Bạn đang xem bài viết ✅ Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Từ ngày 15/03/2021, Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành ngày 12/11/2020 chính thức có hiệu lực. Thông tư hướng dẫn Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên.

Theo đó, quy định nơi làm việc gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên (nơi cấm sử dụng NLĐ từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm việc theo Điểm đ khoản 2 Điều 147 Bộ luật lao động 2019) bao gồm:

  • Tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong môi trường lao động nằm ngoài giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh lao động
  • Tiếp xúc với các vi sinh vật gây bệnh.
  • Thời gian làm việc trên 04 giờ/ngày trong không gian làm việc gò bó, chật hẹp, công việc có khi phải quỳ gối, nằm, cúi khom.
  • Trên giá cao hay dây treo cao hơn 2m so với mặt sàn làm việc, địa hình đồi núi dốc trên 30 độ.
  • Các công việc ở trong hố sâu hơn 5m.
  • Làm việc trong nhà tù hoặc trong bệnh việc tâm thần.

BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 09/2020/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2020

THÔNG TƯ 09/2020/TT-BLĐTBXH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG VỀ LAO ĐỘNG CHƯA THÀNH NIÊN

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 20 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn lao động và Cục trưởng Cục Trẻ em;

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều, khoản sau đây của Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên:

1. Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc theo quy định tại khoản 4 Điều 145.

2. Danh mục công việc nhẹ người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi được làm theo quy định tại khoản 3 Điều 143.

3. Danh mục nghề, công việc người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm theo quy định tại khoản 2 Điều 146.

4. Danh mục công việc, nơi làm việc gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên theo quy định khoản 3 Điều 147.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người sử dụng lao động.

2. Người lao động chưa thành niên.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện quy định tại Thông tư này.

Chương II

SỬ DỤNG NGƯỜI CHƯA ĐỦ 15 TUỔI LÀM VIỆC

Điều 3. Điều kiện sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc

Người sử dụng lao động phải tuân thủ Điều 145 của Bộ luật Lao động khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, với các quy định cụ thể sau:

1. Giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này.

2. Bố trí thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Lao động. Người chưa đủ 15 tuổi vừa làm việc vừa học tập hoặc có nhu cầu học tập thì việc bố trí thời giờ làm việc phải bảo đảm không ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi.

Tham khảo thêm:   Giấy nhận lưu giữ di chúc

3. Bố trí các đợt nghỉ giải lao cho người chưa đủ 15 tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật Lao động.

4. Tuân thủ quy định về khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Lao động và Luật An toàn, vệ sinh lao động.

5. Chỉ được tuyển dụng và sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi vào làm công việc nhẹ khi công việc đó đáp ứng các điều kiện sau:

a) Là công việc có trong danh mục quy định tại Điều 8 của Thông tư này;

b) Nơi làm việc không thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 147 của Bộ luật Lao động và khoản 2 Điều 9 của Thông tư này.

6. Không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc, trừ các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này.

Điều 4. Giao kết hợp đồng lao động để sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc

1. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 18 của Bộ luật Lao động và đáp ứng các điều kiện sau:

a) Có phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 06 tháng kể từ ngày cấp đến ngày giao kết hợp đồng lao động, trong đó không có án tích về hành vi xâm hại trẻ em;

b) Có Bản cam kết chưa từng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm hại trẻ em theo Mẫu số 02 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hợp đồng lao động với người chưa đủ 15 tuổi phải có các nội dung theo quy định tại Điều 21 của Bộ luật Lao động và các nội dung sau:

a) Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi cư trú; số điện thoại (nếu có); số thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của người chưa đủ 15 tuổi;

b) Chỗ ở đối với người chưa đủ 15 tuổi làm việc xa gia đình;

c) Việc bảo đảm điều kiện học tập.

3. Hợp đồng lao động đối với người chưa đủ 13 tuổi chỉ có hiệu lực sau khi có văn bản đồng ý của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quy định tại Điều 5 của Thông tư này.

Điều 5. Thẩm quyền đồng ý việc sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc

Khi tuyển dụng, sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc theo quy định tại khoản 3 Điều 145 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động phải có sự đồng ý của cơ quan sau:

1. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính hoặc nơi có địa chỉ được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định thành lập cơ quan, tổ chức hoặc hợp đồng hợp tác của tổ hợp tác, trong trường hợp người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã.

2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú của hộ gia đình, cá nhân, trong trường hợp người sử dụng lao động là hộ gia đình hoặc cá nhân.

Điều 6. Hồ sơ đề nghị việc sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc

Hồ sơ đề nghị việc sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc gồm có:

Tham khảo thêm:   Luật Kiểm toán Nhà nước 2015 Luật số: 81/2015/QH13

1. Văn bản đề nghị việc sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc theo Mẫu số 01 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định thành lập cơ quan, tổ chức hoặc hợp đồng hợp tác của tổ hợp tác, trong trường hợp người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã. Bản sao sổ hộ khẩu hoặc giấy tạm trú trong trường hợp người sử dụng lao động là hộ gia đình hoặc cá nhân.

3. Bản sao phiếu lý lịch tư pháp của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 của Thông tư này.

4. Bản cam kết chưa từng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm hại trẻ em theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 của Thông tư này.

5. Hợp đồng lao động hoặc dự thảo hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động với người chưa đủ 13 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó. Trong trường hợp dự thảo hợp đồng lao động thì phải có Phiếu đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người chưa đủ 13 tuổi làm việc theo Mẫu số 03 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Bản sao giấy khai sinh, giấy khám sức khỏe của người chưa đủ 13 tuổi. Thời khóa biểu hoặc chương trình học tập của cơ sở giáo dục nơi người chưa đủ 13 tuổi đang học tập nếu đang đi học.

Điều 7. Trình tự, thủ tục đề nghị việc sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc

1. Khi có nhu cầu sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc, người sử dụng lao động gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến 01 bộ hồ sơ đối với từng người chưa đủ 13 tuổi làm việc quy định tại Điều 6 của Thông tư này đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quy định tại Điều 5 của Thông tư này.

2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp nhận hồ sơ đề nghị việc sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc khi có đủ các thành phần hồ sơ quy định tại Điều 6 của Thông tư này.

3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tiến hành xác minh thông tin (nếu cần), thẩm định hồ sơ và trả lời bằng văn bản cho người sử dụng lao động việc đồng ý sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc theo Mẫu số 04 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Trường hợp không đồng ý việc sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do, gửi người sử dụng lao động.

Chương III

DANH MỤC NGHỀ, CÔNG VIỆC, NƠI LÀM VIỆC ÁP DỤNG ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG CHƯA THÀNH NIÊN

Điều 8. Danh mục công việc nhẹ người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi được làm

Ban hành kèm theo Thông tư này Phụ lục II – Danh mục công việc nhẹ người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi được làm.

Điều 9. Danh mục công việc, nơi làm việc gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên

1. Ban hành kèm theo Thông tư này Phụ lục III – Danh mục công việc gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 147 của Bộ luật Lao động.

2. Ban hành kèm theo Thông tư này Phụ lục IV – Danh mục nơi làm việc gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 147 của Bộ luật Lao động.

Tham khảo thêm:   Đề cương ôn tập học kì 2 môn Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp 8 sách Kết nối tri thức với cuộc sống Ôn thi học kì 2 môn HĐTN, HN 8 (Có đáp án)

Điều 10. Danh mục nghề, công việc người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm

Ban hành kèm theo Thông tư này Phụ lục V – Danh mục nghề, công việc người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

1. Chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về y tế, văn hóa, thể thao và du lịch, giáo dục và các cơ quan, tổ chức liên quan thường xuyên đôn đốc, giám sát việc thực hiện Thông tư này.

2. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc sử dụng lao động chưa thành niên làm việc trên địa bàn.

3. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, kiểm tra, thanh tra việc sử dụng lao động chưa thành niên.

4. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý việc sử dụng lao động chưa thành niên.

5. Trước ngày 25 tháng 12 hằng năm, báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình đồng ý sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc trên địa bàn theo Mẫu số 05 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 12. Trách nhiệm của người sử dụng lao động

1. Lập Sổ theo dõi tình hình sử dụng lao động chưa thành niên theo Mẫu số 06 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này và thường xuyên cập nhật thông tin vào Sổ theo dõi.

2. Tôn trọng, lấy ý kiến của người chưa thành niên về những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích của họ.

3. Thường xuyên kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn cho người chưa thành niên tại nơi làm việc.

4. Trong trường hợp sức khỏe người chưa thanh niên không còn phù hợp với công việc thì phải thông báo cho người chưa thành niên, đối với trường hợp người chưa đủ 15 tuổi thì đồng thời phải thông báo cho người đại diện theo pháp luật của người đó.

5. Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ trẻ em.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2021.

2. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các Thông tư sau hết hiệu lực thi hành:

a) Thông tư số 10/2013/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên;

b) Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH ngày 11 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục công việc nhẹ được sử dụng người dưới 15 tuổi làm việc./.

Nơi nhận:
– Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ;

– Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Quốc hội,
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Cơ quan Trung ương các đoàn thể và các Hội;
– Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
– Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
– Công báo;
– Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
– Cổng thông tin điện tử Bộ LĐTBXH;
– Lưu: Văn thư, Cục TE, Cục ATLĐ (30 bản).

BỘ TRƯỞNG




Đào Ngọc Dung

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *