Tập làm văn lớp 4: Tả cây bơ gồm 2 bài văn ngắn gọn, đặc sắc nhất, cung cấp cho các em học sinh lớp 4 những thông tin hữu ích về cây bơ, để nhanh chóng hoàn thiện bài văn tả cây ăn quả thật sinh động.
Quả bơ ăn béo ngậy, thơm ngon, có thể trộn sữa chua hoặc làm món sinh tố rất bổ dưỡng. Đặc biệt, bơ cũng là loại thực phẩm lý tưởng cho các bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường. Chi tiết mời các em cùng theo dõi bài viết để có thêm nhiều vốn từ.
Tả cây bơ – Mẫu 1
Cuối tuần vừa rồi, khi sang nhà bạn chơi, em đã được tận mắt chiêm ngưỡng một cây bơ sáp ngoài đời thực.
Cây bơ sáp ấy đã hơn bốn năm tuổi. Cây cao lớn, phải hơn 5m. Thân cây to như bắp chân người lớn, cứng cáp với lớp áo khoác màu nâu xám. Thân cây mọc thẳng đứng như tre, càng lên ngọn càng nhỏ dần. Tán cây bơ không quá rộng, bởi các cành thường dài khoảng 1m hơn. Số lượng cành chính mọc từ thân cây cũng không nhiều, lại cách nhau khá rộng, thành ra nhìn tán cây bơ nhà bạn cứ như là những bậc thang xoay vòng quanh thân cây, dẫn thẳng lên trời. Lá bơ có hình dáng như lá nhãn, nhưng lớn hơn một chút. Chiếc lá nào cũng có màu xanh sẫm, mọc rất dày quanh các cành. Điều đó khiến những quả bơ khi còn bé, cuống vẫn ngắn rất khó bị phát hiện. Tuy nhiên, theo thời gian trái bơ lớn dần lên thì cuống quả cũng dài ra, giúp các trái bơ được treo ra khỏi vòm lá, như những chiếc đèn lồng xanh. Quả bơ sáp to như bàn tay, khá tròn. Cơm bên trong có màu vàng xanh, ăn dẻo bùi, thơm ngọt. Phải khéo lắm thì mới phát hiện đúng quả đã chín để hái xuống, vì nhìn từ dưới lên, các quả bơ đều có sắc xanh như nhau.
Em thích cây bơ nhà bạn lắm. Nên đã hẹn được cùng bạn ra thăm cây bơ thêm nhiều lần nữa.
Tả cây bơ – Mẫu 2
Hồi nhỏ tôi thích trái bơ tới mức cứ ăn xong một trái bơ là tôi trồng hột của nó vào trong một cái chậu nhỏ. Má tôi hỏi: “Con trồng làm gì vậy?” Tôi nói: “Trồng để mai mốt cây lớn lên con có trái ăn”. Má tôi xì một tiếng.
Những hột bơ nảy mầm và xòe hai lá đầu tiên. Lá bơ non to to dài dài xanh xanh và dễ thương lắm. Tôi cứ ngồi dang đầu dưới nắng mà say sưa ngắm nghía từng chiếc lá. Màu lá đậm dần. Nó đã trở nên một chiếc lá trưởng thành và cứng cáp sẵn sàng cho những chiếc lá non khác nhú ra. Hai lá tiếp theo và tiếp theo và tiếp theo nữa… Thân cây chỉ to bằng chiếc đũa và cao dần lên cho đến một ngày…
Trưa hôm đó tôi đi học về tới trước cửa nhà tôi ngẩn ngơ nhìn một dãy chậu đất trống trơn. Những cây bơ con bị nhổ sạch hồi nào không biết. Tôi đứng dậm chân bịch bịch bịch thiếu điều muốn lủng cái nền gạch rồi òa ra khóc. Má tôi nói: “Không có ai mà trồng cây bơ ở trong chậu hết rễ nó ăn bể tường đó con!” Tôi không hiểu tại sao rễ của cây bơ lại có thể ăn bể tường. Tôi cứ đứng khóc tỉ ti hoài khiến Má tôi bực mình quát lên mấy tiếng tôi sợ hãi vội vàng nín bặt.
Khi có chồng rồi tôi vẫn chứng nào tật đó ăn trái bơ xong là trồng cái hột xuống đất (chứ không phải trong chậu). Hột bơ vẫn nảy mầm vẫn vươn lên hai lá non xanh mướt. Nhưng sau đó chồng tôi nhổ phéng những cây bơ con càu nhàu miếng đất chút xíu mà trồng cây bơ làm gì. Tôi thật sự không hiểu. Tại sao mọi người không biết rằng tôi rất muốn trồng một cây bơ trong sân? Tại sao mọi người không biết tôi rất muốn ve vuốt từng trái bơ chín thơm mọc lủng lẳng trên cành?
Mấy mươi năm sau – ngày hôm nay – tôi mới hiểu. Cây bơ nó bự như một cây me già. Cành lá của nó xòe ra um tùm còn hơn cành lá của một cây xoài cội nữa. Tôi ngẩn ngơ nhìn những trái bơ chín treo lủng lẳng trong tấm hình (mà tôi mới nhận được). Trái bơ của tôi đây. Ly sinh tố bơ của tôi đây.
Và tôi mỉm cười một mình tưởng tượng đến một ngày nào đó của tháng 5 của tháng 6 của mùa hè tôi ngồi trong một góc của quán vắng vừa nhâm nhi ly sinh tố bơ vừa nhìn ngắm những chiếc lá vàng xào xạc trong làn gió mơn man…
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Tập làm văn lớp 4: Tả cây bơ (2 mẫu) Tả cây ăn quả lớp 4 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.