Bạn đang xem bài viết ✅ Thông tư 16/2013/TT-BTP Sửa đổi Thông tư 13/2011/TT-BTP hướng dẫn sử dụng biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Thông tư 16/2013/TT-BTP sửa đổi Thông tư 13/2011/TT-BTP hướng dẫn sử dụng biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành.

BỘ TƯ PHÁP

—————

Số: 16/2013/TT-BTP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————————-

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2013

THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 13/2011/TT-BTP NGÀY 27 THÁNG 6 NĂM 2011 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP VỀ VIỆC BAN HÀNH VÀ HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG BIỂU MẪU VÀ MẪU SỔ LÝ LỊCH TƯ PHÁP

Căn cứ Luật Lý lịch tư pháp ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2011/TT-BTP ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2011/TT-BTP ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp (sau đây gọi là Thông tư số 13/2011/TT-BTP)

1. Điều 3 được sửa đổi như sau:

Điều 3. Ban hành biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp

1. Ban hành 08 loại biểu mẫu và 04 mẫu sổ lý lịch tư pháp kèm theo Thông tư này (Phụ lục số 02).

2. Kích cỡ của 08 loại biểu mẫu và 04 mẫu sổ lý lịch tư pháp được thống nhất sử dụng khổ giấy A4 (210mm x 297mm).

3. Hệ thống biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp được sử dụng và lưu trữ tại cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp dưới dạng văn bản giấy hoặc dữ liệu điện tử. Hệ thống biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp dưới dạng dữ liệu điện tử có giá trị sử dụng như hệ thống biểu mẫu, mẫu sổ lý lịch tư pháp bằng văn bản giấy.

4. Hệ thống biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp dưới dạng dữ liệu điện tử phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau:

a) Nội dung, cấu trúc và kiểu thông tin của biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp điện tử phải phù hợp với nội dung, hình thức của các biểu mẫu, mẫu sổ ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Hệ thống biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp dưới dạng dữ liệu điện tử phải bảo đảm được kết xuất, in ấn thuận tiện trong quá trình sử dụng và lưu trữ thông tin trong cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

2. Khoản 2, khoản 3 Điều 4 được sửa đổi như sau:

2. Các biểu mẫu Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp dành cho cá nhân và văn bản yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp dành cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn). Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể truy cập trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để tải về và sử dụng miễn phí các loại biểu mẫu nói trên khi làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức đến làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp được cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cung cấp để sử dụng miễn phí 02 loại Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và 02 văn bản yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tổ chức sử dụng 08 loại biểu mẫu và 04 loại sổ lý lịch tư pháp ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 5. Lập mã số Lý lịch tư pháp và mã số bản án

1. Nguyên tắc lập mã số Lý lịch tư pháp:

a) Mã số Lý lịch tư pháp được lập trên cơ sở Bảng mã Lý lịch tư pháp của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp ban hành kèm theo Thông tư này (Phụ lục số 01);

b) Trong cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp mỗi người chỉ có duy nhất một mã số Lý lịch tư pháp;

c) Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia sử dụng chính mã số Lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp lập để lưu trữ và quản lý Lý lịch tư pháp trong cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia.

2. Cách lập mã số Lý lịch tư pháp:

a) Mã số Lý lịch tư pháp bao gồm: mã Lý lịch tư pháp thuộc thẩm quyền lập của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hoặc Sở Tư pháp, năm lập Lý lịch tư pháp, số thứ tự lập Lý lịch tư pháp;

b) Mã Lý lịch tư pháp thuộc thẩm quyền lập của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hoặc Sở Tư pháp được quy định trong Bảng mã Lý lịch tư pháp của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp;

c) Số thứ tự lập Lý lịch tư pháp gồm 05 chữ số, bắt đầu từ số 00001. Số thứ tự này sẽ quay vòng theo từng năm (từ ngày 01/01 đến ngày 31/12). Sau một năm, số thứ tự sẽ trở về 00001.

Ví dụ: Mã số Lý lịch tư pháp của Nguyễn Văn A được lập: 25HN2013/00001, trong đó:

– “25HN” là mã Lý lịch tư pháp thuộc thẩm quyền lập của Sở Tư pháp thành phố Hà Nội;

– “2013” là năm lập Lý lịch tư pháp cho Nguyễn Văn A;

– “00001” là số thứ tự lập Lý lịch tư pháp của Nguyễn Văn A.

3. Cách lập mã số bản án:

Mã số bản án được lập theo mã số Lý lịch tư pháp và thêm thứ tự cập nhật bản án.

Ví dụ: Nguyễn Văn A có mã số Lý lịch tư pháp là 25HN2013/00001, bản án đầu tiên được cập nhật trong Lý lịch tư pháp của Nguyễn Văn A có mã số là 25HN2013/00001/01, tương tự bản án tiếp theo nếu được cập nhật có mã số là 25HN2013/00001/02.

Đối với Lý lịch tư pháp được lập trên cơ sở bản án hình sự phúc thẩm và bản án hình sự sơ thẩm theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư số 06/2013/TT-BTP ngày 06/02/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (sau đây gọi là Thông tư số 06/2013/TT-BTP) thì mã số bản án được lập như sau:

Trường hợp Lý lịch tư pháp được lập trên cơ sở bản án sơ thẩm theo quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 11 Thông tư số 06/2013/TT-BTP thì mã số bản án xét xử phúc thẩm cập nhật trong Lý lịch tư pháp sử dụng theo mã số của bản án xét xử sơ thẩm, thêm ký hiệu PT.

Trường hợp Lý lịch tư pháp được lập trên cơ sở bản án phúc thẩm theo quy định tại điểm b, khoản 3 Điều 11 Thông tư số 06/2013/TT-BTP thì mã số của bản án xét xử sơ thẩm cập nhật trong Lý lịch tư pháp được sử dụng theo mã số của bản án xét xử phúc thẩm, thêm ký hiệu ST.

Tham khảo thêm:   Tiếng Anh lớp 3 Fun Time Fun Time trang 38 Global Success (Kết nối tri thức với cuộc sống) - Tập 2

4. Bổ sung Điều 5a như sau:

Điều 5a. Xử lý thông tin lý lịch tư pháp của người đã cư trú ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Trường hợp nhận được Lý lịch tư pháp của người đã có Lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp nơi người đó từng cư trú lập thì Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia có nhiệm vụ sau đây:

a) Đối với hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện hợp nhất các hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy của người đó vào hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy của Sở Tư pháp nơi người đó đang cư trú;

b) Đối với dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện ghi chú và kết nối các bản Lý lịch tư pháp điện tử của người đó trong cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia;

Đối với bản Lý lịch tư pháp điện tử do Sở Tư pháp nơi người đó đang cư trú lập thì ghi chú: “Từng cư trú tại…, đã có Lý lịch tư pháp, mã số Lý lịch tư pháp…”; đối với bản Lý lịch tư pháp điện tử do Sở Tư pháp nơi người đó từng cư trú lập thì ghi chú: “đang cư trú tại…, đã có Lý lịch tư pháp, mã số Lý lịch tư pháp….”.

Ví dụ: Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia nhận được Lý lịch tư pháp có mã số 25HN2013/00001 của Sở Tư pháp nhưng người đó đã có Lý lịch tư pháp có mã số 31HM2011/00012 do từng cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia tiến hành ghi chú vào Lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp thành phố Hà Nội lập nội dung sau: “Từng cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh, đã có Lý lịch tư pháp mã số Lý lịch tư pháp: 31HM2011/00012”; ghi chú vào Lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh lập như sau: “đang cư trú tại thành phố Hà Nội, đã có Lý lịch tư pháp mã số Lý lịch tư pháp: 25HN2013/00001”.

c) Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện thông báo cho Sở Tư pháp nơi người đó đang cư trú và Sở Tư pháp nơi người đó đã cư trú về việc người đó cư trú ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Sở Tư pháp nơi nhận được thông báo của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện ghi chú vào Lý lịch tư pháp của người bị kết án về việc người đó đã cư trú ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tham khảo thêm:   Quyết định về việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng Ban hành theo Quyết định số 01/QĐ-BHXH quy định về hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội

5. Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 6. Cập nhật thông tin về cá nhân và thông tin chung về án tích trong Lý lịch tư pháp

1. Thông tin về cá nhân trong Lý lịch tư pháp bao gồm:

a) Thông tin về nhân thân của người có Lý lịch tư pháp được cập nhật vào các mục tương ứng trong Lý lịch tư pháp của người đó;

b) Thông tin về thay đổi, cải chính hộ tịch, thông tin về chứng tử, thông tin về việc cư trú ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của người có Lý lịch tư pháp được cập nhật vào mục ghi chú trong phần thông tin về cá nhân.

2. Thông tin chung về án tích trong Lý lịch tư pháp là thông tin tóm tắt về các bản án được cập nhật trong Lý lịch tư pháp và ghi theo thứ tự thời gian cập nhật bản án đó.

a) Mã số bản án được cập nhật tại phần thông tin chung về án tích theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư này;

b) Thời điểm được xóa án tích cập nhật trong các trường hợp nhận được quyết định xóa án tích của Tòa án, giấy chứng nhận xóa án tích của Tòa án hoặc có kết quả xác minh đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích;

c) Kết quả Giám đốc thẩm/Tái thẩm:

Trường hợp giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì ghi “giữ nguyên bản án, quyết định”;

Trường hợp hủy bỏ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì ghi “hủy bản án, quyết định”.

6. Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 7. Cập nhật thông tin về án tích trong Lý lịch tư pháp

1. Thông tin về án tích là nội dung của từng bản án đã được đánh mã số ở Phần II. “Thông tin chung về án tích”. Mỗi bản án được cập nhật có 04 phần chính bao gồm:

a) Nội dung bản án;

b) Tình trạng thi hành án: cập nhật nội dung của các quyết định, giấy chứng nhận, giấy xác nhận, văn bản thông báo (sau đây gọi chung là quyết định, giấy chứng nhận) liên quan đến quá trình thi hành bản án;

c) Giám đốc thẩm/Tái thẩm: cập nhật nội dung của 02 loại quyết định;

Trường hợp Lý lịch tư pháp được lập trên cơ sở nhiều bản án, quyết định thì thông tin về bản án, quyết định bị hủy theo quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm được xử lý theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 Thông tư số 06/2013/TT-BTP;

d) Xóa án tích: Cập nhật nội dung của quyết định xóa án tích, giấy chứng nhận xóa án tích và kết quả xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích.

2. Trường hợp người bị kết án có nhiều án tích thì cập nhật các án tích đó theo thứ tự thời gian nhận được thông tin lý lịch tư pháp.

3. Thông tin lý lịch tư pháp được cập nhật trong phần tình trạng thi hành án bao gồm những thông tin sau:

a) Thông tin lý lịch tư pháp do các cơ quan cung cấp theo quy định tại Điều 15 Luật Lý lịch tư pháp, Điều 13, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp được cập nhật vào các mục tương ứng trong phần tình trạng thi hành án;

b) Trường hợp nhận được quyết định thi hành án phạt tù có thời hạn, án phạt tù cho hưởng án treo, án phạt cải tạo không giam giữ, án phạt tử hình, án phạt chung thân, án phạt trục xuất; quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm; quyết định ủy thác thi hành án hình sự; quyết định đình chỉ việc thi hành án phạt tù thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp thực hiện cập nhật thông tin vào mục “quyết định thi hành bản án hình sự” trong phần tình trạng thi hành án.

Trường hợp nhận được quyết định ủy thác thi hành án dân sự thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp thực hiện cập nhật thông tin vào mục “quyết định thi hành án phạt tiền, án phí và các nghĩa vụ dân sự khác” trong phần tình trạng thi hành án;

c) Trường hợp nhận được thông tin lý lịch tư pháp bổ sung khác trong quá trình thi hành án của người có Lý lịch tư pháp như quyết định tổng hợp hình phạt; quyết định thu hồi quyết định về thi hành án; thông báo về việc phạm nhân chết thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp thực hiện cập nhật thông tin đó vào mục “quyết định, giấy chứng nhận, giấy xác nhận, văn bản thông báo khác” trong phần tình trạng thi hành án.

4. Cập nhật mục xóa án tích:

a) Trường hợp nhận được Giấy chứng nhận xóa án tích, Quyết định xóa án tích thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cập nhật nội dung của giấy chứng nhận hoặc quyết định đó vào các mục tương ứng, mục nội dung chứng nhận hoặc quyết định ghi rõ “đã được xóa án tích kể từ ngày … tháng … năm ….”;

b) Trường hợp thực hiện xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cập nhật nội dung kết quả xác minh trong mục xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích như sau:

Nếu người bị kết án thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp (sau đây gọi là Nghị định số 111/2010/NĐ-CP) thì ghi là “đã được xóa án tích”.

Nếu người bị kết án thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP thì ghi là “có án tích”.

Nếu người bị kết án thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP thì chưa cập nhật thông tin về đương nhiên được xóa án tích trong Lý lịch tư pháp của người đó mà chờ kết quả xét xử của Tòa án.

Tham khảo thêm:   Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn thuyết minh về cây lúa Viết đoạn văn thuyết minh cây lúa hay nhất

7. Bổ sung khoản 4 Điều 10 như sau:

4. Lý lịch tư pháp được cung cấp cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia dưới dạng văn bản giấy hoặc dưới dạng dữ liệu điện tử.

Lý lịch tư pháp được cung cấp dưới dạng dữ liệu điện tử phải bảo đảm quy định về hình thức cung cấp tại khoản 2 Điều 8 và tiêu chuẩn của dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Thông tư số 06/2013/TT-BTP.

Lý lịch tư pháp được cung cấp dưới dạng văn bản giấy phải sử dụng giấy có chất lượng tốt, nội dung được in rõ ràng, được đóng dấu của Sở Tư pháp ở góc bên trái, phía trên, nơi ghi tên cơ quan lập Lý lịch tư pháp. Lý lịch tư pháp có nhiều tờ phải được đóng dấu giáp lai.

Sở Tư pháp có nhiệm vụ gửi Lý lịch tư pháp cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hoàn thành việc lập Lý lịch tư pháp.

8. Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 11. Gửi thông tin lý lịch tư pháp bổ sung

1. Trường hợp Lý lịch tư pháp được cập nhật thông tin lý lịch tư pháp bổ sung theo quy định tại Điều 27, Điều 28, Điều 29, khoản 1 Điều 30, Điều 33 Luật Lý lịch tư pháp và Điều 13 Thông tư số 06/2013/TT-BTP, căn cứ vào nội dung thông tin được cập nhật trong Lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp gửi cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia Phiếu cung cấp thông tin lý lịch tư pháp bổ sung theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trường hợp Sở Tư pháp thực hiện lập Lý lịch tư pháp và đồng thời cập nhật thông tin lý lịch tư pháp bổ sung vào Lý lịch tư pháp đã lập thì Sở Tư pháp gửi cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia bản Lý lịch tư pháp được lập đã có các thông tin lý lịch tư pháp bổ sung được cập nhật, không gửi Phiếu cung cấp thông tin lý lịch tư pháp bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trường hợp nhận được các quyết định, giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền cung cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 18 và Điều 19 của Luật Lý lịch tư pháp thì Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia gửi bản sao của các quyết định, giấy chứng nhận này cho Sở Tư pháp nơi người bị kết án cư trú theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật Lý lịch tư pháp.

4. Giám đốc Sở Tư pháp hoặc người được ủy quyền có thẩm quyền ký Phiếu cung cấp thông tin lý lịch tư pháp bổ sung và chịu trách nhiệm về nội dung của Phiếu cung cấp thông tin lý lịch tư pháp bổ sung.

5. Phiếu cung cấp thông tin lý lịch tư pháp bổ sung được cung cấp dưới dạng văn bản giấy hoặc dữ liệu điện tử.

Phiếu cung cấp thông tin lý lịch tư pháp bổ sung được cung cấp dưới dạng dữ liệu điện tử phải bảo đảm quy định về hình thức cung cấp tại khoản 2 Điều 8 và tiêu chuẩn của dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Thông tư số 06/2013/TT-BTP.

Download file tài liệu để xem thêm chi tiết

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 16/2013/TT-BTP Sửa đổi Thông tư 13/2011/TT-BTP hướng dẫn sử dụng biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *