Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 11/2017/TT-BGDĐT ngày 05/05/2017 về việc Quy chế xét tặng Giải thưởng “Khoa học và công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học”. Theo đó, quy định lĩnh vực khoa học được xét tặng giải thưởng khoa học công nghệ dành cho giảng viên trẻ tại các trường đại học
Theo quy định tại Thông tư 11/2017, các lĩnh vực được trao giải thưởng khoa học gồm có:
– Khoa học tự nhiên: Toán; Lý; Hóa; Sinh; Khoa học máy tính; Khoa học trái đất; Khoa học môi trường.
– Khoa học Y, Dược: Y lâm sàn; Y cơ sở; Công nghệ sinh học; dược học;…
– Khoa học Kỹ thuật và công nghệ: Kỹ thuật điện, điện tử;Kỹ thuật cơ khí; Kỹ thuật y học; Công nghệ nano;…
– Khoa học nông nghiệp: Trồng trọt; Chăn nuôi; Lâm nghiệp; Thủy sản;…
– Khoa học xã hội: Tâm lý học; Xã hội học; Pháp luật; Thông tin truyền thông;…
– Khoa học Nhân văn: Ngôn ngữ; Triết học; Nghệ thuật;…
Nội dung Thông tư 11/2017/TT-BGDĐT
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2017/TT-BGDĐT |
Hà Nội, ngày 05 tháng 5 năm 2017 |
THÔNG TƯ
BAN HÀNH QUY CHẾ XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG “KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ DÀNH CHO
GIẢNG VIÊN TRẺ TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC”
Căn cứ Luật giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Quy chế xét tặng Giải thưởng “Khoa học và công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học”.
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế xét tặng Giải thưởng “Khoa học và công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học”.
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 6 năm 2017.
Thông tư số 14/2014/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định xét tặng giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học hết hiệu lực kể từ thời điểm Thông tư này có hiệu lực.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
QUY CHẾ
XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG “KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ DÀNH CHO GIẢNG VIÊN TRẺ
TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC”
(Ban hành kèm theo Thông tư số 11 /2017/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2017 của
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về tiêu chí, quy trình tổ chức xét tặng Giải thưởng, khen thưởng, xử lý vi phạm Quy chế xét tặng Giải thưởng “Khoa học và công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học” (sau đây gọi tắt là Giải thưởng).
2. Đối tượng tham gia Giải thưởng là công trình khoa học và công nghệ của giảng viên, nghiên cứu viên trong các cơ sở giáo dục đại học không quá 35 tuổi (tính tròn theo năm dương lịch), (sau đây gọi là giảng viên trẻ) tại thời điểm nộp hồ sơ của năm xét tặng Giải thưởng.
Điều 2. Mục đích, thời gian xét tặng Giải thưởng
1. Giải thưởng nhằm biểu dương thành tích xuất sắc và khuyến khích tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của giảng viên trẻ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển kinh tế – xã hội, phát hiện và bồi dưỡng tài năng khoa học trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học.
2. Giải thưởng được tổ chức 03 năm một lần.
Điều 3. Lĩnh vực khoa học và công nghệ xét tặng Giải thưởng
Giải thưởng được xét tặng cho các công trình khoa học và công nghệ thuộc các lĩnh vực sau:
1. Khoa học Tự nhiên: Toán học và thống kê, Khoa học máy tính và thông tin, Vật lý, Hóa học, Khoa học trái đất và môi trường, Sinh học, Khoa học tự nhiên khác.
2. Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ: Kỹ thuật dân dụng, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật điện tử, Kỹ thuật thông tin, Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật hóa học, Kỹ thuật vật liệu và luyện kim, Kỹ thuật y học, Kỹ thuật môi trường, Công nghệ sinh học môi trường, Công nghệ sinh học công nghiệp, Công nghệ nano, Kỹ thuật thực phẩm và đồ uống, Khoa học kỹ thuật và công nghệ khác.
3. Khoa học Y, Dược: Y học cơ sở, Y học lâm sàng, Dược học, Công nghệ sinh học trong y học, Khoa học y, dược khác.
4. Khoa học Nông nghiệp: Trồng trọt, Chăn nuôi, Thú y, Lâm nghiệp, Thủy sản, Công nghệ sinh học nông nghiệp, Khoa học nông nghiệp khác.
5. Khoa học Xã hội: Tâm lý học, Kinh tế và kinh doanh, Khoa học giáo dục, Xã hội học, Pháp luật, Khoa học chính trị, Địa lý kinh tế và xã hội, Thông tin đại chúng và truyền thông, Khoa học xã hội khác.
6. Khoa học Nhân văn: Lịch sử và khảo cổ học, Ngôn ngữ học và văn học, Triết học, Đạo đức học và tôn giáo, Nghệ thuật, Khoa học nhân văn khác.
Điều 4. Yêu cầu đối với công trình tham gia xét tặng Giải thưởng
Công trình tham gia xét tặng Giải thưởng phải đáp ứng các yêu cầu sau:
1. Mỗi công trình do một hoặc nhiều giảng viên trẻ thực hiện nhưng phải có một người chịu trách nhiệm chính, tổng số người tham gia thực hiện không quá 09 (chín) và có ít nhất 50% số người tham gia là giảng viên trẻ.
2. Công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu theo quy định.
3. Công trình được công bố hoặc ứng dụng trong thực tiễn ít nhất 01 năm và chưa nhận bất kỳ Giải thưởng cấp quốc gia, quốc tế tính đến thời điểm nộp hồ sơ tham gia xét tặng Giải thưởng.
4. Tính đến thời điểm xét tặng Giải thưởng, tác giả, tập thể tác giả không vi phạm quy định tại Điều 8 Luật khoa học và công nghệ năm 2013.
Điều 5. Nguồn kinh phí cho Giải thưởng
1. Kinh phí tổ chức xét tặng Giải thưởng ở cơ sở giáo dục đại học được lấy từ kinh phí khoa học và công nghệ và các nguồn thu hợp pháp của cơ sở giáo dục đại học.
2. Kinh phí tổ chức xét tặng Giải thưởng ở Bộ Giáo dục và Đào tạo và tiền thưởng cho các công trình đạt giải được cân đối trong dự toán ngân sách nhà nước (kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ) giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo và các nguồn tài trợ hợp pháp khác.
Chương II
CÔNG TÁC CHUẨN BỊ XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG
Điều 6. Hồ sơ tham gia xét tặng Giải thưởng
1. Hồ sơ tham gia xét tặng Giải thưởng cấp cơ sở
a) Bản đăng ký tham gia xét tặng Giải thưởng (mẫu 01 – phụ lục);
b) Báo cáo tóm tắt công trình tham gia xét tặng Giải thưởng (mẫu 02 – phụ lục);
c) Trang bìa của Báo cáo công trình tham gia xét tặng giải thưởng (mẫu 03- phụ lục);
d) Tài liệu liên quan đến việc công bố, văn bản xác nhận ứng dụng công trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
đ) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng có sử dụng hoặc nhận hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước (nếu có) theo mẫu 10, 11 tại Thông tư số 14/2014/TT-BKHCN ngày 11 tháng 6 năm 2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin về nhiệm vụ khoa học và công nghệ;
e) Bản sao các văn bản, tư liệu khoa học và công nghệ, tài liệu khác có liên quan đến công trình (nếu có).
2. Hồ sơ tham gia xét tặng Giải thưởng cấp Bộ (01 bản chính và 10 bản sao)
a) Công văn đề nghị xét tặng Giải thưởng của cơ sở giáo dục đại học (mẫu 04 – phụ lục);
b) Quyết định thành lập Hội đồng cấp cơ sở, biên bản họp Hội đồng cấp cơ sở, phiếu nhận xét, đánh giá của các thành viên Hội đồng cấp cơ sở (mẫu 05, 06 và 07 – phụ lục);
c) Hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 7. Thời gian, địa điểm nộp hồ sơ, công bố và trao Giải thưởng
1. Cơ sở giáo dục đại học gửi hồ sơ (quy định tại khoản 2 Điều 6 Quy chế này) tham gia xét tặng Giải thưởng về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Thời gian nộp hồ sơ, công bố và trao Giải thưởng được thông báo vào năm tổ chức Giải thưởng trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chương III
TIÊU CHÍ, QUY TRÌNH TỔ CHỨC XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG
Điều 8. Tiêu chí xét tặng Giải thưởng
Tiêu chí xét tặng Giải thưởng bao gồm:
1. Công trình có những phát hiện khoa học mới, kết quả được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế có uy tín.
2. Công trình góp phần giải quyết được vấn đề cơ bản để cải tiến, đổi mới công nghệ và tạo sản phẩm mới.
3. Công trình có đóng góp cho phát triển chính sách, chiến lược và kinh tế xã hội của ngành, địa phương.
4. Công trình có sản phẩm được chuyển giao hoặc có khả năng chuyển giao.
5. Công trình có sản phẩm được ứng dụng phục vụ cho nghiên cứu và đào tạo.
Điều 9. Quy trình xét tặng Giải thưởng
Việc xét tặng Giải thưởng được tiến hành ở 02 cấp:
1. Cấp cơ sở
a) Tác giả, tập thể tác giả của công trình đăng ký và nộp hồ sơ tham gia xét tặng Giải thưởng tại cơ sở giáo dục đại học quản lý trực tiếp;
b) Cơ sở giáo dục đại học thành lập và tổ chức họp Hội đồng khoa học cấp cơ sở để đánh giá và lựa chọn các công trình tham gia xét tặng Giải thưởng;
c) Cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng theo quy định tại Điều 6 của Quy chế này gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Cấp Bộ
Công trình tham gia xét tặng Giải thưởng được đánh giá và xét chọn qua hai vòng.
a) Vòng một
Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Hội đồng. Hội đồng đánh giá công trình theo thang điểm 100 (mẫu 06-phụ lục). Những công trình có điểm đánh giá của Hội đồng từ 90 điểm trở lên sẽ được tham gia xét chọn giải nhất, giải nhì ở vòng hai; Công trình có điểm đánh giá của Hội đồng từ 80 điểm đến dưới 90 điểm sẽ được đề nghị xét giải ba; Công trình có điểm đánh giá của Hội đồng từ 70 điểm đến dưới 80 điểm sẽ được đề nghị xét giải khuyến khích; Trường hợp phát hiện hồ sơ không hợp lệ hoặc điểm đánh giá dưới 70 điểm, đề tài không đạt giải.
b) Vòng hai
Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Hội đồng xét chọn công trình đạt giải nhất, giải nhì. Chủ nhiệm công trình trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu tại cuộc họp của Hội đồng. Hội đồng bỏ phiếu xét chọn giải nhất và giải nhì cho từng lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Những công trình không báo cáo tại Hội đồng thì không được xét Giải thưởng. Tác giả chính của công trình có thể uỷ quyền cho thành viên của nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo tại Hội đồng. Giấy uỷ quyền có xác nhận của cơ sở giáo dục đại học quản lý trực tiếp.
Điều 10. Thành phần, nguyên tắc làm việc của Hội đồng khoa học xét tặng Giải thưởng các cấp
Hội đồng khoa học xét tặng Giải thưởng (sau đây gọi là Hội đồng) cấp cơ sở do thủ trưởng cơ quan tổ chức quản lý trực tiếp tác giả, tập thể tác giả công trình thành lập; Hội đồng cấp Bộ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập.
1. Thành phần Hội đồng
a) Hội đồng các cấp gồm Chủ tịch, ủy viên phản biện và các thành viên khác có trình độ chuyên môn phù hợp và am hiểu lĩnh vực khoa học công nghệ của công trình.
Tác giả công trình hoặc người có quyền, lợi ích có liên quan đến công trình không được là thành viên của Hội đồng xét tặng Giải thưởng công trình đó;
b) Hội đồng cấp cơ sở có 5 hoặc 7 thành viên, trường hợp đặc biệt có 9 thành viên;
c) Hội đồng cấp Bộ có 7 hoặc 9 thành viên, trường hợp đặc biệt có 11 thành viên, mỗi công trình có 02 uỷ viên phản biện.
2. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng các cấp
a) Hội đồng đánh giá công bằng, dân chủ, khách quan, biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu;
b) Hội đồng chỉ xem xét những công trình đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về hồ sơ tham dự giải thưởng theo quy định;
c) Thành viên Hội đồng các cấp có trách nhiệm nghiên cứu, nhận xét và đánh giá công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng bằng văn bản;
d) Cuộc họp Hội đồng phải có ít nhất 2/3 số thành viên tham dự, do Chủ tịch chủ trì và có ít nhất 01 ủy viên phản biện. Thành viên Hội đồng vắng mặt phải có nhận xét, đánh giá bằng văn bản;
đ) Cuộc họp Hội đồng cấp Bộ chỉ xem xét những công trình được Hội đồng cấp cơ sở đề nghị và được ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng cấp cơ sở bỏ phiếu đồng ý;
e) Nội dung cuộc họp Hội đồng phải được ghi thành biên bản, có chữ ký của người chủ trì, thư ký và được lưu vào hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng;
g) Việc xét tặng Giải thưởng cho các công trình có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước được áp dụng quy trình, thủ tục chung nhưng phải tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.
Điều 11. Cơ cấu giải thưởng, mức thưởng và chứng nhận giải thưởng
1. Cơ cấu giải thưởng
Số lượng giải thưởng của mỗi lĩnh vực khoa học và công nghệ được xác định như sau:
a) Giải nhất: Không quá 02 giải thưởng/lĩnh vực;
b) Giải nhì: Không quá 05 giải thưởng/lĩnh vực;
c) Giải ba: Không quá 10 giải thưởng/lĩnh vực;
d) Giải khuyến khích: Không quá 15 giải thưởng/lĩnh vực.
2. Mức thưởng:
a) Giải nhất: 10.000.000đ/công trình (Mười triệu đồng/công trình);
b) Giải nhì: 7.000.000đ/công trình (Bảy triệu đồng/công trình);
c) Giải ba: 5.000.000đ/công trình (Năm triệu đồng/công trình);
d) Giải khuyến khích: 3.000.000đ/công trình (Ba triệu đồng/công trình).
Trường hợp huy động được nguồn tài trợ cho Giải thưởng, giá trị Giải thưởng có thể tăng thêm tùy thuộc số kinh phí huy động được.
1. Chứng nhận giải thưởng
a) Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp giấy chứng nhận cho các công trình đạt giải ba và giải khuyến khích;
b) Nội dung giấy chứng nhận ghi rõ tên công trình, tên tác giả chịu trách nhiệm chính và tập thể tác giả có công trình đạt Giải thưởng;
c) Giấy chứng nhận chỉ được cấp 01 lần. Trong trường hợp tác giả để thất lạc giấy chứng nhận, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận kết quả Giải thưởng theo đơn đề nghị của tác giả và công văn của cơ sở giáo dục đại học.
Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 11/2017/TT-BGDĐT Quy chế xét tặng giải thưởng khoa học công nghệ giảng viên trẻ đại học của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.