ít hơn hoặc bằng 50% số ngày làm việc bình thường của tháng theo hợp đồng lao động thì mức chuyển trả của cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên tính bằng 50% số tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong tháng của cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên.

Trường hợp thời gian tập trung tập huấn, thi đấu trong tháng nhiều hơn 50% số ngày làm việc bình thường trong tháng theo hợp đồng lao động thì mức chuyển trả của cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên tính bằng số tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong một tháng của cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên.

c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên, cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên có trách nhiệm chuyển số tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thuộc trách nhiệm của mình; đồng thời trích từ tiền lương của huấn luyện viên, vận động viên số tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của huấn luyện viên, vận động viên để chuyển cho cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên.

d) Thời gian, hình thức chuyển số tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại điểm b, điểm c Khoản này do cơ quan quản lý và cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên thỏa thuận, nhưng phải bảo đảm việc tham gia đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm đối với vận động viên, huấn luyện viên theo quy định.

Tham khảo thêm:   Giáo án lớp 11 năm 2023 - 2024 (Sách mới) Kế hoạch bài dạy lớp 11 sách Cánh diều, KNTT, CTST

3. Đối với huấn luyện viên, vận động viên quy định tại điểm b, điểm c Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 152/2018/NĐ-CP trước khi được triệu tập tập huấn, thi đấu mà không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên có trách nhiệm giao kết hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho huấn luyện viên, vận động viên theo quy định của pháp luật.

4. Đối tượng vận động viên quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 152/2018/NĐ-CP thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 152/2018/NĐ-CP.

Điều 5. Chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu.

1. Huấn luyện viên, vận động viên ốm đau, thai sản trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu thì được hưởng các chế độ theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 152/2018/NĐ-CP.

2. Huấn luyện viên, vận động viên bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu thì được hưởng các chế độ như sau:

a) Được cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên thực hiện các chế độ theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm d và điểm đ Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 152/2018/NĐ-CP.

b) Được cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên trả đủ tiền lương, tiền hỗ trợ quy định tại Điều 3 Nghị định số 152/2018/NĐ-CP khi phải nghỉ tập huấn, thi đấu trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

Trường hợp hết thời gian tập huấn, thi đấu mà huấn luyện viên, vận động viên vẫn phải tiếp tục nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh trong thời gian tập huấn, thi đấu thì cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên tiếp tục trả đủ tiền lương, tiền hỗ trợ quy định tại Điều 3 Nghị định số 152/2018/NĐ-CP cho huấn luyện viên, vận động viên cho đến khi điều trị ổn định, nhưng tối đa không quá 6 tháng kể từ ngày xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Cách tính tiền lương, tiền hỗ trợ trả cho huấn luyện viên, vận động viên trong thời gian nghỉ điều trị phục hồi chức năng được thực hiện như trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu quy định tại Điều 3 Thông tư này.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23 tháng 12 năm 2019.

2. Các chế độ quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 24 tháng 12 năm 2018 (ngày Nghị định số 152/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành).

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để hướng dẫn bổ sung kịp thời./

Nơi nhận:
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

– Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Chính phủ,
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng Chính phủ;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp;
– Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;
– Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
– Sở LĐTBXH tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Công báo;
– Cổng TTĐT của Chính phủ;
– Cổng TTĐT của Bộ LĐTBXH;
– Lưu: VT, Cục QHLĐTL.

BỘ TRƯỞNG




Đào Ngọc Dung

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 18/2019/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn thực hiện tiền lương, tiền hỗ trợ đối với vận động viên của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *