Kể lại truyện Dế mèn bênh vực kẻ yếu gồm 8 mẫu, giúp các em học sinh lớp 4 tham khảo, rèn kỹ năng kể chuyện thật tốt để dễ dàng Kể lại toàn bộ câu chuyện Dế Mèn bênh vực kẻ yếu thật cô đọng, súc tích.
Câu chuyện Dế Mèn bênh vực kẻ yếu ngợi ca tấm lòng hào hiệp, sẵn sàng làm việc nghĩa để bênh vực kẻ yếu. Bên cạnh đó, các em có thể tham khảo thêm mẫu kể chuyện Cây khế, Nàng tiên Ốc, Vịt con xấu xí để kể chuyện thật hay. Mòi các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Wikihoc.com:
Kể câu chuyện Dế Mèn bênh vực kẻ yếu
Trong một góc vườn nọ có đông đúc loài dế sinh sống, trong đó có rất nhiều loại dế, có dế mèn khỏe mạnh, dế choắt yếu ớt yếu đuối hay bị bắt nạt và một con dế đầu đàn chuyên cậy mạnh đi ức hiếp kẻ yếu hơn mình.
Cuộc sống của loài dế diễn ra vô cùng yên bình cho đến một ngày kia chú dế choắt ở đâu chuyển đến sinh sống. Vóc dáng và thể chất của chú dế choắt kia khác hẳn với mọi người ở đó. Đó là một chú dế nhỏ bé, yếu ớt vì vậy mà rất nhiều chú dễ khác tỏ ra coi thường và bắt nạt chú.
Dế đầu đàn là con dế khỏe mạnh nhất trong tất cả loài dế sinh sống ở đây nên mọi người rất tôn trọng, kính nể và có phần sợ hãi vì dế ta thường xuyên bắt nạt mọi người xung quanh, kể từ khi dế choắt đến thì dế đầu đàn coi như một trò chơi mới và bắt đầu bày đủ thứ trò để bắt nạt.
Ngày nọ dế đầu đàn đến nhà thách đấu với dế choắt, tất cả loài dế ở đó không cần xem cũng biết trước kết quả bởi một chú dế yếu đuối như dế choắt sao có thể chống lại đôi càng chắc khỏe, mẫn bóng của dế đầu đàn.
Quả nhiên như vậy, dế choắt bị dế đầu đàn đánh cho tan tác, nằm thoi thóp một chỗ vô cùng đáng thương, chứng kiến cảnh hống hách của Dế đầu đàn, ai cũng đều bất bình nhưng đều không dám can thiệp sợ liên lụy. Lúc ấy dế già nhất đã đứng ra bênh vực và nói và phê bình sự ngông cuồng của dế đầu đàn trước tất cả loài dế. Vì là con dế có uy tín nhất nên những lời nói của dế già nhất rất có sức nặng.
Cuối cùng, dế đầu đàn phải xấu hổ bỏ đi, còn những loài dế xung quanh đó vỗ tay tán thưởng và giúp đỡ chú dế choắt bất hạnh trị thương.
Kể lại câu chuyện Dế Mèn bênh vực kẻ yếu
Dế Mèn là một chú dế khỏe mạnh và cường tráng, chú sống rất tự lập, tự mình kiếm ăn và ngao du khắp đó đây, chú rất tự tin vào sức mạnh của bản thân mình. Dế Mèn còn là một chú dế chính nghĩa, thường giúp đỡ những người gặp khó khăn, biết ra tay cứu giúp người tốt và trừng trị kẻ xấu.
Một hôm, chú đang thong dong thưởng ngoạn với vẻ thích thú, cảnh vật vô cùng đẹp đẽ, đang huýt sáo bước đi thì bỗng chú nghe thấy tiếng khóc thút thít, chú nhìn quanh mới biết chị Nhà Trò đang ngồi khóc gục đầu trên tảng đá. Thấy vậy Dế Mèn liền đến gần và hỏi thăm nguyên cơ làm sao chị lại khóc như vậy.
Nghe chị Nhà Trò kể mới biết, năm ngoái nhà chị phải vay lương thực bên nhà mụ nhện, mà mẹ của chị thì vừa mới mất, chị sức yếu ăn không lo nổi nên cũng không có của để trả cho mụ nhện. Thế nên đã có lần chúng vây bắt và đánh chị Nhà Trò, lần này chúng còn dọa chăng tơ phục kích trên đường về nhà của chị để đánh chị, vặt chân vặt cánh của chị, khiến cho chị Nhà Trò sợ hãi không thể về nhà.
Nghe câu chuyện của chị Nhà Trò, Dế Mèn vô cùng tức giận, an ủi chị Nhà Trò, rồi Dế Mèn dắt chị Nhà Trò đi tìm mụ nhện dạy cho mụ ta một bài học. Khi tới nơi, Dế Mèn liền đạp đôi càng phanh phách ra oai và tấn công mụ nhện, mụ nhện sợ hãi, cúi rạp đầu xuống đất. Sau đó Dế Mèn đã lên tiếng giáo huấn cho cả lũ nhện một bài học, nhắc nhở về những hành động đê hèn của chúng, có của ăn của để vẫn đi bắt nạt cô gái yếu ớt để đòi món nợ tí teo thật đáng xấu hổ.
Mụ nhện sợ hãi và hứa với Dế Mèn sẽ không ăn hiếp chị Nhà Trò nữa, thế rồi chị Nhà Trò đã được về nhà an toàn mà không phải sợ sệt hay lo lắng gì nữa.
Kể lại truyện Dế Mèn bênh vực kẻ yếu bằng lời của em
Bài văn mẫu 1
Tại vùng nọ, có anh Dế Mèn vốn tính tình hào hiệp, phong lưu, dũng cảm, thích làm điều tốt, giúp đỡ kẻ yếu.
Một ngày nọ, đang dạo trên vùng cỏ xước xanh dài, ngắm nghía cảnh vật bình yên của quê hương mình thì bỗng đâu đây có tiếng khóc tỉ tê vọng lại. Vốn tính tò mò, Dế Mèn đi thêm vài bước nữa thì gặp chị nhà Trò, một mình lủi thủi gục đầu bên tảng đá mà khóc. Trông chị Nhà Trò gầy yếu lại nhỏ con, khoác lên mình chiếc áo thâm dài điểm vàng đôi chỗ. Người chị bự những phấn như là vừa mới lột vậy. Để ý kĩ hơn, Dế Mèn thấy đôi cánh của chị ngắn cũn lại mỏng như cánh bướm vậy. Nhìn đôi cánh yếu ớt cùng thân hình nhỏ bé đến tội nghiệp của chị, tiếng khóc thì không ngừng, Dế Mèn thương chị lắm. Gắng đến gần hơn, Dế Mèn cất tiếng hỏi: Có chuyện gì khiến chị phiền lòng vậy?
Chị nhà Trò vừa nức nở vừa kể lể:
– Năm ngoái, gặp phải thời tiết xấu, mất mùa đói kém, lâm vào đường cùng, mẹ em buộc phải vay nhà nhện ít lương ăn. Nhưng rồi, một thời gian mẹ em mất, em thì còn nhỏ lại yếu ớt, thui thủi một mình kiếm ăn quá ngày chẳng đủ lấy đâu ra trả nợ cho nhà nhện. Mấy bận bọn nhện có đánh em. Hôm nay, bọn chúng chăng tơ ngang đường để vặt chân, vặt cánh ăn thịt em.
Nghe đến đây, Dế Mèn tức lắm, bèn quát lớn:
– Bọn nhện cậy đông hiếp yếu, thật độc ác, chúng đúng là không coi ai ra gì mà. Để xem rồi chúng còn dám dở trò gì nữa?
Sau đó, Dế Mèn xoa đầu chị, xoè đôi càng mẫm bóng đầy oai vệ của mình ra bảo vệ, rồi trấn an chị Nhà Trò:
– Có anh ở đây, em đừng sợ, để anh cho chúng nó một bài học.
Chị Nhà Trò thôi khóc rồi cùng Dế Mèn đến chỗ mai phục của bọn nhện.
Bài văn mẫu 2
Một lần nọ, Dế Mèn đi phiêu lưu qua một vùng cỏ xước xanh dài thì chợt nghe thấy tiếng khóc tỉ tê. Đi vài bước, Dế Mèn gặp chị Nhà Trò đang ngồi gục đầu bên tảng đá cuội.
Chị Nhà Trò đã bé nhỏ lại gầy yếu quá, người bự những phấn như mới lột. Chị mặc áo thâm dài, đôi chỗ chấm điểm vàng, hai cánh mỏng như cánh bướm non, lại ngắn chùn chùn. Hình như cách yếu quá, chưa quen mở, mà cho dù có khỏe cũng chẳng bay được xa. Dế Mèn đến gần, an ủi mãi chị mới kể rằng:
Năm trước, gặp khi trời làm đói kém, mẹ chị đã phải vay lương ăn của bọn Nhện. Sau đấy, không may mẹ mất đi, còn lại thui thủi có một mình. Mà chị vốn sinh ra đã ốm yếu, kiếm bữa nuôi thân còn chẳng đủ. Bao năm nghèo túng vẫn hoàn nghèo túng. Không có gì trả nợ, mấy bận bọn Nhện đã đánh chị. Chúng còn đe trên đường về nhà hôm đó sẽ chăng tơ ngang đường để bắt, vặt chân, vặt cánh ăn thịt chị. Vừa buồn vừa sợ, chị chỉ biết ngồi gục bên tảng đá mà khóc. Nghe xong, Dế Mèn xòe hai càng ra bảo: “Em đừng sợ. Hãy trở về cùng với tôi đây. Đứa độc ác không thể cậy khỏe ăn hiếp kẻ yếu”, rồi dắt Nhà Trò đi.
Đi được một quãng thì đến chỗ mai phục của bọn Nhện. Bọn Nhện chăng từ bên nọ sang bên kia biết bao đường tơ. Khi nghe thấy tiếng Dế Mèn hỏi, từ trong hốc đá, một mụ Nhện cái cong chân nhảy ra, hai bên có hai Nhện vách nhảy kèm. Trông mụ đanh đá, nặc nô lắm. Dế Mèn quay phắt lưng, phóng càng đạp phanh phách ra oai. Mụ Nhện co rút lại rồi cúi dập đầu xuống đất như cái chày giã gạo. Dế Mèn quát: “Các người có của ăn của để, béo múp béo míp mà cứ đòi mãi một tí tẹo nợ đã mấy đời rồi. Có phá hết các vòng vây đi không?”.
Bọn Nhện sợ hãi cùng dạ ran. Cả bọn cuống cuồng chạy dọc chạy ngang, phá hết các dây tơ chăng lối. Con đường về tổ của Nhà Trò quang hẳn.
Bài văn mẫu 3
Ở vùng đồng cỏ này, ai cũng biết đến Dế Mèn hào hiệp và tốt bụng, thường giúp đỡ, bênh vực kẻ yếu. Dế Mèn thích phiêu lưu đây đó để thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên và tìm người kết bạn.
Một hôm, Dế Mèn đi qua vạt cỏ xước xanh mướt, chợt nghe thấy tiếng khóc tỉ tê. Đưa mắt nhìn quanh, Dế Mèn thấy chị Nhà Trò gục đầu bên tảng đá cuội. Chị Nhà Trò bé nhỏ, gầy yếu quá, lẩy bẩy như vừa mới lột. Chị mặc chiếc áo thân dài điểm những chấm màu vàng. Đôi cánh ngắn cũn, mỏng như cánh bướm, chắc là chị chưa bay được xa. Dế Mèn thương tình, dừng chân hỏi:
– Có chuyện gì mà khóc lóc thế hả Nhà Trò?
Tủi thân, chị Nhà Trò càng nức nở. Dế Mèn gạn mãi, chị mới kể rằng năm ngoái, mẹ con chị đói quá phải đến gặp nhện để vay lương ăn. Thế rồi chẳng may mẹ chị ốm chết, còn chị thì kiếm chẳng đủ ăn nên vẫn chưa trả được nợ cho mụ nhện. Mấy hôm nay, mụ cho đám đàn em chặn đường, khăng khăng đòi món nợ cũ. Chị Nhà Trò xin khất thì chúng đánh chẳng tiếc tay. Ghê gớm hơn nữa là chúng chăng tơ chặn đường ở đằng kia, nếu Nhà Trò đến là chúng vặt cánh, vặt chân ăn thịt.
Nghe Nhà Trò kể xong, Dế Mèn giận lắm quát lớn:
– Chà! Mụ nhện độc ác kia dám lộng hành đến thế sao! Được! Cứ để đấy, xem mụ giở trò gì nào!
Dế Mèn xoè hai chiếc càng mẫm bóng, thứ vũ khí lợi hại làm nhiều kẻ ác khiếp sợ, rồi bảo chị Nhà Trò:
– Em đừng sợ ! Hãy trở về với tôi đây. Đứa độc ác không thể cậy khoẻ mà ăn hiếp kẻ yếu được!
Rồi Dế Mèn dắt Nhà Trò đi. Chị Nhà Trò đã yên tâm nên thôi khóc. Hai người đi được một quãng thì đến chỗ mai phục của bọn nhện.
Kể lại truyện Dế Mèn bênh vực kẻ yếu bằng lời của con nhện chỉ huy
Đã lâu lắm rồi, tôi không gặp anh Dế Mèn. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ mãi chuyện xảy ra giữa họ nhà Nhện chúng tôi với anh Mèn.
Họ Nhện chúng tôi vốn sống thành bầy đàn và giăng tơ để kiếm mồi. Cũng may, nhờ trời phù hộ mà họ hàng nhà tôi có của ăn của để, còn cho vay nữa. Trong đó có mẹ con chị Nhà Trò đã vay mà không chịu trả. Bà mẹ mất đi, để lại cô con gái yếu ớt. Nó chẳng có khả năng trả nợ nên tôi tức giận lắm. Mấy bận đã cho người đánh nó và còn đe dọa sẽ chăng tơ ngang đường, bắt nó vặt chân vặt cánh ăn thịt. Tôi lấy thế làm hả dạ lắm. Vì tôi vốn ghét những kẻ vay mượn mà ăn quỵt.
Chiều hôm đó, biết Nhà Trò sẽ đi ngang qua nên họ Nhện chúng tôi đã vây lưới giăng bắt. Tất cả đang chờ Nhà Trò đến. Nhưng từ xa tôi thấy Nhà Trò không đi một mình mà đi cùng một chàng Dế khỏe mạnh. Không lui bước, tôi vẫn ra lệnh cho bọn Nhện ra nghênh chiến. Bao nhiêu Nhện mẹ, Nhện con, Nhện già, Nhện nước, Nhện tường…đủ cả. Nhà trò và anh chàng Dế Mèn cũng vừa đến nơi. Nhà Trò sợ hãi nấp sau lưng Dế Mèn. Tôi nhìn thấy nó mà nỗi căm giận trong lòng càng tăng lên. Nó không những không chịu trả nợ mà còn lôi kéo một tên Dế đến để dọa nạt nhà Nhện chúng tôi. Anh chàng Dế Mèn lên tiếng hỏi lớn. Từ trong hốc đá, tôi nhảy ra, hai bên có hai Nhện vách nhảy kèm. Tôi chưa kịp hành động gì thì Dế Mèn đã quay phắt lưng, phóng càng đạp vào đầu tôi một cái đau điếng. Bất ngờ và không kịp phòng thủ, tôi hốt hoảng, co người lại. Bao nhiêu khí thế ban đầu tự nhiên đi đâu mất. Lúc bấy giờ, tôi nhận ra anh chàng Dế này không phải là tay vừa, nếu làm căng thì thiệt hại chỉ về phần mình thôi. Hơn nữa còn bao nhiêu họ Nhện đang ở đây, tôi lại là Nhện chỉ huy nên cũng không đành nhìn nhà mình bị kẻ khác phá hoại. Trách nhiệm của một người chỉ huy khiến tôi phải suy nghĩ. Cuối cùng, tôi rập đầu xuống đất và tỏ ý hối hận, ăn năn và sợ hãi. Hy vọng Dế Mèn sẽ bỏ qua. Tôi cứ rập đầu mãi nên không biết anh ta có đồng ý hay không, chỉ nghe thoáng bên tai tiếng anh ta thét. Lắng nghe điều anh Dế Mèn nói tôi cũng thấy thật chí lí. Gia đình Nhện chúng tôi đã đủ đồ ăn lại có dự trữ, Nhà Trò thì cô độc, yếu ớt thế mà còn cứ đòi nợ mãi. Hơn nữa, tôi không nghĩ rằng, trên đời vẫn có những người nghĩa hiệp, giúp người khác như anh Mèn. Anh ấy quả là người nghĩa khí và hiểu biết. Anh dùng những lời lẽ phải trái để giúp tôi thức tỉnh. Và tôi cũng biết rằng, nếu dùng sức chắc thế nào anh Mèn cũng thắng. Thế là cả nhà tôi mau mau phá hết các vòng vây đã giăng lúc trước, đốt hết văn tự nợ của nhà Trò theo lời Dế Mèn. Nhìn Nhà Trò hạnh phúc khiến tôi cũng rưng rưng. Bọn Nhện nhà tôi chạy ra nắm chân Nhà Trò nhảy múa, hát ca ầm ĩ…
Anh Dế Mèn đã để lại cho tôi một ấn tượng rất sâu sắc. nếu không có anh hôm đó ra tay cứu giúp Nhà Trò thì không biết chúng tôi đã gay ra sai lầm gì. Từ đó, tôi hiểu thế nào là yêu thương, bênh vực kẻ yếu và không được cậy mạnh để bắt nạt người khác.
Kể lại truyện Dế Mèn bênh vực kẻ yếu bằng lời của Nhà Trò
Người ta thường có câu rằng: “Ở hiền thì gặp lành” quả không sai. Nhờ trời, tôi đã được gặp anh dế Mèn. Từ đây, cuộc đời của tôi đã được bước sang một trang mới sáng sủa, tươi đẹp hơn. Chuyện là thế này:
Năm trước, gặp khi trời làm đói kém, mẹ tôi đã phải vay lương ăn của bọn Nhện. Sau đấy, không may mẹ mất đi, còn lại thui thủi có một mình. Mà tôi vốn sinh ra đã ốm yếu, kiếm bữa nuôi thân còn chẳng đủ. Bao năm nghèo túng vẫn hoàn nghèo túng. Không có gì trả nợ, mấy bận bọn Nhện đã đánh tôi. Chúng còn đe trên đường về nhà hôm đó sẽ chăng tơ ngang đường để bắt, vặt chân, vặt cánh ăn thịt tôi. Vừa buồn vừa sợ, tôi ngồi gục bên tảng đá cuội khóc thổn thức. Đột nhiên có bàn tay khẽ lay tôi và hỏi:
– Tại sao em lại ngồi đây mà khóc thế này? Có việc gì cứ nói anh sẽ giúp.
Thì ra là anh Dế Mèn. Tôi bèn kể chuyện đời mình cho anh nghe. Nghe xong, anh xòe hai càng ra bảo:
– Em đừng sợ. Hãy trở về cùng với tôi đây. Đứa độc ác không thể cậy khỏe ăn hiếp kẻ yếu.
Rồi anh dắt tôi đi. Đi được một quãng thì đến chỗ mai phục của bọn Nhện. Bọn Nhện chăng từ bên nọ sang bên kia biết bao đường tơ. Khi nghe thấy tiếng anh Dế hỏi, từ trong hốc đá, một mụ Nhện cái cong chân nhảy ra, hai bên có hai Nhện vách nhảy kèm. Trông mụ đanh đá, nặc nô lắm. Dế Mèn quay phắt lưng, phóng càng đạp phanh phách ra oai. Mụ Nhện co rút lại rồi cúi dập đầu xuống đất như cái chày giã gạo. Anh quát:
– Các người có của ăn của để, béo múp béo míp mà cứ đòi mãi một tí tẹo nợ đã mấy đời rồi. Có phá hết các vòng vây đi không?
Bọn Nhện sợ hãi cùng dạ ran. Cả bọn cuống cuồng chạy dọc chạy ngang, phá hết các dây tơ chăng lối.
Cảm ơn anh Dế Mèn, tôi sung sướng trở về tổ.
Kể lại câu chuyện Dế Mèn bênh vực kẻ yếu theo cách phân vai (người kể chuyện, Dế Mèn và nhện cái)
– Người kể chuyện: Nghe lời an ủi của Dế Mèn, chị Nhà Trò thôi khóc và nắm chặt tay Dế Mèn cho đỡ sợ. Đi được một quãng thì gặp bọn nhện chắn đường. Chúng chăng tơ dày đặc từ bên nọ sang bên kia để ngăn lối. Giữa đường, một gã nhện gộc mặt mũi hung ác đứng sừng sững, mắt láo liên tìm kiếm. Các khe đá xung quanh toàn nhện là nhện, đứa nào đứa nấy lầm lầm lì lì, thật là dữ tợn. Dế Mèn cất tiếng hỏi lớn.
– Dế Mèn (vẻ cao ngạo, thách thức): Đứa nào là chóp bu bọn mày ? Ra đây ta nói chuyện!
– Người kể chuyện: Từ trong hốc đá, nhện cái cong chân nhảy ra, hai bên có hai nhện vách đi kèm. Nhện cái chắc là chúa trùm nên vẻ mặt đanh đá, nặc nô lắm. Dế Mèn quay lưng, phóng càng đạp phanh phách ra oai.
– Nhện cái (sợ hãi, co rúm người van lạy): Lạy ông Dế Mèn! Cần gì, xin ông cứ nói ạ!
– Dế Mèn (thét lớn): Mụ nhện kia! Cớ sao các người có của ăn của để, béo múp béo míp thế kia mà cứ cố tình đòi mãi món nợ tí tẹo của Nhà Trò, hử? Ta cấm mụ từ giờ trở đi không được đòi nữa, nghe chưa? Mụ hãy mở to mắt ra mà nhìn này! Nhà Trò bé bỏng, ốm yếu, làm chẳng đủ nuôi thân, mụ phải thương xót nó, xuý xoá công nợ cho nó. Hãy phá các vòng vây đi! Đốt hết văn tự đi! Nếu không nghe lời ta thì đừng có trách!
– Nhện cái (cuống quýt): Dạ! Dạ ! Em sẽ làm ngay ạ!
– Người kể chuyện: Bọn nhện sợ hãi, cùng dạ ran. Chúng vội vã chạy dọc, chạy ngang, phá hết các dây tơ chăng lối. Thoáng chốc, con đường về tổ Nhà Trò quang hẳn. Xúc động quá, Nhà Trò cứ nắm chặt tay Dế Mèn mà rối rít cảm ơn. Tạm biệt Nhà Trò, hiệp sĩ Dế Mèn lại dấn thân vào những cuộc phiêu lưu mới.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Tập làm văn lớp 4: Kể lại câu chuyện Dế Mèn bênh vực kẻ yếu (8 mẫu) Kể chuyện lớp 4 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.