Từ ngày 20/01/2020, Thông tư 13/2019/TT-BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 25/11/2019 chính thức có hiệu lực. Thông tư sửa đổi Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL hướng dẫn Luật Du lịch. Sau đây là nội dung chi tiết mời các bạn cùng tham khảo tại đây.
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2019/TT-BVHTTDL |
Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2019 |
THÔNG TƯ 13/2019/TT-BVHTTDL
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 06/2017/TT-BVHTTDL NGÀY 15 THÁNG 12 NĂM 2017 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT DU LỊCH
Căn cứ Luật Du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch;
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch
1. Khoản 2 Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Chuyên ngành về lữ hành quy định tại điểm c khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 31 Luật Du lịch được thể hiện trên bằng tốt nghiệp của một trong các ngành, nghề, chuyên ngành sau đây:
a) Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;
b) Quản trị lữ hành;
c) Điều hành tour du lịch;
d) Marketing du lịch;
đ) Du lịch;
e) Du lịch lữ hành;
g) Quản lý và kinh doanh du lịch;
h) Quản trị du lịch MICE;
i) Đại lý lữ hành;
k) Hướng dẫn du lịch;
l) Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành’, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở giáo dục ở Việt Nam đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực;
m) Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở đào tạo nước ngoài đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp.
Trường hợp bằng tốt nghiệp không thể hiện các ngành, nghề, chuyên ngành quy định tại điểm l và điểm m khoản này thì bổ sung bảng điểm tốt nghiệp hoặc phụ lục văn bằng thể hiện ngành, nghề, chuyên ngành, trong đó có một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch”.’’
2. Bổ sung Điều 5a như sau:
“Điều 5a. Cấu trúc, dung lượng đề thi nghiệp vụ điều hành du lịch
1. Cấu trúc, dung lượng đề thi nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa:
Đề thi nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa gồm 03 bài thi như sau:
a) Bài thi trắc nghiệm: thời gian làm bài: 75 phút; điểm đánh giá: tối đa 60 điểm; số lượng câu hỏi trắc nghiệm: 60 câu hỏi gồm tổ hợp lựa chọn ngẫu nhiên 15 câu hỏi về 05 nội dung trong nhóm kiến thức cơ sở ngành quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư này, mỗi nội dung gồm 03 câu hỏi và tổ hợp lựa chọn ngẫu nhiên 45 câu hỏi về 09 nội dung trong nhóm kiến thức chuyên ngành và nghiệp vụ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Thông tư này, mỗi nội dung gồm 05 câu hỏi.
b) Bài thi tự luận: thời gian làm bài: 75 phút; điểm đánh giá: tối đa 40 điểm; số câu hỏi: ít nhất 02 câu hỏi, mỗi câu hỏi có thể có một hoặc nhiều ý, là tổ hợp lựa chọn ngẫu nhiên ít nhất 02 nội dung trong nhóm kiến thức chuyên ngành và nghiệp vụ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Thông tư này, mỗi nội dung gồm 01 câu hỏi.
c) Bài thi thực hành: thời gian thực hành: 90 phút; tổng điểm đánh giá: tối đa 100 điểm; nội dung: thực hành nghiệp vụ điều hành chương trình du lịch và trả lời câu hỏi tình huống, cụ thể như sau:
– Thực hành nghiệp vụ điều hành chương trình du lịch nội địa trên máy tính và thuyết trình: thời gian thực hành trên máy tính và thuyết trình: 80 phút; điểm đánh giá: tối đa 70 điểm; chủ đề: xây dựng và định giá một chương trình du lịch theo tuyến cho đối tượng khách du lịch nội địa.
– Trả lời câu hỏi tình huống: thời gian chuẩn bị và trả lời: 10 phút; điểm đánh giá: tối đa 30 điểm; chủ đề: giải quyết vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện chương trình du lịch cho khách du lịch nội địa.
2. Cấu trúc, dung lượng đề thi nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế:
Đề thi nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế gồm 03 bài thi như sau:
a) Bài thi trắc nghiệm: thời gian làm bài: 75 phút; điểm đánh giá: tối đa 60 điểm; số lượng câu hỏi trắc nghiệm: 60 câu hỏi gồm tổ hợp lựa chọn ngẫu nhiên 18 câu hỏi về 06 nội dung trong nhóm kiến thức cơ sở ngành quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư này, mỗi nội dung gồm 03 câu hỏi và tổ hợp lựa chọn ngẫu nhiên 42 câu hỏi về 11 nội dung trong nhóm kiến thức chuyên ngành và nghiệp vụ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 Thông tư này, mỗi nội dung gồm 04 câu hỏi, riêng chủ đề về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và phát triển doanh nghiệp và chủ đề về tiền tệ và thanh toán quốc tế trong du lịch: mỗi chủ đề 03 câu hỏi.
b) Bài thi tự luận: thời gian làm bài 75 phút, điểm đánh giá: tối đa 40 điểm; số câu hỏi: ít nhất 02 câu hỏi, mỗi câu hỏi có thể có một hoặc nhiều ý, là tổ hợp lựa chọn ngẫu nhiên ít nhất 02 nội dung trong nhóm kiến thức chuyên ngành và nghiệp vụ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 Thông tư này, mỗi nội dung gồm 01 câu hỏi.
c) Bài thi thực hành: thời gian thực hành: 90 phút; tổng điểm đánh giá: tối đa 100 điểm; nội dung: thực hành nghiệp vụ điều hành chương trình du lịch và trả lời câu hỏi tình huống, cụ thể như sau:
– Thực hành nghiệp vụ điều hành chương trình du lịch cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài trên máy tính và thuyết trình: thời gian thực hành trên máy tính và thuyết trình: 80 phút; điểm đánh giá: tối đa 70 điểm; chủ đề: xây dựng và định giá một chương trình du lịch theo tuyến cho đối tượng khách du lịch quốc tế.
– Trả lời câu hỏi tình huống: thời gian chuẩn bị và trả lời: 10 phút, điểm đánh giá: tối đa 30 điểm; chủ đề: Giải quyết vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện chương trình du lịch cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài.”
3. Điểm a, điểm b khoản 1 Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“a) Là cơ sở giáo dục trình độ cao đẳng trở lên có chức năng đào tạo ngành, nghề, chuyên ngành quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này;
b) Có đề án tổ chức thi bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây: ngân hàng đề thi đáp ứng nội dung quy định tại Điều 4 và Điều 5a Thông tư này; quy trình tổ chức; cơ sở vật chất kỹ thuật và hội đồng thi;”
4. Điểm b khoản 2 Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“b) Chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt nội dung ngân hàng đề thi nghiệp vụ điều hành du lịch và cập nhật, bổ sung 02 năm một lần ngân hàng đề thi;”
5. Điểm d khoản 2 Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“d) Gửi thông báo kèm theo đề án tổ chức thi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này về Tổng cục Du lịch trước 30 ngày đối với tổ chức kỳ thi lần thứ nhất; gửi thông báo trước 15 ngày đối với tổ chức kỳ thi lần tiếp theo;”
6. Điểm b khoản 3 Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“b) Hướng dẫn, kiểm tra công tác tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch;”
7. Bổ sung điểm d khoản 3 Điều 5 như sau:
“d) Công bố danh sách cơ sở giáo dục được tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch trên trang tin điện tử quản lý lữ hành của Tổng cục Du lịch trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo tổ chức thi lần thứ nhất của cơ sở giáo dục.”
8. Khoản 4 Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“4. Chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa, chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế được cấp cho người đạt từ 50% số điểm trở lên trong mỗi bài thi trong đề thi nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa, đề thi nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế. Chứng chỉ được cấp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tổ chức thi.”
9. Khoản 3 Điều 8 được sửa đổi như sau:
“3. Niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.”
10. Điểm c và điểm d khoản 1 Điều 13 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“c) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên ở nước ngoài theo chương trình đào tạo bằng ngôn ngữ chính thức của nước sở tại. Trường hợp được đào tạo bằng ngôn ngữ khác với ngôn ngữ chính thức của nước sở tại, cần bổ sung giấy tờ chứng minh ngôn ngữ được sử dụng để đào tạo;
d) Có chứng chỉ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ đạt mức yêu cầu theo quy định tại Phụ lục I Thông tư này còn thời hạn, do tổ chức, cơ quan có thẩm quyền cấp.’’
11. Bổ sung Điều 15a như sau:
“Điều 15a. Cấu trúc, dung lượng đề thi nghiệp vụ hướng dẫn du lịch
1. Cấu trúc, dung lượng đề thi nghiệp vụ hướng dẫn du lịch nội địa:
Đề thi nghiệp vụ hướng dẫn du lịch nội địa gồm 03 bài thi như sau:
a) Bài thi trắc nghiệm: thời gian làm bài: 75 phút; điểm đánh giá: 60 điểm; số lượng câu hỏi trắc nghiệm: 60 câu hỏi gồm tổ hợp lựa chọn ngẫu nhiên 24 câu hỏi về 04 nội dung trong nhóm kiến thức cơ sở ngành quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 Thông tư này, mỗi nội dung gồm 06 câu hỏi và tổ hợp lựa chọn ngẫu nhiên 36 câu hỏi về 06 nội dung trong nhóm kiến thức chuyên ngành và nghiệp vụ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 Thông tư này, mỗi nội dung gồm 06 câu hỏi.
b) Bài thi tự luận: thời gian làm bài: 75 phút; điểm đánh giá: tối đa 40 điểm; số lượng câu hỏi: ít nhất 02 câu hỏi, mỗi câu hỏi có thể có một hoặc nhiều ý, là tổ hợp lựa chọn ngẫu nhiên ít nhất 02 nội dung trong nhóm kiến thức chuyên ngành và nghiệp vụ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 Thông tư này, mỗi nội dung gồm 01 câu hỏi.
c) Bài thi thực hành: thời gian thực hành: 20 phút; tổng điểm đánh giá: tối đa 100 điểm; nội dung: thực hành nghiệp vụ hướng dẫn du lịch và trả lời câu hỏi tình huống, cụ thể như sau:
– Thực hành nghiệp vụ hướng dẫn du lịch cho khách du lịch nội địa: thời gian chuẩn bị và thuyết trình: 15 phút; điểm đánh giá: tối đa 70 điểm; chủ đề: giới thiệu về văn hóa, đất nước, con người và các điểm đến du lịch của Việt Nam.
– Trả lời câu hỏi tình huống: thời gian chuẩn bị và trả lời: 05 phút; điểm đánh giá: tối đa 30 điểm; chủ đề: giải quyết vấn đề phát sinh trong quá trình hướng dẫn khách du lịch nội địa.
2. Cấu trúc, dung lượng đề thi nghiệp vụ hướng dẫn du lịch quốc tế:
Đề thi nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa gồm 03 bài thi như sau:
a) Bài thi trắc nghiệm: thời gian làm bài: 75 phút; điểm đánh giá: tối đa 60 điểm; số lượng câu hỏi trắc nghiệm: 60 câu hỏi gồm tổ hợp lựa chọn ngẫu nhiên 25 câu hỏi về 05 nội dung trong nhóm kiến thức cơ sở ngành quy định tại điểm a khoản 2 Điều 14 Thông tư này, mỗi nội dung gồm 05 câu hỏi và tổ hợp lựa chọn ngẫu nhiên 35 câu hỏi về 09 nội dung trong nhóm kiến thức chuyên ngành và nghiệp vụ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 14 Thông tư này, mỗi nội dung gồm 04 câu hỏi, riêng chủ đề về y tế du lịch gồm 03 câu hỏi.
b) Bài thi tự luận: thời gian làm bài: 75 phút; điểm đánh giá: tối đa 40 điểm; số câu hỏi: ít nhất 02 câu hỏi, mỗi câu hỏi có thể có một hoặc nhiều ý, là tổ hợp lựa chọn ngẫu nhiên ít nhất 02 nội dung trong nhóm kiến thức chuyên ngành và nghiệp vụ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 14 Thông tư này, mỗi nội dung gồm 01 câu hỏi.
c) Bài thi thực hành: thời gian thực hành: 20 phút; điểm đánh giá: tối đa 100 điểm; nội dung: thực hành nghiệp vụ hướng dẫn du lịch và trả lời câu hỏi tình huống, cụ thể như sau:
– Thực hành nghiệp vụ hướng dẫn du lịch cho khách du lịch quốc tế: thời gian chuẩn bị và thuyết trình: 15 phút; điểm đánh giá: tối đa 70 điểm; chủ đề: giới thiệu về văn hóa, đất nước, con người, các điểm đến du lịch của Việt Nam và các nước trên thế giới.
– Trả lời câu hỏi tình huống: thời gian chuẩn bị và trả lời: 05 phút; điểm đánh giá: tối đa 30 điểm; chủ đề: giải quyết vấn đề phát sinh trong quá trình hướng dẫn khách du lịch quốc tế.”
12. Điểm a, điểm b khoản 1 Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“a) Là cơ sở giáo dục trình độ cao đẳng trở lên có chức năng đào tạo ngành, nghề hướng dẫn du lịch, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;
b) Có đề án tổ chức thi bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây: ngân hàng đề thi đáp ứng nội dung quy định tại Điều 14 và Điều 15a Thông tư này; quy trình tổ chức; cơ sở vật chất kỹ thuật và hội đồng thi;”
13. Điểm b khoản 2 Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“b) Chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt nội dung ngân hàng đề thi nghiệp vụ hướng dẫn du lịch và cập nhật, bổ sung 02 năm một lần ngân hàng đề thi;”
14. Điểm d khoản 2 Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“d) Gửi thông báo kèm theo đề án tổ chức thi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này về Tổng cục Du lịch trước 30 ngày đối với tổ chức kỳ thi lần thứ nhất; gửi thông báo trước 15 ngày đối với tổ chức kỳ thi lần tiếp theo;”
15. Điểm b, điểm c khoản 3 Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“b) Hướng dẫn, kiểm tra công tác tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch;
c) Yêu cầu cơ sở giáo dục không được tổ chức thi nghiệp vụ hướng dẫn du lịch khi phát hiện cơ sở giáo dục không đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều này cho đến khi đáp ứng đủ tiêu chí;”
16. Bổ sung điểm d khoản 3 Điều 15 như sau:
“d) Công bố danh sách cơ sở giáo dục tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch trên trang tin điện tử quản lý hướng dẫn viên của Tổng cục Du lịch trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo lần thứ nhất của cơ sở giáo dục.”
17. Khoản 4 Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“4. Chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch nội địa, chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch quốc tế được cấp cho người đạt từ 50% số điểm trở lên trong mỗi bài thi trong đề thi hướng dẫn du lịch nội địa, đề thi nghiệp vụ hướng dẫn du lịch quốc tế. Chứng chỉ được cấp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tổ chức thi.”
18. Khoản 2 Điều 17 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch công bố kế hoạch tổ chức các khóa cập nhật kiến thức và cấp Giấy chứng nhận khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch nội địa và hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Giấy chứng nhận khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch có giá trị trên toàn quốc.”
19. Khoản 1 Điều 18 được sửa đổi như sau:
“1. Phụ lục I: Danh mục chứng chỉ ngoại ngữ do cơ quan có thẩm quyền cấp.”
Điều 2. Bãi bỏ, thay thế
1. Thay thế Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 06/2018/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch bằng Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Thay thế Mẫu số 11 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch bằng Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Thay thế Mẫu số 12 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch bằng Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Thay thế Mẫu số 03 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch bằng Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.
5. Thay thế một số cụm từ:
a) Thay thế cụm từ “Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch” tại khoản 2 Điều 2, khoản 3 Điều 17, Mẫu số 01 Phụ lục V Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch bằng cụm từ “Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch”.
b) Thay thế cụm từ “Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch” tại Mẫu số 01, Mẫu số 02, Mẫu số 10, Mẫu số 13 Phụ lục II; Mẫu số 01 Phụ lục III; Mẫu số 01, Mẫu số 02 Phụ lục V Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch bằng cụm từ “Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch”.
c) Thay thế cụm từ “Sở Du lịch hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch” tại Mẫu số 04, Mẫu số 05, Mẫu số 06, Mẫu số 07, Mẫu số 08, Mẫu số 09 Phụ lục II; Mẫu số 02 Phụ lục V Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch bằng cụm từ “Sở Du lịch/ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/ Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch”.
d) Thay thế cụm từ “Sở Du lịch (SDL) hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (SVHTTDL)” tại phần Ghi chú của Mẫu số 01 Phụ lục III Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch bằng cụm từ “Sở Du lịch (SDL); Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (SVHTTDL); Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (SVHTTTTDL)”.
đ) Thay thế cụm từ “Sở Du lịch/Sở VHTTDL” tại Mẫu số 03 Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch bằng cụm từ “Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch”.
6. Bãi bỏ điểm a khoản 3 Điều 5, điểm a khoản 3 Điều 15 Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.
7. Bãi bỏ cụm từ “theo quy định của Tổng cục Thống kê” tại phần ghi chú của Mẫu số 01 và phần ghi chú của Mẫu số 02 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giám đốc Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch, nghiệp vụ hướng dẫn du lịch; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.
Điều 4. Điều khoản thi hành
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20 tháng 01 năm 2020./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 13/2019/TT-BVHTTDL Hướng dẫn mới về Luật Du lịch của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.