Ngày 14/05/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 09/2015/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ trường mầm non. Theo đó, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập sẽ bị đình chỉ hoạt động giáo dục khi xảy ra một trong các trường hợp sau:
– Không có giáo viên đạt trình độ; phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em và các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu theo quy định của Điều lệ.
– Vi phạm các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục ở mức độ phải đình chỉ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Nếu hết thời hạn đình chỉ mà không khắc phục được các nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ thì nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập sẽ bị giải thể.
Nội dung Thông tư 09/2015/TT-BGDĐT
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2015/TT-BGDĐT |
Hà Nội, ngày 14 tháng 05 năm 2015 |
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA ĐIỀU LỆ TRƯỜNG MẦM NON BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 14/2008/QĐ-BGDĐT NGÀY 07 THÁNG 4 NĂM 2008 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐÃ ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG TẠI THÔNG TƯ SỐ 44/2010/TT-BGDĐT NGÀY 30 THÁNG 12 NĂM 2010 VÀ THÔNG TƯ SỐ 05/2011/TT-BGDĐT NGÀY 10 THÁNG 02 NĂM 2011 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 07/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về việc sửa đổi điểm b khoản 13 Điều 1 của Nghị định 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ trường mầm non ban hành kèm theo Quyết định số 14/2008/QĐ-BGDĐT ngày 07 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 44/2010/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2010 và Thông tư số 05/2011/TT-BGDĐT ngày 10 tháng 02 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ trường mầm non ban hành kèm theo Quyết định số 14/2008/QĐ-BGDĐT ngày 07 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:
1. Điều 4 Phân cấp quản lý nhà nước đối với nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 4. Phân cấp quản lý nhà nước đối với nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập
1. Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ.
2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.
3. Phòng giáo dục và đào tạo thực hiện chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập”.
2. Bổ sung khoản 4, khoản 5, khoản 6 vào Điều 12 Điều kiện và thủ tục đăng ký thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập; sáp nhập, chia tách, đình chỉ, giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập như sau:
“4. Sáp nhập, chia, tách nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập:
a) Sáp nhập, chia, tách nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập phải bảo đảm các yêu cầu sau:
– Bảo đảm quy định tại Điều 13 của Điều lệ này.
– Bảo đảm an toàn và quyền lợi của trẻ và giáo viên.
– Góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
b) Thẩm quyền, thủ tục sáp nhập, chia tách nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập để thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập thực hiện theo quy định tại khoản 3 điều này; để thành lập nhà trường, nhà trẻ thực hiện theo quy định tại Điều 9, Điều 10 của Điều lệ này.
5. Đình chỉ hoạt động giáo dục của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập
– Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập bị đình chỉ hoạt động giáo dục khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:
+ Không bảo đảm điều kiện quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều này;
+ Vi phạm các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục ở mức độ phải đình chỉ theo quy định hiện hành.
– Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo tổ chức kiểm tra, lập biên bản kiểm tra. Căn cứ biên bản kiểm tra, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Quyết định đình chỉ cần ghi rõ lý do, thời hạn đình chỉ hoạt động giáo dục và biện pháp khắc phục. Quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
– Trong thời hạn bị đình chỉ hoạt động giáo dục, nếu tổ chức, cá nhân đã khắc phục được các vi phạm và có đơn đề nghị, Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo tổ chức kiểm tra thẩm định, lập biên bản xác nhận. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định cho phép các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập hoạt động giáo dục trở lại.
6. Giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập
– Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập bị giải thể khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:
+ Hết thời hạn đình chỉ mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ;
+ Vi phạm nghiêm trọng các quy định về tổ chức hoạt động;
+ Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.
– Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo tổ chức kiểm tra, lập biên bản. Căn cứ biên bản kiểm tra, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thu hồi giấy phép thành lập và quyết định giải thể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Quyết định giải thể phải ghi rõ lý do, các biện pháp bảo đảm lợi ích hợp pháp của trẻ và giáo viên. Quyết định giải thể phải công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng”.
3. Khoản 2 Điều 26 Đánh giá kết quả nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Thực hiện đo chiều cao, cân nặng, ghi và theo dõi trên biểu đồ tăng trưởng cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi mỗi tháng một lần, trẻ em từ 24 tháng tuổi trở lên mỗi quý một lần”.
4. Khoản 3 Điều 27 Nhà trường, nhà trẻ được sửa đổi, bổ sung như sau:
“3. Diện tích khu đất xây dựng nhà trường, nhà trẻ gồm: diện tích xây dựng; diện tích sân chơi; diện tích cây xanh, đường đi. Diện tích sử dụng đất bình quân tối thiểu 12m2 cho một trẻ đối với khu vực đồng bằng, trung du; 8m2 cho một trẻ đối với khu vực thành phố, thị xã và núi cao.
Đối với nơi khó khăn về đất đai, có thể thay thế diện tích sử dụng đất bằng diện tích sàn xây dựng và bảo đảm đủ diện tích theo quy định, Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm lập đề án báo cáo việc sử dụng diện tích thay thế và phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt”.
5. Khoản 3, khoản 4 Điều 28 Phòng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em được sửa đổi, bổ sung như sau:
“3. Phòng vệ sinh: Đảm bảo 0,4 – 0,6m2 cho một trẻ; đối với trẻ mẫu giáo có chỗ riêng cho trẻ em trai, trẻ em gái. Phòng vệ sinh được xây dựng liền kề với phòng sinh hoạt chung, thuận tiện cho sử dụng và dễ quan sát. Phòng vệ sinh có các thiết bị sau:
– Đối với trẻ nhà trẻ: vòi nước rửa tay; ghế ngồi bô; có thể bố trí máng tiểu, bệ xí cho trẻ 24 – 36 tháng; vòi tắm; bể có nắp đậy hoặc bồn chứa nước.
– Đối với trẻ mẫu giáo: vòi nước rửa tay; chỗ đi tiểu và bệ xí cho trẻ em trai và trẻ em gái; vòi tắm; bể có nắp đậy hoặc bồn chứa nước.
4. Hiên chơi: Đảm bảo 0,5 – 0,7m2 cho một trẻ, chiều rộng không dưới 2,1m; có lan can bao quanh cao 0,8-1m, sử dụng các thanh đứng với khoảng cách giữa hai thanh không lớn hơn 0,1m”.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 6 năm 2015.
Điều 3. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc sở giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 09/2015/TT-BGDĐT Các trường hợp đình chỉ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.