Bạn đang xem bài viết ✅ Tập làm văn lớp 5: Kể chuyện tham gia công tác xã hội (4 mẫu) Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia – Tuần 34 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Tập làm văn lớp 5: Kể về một lần em cùng các bạn trong lớp hoặc trong chi đội tham gia công tác xã hội gồm 4 mẫu, giúp các em học sinh lớp 5 tham khảo, tích lũy vốn từ để hoàn thiện tiết kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia tuần 34.

Bên cạnh đó, có thể tham khảo bài tập đọc Lớp học trên đường – Tuần 34. Vậy mời các em tham khảo nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây của Wikihoc.com:

Đề bài:Kể về một lần em cùng các bạn trong lớp hoặc trong chi đội tham gia công tác xã hội.

Kể chuyện tham gia công tác xã hội – Mẫu 1

Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm đến mọi mặt của đời sống xã hội. Người cũng rất quan tâm đến môi trường và hiểu được ý nghĩa thiết thực của môi trường sống nên Bác đã động viên toàn thể quần chúng nhân dân tích cực trồng cây làm cho đất nước thêm xanh, thêm đẹp, thêm giàu sức sống. Hưởng ứng phong trào đó, trường tôi cũng tổ chức trồng cây và vinh dự thay tôi cũng được tham gia hoạt động đó.

Vào ngày mùng 5 tháng giêng hàng năm, trường tôi tổ chức lao động trồng cây trong khuôn viên của trường. Theo đó, mỗi lớp sẽ cử ra 5 bạn học sinh tham gia. Vinh dự thay, khi tôi cũng được nằm trong danh sách thành viên của lớp tham gia.

Theo đúng lịch, 8 giờ ngày mùng 5, tất cả thầy trò sẽ tập trung tại sân trường để nghe thầy hiệu trưởng đọc lễ phát động và phân công cụ thể khu vực trồng cây cho mỗi lớp. Theo đó, lớp tôi được bàn giao 2 cây xà cừ và được phân công trồng ở khu vực phía sau dãy nhà 3 tầng.

Sau khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi nhanh chóng tìm đến khoảng đất của mình để bắt đầu công việc. Trước khi bắt tay vào làm, bạn Nam lớp trưởng của lớp phân công việc cho từng người:

– Bây giờ, tớ phân công công việc cho từng bạn để các bạn làm việc hiệu quả hơn nhé.

Cả nhóm đồng ý và chăm chú nghe Nam nói:

– Tớ với Hùng với Hưng là con trai nên chúng tớ sẽ nhận nhiệm vụ đào hố. Ba chúng tớ sẽ thay nhau đào theo sự hướng dẫn lúc nãy của thầy hiệu trưởng. Trong khi chúng tớ đào, thì Mai Anh và Bảo Chi (là tôi) sẽ cầm chiếc xô qua khu vực cây bàng để lấy đất về trồng cây. Các bạn đồng ý chứ?

Cả nhóm đồng ý rồi nhanh chóng bắt tay vào công việc.

Trong khi các bạn nam đào hố, thì tôi và Mai Anh đi xúc đất. Chúng tôi dùng xẻng xúc đất vào một chiếc xô xong luồn cái gậy qua tay xách để hai đứa gánh về. Vừa mới bắt đầu, chúng tôi còn sung sức lên vừa đi vừa hát, vừa cười đùa vui vẻ. Lúc này, ngôi trường thật nhộn nhịp bởi tiếng cuốc, tiếng xẻng, tiếng í ới gọi nhau….

Những tảng đất đầu tiên cũng được các bạn nam lật lên thật dễ dàng. Thấy vậy, Mai Anh làm điệu bộ trêu chọc:

– Ôi, các bạn thật là những người đàn ông lực lưỡng, ngưỡng mộ quá.

Hùng phản pháo ngay lập tức:

– Mai Anh quá khen, Hùng thấy mình không những lực lưỡng mà còn đẹp trai nữa. Mai Anh nhỉ?

Cả nhóm lại được phen cười rộ lên. Ai ai cũng hứng khởi làm việc, vừa trêu chọc nhau để quên đi những mệt mỏi.

Cuối cùng, công đoạn đào đất và xúc đất cũng đã xong, chúng tôi bắt đầu đặt những cái cây xuống.

Hùng vừa gỡ túi bọc màu đen sau đó đặt cái cây cân chính ở hố vùi đất xuống và đố các bạn:

– Đố các bạn biết, tại sao cây trước khi chôn xuống người ta lại gỡ túi bọc ra?

Tham khảo thêm:   Công văn 2535/TCHQ-TXNK Vướng mắc ưu đãi miễn thuế nhập khẩu

Hưng nhanh nhảu nói lại:

– Hùng ơi là Hùng, cậu làm như bọn tớ dốt lắm ấy, làm như thế để rễ cây mới bung ra và phát triển được chứ, không thì trong cái túi ni lông nhỏ xíu này rễ rao lan ra và phát triển được.

– Nhìn thế mà cũng thông minh ghê nha – Hùng đáp lại.

– Vậy tớ hỏi tiếp nha. Trồng cây do ai phát động và vào năm nào?

Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của Hưng, Hùng lại lên tiếng:

– Thôi xong, Hưng chỉ ăn may được một câu rồi. Nếu giỏi thì trả lời cho các bạn nghe đi nào?

Hưng tay chống nạnh, đứng lên ưỡn ngực trả lời:

– Người phát động chính là Bác Hồ, Bác phát động trồng cây năm 1960.

Nói xong Hưng vừa đắc chí vừa giả bộ vuốt râu nhìn Hùng với ánh mắt đầy khiêu khích. Trong khi đó, Hùng tỏ ra ngạc nhiên với trình độ của người bạn ngồi cạnh mình ba năm nay.

Và buổi trồng cây của chúng tôi diễn ra như vậy, ai cũng hăng say làm việc, vui vẻ và tràn ngập tiếng cười. Sau khi hoàn thành xong, thầy hiệu trưởng nghiệm thu, lớp chúng tôi được tuyên dương vì trồng cây đúng quy cách và có ý thức làm việc. Chúng tôi rất vui vì điều đó.

Phong trào trồng cây không còn quá xa lạ đối với mỗi người dân Việt Nam. Bởi đó là phong trào do Bác Hồ khởi xướng để bảo vệ môi trường. Có thể đó là việc làm nhỏ, nhưng lại mang một ý nghĩa to lớn. Vì vậy, được tham gia trồng cây là một niềm tự hào đối với tôi. Tôi hi vọng, hành động nhỏ của mình sẽ góp phần làm cho đất nước thêm xanh thêm đẹp, thêm giàu sức sống.

Kể chuyện tham gia công tác xã hội – Mẫu 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người. Lời dặn của Bác đến tận ngày nay vẫn được các thế hệ con cháu nối tiếp theo. Trường của em là ngôi trường mới, mọc lên trên một nền đất rộng. Ngôi nhà ba tầng đẹp đẽ nhưng lại chưa có cây xanh. Chính vì thế mà mùa xuân trước, trong trường em đã tổ chức một buổi lao động trồng cây nhằm tạo cảnh quan xanh sạch đẹp cho trường. Buổi lao động đầy ý nghĩa với khí thế vui tươi đã để lại trong em ấn tượng khó phai.

Theo kế hoạch của nhà trường, mỗi lớp chúng em được giao trách nhiệm trồng và chăm sóc một chục cây xanh. Bồn cây của lớp nào xanh và tốt nhất sau một năm sẽ được nhà trường khen tặng và gắn biển để kỉ niệm. Lớp em hưởng ứng ngày tết trồng cây hào hứng, sôi nổi vô cùng. Bạn Hoài Anh vui vẻ đứng lên xin phép cô chủ nhiệm rồi phân công nhiệm vụ cho từng tổ, tổ lại phân công đến các bạn đội viên. Bạn thì xin được mang cây, bạn mang dụng cụ, người thì mang bình nước tưới, bạn mang phân bón

Sáng hôm nhà trường tổ chức lễ ra quân, lớp em cùng hai mươi lớp khác xếp hàng thẳng tắp nghe thầy hiệu trưởng nói về ý nghĩa của việc trồng cây. Sau khi nhận nhiệm vụ, chúng em tỏa đi những khu vực được giao. Hoài Anh nhanh nhảu, nhiệt tình và gương mẫu ra tay trước. Bạn cuốc liền một mạch để tạo hình cho hố cây thứ nhất. Thế là, cứ như vậy, cả lớp chia nhau cuốc đủ mười hố trồng cây. Vừa cuốc đất, các bạn còn vui vẻ trêu nhau. Có bạn còn hào hứng đọc bài ca vỡ đất. Đến lượt các bạn nữ nhanh tay tra phân bón lót cho cây. Các bạn chu đáo thật. Trước đó một ngày các bạn còn cử nhau đi hỏi cô giáo dạy sinh để chọn lượng phân vừa đủ tránh cho cây khỏi chết.

Khâu chuẩn bị đã xong, bạn lớp trưởng mời cô chủ nhiệm đặt trồng cây trước nhất. Cô chọn một cây bàng rất nhỏ, đặt xuống hố cây rồi nói.

Hôm nay cô trò mình trồng cây bàng này, có lẽ phải đến lúc các em ra trường nó mới cho tán được. Lúc ấy, trong những ngày hè, thế hệ sau của các em sẽ được hưởng những tán bàng mát rượi. Các em biết không, đó chính là cái lợi ích mười năm mà Bác kính yêu của chúng ta ngày xưa đã dạy.

Tham khảo thêm:   Tập làm văn lớp 5: Đoạn văn suy nghĩ về nhân vật Út Vịnh (6 mẫu) Luyện từ và câu lớp 5 - Tuần 34

Rồi cô vón đất thật nhỏ, vun vào gốc cây.

Chẳng mấy chốc, hàng câu của lớp em đã được trồng xong, một hàng dài đủ loại, bàng, sấu, bằng lăng, hoa sữa… Các gốc cây tưới nước cẩn thận cho đủ ngấm rồi các bạn mới ra về. Trong lòng các bạn hôm ấy ai cũng vui tươi phấn khởi.

Mới đó mà một năm học đã đi qua, hàng cây lớp em trồng đã tốt và xanh mướt. Lớp em rất tự hào khi được nhà trường chọn một cây hoa sữa để gắn biển kỷ niệm. Thời gian trôi qua, hàng cây trước lớp đã trở thành một kỷ niệm không phai với mỗi bạn lớp em. Bây giờ em đã hiểu rõ hơn lời dạy của Bác ngày xưa có ý nghĩa biết nhường nào.

Kể chuyện tham gia công tác xã hội – Mẫu 3

Sáng hôm ấy cơn bão đã tan nhưng bầu trời hãy còn xám xịt, mưa vẫn còn lất phất bay, chúng tôi được lệnh đến trường lao động. Tin đó truyền đi rất nhanh, phút chốc trên các nẻo đường lầy lội, ướt át, học sinh top năm, tốp ba ùn ùn kéo đi.

Những bước chân hối hả, những nét mặt buồn buồn, lo lắng, câu nói tiếng cười kém phần rộn rã. Ngôi trường thân yêu hiện ra trước mắt tôi. Mọi người không khỏi bàng hoàng, cổng trường hôm nào vững vàng thế mà hôm nay đã tan hoang. Những bức tường xây phía trước như những bức tường thành nay bị toác ra từng mảng há hốc miệng. Đường vào trường ngập lá cây cối hai bên đường. Vườn trường bị dập nát, có cây kiệt sức ngã gục, có cây mang trên mình đầy thương tích, có cây gãy ngang, đáng thương hơn cả là mấy cây phượng, cây bàng trong sân trường. Bão đã cướp đi tất cả màu xanh, để trở lại mấy cành khẳng khiu. Tôi vội vàng chạy lại vườn hoa của lớp. Ôi thôi, những cây cúc vàng, hoa mười giờ nằm bẹp dí dưới lớp gạch ngói để ngổn ngang. Tôi thốt lên và lòng cảm thấy quặn đau. Mấy cây sót lại cành lá xơ xác. Một dãy mấy phòng học nước lênh láng. Đứng trong nhà như đứng ở ngoài sân. Ai cũng cảm thấy đau xót.

Buổi lao động được tổ chức nhanh chóng, không ai bảo ai mọi người đều hăm hở bắt tay vào việc. Trong vườn, tiếng chặt cây lóc cóc, lách cách vang lên đều đều. Các bạn trai lớp 5 B đang hò nhau trồng lại những cây bị nghiêng đổ, các cành cây bị gãy đang được các bạn gái nhặt lại. Tiếng nói chỉ đủ nhắc nhau. Bạn nào nét mặt cũng buồn nhưng nhịp điệu lao động thì hết sức khẩn trương. Trên sân, ba bốn chục bạn đang lom khom làm vệ sinh, tiếng ngói vỡ đổ rào rào, tiếng quét rác xoàn soạt, tiếng chổi đi xoèn xoẹt. Nhiều bạn mân mê trong tay một cành cây gãy, một chiếc lá non đã héo quắt.

Tổ chúng tôi sửa lại bồn hoa. Những bàn tay mềm mại nhặt hết gạch vụn, nhẹ nhàng đỡ từng cây, vuốt từng cái lá. Bạn Lí nói: “Hoa ơi! Các chị đang đến với các em đây. Bão đã qua rồi, hãy đứng lên, vươn cành nở hoa và ngát hương như ngày nào ấy.”

Phía vườn trông ra có một tốp các bạn nam đang hì hục đào rãnh thoát nước. Trong các phòng, không khí lao động không kém phần hăng say. Tiếng đục, tiếng búa chan chát. Bạn chữa lại bàn ghế, bạn trèo lên tường đặt lại chân dung Bác Hồ và các dòng khẩu hiệu. Ngoài trời vẫn còn lác đác mưa, trời tối sầm, mấy chú chim quen thuộc bị gió bão cuốn đi đang dần dần tụ về.

Cơn bão số 9 đã tàn phá quê hương tôi, cướp đi của chúng tôi bao nhiêu công sức. Trường chúng tôi mất đi vẻ tươi xanh của cây lá, nhưng tôi tin chắc rằng bão số 9 sẽ không bao giờ cướp được không khí thi đua dạy tốt, học tốt của thầy trò chúng tôi và một ngày nào đó, trường tôi sẽ khang trang hơn, to lớn hơn và đẹp đẽ hơn.

Kể chuyện tham gia công tác xã hội – Mẫu 4

Nhằm hưởng ứng ngày thành lập đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, trường em có tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi và bổ ích. Một trong những hoạt động mà tôi cảm thấy thích nhất và có ý nghĩa nhất đó chính là dọn dẹp vệ sinh bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của xã.

Tham khảo thêm:   Tiếng Anh 12 Unit 3: 3E Word Skills Soạn Anh 12 Chân trời sáng tạo trang 41

Theo sự phân công của nhà trường, để thực hiện hoạt động vệ sinh dọn dẹp bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đài tưởng niệm của xã, mỗi lớp sẽ phải cử ra 5 bạn để tham gia. Không chần chừ, tôi cùng Hạnh, Hùng, Tuấn và Oanh cùng đăng kí tham gia.

Đúng 7 giờ sáng chủ nhật, chúng tôi tập trung tại trường để điểm danh. Sau khi thông báo lịch trình công việc, chúng tôi đi đến nhà bia tưởng niệm của xã để tham gia lao động với sự dẫn dắt của cô tổng phụ trách đội và bạn liên đội trưởng.

Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã có mặt tại khuôn viên của bia tưởng niệm. Nhìn xung quanh đều là những ngôi mộ và cây cảnh. Vào đây, tôi có cảm giác gì đó thật linh thiêng và cao quý. Đang quẩn quanh với những suy nghĩ, bỗng cô tổng phụ trách đội lên tiếng:

– Các em tập trung để cô phân công công việc nhé!

Các bạn nhanh chóng tập trung vào hàng và nhận nhiệm vụ. Theo sự phân công, các lớp sẽ lần lượt dọn cỏ sạch sẽ xung quanh các nầm mộ, quét dọn đất cát sạch sẽ xong lấy khăn sạch lau lại các tấm bia sạch sẽ.

Sau khi cô giáo phân công, các bạn chia nhau ra làm công việc của mình. Ai ai cũng hứng khởi thực hiện công việc của mình. Mỗi bạn tự giác làm sạch sẽ khu vực của mình.

Trời đã bắt đầu nắng, những tia nắng mùa hè chói chang bắt đầu làm ửng hồng đôi má của các bạn. Những giọt mồ hôi cũng đã lấm tấm trên trán. Cô phụ trách thấy vậy cũng động viên các bạn:

Cố lên nào các em, chúng ta làm xong sớm để được nghỉ sớm nhé, trời đã bắt đầu nắng lên rồi.

Cả đội đồng thanh:

– Vâng ạ!

Bạn Tuấn lớp 5 C còn phát biểu thêm:

– Không sao đâu cô ạ. Ngày xưa cha ông chúng ta còn chiến đấu hi sinh ác liệt hơn công việc bọn em đang làm bây giờ mà cô.

Cô tiến tới xoa đầu Tuấn và nói:

– Em hiểu được công lao của cha ông như vậy là tốt lắm.

Tuấn hơi ngượng ngùng và tiếp tục với công việc của mình.

Rồi chúng tôi hăng say làm việc , dù hơi mệt nhưng không ai than phiền hay lên tiếng vì các bạn đang hiểu được công việc mà mình đang làm. Làm được một lúc, bỗng chúng tôi thấy bác trông coi đài tưởng niệm đi tới, trên tay bác có cầm một chiếc ca lớn đựng nước cùng với mấy chiếc cốc. Bác tiến lại gần và bảo:

– Cô và các cháu lại nghỉ tay uống cốc nước mát rồi lại làm tiếp

Cô phụ trách nhoẻn miệng cười cảm ơn bác và gọi chúng tôi vào lùm cây nghỉ ngơi uống nước một chút. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, chúng tôi đã được nghe bác nói chuyện về nguồn gốc của những tấm bia ở đây, nói về những ngày tháng chiến đấu ác liệt của các anh ngày xưa. Tất cả chúng tôi đều chăm chăm nghe bác kể chuyện.

Rồi thời gian nhanh chóng trôi qua, chúng tôi lại trở lại với công việc của mình. Vừa làm, chúng tôi vừa trêu đùa vui vẻ, vừa hát những khúc hát về quê hương đất nước và các anh hùng. Công việc đã xong, ai cũng thấm mệt, nhưng trong lòng lại cảm thấy vui vì mình vừa làm được một việc có ý nghĩa.

Có thể, đối với nhiều bạn, đây chỉ là một hoạt động quá bình thường. Nhưng với tôi, những việc làm có ích và ý nghĩa thì đều là việc lớn. Thông qua buổi dọn vệ sinh, tôi đã biết thêm được nhiều điều về lịch sử. Biết ơn nhiều hơn đối với các anh hùng đã ngã xuống vì đất nước để mang lại bầu trời hòa bình cho thế hệ mai sau.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Tập làm văn lớp 5: Kể chuyện tham gia công tác xã hội (4 mẫu) Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia – Tuần 34 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *