Bạn đang xem bài viết ✅ Thông tư 07/2013/TT-BYT Quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Thông tư 07/2013/TT-BYT quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

BỘ Y TẾ
——–
Số: 07/2013/TT-BYT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độ lập – Tự do – Hạnh phúc
————————-

Hà Nội, ngày 08 tháng 03 năm 2013

THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA NHÂN VIÊN

Y TẾ THÔN, BẢN

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em, Bộ Y tế;

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản, ấp, buôn, làng, phum, sóc (sau đây gọi là thôn, bản).

2. Nhân viên y tế thôn, bản bao gồm:

a) Nhân viên y tế thôn, bản làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu (sau đây gọi là nhân viên y tế thôn, bản);

b) Nhân viên y tế thôn bản làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em (sau đây gọi là cô đỡ thôn, bản) ở thôn, bản có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống, còn tồn tại phong tục, tập quán không đến khám thai, quản lý thai và đẻ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, có diện tích rộng, giao thông khó khăn, phức tạp, khả năng tiếp cận của người dân với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạn chế (sau đây gọi là thôn, bản còn có khó khăn về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em).

3. Nhân viên y tế tổ dân phố áp dụng tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Thông tư này.

4. Thông tư này không áp dụng đối với cộng tác viên của các chương trình y tế.

Điều 2. Tiêu chuẩn của nhân viên y tế thôn, bản

1. Về trình độ chuyên môn, đào tạo:

a) Nhân viên y tế thôn, bản làm công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu: Có trình độ chuyên môn về y từ sơ cấp trở lên hoặc đã hoàn thành khóa đào tạo có thời gian từ 3 tháng trở lên theo khung chương trình đào tạo nhân viên y tế thôn, bản của Bộ Y tế;

b) Cô đỡ thôn, bản: Đã hoàn thành khóa đào tạo có thời gian từ 6 tháng trở lên theo khung chương trình đào tạo cô đỡ thôn, bản của Bộ Y tế.

Tham khảo thêm:   Thơ hay về cuộc sống Những câu thơ hay về cuộc sống

2. Đang sinh sống, làm việc ổn định tại thôn, bản; tự nguyện tham gia làm nhân viên y tế thôn, bản hoặc cô đỡ thôn, bản.

3. Có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia hoạt động xã hội, có khả năng vận động quần chúng và được cộng đồng tín nhiệm.

4. Có đủ sức khoẻ để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.

Điều 3. Chức năng của nhân viên y tế thôn, bản

1. Nhân viên y tế thôn, bản làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu có chức năng tham gia chăm sóc sức khỏe ban đầu tại thôn, bản.

2. Cô đỡ thôn, bản có chức năng tham gia công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại thôn, bản.

Điều 4. Nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản

1. Nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản làm công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu:

a) Tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ tại cộng đồng:

– Thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức bảo vệ sức khoẻ, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm;

– Hướng dẫn một số biện pháp chăm sóc sức khoẻ ban đầu; phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng;

– Tuyên truyền, giáo dục người dân về phòng, chống HIV/AIDS;

– Vận động, cung cấp thông tin, tư vấn về công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình.

b) Tham gia thực hiện các hoạt động chuyên môn về y tế tại cộng đồng:

– Phát hiện, tham gia giám sát và báo cáo tình hình dịch, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, bệnh xã hội, bệnh truyền qua thực phẩm tại thôn, bản;

– Tham gia giám sát chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt; công trình vệ sinh hộ gia đình, nơi công cộng tại thôn, bản;

– Tham gia triển khai thực hiện các phong trào vệ sinh phòng bệnh, an toàn thực phẩm, nâng cao sức khỏe cộng đồng, xây dựng làng văn hóa sức khỏe.

c) Chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hoá gia đình:

– Tuyên truyền, vận động phụ nữ mang thai đến trạm y tế xã đăng ký quản lý thai, khám thai và đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để sinh đẻ; xử trí đẻ rơi cho phụ nữ có thai không kịp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để sinh đẻ;

– Hướng dẫn, theo dõi chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại nhà trong 06 tuần đầu sau khi sinh đẻ;

– Hướng dẫn một số biện pháp đơn giản về theo dõi, chăm sóc sức khoẻ trẻ em và phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 05 tuổi;

– Hướng dẫn thực hiện kế hoạch hoá gia đình, cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su, viên thuốc uống tránh thai theo quy định của Bộ Y tế.

d) Sơ cứu ban đầu và chăm sóc bệnh thông thường:

– Thực hiện sơ cứu ban đầu các cấp cứu và tai nạn;

– Chăm sóc một số bệnh thông thường tại cộng đồng;

– Tham gia hướng dẫn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật, người mắc bệnh xã hội, bệnh không lây nhiễm tại gia đình.

đ) Tham gia thực hiện các chương trình y tế tại thôn, bản.

e) Vận động, hướng dẫn nhân dân nuôi trồng và sử dụng thuốc nam tại gia đình để phòng và chữa một số chứng, bệnh thông thường.

g) Tham gia giao ban định kỳ với trạm y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là trạm y tế xã); tham gia các khoá đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn do cơ quan y tế cấp trên tổ chức để nâng cao trình độ.

Tham khảo thêm:   Tiếng Anh lớp 3 Unit 0: Lesson 2 Unit 0 trang 7 Explore Our World (Cánh diều)

h) Quản lý và sử dụng hiệu quả Túi y tế thôn, bản.

i) Thực hiện ghi chép, báo cáo kịp thời, đầy đủ theo hướng dẫn của trạm y tế xã.

2. Nhiệm vụ của cô đỡ thôn, bản:

a) Tuyên truyền, vận động về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em:

– Tư vấn về sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 05 tuổi;

– Tuyên truyền, vận động phụ nữ mang thai đến trạm y tế xã đăng ký quản lý thai, khám thai và đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để sinh đẻ, tiêm phòng uốn ván cho mẹ và tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi;

– Hướng dẫn phụ nữ mang thai cách chăm sóc bản thân khi mang thai, sau khi sinh, nuôi con bằng sữa mẹ, cách cho trẻ ăn hợp lý.

b) Thực hiện chăm sóc sức khỏe bà mẹ khi mang thai:

– Quản lý thai nghén, phát hiện những trường hợp thai có nguy cơ cao và chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kịp thời;

– Đỡ đẻ đường dưới ngôi chỏm cho phụ nữ mang thai khi chuyển dạ không đến hoặc không kịp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để sinh đẻ;

– Xử trí ban đầu các trường hợp xảy ra tai biến trong quá trình đẻ tại nhà và chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kịp thời.

c) Định kỳ chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh sau đẻ tại nhà:

d) Hướng dẫn thực hiện kế hoạch hoá gia đình, cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su, viên thuốc uống tránh thai theo quy định của Bộ Y tế;

đ) Phối hợp tham gia thực hiện các chương trình y tế tại thôn, bản;

e) Tham gia giao ban định kỳ với trạm y tế xã; tham gia các khoá đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn do cơ quan y tế cấp trên tổ chức để nâng cao trình độ;

g) Quản lý và sử dụng hiệu quả Túi cô đỡ thôn, bản;

h) Thực hiện ghi chép, báo cáo kịp thời, đầy đủ theo hướng dẫn của trạm y tế xã.

Điều 5. Chế độ phụ cấp, phương tiện và phương thức làm việc

1. Chế độ phụ cấp của nhân viên y tế thôn, bản được thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước và trợ cấp thêm hằng tháng (nếu có) từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác do cấp có thẩm quyền quy định.

2. Mỗi nhân viên y tế thôn, bản được trang bị các thiết bị, dụng cụ y tế theo danh mục do Bộ Y tế quy định.

3. Nhân viên y tế thôn, bản hoạt động theo chế độ không chuyên trách tại thôn, bản. Nhân viên y tế thôn, bản có trách nhiệm chủ động bố trí, sắp xếp thời gian để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư này.

Điều 6. Mối quan hệ công tác

1. Nhân viên y tế thôn, bản chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp và hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của Trạm y tế xã.

2. Nhân viên y tế thôn, bản chịu sự quản lý, giám sát về hoạt động của Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng thôn, bản.

3. Nhân viên y tế thôn, bản có mối quan hệ phối hợp với các tổ chức quần chúng, đoàn thể tại thôn, bản.

4. Các nhân viên y tế thôn, bản cùng phối hợp thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Tham khảo thêm:   Tập làm văn lớp 4: Kể lại cuộc nói chuyện giữa bố mẹ với em về tình hình học tập (11 mẫu) Ôn tập Dấu gạch ngang lớp 4

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2013.

2. Bãi bỏ Thông tư số 39/2010/TT-BYT ngày 10 tháng 9 năm 2010 của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai việc thực hiện Thông tư này tại địa phương.

2. Căn cứ vào đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét quyết định:

– Số lượng, quy trình xét chọn, đơn vị quản lý, chi trả phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản trên cơ sở quy định của pháp luật;

– Danh sách những thôn bản còn có khó khăn về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em cần bố trí 01 cô đỡ thôn, bản;

– Trường hợp thôn, bản được bố trí 01 nhân viên y tế thôn bản làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và 01 cô đỡ thôn, bản, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định nhân viên y tế thôn, bản làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu có thể không phải thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 4 của Thông tư này căn cứ vào nhu cầu thực tế của địa phương và hiệu quả hoạt động của nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn, bản.

b) Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, đào tạo liên tục đối với nhân viên y tế thôn, bản theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư này;

c) Chỉ đạo, hướng dẫn lồng ghép các hoạt động của nhân viên y tế thôn, bản với cộng tác viên các chương trình y tế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của nhân viên y tế thôn, bản;

d) Tiếp tục sử dụng những người đang làm nhân viên y tế thôn, bản, cô đỡ thôn, bản nhưng chưa đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư này (nếu có) để bảo đảm ổn định mạng lưới y tế thôn, bản và có kế hoạch đào tạo chuẩn hóa về trình độ chuyên môn đối với những đối tượng này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc có khó khăn, vướng mắc, cơ quan, tổ chức, cá nhân cần phản ánh kịp thời về Bộ Y tế để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.

Nơi nhận:
– Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
– Văn phòng Chính phủ (Công báo, Cổng TTĐTCP);
– Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ;
– Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL);
– Các Thứ trưởng Bộ Y tế;
– HĐND, UBND, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ – Bộ Y tế;
– Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế;
– Lưu: VT, Vụ TCCB, PC.

BỘ TRƯỞNG

(Đã ký)

Nguyễn Thị Kim Tiến

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 07/2013/TT-BYT Quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *