Ngày 07/7/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-BVHTTDL về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở.
Theo đó, viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng II phải có thời gian công tác giữ chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng III hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) đang giữ chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng III tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2022/TT-BVHTTDL |
Hà Nội, ngày 07 tháng 07 năm 2022 |
THÔNG TƯ 03/2022/TT-BVHTTDL
QUY ĐỊNH MÃ SỐ, TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VÀ XẾP LƯƠNG VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH VĂN HÓA CƠ SỞ
Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
Căn cứ Nghị định số 79/2017/NĐ CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ;
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở, gồm: Nhóm chức danh phương pháp viên và nhóm chức danh hướng dẫn viên văn hóa.
2. Thông tư này áp dụng đối với viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Mã số các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở
1. Nhóm chức danh phương pháp viên, bao gồm:
a) Phương pháp viên hạng II Mã số: V.10.06.19
b) Phương pháp viên hạng III Mã số: V.10.06.20
c) Phương pháp viên hạng IV Mã số: V.10.06.21
2. Nhóm chức danh hướng dẫn viên văn hóa, bao gồm:
a) Hướng dẫn viên văn hóa hạng II Mã số: V.10.07.22
b) Hướng dẫn viên văn hóa hạng III Mã số: V.10.07.23
c) Hướng dẫn viên văn hóa hạng IV Mã số: V.10.07.24
Điều 3. Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở
1. Có tinh thần trách nhiệm với công việc được giao, tuân thủ các quy định của pháp luật; thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp.
2. Tâm huyết với nghề, trung thực, khách quan, thẳng thắn; làm việc khoa học, có chính kiến rõ ràng; có thái độ khiêm tốn, đúng mực khi tiếp xúc với nhân dân; có ý thức đấu tranh với những hành vi sai trái, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
3. Có tinh thần đoàn kết, tích cực, chủ động phối hợp với đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ được giao.
4. Không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất, trình độ, năng lực.
Chương II
TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP
Điều 4. Phương pháp viên hạng II – Mã số: V.10.06.19
1. Nhiệm vụ:
a) Chủ trì xây dựng kế hoạch hoạt động dài hạn, trung hạn, hàng năm về văn hóa cơ sở của đơn vị và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;
b) Chủ trì tổ chức biên soạn chương trình hoạt động, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, phương pháp hoạt động cho các thiết chế văn hóa cơ sở có quy mô và phạm vi hoạt động từ cấp huyện đến cấp tỉnh;
c) Trực tiếp dàn dựng các chương trình, xây dựng kịch bản cho các liên hoan, hội thi, hội diễn và các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng của ngành và quy mô cấp tỉnh;
d) Chủ trì hoặc tham gia tổ chức, chuẩn bị nội dung liên hoan, hội nghị, hội thảo về nghiệp vụ, phương pháp hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng;
đ) Theo dõi, hướng dẫn nghiệp vụ cho các thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn; đánh giá, đề xuất, phổ biến áp dụng kinh nghiệm giữa các thiết chế văn hóa cơ sở;
e) Xây dựng nội dung chương trình, biên soạn tài liệu và tham gia bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho phương pháp viên hạng dưới.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với lĩnh vực văn hóa cơ sở;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp phương pháp viên.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa cơ sở;
b) Nắm vững lịch sử, văn hóa, xã hội của từng vùng, miền;
c) Am hiểu các phương pháp quản lý và có kinh nghiệm về công tác tổ chức và hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở;
d) Có năng lực phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa và soạn thảo các văn bản trong lĩnh vực văn hóa cơ sở;
đ) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm.
4. Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng II:
Có thời gian công tác giữ chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng III hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) đang giữ chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng III tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Điều 5. Phương pháp viên hạng III – Mã số: V.10.06.20
1. Nhiệm vụ:
a) Xây dựng kế hoạch hàng năm về nhiệm vụ chuyên môn được giao và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;
b) Dàn dựng các chương trình, cuộc thi, hội diễn và các hoạt động văn hóa, văn nghệ quy mô cấp huyện;
c) Theo dõi, hướng dẫn nghiệp vụ cho các thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn; tổng kết kinh nghiệm để áp dụng cho các thiết chế văn hóa cơ sở khác;
d) Tham gia tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, rèn luyện năng khiếu, hoạt động câu lạc bộ, nhóm sở thích.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với lĩnh vực văn hóa cơ sở;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp phương pháp viên.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa cơ sở;
b) Có kiến thức cơ bản về quản lý công tác văn hóa cơ sở; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực văn hóa cơ sở;
c) Có hiểu biết về lịch sử, văn hóa, xã hội trên địa bàn được phân công quản lý;
d) Có năng lực phân tích, tổng hợp và tham mưu soạn thảo các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ;
đ) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm.
4. Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng III:
Có thời gian công tác giữ chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng IV hoặc tương đương từ đủ 02 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc) đối với trình độ cao đẳng hoặc từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc) đối với trình độ trung cấp. Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) đang giữ chức danh phương pháp viên hạng IV tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Điều 6. Phương pháp viên hạng IV – Mã số: V.10.06.21
1. Nhiệm vụ:
a) Tham gia hướng dẫn thể nghiệm một số mô hình, mẫu hình hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở trong phạm vi công việc được giao;
b) Thực hiện các công việc được phân công về dàn dựng các chương trình, hội thi, hội diễn, các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng khác của thiết chế văn hóa cơ sở;
c) Theo dõi, hướng dẫn hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở thuộc địa bàn quản lý.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
a) Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên phù hợp với lĩnh vực văn hóa cơ sở;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp phương pháp viên.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Biết phương pháp tổ chức và triển khai thực hiện các hoạt động văn hóa cơ sở được phân công;
b) Có kiến thức cơ bản về công tác văn hóa cơ sở và các bộ môn văn hóa, nghệ thuật liên quan;
c) Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Điều 7. Hướng dẫn viên văn hóa hạng II – Mã số: V.10.07.22
1. Nhiệm vụ:
a) Chủ trì xây dựng kế hoạch hoạt động dài hạn, trung hạn, hàng năm về hoạt động nghiệp vụ văn hóa cơ sở được giao và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;
b) Chủ trì tổ chức biên soạn tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ hoạt động văn hóa cơ sở được giao;
c) Xây dựng kế hoạch, tổ chức và hướng dẫn quần chúng tham gia các hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở (các lớp năng khiếu, sinh hoạt câu lạc bộ, nhóm sở thích, tham quan, nghi lễ, biểu diễn văn nghệ và các hoạt động văn hóa cơ sở khác);
d) Chủ trì xây dựng, thực hành các mô hình hoạt động mẫu, phương pháp công tác tiên tiến cho cơ sở;
đ) Chủ trì hoặc tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng vào ngày lễ, hội hoặc sự kiện quan trọng; tổ chức và tham gia các cuộc tọa đàm, hội nghị, hội diễn chuyên đề thuộc phạm vi chuyên môn, nghiệp vụ được phân công;
e) Lập kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho phương pháp viên hạng dưới.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với lĩnh vực văn hóa cơ sở;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên văn hóa.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa cơ sở;
b) Nắm vững hình thức và phương pháp tiến hành công tác văn hóa quần chúng và câu lạc bộ;
c) Nắm vững nguyên lý sư phạm và những kỹ năng, phương pháp hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; có kinh nghiệm hướng dẫn hoạt động nghiệp vụ văn hóa cơ sở;
d) Am hiểu công tác văn hóa cơ sở thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách;
đ) Có năng lực phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa và soạn thảo các văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về văn hóa cơ sở;
e) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm.
4. Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên văn hóa hạng II:
Có thời gian công tác giữ chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên văn hóa hạng III hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) đang giữ chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên văn hóa hạng III tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Điều 8. Hướng dẫn viên văn hóa hạng III – Mã số: V.10.07.23
1. Nhiệm vụ:
a) Tham gia xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung và các tài liệu hướng dẫn hoạt động phù hợp với đối tượng được giao;
b) Trực tiếp hướng dẫn quần chúng tham gia những hoạt động của thiết chế văn hóa (các lớp năng khiếu, sinh hoạt câu lạc bộ, nhóm sở thích, tham quan, nghi lễ, biểu diễn văn nghệ và các hoạt động văn hóa cơ sở khác);
c) Thực hành các chương trình chuyên môn, phương pháp công tác tiên tiến cho cơ sở;
d) Tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng vào ngày lễ, hội hoặc sự kiện quan trọng; tham gia các cuộc tọa đàm, trao đổi ý kiến về chuyên môn, nghiệp vụ.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với lĩnh vực văn hóa cơ sở;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên văn hóa.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa cơ sở;
b) Nắm được các hình thức và phương pháp tiến hành công tác văn hóa quần chúng và câu lạc bộ; nguyên lý sư phạm và những kỹ năng, phương pháp hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ;
c) Có kiến thức cơ bản về công tác văn hóa cơ sở thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách;
d) Có năng lực phân tích, tổng hợp và soạn thảo các văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ văn hóa cơ sở được phân công phụ trách;
đ) Sử dụng thành thạo các phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ cho công tác chuyên môn;
e) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm.
4. Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên hạng III:
Có thời gian công tác giữ chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên văn hóa hạng IV hoặc tương đương từ đủ 02 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc) đối với trình độ cao đẳng hoặc từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc) đối với trình độ trung cấp. Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) đang giữ chức danh hướng dẫn viên văn hóa hạng IV tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Điều 9. Hướng dẫn viên văn hóa hạng IV – Mã số: V.10.07.24
1. Nhiệm vụ:
a) Trực tiếp hướng dẫn quần chúng tham gia một trong các hoạt động của thiết chế văn hóa (lớp năng khiếu, sinh hoạt câu lạc bộ, nhóm sở thích, tham quan, nghi lễ, biểu diễn văn nghệ và các hoạt động văn hóa cơ sở khác);
b) Tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng vào ngày lễ, hội; tham gia các cuộc tọa đàm, trao đổi ý kiến về chuyên môn, nghiệp vụ;
c) Tham gia đề xuất phương án để tổ chức hiệu quả các lớp tập huấn, bồi dưỡng và hướng dẫn nghiệp vụ.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
a) Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên phù hợp với lĩnh vực văn hóa cơ sở;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên văn hóa.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Có kiến thức cơ bản về phương pháp hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa cơ sở, nhà văn hóa;
b) Có kinh nghiệm hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ văn hóa cơ sở được phân công phụ trách;
c) Biết sử dụng các phương tiện kỹ thuật phục vụ cho chuyên môn nghiệp vụ được phân công;
d) Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Chương III
XẾP LƯƠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH VĂN HÓA CƠ SỞ
Điều 10. Nguyên tắc xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở
1. Việc bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở quy định tại Thông tư này phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ và chuyên môn, nghiệp vụ đang đảm nhận của viên chức.
2. Khi bổ nhiệm và xếp lương vào các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở tương ứng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Điều 11. Cách xếp lương
1. Các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở quy định tại Thông tư này được áp dụng Bảng 3 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cụ thể như sau:
a) Đối với chức danh nghề nghiệp phương pháp viên:
– Chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng II được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A2, nhóm 2 (A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38;
– Chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng III được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
– Chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng IV được áp dụng ngạch lương của viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.
b) Đối với chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên văn hóa:
– Chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên văn hóa hạng II được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A2, nhóm 2 (A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38.
– Chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên văn hóa hạng III được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
– Chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên văn hóa hạng IV được áp dụng ngạch lương của viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.
2. Sau khi hết thời gian tập sự theo quy định và được cấp có thẩm quyền quản lý viên chức quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở thì thực hiện xếp bậc lương theo chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm như sau:
a) Trường hợp khi tuyển dụng viên chức có trình độ đào tạo tiến sĩ, phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng, được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng III hoặc hướng dẫn viên văn hóa hạng III: Xếp bậc 3, hệ số lương 3,00, ngạch viên chức loại A1;
b) Trường hợp khi tuyển dụng viên chức có trình độ đào tạo thạc sĩ, phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng, được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng III hoặc hướng dẫn viên văn hóa hạng III: Xếp bậc 2, hệ số lương 2,67, ngạch viên chức loại A1;
c) Trường hợp khi tuyển dụng viên chức có trình độ đào tạo đại học phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng, được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng III hoặc hướng dẫn viên văn hóa hạng III: Xếp bậc 1, hệ số lương 2,34, ngạch viên chức loại A1;
d) Trường hợp khi tuyển dụng viên chức có trình độ đào tạo cao đẳng phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng, được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng IV hoặc hướng dẫn viên văn hóa hạng IV: Xếp bậc 2, hệ số lương 2,06, ngạch viên chức loại B;
đ) Trường hợp khi tuyển dụng viên chức có trình độ đào tạo trung cấp phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng, được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng IV hoặc hướng dẫn viên văn hóa hạng IV: Xếp bậc 1, hệ số lương 1,86, ngạch viên chức loại B.
3. Việc chuyển xếp lương đối với viên chức từ chức danh nghề nghiệp hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp chuyên ngành văn hóa cơ sở quy định tại Thông tư này thực hiện theo hướng dẫn tại Mục II Thông tư số 02/2007/TT- BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này là căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm rà soát các vị trí việc làm của đơn vị; quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở theo thẩm quyền phân cấp.
3. Các tổ chức, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có thể áp dụng quy định tại Thông tư này để tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ người làm việc về chuyên ngành văn hóa cơ sở.
Điều 13. Điều khoản chuyển tiếp
1. Viên chức đã được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp chuyên ngành văn hóa cơ sở theo quy định của pháp luật từ trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì được xác định là đáp ứng quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở quy định tại Thông tư này tương ứng với chức danh nghề nghiệp đã được bổ nhiệm.
2. Viên chức đã có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp các hạng viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở để xét chuyển chức danh nghề nghiệp, tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở theo quy định tại Thông tư này.
Điều 14. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 8 năm 2022.
2. Bãi bỏ Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở.
3. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo các văn bản đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Điều 15. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị cơ quan, đơn vị, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG Nguyễn Văn Hùng |
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 03/2022/TT-BVHTTDL Hướng dẫn xếp lương viên chức ngành văn hóa cơ sở của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.