Bạn đang xem bài viết ✅ Thông tư 02/2017/TT-UBDT Chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017–2020. ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Thông tư 02/2017/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 – 2020.

ỦY BAN DÂN TỘC
——-
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
Số: 02/2017/TT-UBDT Hà Nội, ngày 22 tháng 5 năm 2017

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 2085/QĐ-TTG NGÀY 31 THÁNG 10 NĂM 2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2017 – 2020

Căn cứ Nghị định số 13/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc;

Căn cứ Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 – 2020;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc;

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 – 2020.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tín dụng ưu đãi và chính sách bố trí sắp xếp ổn định dân cư cho hộ dân tộc thiểu số còn du canh du cư quy định tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017­-2020 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 2085/QĐ-TTg).

2. Đối tượng áp dụng

a) Đối tượng áp dụng chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt:

Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo (kể cả vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số) ở các thôn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hộ nghèo (gồm cả dân tộc Kinh) ở xã khu vực III, thôn, bản, buôn, làng, ấp, phum, sóc, xóm… (sau đây gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn theo tiêu chí hộ nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, có trong danh sách hộ nghèo đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp; chưa có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất theo hạn mức đất bình quân chung do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); thiếu nước sinh hoạt; chưa được hưởng các chính sách của nhà nước hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Riêng các hộ đã được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020, thì không được hưởng chính sách hỗ trợ đất sản xuất và chuyển đổi nghề.

b) Đối tượng áp dụng chính sách tín dụng, ưu đãi:

Đối tượng chưa có hoặc thiếu đất sản xuất theo mức bình quân chung của địa phương quy định tại Điểm a Khoản 2, Điều 1 được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo quỹ đất hoặc chuyển đổi nghề; đối tượng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn có phương án sử dụng vốn vay sản xuất kinh doanh được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

c) Đối tượng áp dụng chính sách bố trí sắp xếp ổn định dân cư:

Tham khảo thêm:   Top phim điện ảnh Việt Nam hay nhất

Thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-UBDT- BTC ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2015.

d) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tín dụng ưu đãi và bố trí sắp xếp ổn định dân cư theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg.

đ) Đối với các địa phương có quy định chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định việc vận dụng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nhưng không được thấp hơn mức hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg; kinh phí thực hiện do ngân sách địa phương đảm bảo và huy động các nguồn hợp pháp khác.

Điều 2. Hỗ trợ đất ở

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chủ động cân đối quỹ đất và chủ động bố trí ngân sách để giao đất ở cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách quy định tại Điểm a, Khoản 2 Điều 1 của Thông tư này. Việc giao đất ở phải gắn phương án làm nhà ở trên diện tích đất được hỗ trợ, tránh tình trạng các hộ được hỗ trợ đất ở nhưng lại không có nhà ở.

Điều 3. Hỗ trợ đất sản xuất

1. Đất sản xuất quy định tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg là đất nông nghiệp theo quy định tại Điều 10, Luật Đất đai số 45/2013/QH13 của Quốc hội.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quỹ đất, điều kiện thực tế của địa phương để quy định mức bình quân diện tích đất sản xuất cho mỗi hộ gia đình trên địa bàn tỉnh nhưng không được vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp cho mỗi hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật về đất đai để làm cơ sở xác định hộ gia đình thiếu đất sản xuất.

3. Mức hỗ trợ đất sản xuất:

a) Đối với hộ chưa có đất:

Mức hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ từ ngân sách nhà nước và được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 3 Quyết định số 2085/QĐ-TTg.

b) Đối với hộ thiếu đất:

Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội tương ứng với diện tích đất còn thiếu so với mức bình quân diện tích đất sản xuất cho mỗi hộ gia đình trên địa bàn tỉnh quy định tại Khoản 2 Điều này.

4. Các hình thức hỗ trợ:

a) Trường hợp địa phương còn quỹ đất có khả năng sản xuất được mà không cần phải thực hiện cải tạo đất thì Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) căn cứ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thực hiện giao đất hỗ trợ cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách chưa có đất sản xuất hoặc thiếu đất sản xuất theo quy định của pháp luật về đất đai, Quyết định số 2085/QĐ-TTg và Thông tư này; Các hộ này không được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước và không được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo quỹ đất sản xuất. Trường hợp giao đất cho hộ chưa đủ diện tích so với mức bình quân chung thì phần diện tích đất còn thiếu được hỗ trợ theo quy định tại Điểm b, Điểm c, Khoản 4 Điều này;

b) Trường hợp địa phương còn quỹ đất sản xuất nhưng phải khai hoang, phục hóa, cải tạo đất để có khả năng sản xuất được thì Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) hướng dẫn các hộ trực tiếp khai hoang, phục hóa, cải tạo đất hoặc tổ chức lập và thực hiện dự án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để giao đất sản xuất cho hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách theo quy định của pháp luật về đất đai, Quyết định số 2085/QĐ-TTg và Thông tư này. Mức hỗ trợ và vay vốn thực hiện khai hoang, phục hóa, cải tạo đất không vượt quá quy định tại Khoản 3 Điều này;

Tham khảo thêm:   Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT Quy chế công khai cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân

c) Trường hợp các hộ có nhu cầu tự nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất sản xuất thì Ủy ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai; mức hỗ trợ và vay vốn theo số tiền giao dịch thực tế nhưng không vượt quá quy định tại Khoản 3 Điều này;

d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện bố trí ngân sách địa phương và thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ được hỗ trợ đất sản xuất theo quy định. Các hộ được hỗ trợ đất sản xuất không được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được hỗ trợ trong thời gian 10 năm kể từ ngày được giao đất.

5. Hỗ trợ chuyển đổi nghề;

Đối với những địa phương không còn quỹ đất sản xuất để giao thì Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ vào danh sách đăng ký hưởng chính sách để thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề thay thế đất sản xuất. Mức hỗ trợ bằng tiền tối đa 05 triệu đồng/hộ và được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Điều 6 Thông tư này. Kinh phí hỗ trợ và vay vốn ngân hàng để chuyển đổi nghề được sử dụng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ngành nghề không trái pháp luật (như: mua sắm máy móc, công cụ sản xuất, dịch vụ nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, buôn bán,…) để tạo thu nhập ổn định, lâu dài thay thế thu nhập từ đất sản xuất.

Điều 4. Hỗ trợ nước sinh hoạt

1. Hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 1 của Thông tư này được hỗ trợ bình quân 1,5 triệu đồng/hộ để tạo nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Kinh phí hỗ trợ nước sinh hoạt được sử dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của từng thôn, xã và điều kiện sinh hoạt của hộ gia đình như: đào giếng; mua vật dụng dẫn nước, trữ nước đảm bảo nguyên tắc các hộ được hỗ trợ kinh phí phải có nước sinh hoạt ổn định và được bố trí ở khu vực thuận tiện cho sinh hoạt gia đình.

2. Tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương, có thể tiến hành hỗ trợ theo nhóm hộ trên cơ sở mức hỗ trợ bình quân là 1,5 triệu đồng/hộ để xây dựng những công trình sử dụng chung, nhóm hộ phải tự nguyện, cam kết bảo vệ và duy trì công trình, đảm bảo có nguồn nước ổn định.

Điều 5. Hỗ trợ bố trí, sắp xếp ổn định dân cư

1. Chính sách hỗ trợ bố trí sắp xếp ổn định dân cư cho hộ đồng bào thiểu số còn du canh du cư thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-UBDT-BTC ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2015;

2. Đối với chính sách hỗ trợ nhân viên y tế và nhân viên khuyến nông, khuyến lâm quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 2 Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-UBDT-BTC được thực hiện theo quy định tại Nghị định 47/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Điều 6. Hỗ trợ tín dụng ưu đãi

1. Đối tượng vay vốn tín dụng quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 1 Thông tư này có thể vay vốn một hoặc nhiều lần nhưng tổng dư nợ cho vay không vượt quá mức cho vay tối đa áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ, không phải dùng tài sản bảo đảm tiền vay, được miễn lệ phí làm thủ tục hành chính khi vay vốn.

2. Đối tượng chưa có hoặc thiếu đất sản xuất theo quy định tại Điểm a, khoản 2, Điều 1 Thông tư này đã được hưởng chính sách vay vốn từ các chương trình tín dụng chính sách khác vẫn được vay vốn tạo quỹ đất sản xuất hoặc chuyển đổi nghề theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg (trừ trường hợp đã vay vốn theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ).

3. Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn có phương án sử dụng vốn vay sản xuất kinh doanh được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và được hưởng chính cách ưu đãi quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 3 Quyết định số 2085/QĐ-TTg (trừ trường hợp đã vay vốn theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ).

Tham khảo thêm:   Đề thi thử vào lớp 6 năm 2023 - 2024 trường THCS Archimedes Academy, Hà Nội Đề thi minh họa vào lớp 6 môn Toán, Tiếng Anh

4. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện giải ngân cho vay theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ quy định tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg và hướng dẫn tại Thông tư này có trách nhiệm hướng dẫn quy trình, thủ tục cho vay đảm bảo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện; tổ chức thực hiện cho vay kịp thời, đúng quy định và định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả gửi Ủy ban Dân tộc để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Giao Ban Dân tộc hoặc Phòng dân tộc thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu tổ chức triển khai việc rà soát, xác định đối tượng, tổng hợp nhu cầu vốn, xây dựng đề án thực hiện chính sách của địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, gửi xin ý kiến Ủy ban Dân tộc bằng văn bản trước khi phê duyệt. Thời điểm xác định đối tượng hưởng chính sách tính tại thời điểm rà soát, lập đề án của địa phương. Nội dung đề án cần nêu rõ số hộ thuộc đối tượng thụ hưởng, số vốn cần hỗ trợ của từng nội dung chính sách; có số liệu chi tiết (theo biểu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này), báo cáo thuyết minh và văn bản đề nghị Ủy ban Dân tộc;

b) Giao Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định phê duyệt danh sách chi tiết hộ gia đình được hướng chính sách hỗ trợ và đăng ký vay vốn theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg làm cơ sở để tổ chức thực hiện chính sách;

c) Xem xét hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương cho công tác tổ chức rà soát, lập đề án và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện thực hiện chính sách ở địa phương;

d) Căn cứ đề án được phê duyệt và kết quả thực hiện hàng năm, tổng hợp nhu cầu vốn thực hiện chính sách theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg gửi Ủy ban Dân tộc cùng thời điểm lập kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách hàng năm theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính;

đ) Định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chính sách tại địa phương, có số liệu chi tiết (theo biểu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này) gửi Ủy ban Dân tộc, đồng gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 07 tháng 7 năm 2017.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Ủy ban Dân tộc để nghiên cứu, giải quyết./.

Nơi nhận:
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Chính phủ;
– Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– HĐND, UBDN các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Tòa ân nhân dân tối cao;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan TW của các Đoàn thể;
– Ngân hàng Chính sách Xã hội;
– Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
– Cơ quan công tác Dân tộc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Các Vụ, đơn vị thuộc UBDT;
– Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
– Cổng thông tin điện tử UBDT;
– Lưu: VT, CSDT(05b);
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM

Đỗ Văn Chiến

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 02/2017/TT-UBDT Chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017–2020. của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *