TOP 5 mẫu Kể câu chuyện về những người biết sống đẹp, biết mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 5 rèn luyện kỹ năng kể chuyện thật tốt, chuẩn bị thật tốt cho tiết Kể chuyện đã nghe, đã đọc lớp 5 tuần 17.
Để bài kể chuyện thêm sinh động, các em cần nhớ lại những nhân vật biết sống đẹp trong các truyện đã học hoặc được nghe kể, trong sách, báo, rồi kể lại, nhanh chóng hoàn thiện tiết Kể chuyện tuần 17 – SGK Tiếng Việt 5 tập 1 trang 168. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Wikihoc.com:
Kể câu chuyện về những người biết sống đẹp – Mẫu 1
Xóm Bầu có 72 hộ, phần lớn các gia đình làm nghề thủ công đan lát. Có trên 90% số hộ được bình chọn là “Gia đình văn hóa mới”. Trong số đó, tiêu biểu nhất là gia đình anh Thiêm.
Anh Thiêm 42 tuổi, vợ là chị Hồng 41 tuổi. Bà nội em khen: “Anh Thiêm chị Hồng thật tốt đôi, đúng là gái hơn hai, trai hơn một”. Trước đây, cả hai chị đều công tác ở Phòng Thủ công- Mỹ nghệ huyện, xin về “một cục”. Với cái vốn ban đầu không đầy 20 triệu anh chị mua tre nứa về đan lát, sắm máy chẻ nan, máy tuốt nan. Anh lên tận Sơn Tây học cách pha thuốc màu để nhuộm nan tre. Sản phẩm ban đầu của vợ chồng anh là những chiếc làn, chiếc lẵng đựng hoa. Vốn khéo tay và chịu khó, hàng của anh chị làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Chỉ hai năm sau, anh chị đã có một số vốn trên một trăm triệu đồng.
Sau một năm tầm sư học đạo ở Chương Mỹ, Sơn Tây, ở một số làng nghề nổi tiếng ở Bắc Ninh, anh thành lập tổ sản xuất đan : lát hàng mĩ nghệ. Mười hai cô gái chàng trai khéo tay, chịu khó, là người xóm Bầu được anh cho học nghề, lương lúc đầu 300.000 đồng một tháng. Chỉ sau hơn hai tháng, họ đã thành nghề. Mặt hàng của anh chị là lẵng hoa, làn,… đủ các kiểu dáng, nhuộm màu, phun thuốc bóng mượt, óng ánh rất đẹp xuất sang Nhật và Hàn Quốc.
Năm ngoái, doanh thu đến sáu trăm triệu, lương công nhân từ tám trăm nghìn đến một triệu. Con em thương binh và các gia đình khó khăn được anh chị cho học nghề. Đến nay, cơ sở sản xuất hàng mĩ nghệ của anh đã có năm mươi bốn người. Anh được huyện, tỉnh tặng nhiều bằng khen. Chị Hồng được Hội Liên Hiệp phụ nữ tỉnh tặng bằng khen: “Người phụ nữ gương mẫu”.
Anh chị Thiêm có hai đứa con : cậu Hùng đang học năm thứ hai trường Đại học Mĩ thuật Hà Nội, cô Nga học lớp mười một, là học sinh giỏi Toán của tỉnh.
Cả làng, cả xã, cả vùng, ai cũng khen anh Thiêm, chị Hồng và hai đứa con của anh chị. Anh chị đã trở thành chủ doanh nghiệp trẻ, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người. Anh chị đã ủng hộ nạn nhân chất độc da cam năm triệu, ủng hộ bà con vùng bão lụt sáu triệu đồng.
Bây giờ đã trở thành triệu phú, nhưng vợ chồng chị Hồng sống rất bình dị, cởi mở, rộng bụng với anh chị em bà con, nên ai cũng mến. Cô giáo em nói: “Hạnh phúc chỉ có bằng trí tuệ, tâm hồn, bàn tay của mình”. Em nghĩ gia đình anh Thiêm, chị Hồng là một gia đình hạnh phúc, một gia đình kiểu mẫu để cho mọi người noi theo và học tập.
Kể câu chuyện về những người biết sống đẹp – Mẫu 2
Như bao buổi tối khác, hôm đó khi đã học xong bài, em nằm trong vòng tay mẹ để nghe mẹ kể chuyện. Mỗi ngày mẹ đều kể chuyện cho em nghe trước khi đi ngủ. Hôm ấy, mẹ không kể chuyện cổ tích, ngụ ngôn hay truyện cười. Mẹ kể chuyện của mẹ – một người trung thực.
Năm em học lớp 2, để có tiền nuôi em và các chị đi học, ngoài việc đồng áng mẹ còn tranh thủ đi mua sắt vụn nữa. Những buổi trưa, khi chuẩn bị cho 3 chị em bữa ăn sau giờ học, dặn dò từng đứa công việc buổi chiều, mẹ lại đạp xe đi đến từng nhà để mua giấy, nhựa, sắt… tất cả những gì có thể bán được không kể nắng mưa.
Mẹ kể: Có những hôm may mắn, vào gia đình người ta vừa có tiệc, mẹ mua được rất nhiều thứ, mẹ vui lắm vì lại có được thêm tiền cho các con mua thêm sách, vở. Nhưng cũng có những hôm, mẹ đến khi người ta ngủ trưa, có người tỏ ra cáu gắt, mẹ luôn bình tĩnh, nói lời xin lỗi và đi ra. Từ khi có nghề tay trái, mặc dù là buôn bán nhưng mẹ chưa để ai mất lòng.
Mẹ nhắc lại lần mẹ nhớ nhất: Hôm đó, trời cũng nắng chang chang, mẹ đang đi, có tiếng gọi: Sắt vụn, vào đây nhặt ít đồ, mẹ quay xe và vào nhặt những vỏ lon, sách cũ. Người phụ nữ bán đồ cho mẹ đã đi vào nhà, để cho mẹ tự phân loại rồi cân. Đang miệt mài phân loại giấy viết, giấy in, báo thì mẹ phát hiện một chiếc phong bì đã mở, bên ngoài có dòng chữ: Gửi con gái. Mẹ thấy bên trong vẫn có thư và hai tờ 200 nghìn. Mẹ đã biết đó là thư bố gửi cho con gái khi ông đi làm xa cùng với tiền chắc là cũng cho con mua sách vở hoặc nộp tiền học như trách nhiệm của mẹ với các con mình. Mặc dù số tiền đó bằng cả tháng mẹ đi gom sắt vụn nhưng mẹ hiểu tấm lòng của những người cha cũng đoán rằng người con vẫn dành dụm nên mẹ gọi người phụ nữ ra và trao lại cho bà.
Người phụ nữ ra nhận trong sự vui mừng và ngạc nhiên: Con gái tôi học Đại học, mỗi lần viết thư về, bố nó vẫn cho tiền để đóng học. Chắc nó để dành, lần sau về lấy, cảm ơn chị quá! Chị thật tốt bụng, cảm ơn chị rất nhiều.
Mẹ em cũng vui vẻ nói chuyện, kể về chúng tôi rồi trả tiền cho bà mặc dù bà không lấy coi như lời cảm ơn. Trước khi mẹ đi tiếp chặng đường, người phụ nữ ấy vẫn nói với theo: Cảm ơn chị, lần sau chị lại đến nhé, có gì bán được tôi sẽ để phần chị.
Mẹ kể lại câu chuyện về nghề sắt vụn của mình trong niềm vui, mẹ không nói với em bài học nhưng em biết mẹ muốn khuyên rằng: Sống phải giữ cho mình tấm lòng trong sạch, sự trung thực, không tham lam, dối trá. Em cũng đã ghi lại câu chuyện ấy vào sổ nhật ký của mình. Em rất ngưỡng mộ mẹ em.
Kể câu chuyện về những người biết sống đẹp – Mẫu 3
Cuộc sống đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp mà cuộc sống còn cần có cả những nụ hôn.
Vâng! Nụ hôn mà tôi muốn nói ở đây chính là tình câm, là mối quan hệ giữa người với người, giữa người với thiên nhiên, đất nước.
Từ nhiều năm nay, mỗi khi xuân về là lúc cụ già Nguyễn Xuân Phương trú tại thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định bắt đầu cuộc hành trình phát quà.
Tết cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn ở Bình Định. Với cụ, việc phát quà cho trẻ mồ côi, người khuyết tật, người nghèo là niềm vui hơn cả ngày Tết. Cụ Xuân Phương năm nay đã tròn 80 tuổi. Mặc dù đã bước vào độ tuổi’ “xưa nay hiếm” nhưng cụ vẫn còn mạnh khỏe. Nhiều người cho rằng vì cụ hay giúp đỡ người nghèo nên trời ban thưởng cho cụ một cơ thể khỏe mạnh. Nhưng cụ phủ nhận điều đó. Cụ bảo cứ sống cho thanh thản thì sẽ được khỏe mạnh thôi.
Đã thành thông lệ, suốt 8 năm nay, từ giữa tháng Chạp cho đến giữa đêm giao thừa là khoảng thời gian cụ Phương bận rộn nhất. Cụ đến các trung tâm bảo trợ trẻ mồ côi, người khuyết tật và nhiều hộ nghèo trong tỉnh để hỏi thăm sức khỏe, động viên họ rồi tặng quà. Mỗi phần cụ dành cho họ không nhiều, thường thì 10 kg gạo, vài cân đường, có khi vài chục nghìn đồng… Đối với người bình thường, món quà này chẳng có nghĩa lí gì, nhưng với những người có hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo thì quả là không nhỏ. Khi các nhà báo hỏi cụ: “Cụ có nhớ mỗi dịp Tết cụ tặng quà cho bao nhiêu người không?” Cụ lắc đầu: “Bác không thể nào tính được, chỉ nhớ cứ mỗi cái Tết, bác “tiêu” khoảng 5 tấn gạo và một tấn đường.”
Cụ Phương có bảy người con với trên hai mươi cháu, chắt đang lập nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả đều đã có cuộc sống ổn định và khá thành đạt.
Thấy cụ sống thui thủi một mình, họ thuyết phục cụ về sống chung để có điều kiện phụng dưỡng cụ, nhưng cụ nhất định không đồng ý. Vì thế hàng tháng, họ chỉ biết góp tiền về để nuôi dưỡng cụ. Thế nhưng phần lớn số tiền các con gửi về để cụ ăn, bồi dưỡng, cụ đều mang đi làm từ thiện. Với cụ bây giờ, hạnh phúc phất là làm được một việc gì đó có ý nghĩa trong những ngày cuối đời.
Cụ Phương là một người có trái tim nhân đạo, biết hi sinh quyền lợi cá nhân để mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác.
Kể câu chuyện về những người biết sống đẹp – Mẫu 4
Trong cuộc sống, có những đóa hoa đẹp đã tô điểm cho cuộc đời thêm thật nhiều ý nghĩa. Chú Mai Tư Khoa chính là một trong những bông hoa tươi đẹp đó. Dù hoàn cảnh của bản thân còn gặp nhiều khó khăn, nhưng chú đã làm được nhiều việc có ý nghĩa cho xã hội. Câu chuyện được kể qua chương trình “Những tấm gương tiêu biểu” đã để lại trong em sự xúc động và sự ngưỡng mộ đối với việc làm của chú.
Chú Khoa trú tại xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, năm nay 38 tuổi. Năm 19 tuổi, chú xin vào làm công nhân khai thác đá cho một nhà máy xi măng đóng trên địa bàn, với mong muốn có thêm thu nhập giúp đỡ gia đình. Vào buổi chiều định mệnh 3/6/1998, chú gặp tai nạn lở đá, bị gãy 2 đốt xương sống và liệt nửa người dưới. Những tháng ngày còn lại của mình, chú vĩnh viễn làm bạn với chiếc giường và 4 bức tường.
Chú rơi vào những ngày tháng buồn tủi và tuyệt vọng. Trong thời gian vật lộn với bệnh tật, nằm một chỗ bên giường bệnh, chú chỉ biết làm bạn với những cuốn sách, rồi tivi và sau này là điện thoại, máy tính. Cũng nhờ đọc nhiều sách, báo… mà chú Khoa nhận ra, cuộc sống này còn rất nhiều người có số phận như mình, trong đó có những người dù mang trọng bệnh nhưng vẫn nỗ lực vươn lên để sống có ích.
Vì vậy, chú đã suy nghĩ cần làm được một việc gì đó có ích cho cuộc sống của bản thân và xã hội. Sau thời gian dài ấp ủ, vào năm 2010, từ những sách báo chú sưu tầm được, cùng với số tiền tích góp được để mua sách, chú Khoa đã biến căn phòng của mình thành thư viện tại gia miễn phí cho trẻ em nghèo. Mỗi ngày, nơi đây thu hút hàng chục học sinh đến đọc và mượn sách.
Để thư viện của mình có nhiều sách hơn, chú Khoa đã miệt mài lên mạng tìm hiểu, kêu gọi sự giúp đỡ của các tấm lòng thiện nguyện. Chú đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trên khắp mọi miền đất nước. Họ gửi sách và cả tiền để chú thực hiện ước nguyện của mình, nhờ vậy chú Khoa đã có được thêm 10 tủ sách để đặt tại các lớp học của trường tiểu học và trung học cơ sở xã Quảng Trường cho học sinh sử dụng.
Không chỉ dừng lại ở đó, chú Khoa còn lên mạng xã hội tiếp tục kêu gọi, quyên góp tiền và vật chất để hỗ trợ các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và người già neo đơn. Từ năm học 2013 đến nay, với nguồn quyên góp được, chú Khoa đã hỗ trợ học phí, sách vở và quần áo cho học sinh nghèo, học sinh khuyết tật ở các trường học tại địa phương. Trong năm 2016 vừa qua, chú cũng đã quyên góp hỗ trợ đồng bào lũ lụt, học sinh khó khăn khoảng 150 triệu đồng.
Câu chuyện về chú Khoa đã khiến em cảm thấy khâm phục tấm lòng và nghị lực của chú. Dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải biết vươn lên để sống đẹp và sống tốt cho đời. Em tự nhủ với lòng mình sẽ cố gắng làm nhiều việc có ích để giúp đỡ gia đình và mọi người xung quanh em.
Kể câu chuyện về những người biết sống đẹp – Mẫu 5
Ở xóm em, không ai là không biết đến bà Hòa – một người phụ nữ hiền hậu, tài giỏi và giàu lòng yêu thương. Từ khi có bà, khu phố nhà em trở nên tươi đẹp lạ thường.
Trước đây, con đường đi hai bên đường rất bình thường, trụi lủi đất đá, một vài đoạn mới có những cụm cỏ trâu xơ xác. Nhưng hai năm trước, khi gia đình bà Hòa chuyển về, mọi chuyện đã khác. Bà mua cây hoa giống, về trồng dọc hai bê đường đi trong xóm. Rồi chiều chiều, bà lại ra tưới nước, nhổ cỏ cho luống hoa đấy. Người dân trong xóm thấy vậy, cũng bắt chước bà, tham gia cùng chăm sóc cây hoa ven đường. Nhờ vậy mà giờ đây, con đường xóm em lúc nào cũng xanh ngát, tươi tốt với các nụ hoa rực rỡ. Không chỉ vậy, bà Hòa còn thường cho mèo hoang trong xóm ăn cơm. Chúng tụ tập ở sân nhà bà, nằm phơi nắng, ăn cơm và được bà tắm cho như mèo nhà. Dù bà không nhốt chúng, cũng chẳng đặt tên, nhưng chúng vẫn quyến luyến và tự tìm về với bà như những đứa cháu về thăm bà vậy. Từ lúc đàn mèo hoang được bà thuần hòa, chúng không còn phá phách các khu bếp của mọi người nữa. Không chỉ vậy, chúng còn giúp bắt chuột, bảo vệ cho đàn gà, kho thóc của bà con trong xóm.
Sự xuất hiện của bà Hòa như con gió mùa xuân thổi qua xóm em vốn đang ở mùa khô hanh. Thật tuyệt vời khi xóm em có một người tuyệt vời như bà ấy.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Tập làm văn lớp 5: Kể câu chuyện về những người biết sống đẹp (5 mẫu) Kể chuyện đã nghe, đã đọc – Tuần 17 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.