Bạn đang xem bài viết ✅ Thông tư 129/2017/TT-BTC Thang điểm đánh giá việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Từ ngày 01/02/2018, Thông tư 129/2017/TT-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành về quy định tiêu chí đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên .

Theo đó, Thông tư quy định căn cứ, nội dung, tiêu chí, thang điểm đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên đối với các cấp ngân sách địa phương, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương.

BỘ TÀI CHÍNH
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 129/2017/TT-BTC

Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2017

THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG CHI THƯỜNG XUYÊN

Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 26 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn;

Căn cứ Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;

Căn cứ Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 84/2014/NĐ-CP ngày 8 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định tiêu chí đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định căn cứ, nội dung, tiêu chí, thang điểm đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên đối với các cấp ngân sách địa phương, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Đối tượng áp dụng của Thông tư:

a) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương (sau đây gọi là Bộ, cơ quan Trung ương);

b) Ủy ban nhân dân các cấp: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện); Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã);

Tham khảo thêm:   Bài tập cuối tuần lớp 2 môn Tiếng Việt Cánh Diều - Tuần 4 Bài tập cuối tuần lớp 2

c) Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập là đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thuộc các Bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các cấp; cơ quan, đơn vị của nhà nước là đơn vị dự toán ngân sách có đơn vị dự toán ngân sách cấp dưới trực thuộc (trừ đối tượng tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này);

d) Các cơ quan, đơn vị khác có liên quan đến việc đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên.

2. Các cơ quan, tổ chức có quan hệ không thường xuyên với ngân sách nhà nước không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư, bao gồm: Cơ quan, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần hay đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích; các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo nhiệm vụ nhà nước giao; các tổ chức kinh tế và tổ chức tài chính được nhà nước đầu tư, hỗ trợ vốn theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Căn cứ đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên

Việc đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên hàng năm dựa trên các căn cứ sau:

1. Chỉ tiêu tiết kiệm tại Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ hàng năm.

2. Số kinh phí tiết kiệm được xác định trên cơ sở so sánh số chi thực tế với dự toán chi thường xuyên đã được duyệt của các nhiệm vụ đã hoàn thành trong năm ngân sách và đảm bảo chất lượng, trong đó:

a) Số liệu dự toán chi thường xuyên là số dự toán chi thường xuyên được giao sử dụng trong năm (bao gồm số dự toán được giao đầu năm, số dự toán được bổ sung trong năm và số dư dự toán năm trước được phép chuyển sang năm sau). Số liệu dự toán bao gồm số liệu dự toán tổng thể và số liệu dự toán chi tiết đối với từng tiêu chí đánh giá nêu tại các phụ lục kèm theo Thông tư này;

b) Số chi thực tế là số chi mà đơn vị làm thủ tục thanh toán thực chi với Kho bạc Nhà nước gắn với việc hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm ngân sách của cơ quan, đơn vị, bao gồm: số thanh toán thực chi đến hết ngày 31/12 của năm đánh giá cộng với số chi mà đơn vị dự kiến thanh toán với Kho bạc Nhà nước trong thời gian chỉnh lý quyết toán;

c) Trường hợp cơ quan có thẩm quyền không giao dự toán chi tiết cho từng nội dung chi làm cơ sở đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm lập kế hoạch cho từng nội dung chi theo các tiêu chí đánh giá nêu tại Thông tư ngay từ đầu năm ngân sách để làm căn cứ đánh giá, tính điểm đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên.

3. Việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong, chi thường xuyên theo quy định của pháp luật.

Tham khảo thêm:   Tập Viết 1 theo Chương trình GDPT 2018 File tập viết cho học sinh lớp 1

4. Việc thực hiện tinh giản biên chế hành chính và biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước; giảm số hợp đồng lao động không đúng quy định trong đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị đã tự chủ tài chính).

5. Việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

6. Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

7. Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên của các đơn vị dự toán ngân sách cấp dưới hoặc ngân sách cấp dưới (đối với các đơn vị có đơn vị dự toán cấp dưới trực tiếp hoặc ngân sách cấp dưới).

Điều 4. Nội dung, tiêu chí, thang điểm đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên đối với đơn vị sử dụng ngân sách là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập

1. Việc đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên được xác định trên 3 nội dung với thang điểm tối đa là 100 điểm. Cụ thể như sau:

a) Kết quả tiết kiệm đối với một số chỉ tiêu cụ thể trong chi thường xuyên: Thang điểm tối đa là 70 điểm;

b) Kết quả tiết kiệm kinh phí chi thường xuyên được giao thực hiện chế độ tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập và kết quả tiết kiệm kinh phí quản lý hành chính giao thực hiện chế độ tự chủ đối với cơ quan nhà nước theo cơ chế tài chính được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định (loại trừ số kinh phí đã thực hiện tiết kiệm để cải cách tiền lương): Thang điểm tối đa là 30 điểm;

c) Đánh giá việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong chi thường xuyên (điểm trừ).

2. Đơn vị sử dụng ngân sách là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị mình theo Phụ lục số 01-A (đối với cơ quan nhà nước) và Phụ lục số 01-B (đối với đơn vị sự nghiệp công lập) ban hành kèm theo Thông tư này và gửi cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp để tổng hợp, tính điểm tiêu chí “Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên của đơn vị dự toán ngân sách cấp dưới trực tiếp” của cơ quan chủ quản cấp trên.

Điều 5. Nội dung, tiêu chí, thang điểm đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên của đơn vị dự toán ngân sách có đơn vị dự toán ngân sách cấp dưới trực thuộc (trừ Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện)

1. Việc đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên được xác định trên 3 nội dung với thang điểm tối đa là 100 điểm. Cụ thể như sau:

a) Kết quả tiết kiệm dự toán chi thường xuyên (loại trừ số kinh phí đã thực hiện tiết kiệm để cải cách tiền lương): Thang điểm tối đa 30 điểm;

b) Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị cấp dưới trực thuộc: Thang điểm tối đa 50 điểm;

c) Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Thang điểm tối đa là 20 điểm.

Tham khảo thêm:   Đề cương ôn tập học kì 1 môn Tin học 3 sách Cánh diều Ôn thi học kì 1 môn Tin học lớp 3 năm 2023 - 2024

2. Các đơn vị dự toán ngân sách có đơn vị dự toán ngân sách cấp dưới trực thuộc có trách nhiệm đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị mình theo Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này và gửi cơ quan, đơn vị chủ quản cấp trên trực tiếp để tổng hợp, tính điểm tiêu chí “Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên của đơn vị dự toán ngân sách cấp dưới trực tiếp” của cơ quan, đơn vị chủ quản cấp trên.

Điều 6. Nội dung, tiêu chí, thang điểm đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên của các Bộ, cơ quan Trung ương

1. Việc đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên được xác định trên 4 nội dung với thang điểm tối đa là 100 điểm. Cụ thể như sau:

a) Công tác chỉ đạo, điều hành về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Thang điểm tối đa là 10 điểm;

b) Kết quả tiết kiệm dự toán chi thường xuyên (loại trừ số kinh phí đã thực hiện tiết kiệm để cải cách tiền lương): Thang điểm tối đa là 40 điểm;

c) Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của đơn vị dự toán ngân sách cấp dưới trực tiếp: Thang điểm tối đa là 40 điểm;

d) Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Thang điểm tối đa là 10 điểm.

2. Nội dung, tiêu chí, tiêu chí thành phần và thang điểm đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên của các Bộ, cơ quan Trung ương theo Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 7. Nội dung, tiêu chí, thang điểm đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên của ngân sách cấp xã

1. Việc đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên được xác định trên 3 nội dung với thang điểm tối đa là 100 điểm. Cụ thể như sau:

a) Kết quả tiết kiệm đối với một số chỉ tiêu cụ thể trong chi thường xuyên: Thang điểm tối đa là 60 điểm;

b) Kết quả tiết kiệm kinh phí quản lý hành chính (loại trừ số kinh phí đã thực hiện tiết kiệm để cải cách tiền lương): Thang điểm tối đa là 40 điểm;

c) Đánh giá việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong chi thường xuyên (điểm trừ).

2. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên của đơn vị mình theo Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư này và gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổng hợp, tính điểm tiêu chí “Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên của các đơn vị dự toán ngân sách cấp dưới trực tiếp và ngân sách cấp xã” của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 129/2017/TT-BTC Thang điểm đánh giá việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *