Bạn đang xem bài viết ✅ Thông tư 02/2018/TT-TANDTC Quy định về phiên xử hình sự có bị cáo, bị hại dưới 18 tuổi ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Ngày 21/09/2018, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư 02/2018/TT-TANDTC quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.

Theo đó, Thông tư quy định Tòa gia đình và người chưa thành niên có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự:

  • Có bị cáo là người dưới 18 tuổi;
  • Có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác.

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 02/2018/TT-TANDTC

Hà Nội, ngày 21 tháng 09 năm 2018

THÔNG TƯ 02/2018/TT-TANDTC

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VIỆC XÉT XỬ VỤ ÁN HÌNH SỰ CÓ NGƯỜI THAM GIA TỐ TỤNG LÀ NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI THUỘC THẨM QUYỀN CỦA TÒA GIA ĐÌNH VÀ NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ vào khoản 7 Điều 423 của Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao;

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về việc xét xử vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc vụ án hình sự có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác (sau đây gọi chung là người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi) thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.

2. Đối với các Tòa án chưa tổ chức Tòa gia đình và người chưa thành niên thì việc xét xử các vụ án quy định tại khoản 1 Điều này do Thẩm phán chuyên trách thực hiện.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý là người luôn ở trong trạng thái hoảng loạn, sợ hãi, suy nhược về tinh thần và thể chất, rối loạn tâm thần và hành vi do tác động bởi hành vi phạm tội gây ra.

2. Người cần có sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác là người có hoàn cảnh không bình thường (như: mồ côi, cha mẹ ly hôn, hay bị bạo hành, có cha mẹ nghiện rượu, ma túy, vi phạm pháp luật…) dẫn đến bị thiếu thốn về vật chất, tinh thần, không có nơi ở, bỏ học hoặc không được đi học như những người dưới 18 tuổi khác.

3. Người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi là người có thâm niên công tác trong lĩnh vực tư pháp, quản lý, đào tạo, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục người dưới 18 tuổi; người được đào tạo về giáo dục thanh, thiếu niên, nhi đồng hoặc những người khác có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.

Tham khảo thêm:   Top vũ khí tốt nhất để chơi Clash Squad trong Free Fire

Ví dụ: Thẩm phán chuyên trách xét xử các vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi đã nghỉ hưu; giáo viên đã nghỉ hưu; cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em; cán bộ làm công tác xã hội, cộng tác viên trẻ em; người đã tham gia công tác tại cơ quan, tổ chức liên quan đến hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm và giáo dục người dưới 18 tuổi; người làm công tác bảo vệ trẻ em; đại diện Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội bảo vệ quyền trẻ em, Hội Cựu chiến binh có kinh nghiệm trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người phạm tội và người vi phạm pháp luật là người dưới 18 tuổi.

4. Phòng xét xử thân thiện là Phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên quy định tại Điều 6 của Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về phòng xử án.

Điều 3. Thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự của Tòa gia đình và người chưa thành niên

Tòa gia đình và người chưa thành niên có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự sau đây:

1. Vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi.

2. Vụ án hình sự có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác.

Điều 4. Những vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên xét xử tại Phòng xử án hình sự

1. Vụ án hình sự có bị cáo là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng.

2. Vụ án hình sự có bị cáo là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm một trong các tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 151, 168, 169, 170, 171, 248, 249, 250, 251, 252 và 299 của Bộ luật Hình sự.

3. Vụ án hình sự vừa có bị cáo là người dưới 18 tuổi vừa có bị cáo là người từ đủ 18 tuổi trở lên.

4. Vụ án hình sự mà bị cáo là người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác.

Điều 5. Những vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên xét xử tại Phòng xét xử thân thiện

1. Những vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 4 của Thông tư này thì xét xử tại Phòng xét xử thân thiện.

2. Đối với các Tòa án chưa có Phòng xét xử thân thiện thì khi xét xử các vụ án quy định tại khoản 1 Điều này, phòng xử án phải được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.

Điều 6. Phân công Thẩm phán, Hội thẩm

Khi giải quyết vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán, Hội thẩm phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Thẩm phán là người có kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.

Tham khảo thêm:   Thông tư 95/2018/TT-BTC Bãi bỏ một số quy định trong lĩnh vực thuế xuất khẩu, nhập khẩu

2. Có 01 Hội thẩm là giáo viên, cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.

Điều 7. Xét xử vụ án hình sự có bị cáo, người bị hại là người dưới 18 tuổi

1. Khi xét xử vụ án hình sự quy định tại Điều 5 của Thông tư này, Tòa án phải thực hiện các quy định sau đây:

a) Phòng xử án phải được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về phòng xử án;

b) Thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của Tòa án nhân dân (không mặc áo choàng);

c) Việc tổ chức phiên tòa và bảo vệ phiên tòa thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-TANDTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quy chế tổ chức phiên tòa;

d) Đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì Tòa án phải xét xử kín; đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự;

đ) Không xét xử lưu động đối với vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.

2. Khi xét xử vụ án hình sự có bị cáo, người bị hại là người dưới 18 tuổi quy định tại Điều 4 của Thông tư này, Tòa án phải thực hiện theo quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này.

Điều 8. Việc tham gia phiên tòa của người đại diện, nhà trường, cơ quan, tổ chức

1. Những người sau đây phải có mặt tại phiên tòa theo quyết định của Tòa án:

a) Người đại diện của người dưới 18 tuổi;

b) Đại diện nhà trường nơi người dưới 18 tuổi học tập;

c) Đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người dưới 18 tuổi lao động, sinh hoạt.

2. Trường hợp những người được quy định tại khoản 1 Điều này vắng mặt lần thứ nhất hoặc vắng mặt lần thứ hai vì lý do bất khả kháng, do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa.

Trường hợp những người quy định tại khoản 1 Điều này vắng mặt lần thứ hai không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan nhưng để bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể hoãn phiên tòa.

Điều 9. Việc tham gia của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại là người dưới 18 tuổi

1. Người bị hại là người dưới 18 tuổi hoặc cha mẹ, người đại diện hợp pháp, người giám hộ của họ có quyền nhờ những người sau đây bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi:

a) Luật sư;

b) Trợ giúp viên pháp lý;

c) Bào chữa viên nhân dân;

d) Người khác.

2. Tòa án phải thông báo cho người bị hại là người dưới 18 tuổi hoặc cha mẹ, người đại diện hợp pháp, người giám hộ của họ về quyền nhờ những người quy định tại khoản 1 Điều này bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi. Trường hợp họ không lựa chọn được người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại nhưng có văn bản đề nghị thì Tòa án yêu cầu Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi.

Tham khảo thêm:   Top game bắn cung hay nhất trên điện thoại

3. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại là người dưới 18 tuổi có quyền tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can, có mặt khi cơ quan tiến hành tố tụng lấy lời khai của người mà mình bảo vệ; có quyền kháng cáo phần bản án, quyết định của Tòa án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ; có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật, người định giá tài sản theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 10. Việc tiếp xúc giữa người bị hại là người dưới 18 tuổi với bị cáo

1. Trong quá trình xét xử vụ án, Hội đồng xét xử phải cách ly người bị hại là người dưới 18 tuổi với bị cáo trong những trường hợp sau đây:

a) Những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán;

b) Những vụ án có người bị hại là người dưới 10 tuổi;

c) Những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi hoặc người đại diện của họ và Hội đồng xét xử xét thấy cần phải cách ly để bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi.

2. Trong quá trình xét xử những vụ án quy định tại khoản 1 Điều này, người bị hại tham gia phiên tòa ở phòng cách ly. Thông tin về diễn biến phiên tòa cũng như việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ được truyền qua hệ thống truyền hình trực tuyến có âm thanh hoặc được thực hiện bằng phương thức khác nhưng phải bảo đảm cho họ theo dõi đầy đủ diễn biến phiên tòa và thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình.

3. Người đại diện, người giám hộ, chuyên gia hoặc cán bộ tâm lý – xã hội, người làm công tác bảo vệ trẻ em phải có mặt ở phòng cách ly để hỗ trợ người bị hại tham gia phiên tòa.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2018.

Nơi nhận:
– Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
– Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
– Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
– Ban Nội chính Trung ương;
– Văn phòng Trung ương Đảng;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng Chính phủ 02 bản (để đăng Công báo);
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Bộ Tư pháp;
– Bộ Công an;
– Các TAND và TAQS các cấp (để thực hiện);
– Các Thẩm phán và các đơn vị TANDTC (để thực hiện);
– Cổng TTĐT TANDTC (để đăng tải);
– Lưu: VT, Vụ PC&QLKH TANDTC.

CHÁNH ÁN




Nguyễn Hòa Bình

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 02/2018/TT-TANDTC Quy định về phiên xử hình sự có bị cáo, bị hại dưới 18 tuổi của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *