Kể từ ngày 15/06/2018, Thông tư 09/2018/TT-NHNN do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 30/03/2018 chính thức có hiệu lực. Thông tư quy định về mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng là hợp tác xã.
Theo đó, mạng lưới hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân bao gồm phòng giao dịch; Mạng lưới hoạt động của ngân hàng hợp tác xã bao gồm: Chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước, văn phòng đại diện ở nước ngoài.
Trên địa bàn 01 tỉnh, thành, ngân hàng hợp tác xã được thành lập 01 chi nhánh. Ngân hàng hợp tác xã được thành lập mới không quá 05 chi nhánh trong 01 năm. Một chi nhánh không quản lý quá 03 phòng giao dịch. Riêng quỹ tín dụng nhân dân, được thành lập 01 phòng giao dịch trên địa bàn 01 xã, phường, thị trấn.
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2018/TT-NHNN |
Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 2018 |
THÔNG TƯ 09/2018/TT-NHNN
QUY ĐỊNH VỀ MẠNG LƯỚI HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG LÀ HỢP TÁC XÃ
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật hợp tác xã ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) ban hành Thông tư quy định về mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng là hợp tác xã.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về điều kiện, hồ sơ và thủ tục thành lập, chấm dứt hoạt động, giải thể, thay đổi tên, địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của ngân hàng hợp tác xã, phòng giao dịch của quỹ tín dụng nhân dân; mở, chấm dứt hoạt động điểm giới thiệu dịch vụ của quỹ tín dụng nhân dân.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức tín dụng là hợp tác xã gồm ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân.
2. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến thành lập, chấm dứt hoạt động, giải thể, thay đổi tên, địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện và đơn vị sự nghiệp của ngân hàng hợp tác xã, phòng giao dịch của quỹ tín dụng nhân dân; mở, chấm dứt hoạt động điểm giới thiệu dịch vụ của quỹ tín dụng nhân dân.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Mạng lưới hoạt động của ngân hàng hợp tác xã bao gồm chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước, văn phòng đại diện ở nước ngoài.
2. Mạng lưới hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân bao gồm phòng giao dịch.
3. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc ngân hàng hợp tác xã, có con dấu, có nhiệm vụ thực hiện một hoặc một số chức năng của ngân hàng hợp tác xã theo quy định nội bộ và quy định của pháp luật.
4. Phòng giao dịch của ngân hàng hợp tác xã là loại hình chi nhánh, đơn vị phụ thuộc ngân hàng hợp tác xã, được quản lý bởi một chi nhánh của ngân hàng hợp tác xã, có con dấu, có địa điểm đặt trụ sở trên địa bàn hoạt động của chi nhánh quản lý, có nhiệm vụ thực hiện một hoặc một số chức năng của ngân hàng hợp tác xã theo quy định nội bộ và quy định của pháp luật.
5. Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc ngân hàng hợp tác xã, có con dấu, thực hiện chức năng đại diện theo ủy quyền của ngân hàng hợp tác xã. Văn phòng đại diện không được thực hiện hoạt động kinh doanh.
6. Đơn vị sự nghiệp là đơn vị phụ thuộc ngân hàng hợp tác xã, có con dấu, thực hiện một hoặc một số hoạt động hỗ trợ hoạt động kinh doanh của ngân hàng hợp tác xã.
7. Phòng giao dịch của quỹ tín dụng nhân dân là loại hình chi nhánh, đơn vị phụ thuộc quỹ tín dụng nhân dân, có con dấu, có địa điểm đặt trụ sở trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân, có nhiệm vụ thực hiện một hoặc một số chức năng của quỹ tín dụng nhân dân theo quy định nội bộ và quy định của pháp luật.
8. Thời điểm đề nghị là ngày, tháng, năm ghi trên văn bản đề nghị thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của ngân hàng hợp tác xã; phòng giao dịch của quỹ tín dụng nhân dân.
Điều 4. Thẩm quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Căn cứ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng và định hướng phát triển ngành ngân hàng trong từng thời kỳ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:
1. Xem xét chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước, văn phòng đại diện ở nước ngoài; chấm dứt hoạt động, giải thể chi nhánh; bắt buộc chấm dứt hoạt động, giải thể phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước của ngân hàng hợp tác xã theo quy định tại Thông tư này.
2. Ủy quyền cho Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh) nơi không có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng:
a) Chấp thuận hoặc không chấp thuận thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng hợp tác xã trên địa bàn (bao gồm cả trường hợp thay đổi địa điểm trước khi khai trương hoạt động);
b) Chấp thuận hoặc không chấp thuận chấm dứt hoạt động, giải thể phòng giao dịch ngân hàng hợp tác xã trên địa bàn (trong trường hợp tự nguyện chấm dứt hoạt động);
c) Chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị thành lập, thay đổi địa điểm đặt trụ sở, chấm dứt hoạt động, giải thể phòng giao dịch của quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn;
d) Đình chỉ việc khai trương hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng hợp tác xã, phòng giao dịch của quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn trong trường hợp chưa đáp ứng đủ yêu cầu khai trương hoạt động.
3. Ủy quyền cho Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng chấp thuận hoặc không chấp thuận việc thành lập, thay đổi địa điểm đặt trụ sở, chấm dứt hoạt động, giải thể phòng giao dịch của quỹ tín dụng nhân dân, đình chỉ việc khai trương hoạt động phòng giao dịch của quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn.
4. Ủy quyền cho Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng (nơi có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng):
a) Chấp thuận hoặc không chấp thuận thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng hợp tác xã trên địa bàn (bao gồm cả trường hợp thay đổi địa điểm trước khi khai trương hoạt động);
b) Chấp thuận hoặc không chấp thuận chấm dứt hoạt động, giải thể phòng giao dịch ngân hàng hợp tác xã trên địa bàn (trong trường hợp tự nguyện chấm dứt hoạt động);
c) Đình chỉ việc khai trương hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng hợp tác xã trên địa bàn trong trường hợp chưa đáp ứng đủ yêu cầu khai trương hoạt động.
Điều 5. Nội dung hoạt động của đơn vị sự nghiệp, phòng giao dịch của ngân hàng hợp tác xã và quy định phòng giao dịch, điểm giới thiệu dịch vụ của quỹ tín dụng nhân dân
1. Đơn vị sự nghiệp của ngân hàng hợp tác xã thực hiện một hoặc một số hoạt động hỗ trợ hoạt động kinh doanh của ngân hàng hợp tác xã, bao gồm:
a) Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ ngân hàng cho ngân hàng hợp tác xã;
b) Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ thuật công nghệ thông tin cho cán bộ, nhân viên của ngân hàng hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân thành viên;
c) Lưu trữ cơ sở dữ liệu, thu thập, xử lý thông tin phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng hợp tác xã;
d) Các hoạt động khác hỗ trợ hoạt động kinh doanh của ngân hàng hợp tác xã phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của phòng giao dịch của ngân hàng hợp tác xã đối với một khách hàng không phải là quỹ tín dụng nhân dân thành viên không được vượt quá 1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng) sau khi đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu điều hòa vốn của quỹ tín dụng nhân dân.
3. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của phòng giao dịch của quỹ tín dụng nhân dân đối với một khách hàng đảm bảo tuân thủ theo quy định về giới hạn cấp tín dụng tại Luật Các tổ chức tín dụng, các quy định pháp luật có liên quan và không được vượt quá 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng).
4. Quỹ tín dụng nhân dân quyết định việc mở, chấm dứt hoạt động điểm giới thiệu dịch vụ trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân theo các nội dung sau:
a) Hoạt động của điểm giới thiệu dịch vụ bao gồm: Nghiên cứu, tìm hiểu, giới thiệu khách hàng; Tư vấn, hướng dẫn cho khách hàng về sản phẩm, dịch vụ, hồ sơ vay vốn. Điểm giới thiệu dịch vụ không được huy động vốn, cho vay, thu, trả lãi và thực hiện các hoạt động kinh doanh khác;
b) Quỹ tín dụng nhân dân chịu trách nhiệm về hoạt động của điểm giới thiệu dịch vụ, bảo đảm thông tin cung cấp, tư vấn cho khách hàng tại các điểm giới thiệu dịch vụ được thống nhất, đầy đủ và trung thực;
c) Quỹ tín dụng nhân dân phải ký hợp đồng về địa điểm mở điểm giới thiệu dịch vụ, trong đó có nêu trách nhiệm, quyền hạn của các bên liên quan và thời hạn hiệu lực của hợp đồng hoặc có thỏa thuận sử dụng địa điểm;
d) Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày mở, chấm dứt hoạt động điểm giới thiệu dịch vụ, quỹ tín dụng nhân dân thông báo bằng văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi quỹ tín dụng nhân dân đặt trụ sở chính.
Điều 6. Địa bàn hoạt động, tên chi nhánh, phòng giao dịch
1. Địa bàn hoạt động:
a) Đối với ngân hàng hợp tác xã:
(i) Chi nhánh của ngân hàng hợp tác xã hoạt động trong phạm vi một hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định cụ thể trong văn bản chấp thuận thành lập chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước;
(ii) Phòng giao dịch của ngân hàng hợp tác xã hoạt động trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trên địa bàn hoạt động của chi nhánh quản lý.
b) Đối với quỹ tín dụng nhân dân:
Phòng giao dịch của quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân.
2. Tên chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân phải đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan và được đặt như sau:
a) Tên chi nhánh: Ngân hàng Hợp tác xã – Chi nhánh “tên chi-nhánh”;
b) Tên phòng giao dịch:
(i) Ngân hàng Hợp tác xã – Chi nhánh “tên chi nhánh” (là chi nhánh quản lý phòng giao dịch) – Phòng giao dịch “tên phòng giao dịch” hoặc Ngân hàng Hợp tác xã – Phòng giao dịch “tên phòng giao dịch”;
(ii) Quỹ tín dụng nhân dân “tên Quỹ tín dụng nhân dân” – Phòng giao dịch “tên phòng giao dịch”.
Điều 7. Số lượng chi nhánh, phòng giao dịch
1. Đối với ngân hàng hợp tác xã:
a) Trên địa bàn 01 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngân hàng hợp tác xã được thành lập 01 chi nhánh;
b) Ngân hàng hợp tác xã được thành lập mới không quá 05 chi nhánh 01 năm;
c) Một chi nhánh không quản lý quá 03 phòng giao dịch.
2. Đối với quỹ tín dụng nhân dân:
Quỹ tín dụng nhân dân được thành lập 01 phòng giao dịch trên địa bàn một xã, phường, thị trấn.
Điều 8. Nguyên tắc lập hồ sơ, gửi thông báo
1. Hồ sơ phải được lập bằng tiếng Việt. Các tài liệu trong hồ sơ phải là bản chính hoặc bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu theo quy định của pháp luật. Trong mỗi bộ hồ sơ phải có danh mục tài liệu.
2. Các văn bản của tổ chức tín dụng là hợp tác xã gửi Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng theo quy định tại Thông tư này phải do người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng là hợp tác xã ký.
3. Hồ sơ, văn bản thông báo, đề nghị của tổ chức tín dụng là hợp tác xã được gửi tới Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 09/2018/TT-NHNN Quy định về mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng là hợp tác xã của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.