Thông tư 18/2012/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 28 tháng 12 năm 2012 quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2012 |
THÔNG TƯ
Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
———————–
Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản ngày 19 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Di sản văn hóa;
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về điều kiện năng lực và điều kiện hành nghề của tổ chức, cá nhân tham gia lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi chung là quy hoạch di tích), dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi chung là dự án tu bổ di tích), báo cáo kinh tế – kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi chung là báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích), thiết kế bản vẽ thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi chung là thiết kế tu bổ di tích) và thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi chung là thi công tu bổ di tích); nội dung hồ sơ thiết kế tu bổ di tích, thẩm quyền thẩm định hồ sơ thiết kế tu bổ di tích; thi công tu bổ di tích.
2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài khi tiến hành lập quy hoạch di tích, dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích; thẩm định hồ sơ thiết kế tu bổ di tích; thi công tu bổ di tích trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hạ giải di tích là hoạt động tháo rời cấu kiện tạo thành kiến trúc của một di tích nhằm mục đích tu bổ di tích hoặc di chuyển cấu kiện đến một nơi khác để lắp dựng lại mà vẫn giữ gìn tối đa sự nguyên vẹn các cấu kiện đó.
2. Gia cố, gia cường di tích là biện pháp làm tăng sự bền vững và ổn định của di tích hoặc các bộ phận của di tích.
3. Phục chế di tích là hoạt động tạo ra sản phẩm mới theo nguyên mẫu về chất liệu, hình thức và kỹ thuật để thay thế thành phần bị hư hỏng, bị mất của di tích.
4. Tôn tạo di tích là hoạt động nhằm tăng cường khả năng sử dụng, khai thác và phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích.
5. Tu sửa cấp thiết di tích là hoạt động chống đỡ, gia cố, gia cường tạm thời hoặc sửa chữa nhỏ để kịp thời ngăn chặn di tích khỏi bị sập đổ, hủy hoại.
Điều 3. Nguyên tắc trong hoạt động thiết kế tu bổ di tích
1. Tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, về xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan.
2. Thiết kế tu bổ di tích được lập trên cơ sở kết quả khảo sát, tư liệu liên quan trực tiếp, gián tiếp đến di tích và phải tuân thủ nội dung dự án tu bổ di tích đã được phê duyệt.
3. Ưu tiên sử dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ truyền thống đã được sử dụng trong di tích. Trong trường hợp giải pháp kỹ thuật, công nghệ truyền thống không đáp ứng yêu cầu về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích thì được áp dụng giải pháp kỹ thuật, công nghệ hiện đại phù hợp, đã kiểm nghiệm trong thực tế và không làm ảnh hưởng đến đặc điểm, giá trị của di tích.
4. Thiết kế tu bổ di tích được tiếp tục thực hiện trong quá trình thi công tu bổ di tích nhằm kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với những phát sinh, phát hiện mới về di tích.
5. Ưu tiên bảo quản, gia cố, gia cường di tích trước khi áp dụng phương án tu bổ, phục hồi di tích.
6. Thường xuyên tham vấn ý kiến nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nghệ nhân trong suốt quá trình thiết kế tu bổ di tích.
Điều 4. Nguyên tắc trong hoạt động thi công tu bổ di tích
1. Tuân thủ thiết kế tu bổ di tích đã được phê duyệt, quy định về quản lý chất lượng, tiến độ, khối lượng thi công, an toàn lao động và các quy định pháp luật có liên quan trong quá trình thi công tu bổ di tích.
2. Ưu tiên sử dụng phương pháp thi công truyền thống, chú trọng bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo vệ cấu kiện trong suốt quá trình thi công tu bổ di tích.
3. Khi có những phát sinh, phát hiện mới về di tích khác với thiết kế tu bổ di tích đã được phê duyệt, đơn vị thi công và đơn vị tư vấn giám sát phải kịp thời thông báo với chủ đầu tư dự án tu bổ di tích. Trong trường hợp điều chỉnh thiết kế tu bổ di tích, chủ đầu tư dự án tu bổ di tích phải xem xét điều chỉnh thời gian thi công tu bổ di tích để đảm bảo chất lượng công trình.
4. Hoạt động thi công tu bổ di tích được thực hiện dưới sự giám sát của cộng đồng dân cư nơi có di tích và tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về di sản văn hóa.
5. Thường xuyên tham vấn ý kiến nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nghệ nhân trong suốt quá trình thi công tu bổ di tích.
6. Ghi nhận đầy đủ trong Nhật ký công trình và Hồ sơ hoàn công mọi hoạt động thi công tu bổ di tích đã thực hiện tại công trường.
7. Bảo đảm an toàn cho di tích và khách tham quan.
Chương II
ĐIỀU KIỆN NĂNG LỰC VÀ ĐIỀU KIỆN HÀNH NGHỀ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA LẬP QUY HOẠCH DI TÍCH, DỰ ÁN TU BỔ DI TÍCH, BÁO CÁO KINH TẾ – KỸ THUẬT TU BỔ DI TÍCH, THIẾT KẾ TU BỔ DI TÍCH VÀ THI CÔNG TU BỔ DI TÍCH
Điều 5. Điều kiện năng lực và điều kiện hành nghề khi tham gia lập quy hoạch di tích, dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích và thi công tu bổ di tích
1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài tham gia lập quy hoạch di tích, dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích và thi công tu bổ di tích có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định tại Điều 6 Thông tư này được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận hành nghề) đối với tổ chức và được cấp Chứng chỉ hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi chung là Chứng chỉ hành nghề) đối với cá nhân trong hoạt động sau:
a) Lập quy hoạch di tích;
b) Lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích;
c) Thi công tu bổ di tích;
d) Giám sát thi công tu bổ di tích.
2. Cá nhân chủ nhiệm, chủ trì lập quy hoạch di tích; chủ nhiệm lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích hoặc giám đốc tư vấn quản lý dự án tu bổ di tích; chỉ huy trưởng công trường thi công tu bổ di tích phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Điều 11, Điều 12 và Điều 13 Thông tư này.
Điều 6. Giấy chứng nhận hành nghề và Chứng chỉ hành nghề
1. Giấy chứng nhận hành nghề cấp cho tổ chức có đủ điều kiện năng lực tương ứng với hoạt động xin đăng ký hành nghề quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.
2. Chứng chỉ hành nghề cấp cho cá nhân có đủ điều kiện năng lực tương ứng với hoạt động xin đăng ký hành nghề theo quy định sau:
a) Hành nghề lập quy hoạch di tích được cấp cho người đã có chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư; đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi chung là lớp bồi dưỡng kiến thức tu bổ di tích) do viện nghiên cứu, trường Đại học có chức năng đào tạo chuyên ngành xây dựng, kiến trúc hoặc liên quan đến hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích tổ chức; đã tham gia tư vấn lập ít nhất 03 (ba) quy hoạch di tích hoặc 05 (năm) dự án tu bổ di tích đã được phê duyệt;
b) Hành nghề lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích được cấp cho người có chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng hoặc người có trình độ Đại học trở lên thuộc các chuyên ngành xây dựng, kiến trúc; đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức tu bổ di tích; đã tham gia tư vấn lập quy hoạch di tích, dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích ít nhất 03 (ba) di tích đã được phê duyệt;
c) Hành nghề thi công tu bổ di tích được cấp cho người có chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng hoặc người có trình độ Đại học trở lên thuộc các chuyên ngành xây dựng; đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức tu bổ di tích; đã tham gia thi công ít nhất 03 (ba) công trình di tích được nghiệm thu và bàn giao;
d) Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công tu bổ di tích được cấp cho người có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình; đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức tu bổ di tích; đã giám sát thi công ít nhất 03 (ba) công trình di tích được nghiệm thu và bàn giao.
3. Cá nhân là công chức đang làm công việc quản lý hành chính Nhà nước thì không được cấp Chứng chỉ hành nghề.
Điều 7. Điều kiện năng lực của tổ chức lập quy hoạch di tích
1. Có đủ điều kiện năng lực hoạt động của tổ chức thiết kế quy hoạch xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng;
2. Có ít nhất 02 (hai) người có Chứng chỉ hành nghề lập quy hoạch di tích, trong đó có người đủ điều kiện năng lực chủ nhiệm, chủ trì lập quy hoạch di tích theo quy định tại Điều 11 Thông tư này;
3. Đã tham gia tư vấn lập ít nhất 01 (một) quy hoạch di tích hoặc ít nhất 02 (hai) dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích được phê duyệt.
Điều 8. Điều kiện năng lực của tổ chức lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích
1. Có đủ điều kiện năng lực của tổ chức tư vấn khi lập dự án, báo cáo kinh tế – kỹ thuật, thiết kế hoặc tổ chức tư vấn khi làm tư vấn quản lý dự án theo quy định pháp luật về xây dựng;
2. Có ít nhất 03 (ba) người có Chứng chỉ hành nghề lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích, trong đó có người đủ điều kiện năng lực chủ nhiệm lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích hoặc giám đốc tư vấn quản lý dự án tu bổ di tích theo quy định tại Điều 12 Thông tư này;
3. Đã tham gia tư vấn lập quy hoạch di tích, dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích đã được phê duyệt.
Download file tài liệu để xem thêm chi tiết
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 18/2012/TT-BVHTTDL Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.