Bạn đang xem bài viết ✅ Tập làm văn lớp 5: Tả lại quang cảnh buổi trình diễn văn nghệ ở trường em Những bài văn hay lớp 5 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Tổng hợp các bài Tập làm văn lớp 5: Tả lại quang cảnh buổi trình diễn văn nghệ ở trường em, đây là tài liệu được chúng tôi sưu tầm và đăng tải tại Wikihoc.com.

Những buổi văn nghệ của trường là nơi mà các bạn học sinh có thể bộc lộ tài năng của mình cũng như để cho thầy cô và học sinh có sự gắn kết. Dưới đây là một số bài văn mẫu tả lại cảnh buổi trình diễn văn nghệ của trường em, mời các bạn cùng tham khảo.

Dàn ý Tả lại quang cảnh buổi trình diễn văn nghệ

1. Mở đầu:

– Dẫn dắt và nêu chủ đề: Một buổi biểu diễn nghệ thuật mà em tham dự.

2. Triển khai:

– Trình bày hoàn cảnh, không gian, thời gian của buổi biểu diễn nghệ thuật đó.

– Kể lại diễn biến của buổi biểu diễn:

+ Khi chuẩn bị.

+ Lúc bắt đầu.

+ Nội dung buổi biểu diễn.

+ Khi kết thúc.

– Nêu cảm xúc về không khí và ý nghĩa của buổi biểu diễn nghệ thuật ấy.

3. Kết luận:

– Khẳng định lại cảm xúc của bản thân về buổi biểu diễn.

– Liên hệ thực tế.

Tả lại quang cảnh buổi trình diễn văn nghệ – Mẫu 1

Tả lại quang cảnh buổi trình diễn văn nghệ ở trường em

Trong một năm học trường tôi tổ chức rất nhiều buổi biểu diễn văn nghệ, nhưng để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất đó là buổi biểu diễn văn nghệ chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20 – 11 vừa qua.

Quá trình tập luyện văn nghệ để biểu diễn đã diễn ra nhiều ngày trước đó. Ngay từ buổi sáng hôm đó cả trường đã nhộn nhịp chuẩn bị. Các thầy khiêng bàn, ghép bàn thành một sân khấu cao ở cuối sân, rồi treo phông màn, màu đỏ với hàng chữ vàng cắt dán khéo léo “Buổi văn nghệ mừng ngày 20-11, được giăng lên trông trang trọng và lôi cuốn mọi người như một sân khấu nhỏ của đội văn nghệ chính cống vậy! Những “diễn viên nhí” lo tập duyệt lại các tiết mục của mình trong những phong học, cửa đóng kín mít nhưng tiếng hát vẫn vang ra nên không thể giấu được những bạn tò mò, tinh nghịch cứ dán mắt vào những khe cửa để xem trước! Còn ở phòng giáo viên cũng vậy, cửa phòng cũng… đóng kỹ, các cô các thầy đang duyệt lại mấy bài hát và dường như có cả một vở kịch nữa! Đến bốn giờ thì tất cả đâu vào đấy. Loa phóng thanh, micrô, ampli đã đầy đủ, dưới sân khấu thì ba hàng ghế dài được xếp thẳng tắp. Các đại biểu và thầy cô giáo đã đến đông đúc. Học sinh từ từ cũng ngồi chật cả mấy dãy ghế. Thỉnh thoảng, một vài chiếc váy đầm xanh đỏ, đính thêm hoa, kim tuyến, đầu cột nơ xinh xinh lại chạy vụt qua khiến bao nhiêu con mắt lại đổ dồn theo. Ấy là các “diễn viên nhí” đấy.

Đúng 8h sáng buổi biểu diễn văn nghệ chính thức bắt đầu. Cô tổng phụ trách Đội, với chiếc áo dài vàng thêu hoa bước lên sân khấu nói lời khai mạc, cảm ơn quý vị đại biểu đến tham dự và cô giới thiệu tiết mục đầu tiên.

Tiết mục đầu tiên ra mắt thật ấn tượng, đó là tiết mục hợp ca “Bông hồng tặng cô” do toàn thể học sinh lớp 5A, lớp xuất sắc về mọi mặt, cùng hát. Đệm theo là tiếng trống, tiếng đàn tài nghệ của hai thầy dạy âm nhạc càng làm cho bài hát thêm sức lôi cuốn và xốn xang lòng người. Xong tiết mục ấy là tiết mục múa của lớp 4A. Thế là hai tốp nữ sinh váy đủ màu sặc sỡ, đầu cột nơ hồng, trên gương mặt lại điểm thêm một chút phấn với môi son trông mới xinh làm sao! Ai cũng trầm trồ khen ngợi! Rồi tiếng hát vang lên, các điệu múa cũng bắt đầu theo tiếng hát. Những cánh tay xinh xinh nhịp nhàng đưa lên đưa xuống, qua lại, rồi những động tác uốn người thật dẻo, thật đều cứ thế cho đến hết bài. Tiếng hát vừa dứt cũng là lúc các bạn đã xếp xong thành hàng ngang, duyên dáng cúi đầu chào. Thế là tiếng vỗ tay nhất loạt vang lên kéo dài đến hai phút đồng hồ!

Tham khảo thêm:   Bài tập trắc nghiệm Chương 7 môn Hóa học lớp 12 Trắc nghiệm Hoá học 12 Chương VII

Mọi người lo vỗ tay mải miết, đến khi nhìn lên sâu khấu thì cô Kim Thoa, giáo viên toán của trường đã bước ra sân khấu tự lúc nào với chiếc áo dài màu thiên thanh thật nhã. Cả sân trường im phăng phắc. Từng âm điệu, lời ca của bài “Quê hương” như thấm dần vào từng mạch máu, thớ thịt của mỗi người xem. Những lúc cô lên bổng xuống trầm, nét mặt phúc hậu của cô như giãn ra, bộc lộ rõ tình cảm đối với bài hát mà cô thích nhất vậy. Bài hát vừa kết thúc, một tràng pháo tay giòn giã. Nhiều tiếng yêu cầu cô hát lại lần nữa đồng thanh vang lên, vang lên. Cô cúi đầu chào mọi người rồi lui vào bên trong. Cứ như thế, hết tiết mục này đến tiết mục khác, nhờ chuẩn bị kĩ càng nên đều được mọi người hoan nghênh nhiệt liệt. Đặc biệt, gần cuối chương trình có tiết mục xiếc, ảo thuật của thầy Hòa mới là tuyệt diệu! Thầy cũng mặc áo gi-lê, mang giày Tây bóng lưỡng, đầu đội chiếc mũ mà chiều sâu của nó đến hai ba gang tay. Thầy cũng vẽ mặt hề, mới bước ra sân khấu, không ai nín nổi phải bụm miệng cười. Màn đầu tiên thầy tung hứng banh. Thầy tung hứng rất điệu nghệ, kéo dài đến ba bốn phút mà chẳng quả banh nào chạm đất! Cứ sau mỗi màn biểu diễn, thầy lại nhận được những tràng pháo tay thật giòn. Em thích nhất là màn biểu diễn biến chiếc khăn tay thành chim bồ câu trắng! Rõ ràng thầy giở chiếc mũ sâu từ trên đầu xuống, thầy đưa cho mọi người thấy rõ trong ấy chẳng có gì cả, còn chiếc khăn tay trắng mới cáu thấy rút từ túi áo ra. Thế mà bàn tay kì diệu của thầy Hòa sau khi xếp khăn rồi tung lên, lại xếp và bỏ vào nón thì trong nháy mắt, một con bồ câu trắng muốt được thầy lấy ra từ chiếc mũ ấy. Nó đứng trên vành mũ, vươn đôi cánh rồi tung bay lên trời! Vài bạn chạy lên tặng hoa và ôm hôn thầy thắm thiết. Đó cũng là tiết mục cuối cùng. Tràng pháo tay tạm biệt kéo dài mãi mới nhỏ dần. Các lớp và các thầy cô đã biểu diễn hết tiết mục của mình, trời cũng đã trưa, buổi biểu diễn kết thúc trong không khí náo nhiệt của mọi người.

Buổi biểu diễn văn nghệ diễn ra thật ấn tượng, em cũng như mọi người ra về trong tâm trạng hân hoan với niềm vui khó tả. Em hi vọng trong buổi biểu diễn văn nghệ sau trường em sẽ có nhiều tiết mục hấp dẫn hơn nữa.

Tả lại quang cảnh buổi trình diễn văn nghệ – Mẫu 2

Chủ nhật vừa rồi, trường em tổ chức đêm diễn văn nghệ mừng ngày 20 tháng 11 dành tặng các thầy cô và toàn thể học sinh toàn trường. Cả gia đình em cùng nhau đi xem, không khí đêm ấy thật tuyệt vời, các tốp học sinh rực rỡ trong những bộ trang phục biểu diễn xinh đẹp, sân khấu được trang hoàng rực rỡ với những lẵng hoa tươi thắm, sân trường đông nghẹt phụ huynh và học sinh, vô cùng náo nhiệt. Mở màn là tiết mục song ca Người thầy của các anh chị học sinh lớp 5, với giọng hát ngọt ngào, tràn đầy cảm xúc, theo sau đó là các tiết mục, đơn ca, múa hoặc ca múa, còn có cả tiết mục nhảy cổ động rất dễ thương đến từ các em học khối 2. Nhưng em ấn tượng nhất là tiết mục múa Tự nguyện do chính thầy cô trong trường dàn dựng, các cô giáo trẻ khoác lên mình bộ áo dài trắng muốt, thướt tha, say mê trong điệu múa, di chuyển đội hình một cách nhịp nhàng, uyển chuyển, động tác tay mềm mại, khuôn mặt ai cũng ánh lên nụ cười tươi tắn, thật xinh đẹp làm sao. Cả khán đài say mê xem tiết mục, em cũng không ngoại lệ, trông các cô giáo thân yêu của chúng em với điệu múa bay bổng, như loài chim bồ câu trắng, kiêu sa, lại rực rỡ như đóa hướng dương, hiền hòa trong câu hát “Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng, nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương,…”. Tiết mục kết thúc, là một tràng pháo tay rộn rã, tiếng hoan hô vang vọng cả khán đài, như lời tri ân sâu sắc đến công lao của các thầy cô đã dành trọn tình yêu thương và dìu dắt chúng em từng ngày. Đây sẽ mãi là kỷ niệm đẹp trong lòng em và theo em đến suốt đời.

Tham khảo thêm:   Quyết định số 325/QĐ-TTG Về việc tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Tả lại quang cảnh buổi trình diễn văn nghệ – Mẫu 3

Tả lại quang cảnh buổi trình diễn văn nghệ ở trường em

Buổi sáng mùa thu trời trong mà mát. Dưới vòm cây cổ thụ nổi lên hàng khẩu hiệu trên nền vải căng ngay cổng trường. “Nhiệt liệt chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam”.

Từng lớp học sinh tập hợp ngồi ngay ngắn trước sân khấu ngoài trời của nhà trường, áo quần nhiều màu khăn quàng đỏ tươi thắm. Trên các dãy ghế kề hai bên sân khấu, các thầy, cô trong trường ngồi tề chỉnh trong những bộ áo dài dân tộc hoặc comple lịch sự. Cô Hiệu trưởng ngồi bên vị đại diện Hội cha mẹ học sinh. Thiếu tá Phan An, đại diện đơn vị bộ đội kết nghĩa, cũng có mặt.

Buổi lễ long trọng kỉ niệm ngày truyền thống của Nhà giáo Việt Nam vừa kết thúc. Các lớp nô nức chuẩn bị các tiết mục văn nghệ để biểu hiện tấm lòng yêu kính của mình đối với các thầy giáo cô giáo.

Bạn Thanh, Liên đội trưởng, trong vai người dẫn chương trình vừa xuất hiện, toàn trường vang lên một tràng vỗ tay, sau đó toàn thể im lặng lắng nghe chương trình biểu diễn.

Tiết mục đầu tiên là tốp ca của các bạn nữ 5B với bài hát “Bụi phấn” rất được chúng em ưa chuộng. Trong bộ váy nhẹ nhàng, tha thướt, nãm bạn 3B nom cao hẳn lên: “Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi. Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng, có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy…”

Tốp ca lớp 3E biểu diễn bài “Bài học đầu tiên”. Những học sinh cuối cấp chững chạc, giọng bắt đầu vỡ, cất lên tiếng ca như lời tổng kết, lời hứa: “Bài học đầu tiên có bóng hình núi sông, yêu thương những cánh đồng, nối tiếp đường cha ông…

Tiếp đến các “nhà thơ”, lớp 4 lên đọc thơ trên báo tường của mình vừa làm để chào mừng ngày 20-11. Những lời thơ mộc mạc, còn vụng về, nhưng chân thành khiến các thầy cô cảm động. Các em học sinh lớp 5A biểu diễn điệu múa bướm, hẳn là điệu múa các em đã học và biểu diễn từ cấp I mang lên. Những đôi cánh ngây thơ vẫy vẫy nhịp nhàng dưới ánh nắng cho ta cảm tưởng một tuổi thơ đang lớn lên dưới bầu trời trong lành.

Trời đã trưa, kim đồng hồ đã chỉ 11h30. Buổi biểu diễn văn nghệ kết thúc.

Nhìn các bạn học sinh tươi vui bước ra cổng trường tỏa đi các ngã, em nghĩ rằng, sau tình cảm gia đình ruột thịt, tình thầy trò là một tình cảm sâu nặng giúp cho chúng em tin tưởng vào những điều tốt đẹp của xã hội, nâng đỡ chúng em trưởng thành.

Tả lại quang cảnh buổi trình diễn văn nghệ – Mẫu 4

Thời gian trôi đi thật chậm mà cũng thật nhanh. Ngày Nhà giáo Việt Nam đã đến, trường em có tổ chức một buổi mít tin rất sôi nổi trong đó phần biểu diễn văn nghệ là hấp dẫn nhất.

Tham khảo thêm:   Bài tập đọc hiểu môn tiếng Anh lớp 6 Tài liệu ôn tập lớp 6 môn Anh

Những tia nắng hiếm hoi đang mừng rỡ rọi xuống sân trường như chúng đang trốn mẹ đi chơi. Chúng em dắt tay nhau, khăn quàng phấp phới trên vai tung tăng tới trường để dự lễ mít tin. Bạn nào cũng quần áo sạch sẽ, gọn gàng chỉnh tề. Cùng với các thầy, cô giáo còn có các anh chị thanh niên Đoàn xã tới dự. Ngôi trường được trang trí lộng lẫy. Trên lễ đài là tấm phông xanh rộng, nổi bật dòng chữ đỏ thắm; “Lễ kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 – 11”. Trước lễ đài là những lẵng hoa, lẳng hoa tươi thắm, đủ màu sắc. Một khoảng đất rộng giữa lễ đài để làm sân khấu biểu diễn.

Đúng 7 giờ 30 phút, cô tổng phụ trách cho toàn trường tập trung trước lễ đài. Chúng em nhanh chóng xếp hàng ngay ngắn. Lễ chào cờ nghiêm trang được tiến hành. Tiếng trống và tiếng hát quốc ca vang lên hoành tráng. Sau bài diễn văn của thầy Hiệu trưởng là đến phần biểu diễn văn nghệ. Không khí nghiêm trang của ngày lễ nhanh chóng chuyển sang không khí rộn ràng, náo nức của các tiết mục văn nghệ. Mọi người nóng lòng muốn thưởng thức những tiết mục của lớp mình, của bạn mình biểu diễn. Mở đầu là tiết mục đơn ca do bạn Thúy Lan trình bày với bài Bụi phấn. Trông bạn mới duyên dáng làm sao. Ai cũng biết Thúy Lan là giọng ca vàng của trường em đấy. Bạn hát rất hồn nhiên: “Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi…” Câu hát làm chúng em xúc động. Hình ảnh người thầy, người cô viết bảng là hình ảnh sâu đậm với học sinh bao thế hệ. Bụi phấn rơi trên tóc thầy hay là những sợi tóc bạc của thầy?. Em đang nghĩ miên man thì tiết mục đã kết thúc. Tiếng vỗ tay rào rào. Mấy bạn cầm những bông hoa rực rỡ lên tặng Lan. Tiếp theo là tiếng hát của cô giáo Hà Loan với bài Bài ca người giáo viên nhân dân. Tiếng hát của cô trong trẻo lay động lòng người. Nghe cô hát, em muốn sau này được làm giáo viên như cô, đi “gieo mầm cách mạng”, làm “chiến sĩ văn hóa”. Bài hát kết thúc trong tiếng vỗ tay nhiệt liệt. Sau đó là các tiết mục của các em nhỏ lớp một, lớp hai. Các em biểu diễn thật hồn nhiên, ngộ nghĩnh. Mọi người thỉnh thoảng lại cười bò ra khi có một em bé vừa diễn vừa quệt mũi, dụi mắt. Đến tiết mục của anh Bí thư Đoàn xã, anh làm điệu bộ và mấy câu hài hước làm các thầy cô và chúng em cười rộ lên. Rồi anh trình bày bài thơ Tấm lòng nhà giáo. Bài thơ là lời tâm sự của những cô giáo trẻ. Em không nhớ lời thơ nhưng em rất xúc động khi nghe bài thơ đó. Cuối cùng là bài hát tập thể của lớp em: Những bông hoa, những bài ca. Chúng em cầm tay nhau hát những lời chân thành nhất chúc mừng các thầy, các cô luôn mạnh khỏe, luôn yêu đời, yêu trò để mỗi năm các thầy cô lại gặt hái được nhiều thành tích. Cả thầy Hiệu trưởng, cô giáo chủ nhiệm lớp em cùng hòa vào hát. Giọng của trò thì trong, giọng của thầy thì trầm hòa vào nhau như một bản hợp xướng, nghe thật lạ.

Buổi biểu diễn văn nghệ kết thúc. Một tiếng “bục”, pháo hoa giấy bung lên đủ các màu sắc sặc sỡ. Mọi người nhảy căng lên vì sung sướng. Các thầy cô tươi cười chúc nhau, các học sinh vây quanh thầy cô. Buổi biểu diễn thật vui và xúc động.

Buổi biểu diễn văn nghệ đã để lại trong em một ấn tượng khó quên. Tình thầy trò, tình bạn dưới mái trường mãi mãi là những kỉ niệm sâu sắc trong cuộc đời. Em mong có những buổi lễ kỉ niệm cũng như buổi biểu diễn văn nghệ bổ ích như thế này để chúng em lại được thưởng thức những tiết mục văn nghệ hấp dẫn.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Tập làm văn lớp 5: Tả lại quang cảnh buổi trình diễn văn nghệ ở trường em Những bài văn hay lớp 5 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *