Bạn đang xem bài viết ✅ Thông tư 10/2022/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình giảm nghèo ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Ngày 31/05/2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 10/2022/TT-BLĐTBXH hướng dẫn giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, chỉ số, biểu mẫu giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình giảm nghèo ban hành kèm theo Thông tư 10/2022/TT-BLĐTBXH gồm:

  • Chỉ số, khung kết quả thực hiện Chương trình thực hiện theo Biểu số 01 Phụ lục III;
  • Kết quả thực hiện Chương trình thực hiện theo Biểu số 02 Phụ lục III;
  • Biểu mẫu thu thập thông tin phục vụ công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình thực hiện theo Biểu số 03, Biểu số 04, Biểu số 05, Biểu số 06, Biểu số 07, Biểu số 08, Biểu số 09, Biểu số 10, Biểu số 11, Biểu số 12, Biểu số 13, Biểu số 14, Biểu số 15 Phụ lục III;
  • Mẫu Báo cáo giám sát Chương trình 6 tháng, hằng năm, định kỳ, đột xuất thực hiện theo Mẫu số 01 Phụ lục II;
  • Mẫu Báo cáo đánh giá Chương trình đầu kỳ, giữa kỳ, kết thúc, hằng năm và đột xuất thực hiện theo Mẫu số 02 Phụ lục II.

BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 10/2022/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2022

THÔNG TƯ 10/2022/TT-BLĐTBXH

HƯỚNG DẪN GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021 – 2025

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo;

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình).

2. Đối tượng áp dụng

a) Chủ Chương trình, cơ quan chủ quản Chương trình, chủ dự án thành phần (chủ dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình), chủ đầu tư.

b) Các cơ quan, đơn vị, địa phương và đối tượng tham gia thực hiện Chương trình.

c) Các tổ chức và cá nhân liên quan.

Điều 2. Các bước giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình

1. Các bước giám sát thực hiện Chương trình thực hiện theo Mục I Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Các bước đánh giá thực hiện Chương trình thực hiện theo Mục II Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Chỉ số, biểu mẫu giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình

1. Chỉ số, khung kết quả thực hiện Chương trình thực hiện theo Biểu số 01 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Kết quả thực hiện Chương trình thực hiện theo Biểu số 02 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Biểu mẫu thu thập thông tin phục vụ công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình thực hiện theo Biểu số 03, Biểu số 04, Biểu số 05, Biểu số 06, Biểu số 07, Biểu số 08, Biểu số 09, Biểu số 10, Biểu số 11, Biểu số 12, Biểu số 13, Biểu số 14, Biểu số 15 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Mẫu Báo cáo giám sát Chương trình 6 tháng, hằng năm, định kỳ, đột xuất thực hiện theo Mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Mẫu Báo cáo đánh giá Chương trình đầu kỳ, giữa kỳ, kết thúc, hằng năm và đột xuất thực hiện theo Mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Chế độ thu thập thông tin, báo cáo giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình

1. Chế độ thu thập thông tin và tổng hợp các Biểu mẫu

a) Thu thập và tổng hợp định kỳ 6 tháng, hằng năm: Biểu số 01, Biểu số 02, Biểu số 04, Biểu số 05, Biểu số 06, Biểu số 07, Biểu số 08, Biểu số 09, Biểu số 10, Biểu số 11, Biểu số 12, Biểu số 13, Biểu số 14, Biểu số 15 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Thu thập và tổng hợp hằng năm: Biểu số 03 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Chế độ báo cáo giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình

a) Báo cáo giám sát

– Trong thời gian 15 ngày làm việc sau khi kết thúc đợt giám sát, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương gửi báo cáo về cơ quan thường trực Chương trình cùng cấp để tổng hợp, báo cáo cơ quan cấp trên.

– Trước ngày 01 tháng 6 (Báo cáo giám sát 6 tháng), trước ngày 01 tháng 12 (Báo cáo giám sát hằng năm), các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương gửi báo cáo về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và bộ, cơ quan trung ương chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình.

b) Báo cáo đánh giá đầu kỳ, giữa kỳ, kết thúc và hằng năm, đột xuất.

– Trước ngày 01 tháng 12 năm 2022, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện Chương trình gửi báo cáo đánh giá đầu kỳ (năm 2022) về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan trung ương chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình.

– Trước ngày 01 tháng 9 năm 2023, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện Chương trình gửi báo cáo đánh giá giữa kỳ (giai đoạn 2021-2023) về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan trung ương chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình.

– Trước ngày 01 tháng 9 năm 2025, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện Chương trình gửi báo cáo đánh giá kết thúc (giai đoạn 2021-2025) về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan trung ương chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình.

– Trước ngày 01 tháng 12 hằng năm, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện Chương trình gửi báo cáo đánh giá hằng năm về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan trung ương chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình.

– Báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình.

3. Hình thức báo cáo: Bằng bản giấy và bản điện tử.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, xây dựng kế hoạch giám sát, đánh giá; phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan trung ương tổ chức giám sát, đánh giá tại các cơ quan trung ương, địa phương; tổng hợp, báo cáo kết quả giám sát, đánh giá; xây dựng, hướng dẫn, triển khai Hệ thống quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, liên thông dữ liệu vào cơ sở dữ liệu Hệ thống giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia trong tổng hợp, báo cáo giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình theo quy định.

Tham khảo thêm:   Mẫu phân tích công việc - Job Analysis

2. Các bộ, cơ quan chủ trì, quản lý, tham gia thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình xây dựng kế hoạch, tổ chức giám sát, đánh giá các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình được phân công; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện việc giám sát, đánh giá trên địa bàn; tổ chức thu thập và tổng hợp thông tin, báo cáo cơ quan chủ Chương trình định kỳ, đột xuất; đồng thời tổng hợp, báo cáo trên Hệ thống quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo:

a) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

– Trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch, tổ chức giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.

– Tổng hợp chung kết quả giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình trên địa bàn, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các bộ, cơ quan trung ương chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình; đồng thời tổng hợp, cập nhật báo cáo trên Hệ thống quản lý chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo quy định.

– Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã tổ chức thực hiện công tác giám sát, đánh giá theo quy định.

b) Các sở, ban, ngành chủ trì, quản lý, tham gia thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình

– Phê duyệt kế hoạch, tổ chức giám sát, đánh giá; hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã triển khai giám sát, đánh giá; tổng hợp kết quả thực hiện dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần do sở, ban, ngành chủ trì, quản lý, tham gia thực hiện.

– Báo cáo kết quả thực hiện đối với các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình do sở, ban, ngành chủ trì, quản lý, tham gia thực hiện gửi về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các bộ, cơ quan trung ương chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình.

c) Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã: phê duyệt kế hoạch, tổ chức giám sát, đánh giá theo quy định tại Thông tư này.

Ủy ban nhân dân cấp xã giao công chức văn hóa – xã hội cấp xã làm công tác giảm nghèo giúp việc Ban quản lý cấp xã để thực hiện.

4. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giám sát việc thực hiện Chương trình theo quy định.

Điều 6. Kinh phí thực hiện

Kinh phí giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình được bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Dự án 7. Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá Chương trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ (bao gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và nguồn vốn huy động hợp pháp khác).

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2022.

2. Thông tư số 39/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy trình kiểm tra và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để kịp thời xem xét, hướng dẫn./.

Nơi nhận:

– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng Quốc hội;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Ngân hàng Chính sách xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
– Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
– Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ;
– Bộ LĐTBXH: Bộ trưởng, các Thứ trưởng, các đơn vị thuộc Bộ, TTTT (để đăng Cổng TTĐT Bộ);
– Lưu: VT, BTXH, VPQGGN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Lê Văn Thanh

PHỤ LỤC I

CÁC BƯỚC GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021 – 2025

(Ban hành kèm theo Thông tư số 10/2022/TT-BLĐTBXH Ngày 31 tháng 5 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội)

I. CÁC BƯỚC GIÁM SÁT THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021-2025

1. Mục đích: Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý Chương trình; kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình ở các cấp trung ương, địa phương; qua đó, đề xuất các giải pháp và kiến nghị trong tổ chức thực hiện và theo dõi việc thực hiện kiến nghị đã đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý.

2. Nội dung giám sát:

a) Nội dung giám sát của chủ chương trình

– Theo dõi, kiểm tra công tác quản lý Chương trình: Xây dựng hệ thống văn bản quản lý, tổ chức thực hiện chương trình; lập kế hoạch thực hiện giai đoạn 5 năm và kế hoạch hằng năm; thực hiện và điều chỉnh kế hoạch triển khai chương trình; truyền thông, tăng cường năng lực quản lý chương trình, dự án thành phần.

– Theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình: Tiến độ, mức độ, kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ; khối lượng thực hiện các nội dung, hoạt động thuộc chương trình.

– Theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư, dự toán ngân sách nhà nước: Huy động, sử dụng vốn thực hiện chương trình, dự án thành phần; tình hình sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư, nội dung, hoạt động thuộc chương trình, dự án thành phần (giải ngân, thanh toán, quyết toán, nợ đọng vốn xây dựng cơ bản (nếu có).

– Theo dõi, kiểm tra năng lực tổ chức thực hiện, việc chấp hành quy định về quản lý chương trình, quản lý đầu tư, biện pháp xử lý các vấn đề vi phạm đã được cơ quan có thẩm quyền phát hiện (nếu có) của chủ dự án thành phần, cơ quan chủ quản Chương trình.

– Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành chế độ giám sát, đánh giá chương trình của chủ dự án thành phần, cơ quan chủ quản chương trình.

– Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình, kết quả xử lý các vướng mắc, khó khăn thuộc thẩm quyền và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt thẩm quyền.

b) Nội dung giám sát của chủ dự án thành phần

– Theo dõi, kiểm tra các nội dung về: Xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện dự án thành phần theo phân cấp: công tác truyền thông, tăng cường năng lực quản lý, thực hiện nội dung, hoạt động dự án thành phần.

– Theo dõi, kiểm tra kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, hoạt động dự án thành phần.

– Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý đầu tư, quản lý ngân sách nhà nước, năng lực quản lý dự án thành phần, việc xử lý các vấn đề vi phạm đã được cơ quan có thẩm quyền phát hiện (nếu có) của cơ quan chủ quản chương trình.

– Theo dõi các nội dung về: Tổng hợp tình hình thực hiện dự án thành phần; lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện dự án đầu tư; thực hiện kế hoạch vốn ngân sách nhà nước, kết quả giải ngân; khó khăn, vướng mắc phát sinh và kết quả xử lý.

– Báo cáo tình hình thực hiện dự án thành phần; kết quả xử lý vướng mắc, khó khăn theo thẩm quyền và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt thẩm quyền.

c) Nội dung giám sát của cơ quan chủ quản chương trình

– Nội dung theo dõi:

+ Tình hình thực hiện chế độ báo cáo của chủ chương trình, chủ dự án thành phần thuộc chương trình theo quy định.

+ Tổng hợp tình hình thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thuộc chương trình.

+ Tổng hợp tình hình thực hiện chương trình: Tiến độ thực hiện các mục tiêu của chương trình; thực hiện kế hoạch vốn đầu tư, giải ngân; khó khăn, vướng mắc, phát sinh chính ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình và kết quả xử lý.

+ Việc chấp hành các biện pháp xử lý của chủ chương trình, chủ dự án thành phần.

+ Báo cáo và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt quá thẩm quyền.

– Nội dung kiểm tra:

+ Việc quản lý thực hiện chương trình của chủ chương trình và việc quản lý thực hiện dự án thành phần thuộc chương trình của chủ dự án thành phần.

+ Việc chấp hành các biện pháp xử lý các vấn đề đã phát hiện của các cơ quan, đơn vị liên quan.

3. Phương pháp giám sát

a) Thu thập các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của địa phương về thực hiện Chương trình; báo cáo giám sát, đánh giá và các tài liệu liên quan.

b) Khảo sát, kiểm tra thực địa.

c) Tham vấn cán bộ xã, thôn, bản: Cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, thành viên Ban quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn xã (sau đây gọi là Ban quản lý cấp xã), trưởng thôn, bản.

d) Tham vấn các đối tượng thụ hưởng để đánh giá mức độ tiếp cận và thụ hưởng Chương trình.

4. Các bước giám sát

a) Cấp trung ương

– Thông báo cho Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh về kế hoạch giám sát.

– Thu thập các thông tin về chỉ đạo, tổ chức, thực hiện Chương trình.

– Chọn ngẫu nhiên huyện, xã để giám sát thực tế.

– Tiến hành các nội dung giám sát theo kế hoạch.

b) Cấp tỉnh

– Thông báo cho Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện về kế hoạch giám sát.

– Thu thập các thông tin về chỉ đạo, tổ chức, thực hiện Chương trình.

– Chọn ngẫu nhiên xã, thôn bản để giám sát thực tế.

– Tiến hành các nội dung giám sát theo kế hoạch.

c) Cấp huyện

– Thông báo với Ban quản lý cấp xã về kế hoạch giám sát.

– Chọn ngẫu nhiên thôn, bản để tiến hành giám sát.

– Thu thập các tài liệu liên quan.

– Tiến hành kiểm tra ở thôn, bản và tham vấn trực tiếp với đối tượng hưởng lợi Chương trình.

d) Cấp xã

– Ban quản lý cấp xã báo cáo tình hình thực hiện Chương trình giảm nghèo.

– Thu thập các tài liệu liên quan.

– Tham vấn các đối tượng hưởng lợi về mức độ tiếp cận, thụ hưởng Chương trình.

5. Trách nhiệm của các cấp

a) Cấp trung ương

– Phê duyệt kế hoạch giám sát thực hiện Chương trình theo phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia.

– Thực hiện giám sát theo kế hoạch.

– Tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia.

– Theo dõi, đôn đốc và kiểm tra kết quả khắc phục những tồn tại (nếu có) của đơn vị được giám sát.

b) Cấp tỉnh

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực, có trách nhiệm:

– Trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kế hoạch giám sát hằng năm.

– Phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện việc giám sát đối với cấp huyện.

– Tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về kết quả giám sát.

– Theo dõi, đôn đốc và kiểm tra kết quả khắc phục những tồn tại (nếu có) của đơn vị được kiểm tra.

c) Cấp huyện

Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực, có trách nhiệm:

– Trình Ủy ban nhân dân cấp huyện kế hoạch giám sát đối với cấp xã.

– Tổ chức thực hiện giám sát theo kế hoạch.

– Tổng hợp trình Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về kết quả giám sát.

– Theo dõi, đôn đốc và kiểm tra kết quả khắc phục những tồn tại (nếu có) của đơn vị được kiểm tra.

d) Cấp xã

Ban quản lý cấp xã là cơ quan thường trực, có trách nhiệm:

– Trình Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt kế hoạch giám sát, phân công trách nhiệm cụ thể theo dõi cho các thành viên Ban quản lý cấp xã.

– Tổ chức thực hiện giám sát theo kế hoạch.

– Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội về kết quả giám sát.

II. CÁC BƯỚC ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021-2025

1. Mục đích đánh giá: Xác định mức độ đạt được theo mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể so với quyết định đầu tư hoặc tiêu chuẩn đánh giá quy định của nhà nước tại một thời điểm nhất định.

2. Nội dung đánh giá:

a) Nội dung đánh giá hằng năm

– Đánh giá công tác quản lý chương trình trong năm thực hiện gồm: Kết quả xây dựng chính sách quản lý, tổ chức thực hiện chương trình; công tác điều phối, phối hợp trong quản lý, tổ chức thực hiện; hoạt động truyền thông, thông tin và theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình; công tác chấp hành chế độ giám sát của cơ quan dân cử.

– Tình hình huy động, phân bổ và sử dụng nguồn vốn.

– Mức độ đạt được kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ so với kế hoạch hằng năm, giai đoạn 5 năm được cấp có thẩm quyền giao.

– Tồn tại, vướng mắc phát sinh và nguyên nhân.

– Phương hướng, giải pháp thực hiện năm tiếp theo.

b) Nội dung đánh giá giữa kỳ chương trình

– Đánh giá công tác quản lý chương trình, gồm: Kết quả xây dựng chính sách quản lý, tổ chức thực hiện chương trình; công tác điều hành, phối hợp trong quản lý, tổ chức thực hiện chương trình; hoạt động truyền thông, thông tin và theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình; công tác chấp hành chế độ giám sát của cơ quan dân cử.

– Tình hình huy động, phân bổ và sử dụng nguồn vốn.

– Kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ gồm: Sự phù hợp của kết quả thực hiện chương trình so với mục tiêu chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; mức độ hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ chương trình đến thời điểm đánh giá so với kế hoạch giai đoạn 5 năm.

– Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.

– Đề xuất các giải pháp thực hiện chương trình từ thời điểm đánh giá đến năm cuối giai đoạn 5 năm, bao gồm đề xuất điều chỉnh chương trình (nếu có).

c) Nội dung đánh giá kết thúc chương trình

– Đánh giá công tác quản lý chương trình, gồm: Kết quả xây dựng hệ thống chính sách quản lý, tổ chức thực hiện; công tác điều hành, phối hợp trong quản lý, tổ chức thực hiện; hoạt động truyền thông, thông tin và theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình; công tác chấp hành chế độ giám sát của cơ quan dân cử.

– Đánh giá kết quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn vốn.

– Đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể của chương trình so với mục tiêu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

– Đánh giá tác động và hiệu quả đầu tư của chương trình đối với phát triển kinh tế – xã hội; tính bền vững của chương trình; bình đẳng giới; môi trường, sinh thái (nếu có).

– Bài học rút ra sau quá trình thực hiện chương trình và đề xuất khuyến nghị cần thiết để duy trì kết quả đã đạt được của chương trình; các biện pháp để giảm thiểu các tác động tiêu cực về xã hội, môi trường (nếu có).

d) Nội dung đánh giá đột xuất về chương trình

– Nội dung đánh giá đột xuất thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 mục II phụ lục này.

– Xác định những phát sinh ngoài dự kiến (nếu có), nguyên nhân phát sinh ngoài dự kiến và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; ảnh hưởng của những phát sinh đến việc thực hiện chương trình, khả năng hoàn thành mục tiêu của chương trình.

3. Các bước đánh giá

a) Thu thập thông tin, báo cáo ở cấp xã

Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Ban quản lý cấp xã:

– Định kỳ thu thập thông tin theo các Biểu số 03, Biểu số 04, Biểu số 05, Biểu số 06, Biểu số 07, Biểu số 08, Biểu số 09, Biểu 10, Biểu số 11, Biểu số 12, Biếu số 13, Biểu số 14, Biểu số 15.

Đối với các biểu từ Biểu số 04 đến Biểu số 15 chỉ định kỳ thu thập ở các xã được thụ hưởng các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình do cấp xã trực tiếp làm chủ đầu tư hoặc thực hiện.

– Xây dựng Báo cáo giám sát 6 tháng, hằng năm (Mẫu số 01), Báo cáo đánh giá đầu kỳ, giữa kỳ, kết thúc và hằng năm, đột xuất (Mẫu số 02) và gửi về Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện (qua Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội) và các phòng, ban trực tiếp quản lý.

– Cập nhật thông tin trên Hệ thống quản lý chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo quy định.

b) Thu thập thông tin, tổng hợp, báo cáo ở cấp huyện

– Các cơ quan, đơn vị liên quan thu thập thông tin Biểu số 06, Biểu số 07, Biểu số 11, Biểu số 12, Biểu 14, Biểu 15 (về các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần do cấp huyện trực tiếp thực hiện).

– Các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp biểu mẫu báo cáo theo dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần được phân công chủ trì, quản lý, thực hiện; xây dựng Báo cáo giám sát 6 tháng, hằng năm (Mẫu số 01) đối với các dự án, tiểu dự án và nội dung thành phần do phòng ban quản lý, Báo cáo đánh giá đầu kỳ, giữa kỳ, kết thúc và hằng năm, đột xuất (Mẫu số 02) và gửi về Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện (qua Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội) và sở, ngành trực tiếp quản lý.

– Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp chung các Biểu số 03, Biểu số 04, Biểu số 05, Biểu số 06, Biểu số 07, Biểu số 08, Biểu số 09, Biểu số 10, Biểu số 11, Biểu số 12, Biểu số 13, Biểu số 14, Biểu số 15, đồng thời tổng hợp Biểu số 01 và Biểu số 02; xây dựng Báo cáo giám sát 6 tháng, hằng năm (Mẫu số 01), Báo cáo đánh giá đầu kỳ, giữa kỳ, kết thúc và hằng năm, đột xuất (Mẫu số 02) để báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các sở, ban, ngành chủ trì, quản lý và thực hiện dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình. Cập nhật thông tin trên Hệ thống quản lý chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo quy định.

c) Tổng hợp, báo cáo ở cấp tỉnh

– Các cơ quan, đơn vị liên quan thu thập thông tin Biểu số 06, Biểu số 07, Biểu số 11, Biểu số 12, Biểu 14, Biểu 15 (về các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần do cấp tỉnh trực tiếp thực hiện).

– Các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp biểu mẫu báo cáo theo dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần được phân công chủ trì, quản lý, thực hiện; xây dựng Báo cáo giám sát 6 tháng, hằng năm (Mẫu số 01) đối với các dự án, tiểu dự án và nội dung thành phần do sở, ban ngành quản lý, Báo cáo đánh giá đầu kỳ, giữa kỳ, kết thúc và hằng năm, đột xuất (Mẫu số 02) và gửi về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và bộ, ngành trực tiếp quản lý.

– Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp chung các Biểu số 03, Biểu số 04, Biểu số 05, Biểu số 06, Biểu số 07, Biểu số 08, Biểu số 09, Biểu số 10, Biểu số 11, Biểu số 12, Biểu số 13, Biểu số 14, Biểu số 15, đồng thời tổng hợp Biểu số 01 và Biểu số 02; xây dựng Báo cáo giám sát 6 tháng, hằng năm (Mẫu số 01), Báo cáo đánh giá đầu kỳ, giữa kỳ, kết thúc và hằng năm, đột xuất (Mẫu số 02) để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Cập nhật thông tin trên Hệ thống quản lý chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo quy định.

d) Tổng hợp, báo cáo ở cấp trung ương

– Các bộ, cơ quan trung ương liên quan thu thập thông tin Biểu số 06, Biểu số 07, Biểu số 11, Biểu số 12, Biểu 14, Biểu 15 (về các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần do cấp trung ương trực tiếp thực hiện).

– Các bộ, cơ quan trung ương chủ trì, quản lý, thực hiện dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần tổng hợp Báo cáo giám sát 6 tháng, hằng năm (Mẫu số 01), Báo cáo đánh giá đầu kỳ, giữa kỳ, kết thúc và hằng năm, đột xuất (Mẫu số 02) và gửi về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

– Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp hợp Báo cáo giám sát 6 tháng, hằng năm (Mẫu số 01), Báo cáo đánh giá đầu kỳ, giữa kỳ, kết thúc và hằng năm, đột xuất (Mẫu số 02); cập nhật thông tin trên Hệ thống quản lý chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo quy định, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.

………….

Mời các bạn tải File tài liệu để xem thêm nội dung Thông tư

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 10/2022/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình giảm nghèo của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

Tham khảo thêm:   Đề thi thử THPT Quốc gia 2018 môn Toán trường THPT Lạng Giang – Bắc Giang Đề thi thử môn Toán THPT quốc gia 2018

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *