Bạn đang xem bài viết ✅ Suy nghĩ về câu nói Đời người được đo bằng tư tưởng và hành động Những bài văn mẫu lớp 12 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Nếu bạn nghĩ cuộc đời sẽ được đo bằng thời gian hay của cải thì hoàn toàn sai. Theo Em-mơ-sơn thì “Đời người được đo bằng tư tưởng và hành động”.

Dàn ý và 3 bài văn mẫu lớp 12: Suy nghĩ về câu nói “Đời người được đo bằng tư tưởng và hành động”, là tài liệu vô cùng hữu ích giúp cho các bạn học sinh có thể bổ sung thêm cách viết văn nghị luận xã hội lớp 12 và chuẩn bị hành trang bước vào kỳ thi THPT Quốc Gia sắp tới. Sau đây, xin mời tất cả thầy cô và các bạn cùng tham khảo tài liệu.

Dàn ý chi tiết

I. Mở bài:

– Giới thiệu về câu nói: “Đời người được đo bằng tư tưởng và hành động”.

II. Thân bài:

– “Tư tưởng”: Là suy nghĩ, quan điểm của con người.

+ Biểu hiện của người có tư tưởng: Biết nhìn nhận đánh giá.

+ Vai trò của tư tưởng trong nhận thức của con người.

– “Hành động”: Là những việc làm cụ thể hướng tới một mục đích nhất định.

=> Tư tưởng và hành động có mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó với nhau.

– Vai trò của tư tưởng và hành động trong cuộc đời con người

+ Tư tưởng đúng, hành động đúng sẽ làm nên những điều vĩ đại.

+ Tư tưởng sai lệch hành động sai hủy hoại cả cuộc đời, sống không có ý nghĩa.

– Cách để có một cuộc đời đúng nghĩa:

+ Sống hết mình, cống hiến và mơ ước.

+ Tự trang bị kiến thức để có tư tưởng đúng đắn.

+ Tránh bảo thủ, sống ích kỉ.

+ Lắng nghe góp ý, phát triển bản thân.

– Mở rộng vấn đề:

+ Có nhiều người vẫn bảo thủ, có tư tưởng sai lệch để rồi hành động sai

+ Trong cuộc sống cần tỉnh táo để có hướng đi riêng cho cuộc đời mình.

III. Kết bài:

– Khẳng định lại giá trị của câu nói.

Bài văn mẫu số 1

Trong cuộc sống chúng ta phải trải qua rất nhiều khó khăn và vấn đề trong cuộc sống, chính vì thế lúc đó con người cần phải cố gắng hành động, phát triển tư duy và năng lực của mình. Đúng như Em me sơn: “Đời người được đo bằng tư tưởng và hành động, chứ không phải bằng thời gian”.

Mỗi con người đều phải trải qua từng giai đoạn trong cuộc sống, sinh ra và lớn lên đều phải trải qua từng dấu mốc của cuộc đời, như một nhà văn nước ngoài đã từng nói: “Không quan trọng chúng ta sống được bao nhiêu năm, mà chúng ta đã có bao nhiêu năm cuộc đời để gắn bó và cống hiến cho cuộc sống”.

Thời gian không quan trọng để đo được tuổi đời của con người, mà điều quan trọng là thước đo để đánh giá đó là con người có bao nhiêu năm trong cuộc sống để cống hiến và hành động. Trong cuộc sống để sống một cuộc đời có ích, mỗi cá nhân chúng ta cần phải luôn luôn phấn đấu, kiên trì, bền bỉ và phát triển mạnh mẽ về tư duy, khả năng và sự kiên định vượt qua mọi điều trong cuộc sống của mình. Những điều đó đem lại cho con người nhiều niềm vui, giá trị đích thực trong cuộc sống.

Con người luôn phải cố gắng phấn đấu, rèn luyện, phát triển bản thân của mình mỗi ngày, những giá trị đó cần được tôn trọng, phát triển mạnh mẽ, sự cố gắng của chúng ta biểu hiện ở việc chúng ta cần phải phát triển tư duy, bản lĩnh của mình trước những vấn đề của cuộc sống, luôn phát triển mạnh mẽ về tư duy, sự kiên định trên con đường của mình.

“Đời người được đo bằng tư tưởng và hành động, chứ không phải bằng thời gian”, đời người không phải là quá dài, nhưng nó được đo bằng những thước đo, thực tế và có ích nhất trong cuộc sống, hành động đó là những việc mà chúng ta làm, tư tưởng ở đây được hiểu là tư duy, tầm trọng của ý thức và những điều mà chúng ta đang suy nghĩ và phát triển, sự phát triển mạnh mẽ đó đưa lại cho chúng ta nền tảng tri thức, kiến thức vững vàng trước những vấn đề của cuộc sống.

Tư tưởng của chúng ta được tích lũy trong quá trình sống, tiếp xúc và học hỏi từ sách vở, mọi người, hay các kiến thức thực tế từ cuộc sống, chính vì thế mỗi chúng ta luôn luôn phải trau dồi thêm tư duy và hệ thống trí óc của mình, nâng cao và cải thiện hệ thống tư duy, phát triển thêm nhiều kiến thức, kĩ năng quan trọng của cuộc sống, để từ đó có được cái nhìn toàn diện trong cuộc sống của mình.

Có tư tưởng vững vàng, có suy nghĩ tích cực chúng ta sẽ làm được nhiều điều có ích cho cuộc sống, luôn hành động dứt khoát trước những suy nghĩ đúng đắn và lựa chọn chính xác mà chúng ta đang lựa chọn. Tư tưởng trong cuộc sống của mỗi chúng ta được rèn luyện mỗi ngày, tích lũy thêm cho hệ thống tư duy của mình, phát triển nhiều kỹ năng, kiến thức từ thực tế, luôn được xây dựng mạnh mẽ, có hệ thống tư duy vững chắc, đưa đến cho chúng ta những cái nhìn mới mẻ hơn về cuộc sống của mình.

“Đời người được đo bằng tư tưởng và hành động, chứ không phải bằng thời gian”, chính vì thế, chúng ta cần phải sống có ích cho cuộc sống của mình, thời gian thường được quý như vàng, tuy nhiên nếu không biết sử dụng thời gian của mình hợp lý thì thời gian đó cũng trôi đi một cách vô ích, chúng ta không làm điều gì để có thể lấy lại nó nữa.

Luôn sống hữu ích cho cuộc sống, luôn học hỏi, phát triển thêm tư duy, mở rộng kiến thức của mình một cách thực tế, sinh động và trau dồi vốn kiến thức thực tế nhất từ cuộc sống. Sống một cuộc đời có ý nghĩa, đem đến cho chúng ta niềm vui, sự hạnh phúc, những tình cảm chân thành, da diết và mang nhiều cảm xúc nhất cho mỗi người. Cuộc đời của chúng ta được đánh giá bằng việc chúng ta đã có đóng góp gì cho cuộc sống, làm được điều gì có ích cho xã hội, chứ không phải việc chúng ta sống được bao nhiêu thời gian.

Tham khảo thêm:   Bộ đề thi học kì 2 môn Lịch sử - Địa lí 7 năm 2022 - 2023 sách Kết nối tri thức với cuộc sống 3 Đề kiểm tra cuối kì 2 LS - ĐL 7 (Có đáp án + Ma trận)

Sống trong cuộc sống, chúng ta cần phải luôn nâng cao tư duy, hệ tư tưởng của mình, luôn cải thiện trí tuệ bằng việc không ngừng học hỏi, phát triển thêm hệ thống tư duy, nâng cao vốn tri thức của mình. Học hỏi và phát triển hơn nữa kĩ năng của bản thân, phát triển kinh nghiệm và tri thức của mình.

Mỗi chúng ta cần phải xác định cho mình cuộc đời mà chúng ta đang sống, sống có ích, mang lại nhiều giá trị cho xã hội. Đúng như câu nói của Em me sơn “Đời người được đo bằng tư tưởng và hành động, chứ không phải bằng thời gian”.

Bài văn mẫu số 2

Cuộc đời là những chuyến đi dài, là những hành trình không bao giờ biết trước. Cuộc đời không được đo bằng thời gian, không đo bằng tiền tài của cải, một cuộc đời đúng nghĩa được đo bằng tư tưởng và hành động.

Con người đều được sinh ra và lớn lên, đều được nuôi dưỡng và giáo dục, vậy tại sao họ lại mang trên mình những số phận khác nhau? Thật vậy “Đời người được đo bằng tư tưởng và hành động”. “Tư tưởng” là những suy nghĩ, những quan điểm của con người về hiện thực xã hội. Người có tư tưởng là người biết nhìn nhận, đánh giá cuộc sống một cách khách quan và từ đó đề ra những mục tiêu, phương hướng để phát triển. Tư tưởng đúng sẽ cho con người cách nhìn đúng về cuộc sống, nhận ra hướng đi đúng cho tương lai của mình. Ngược lại nếu bạn có một tư tưởng sai lệch, hoang đường sẽ dẫn đến sai lệch trong nhận thức để rồi dẫn đến những hành động sai lầm.

Trong cuộc sống đầy rẫy những hiểm nguy và rủi ro này chắc hẳn ai cũng muốn chọn cho mình những nước đi khôn ngoan, những lựa chọn đúng đắn sẽ giúp con người chạm tới đích của mình nhanh hơn, thế nhưng không phải cứ miệt mài chăm chỉ là sự cố gắng ấy sẽ được báo đáp. Mọi sự cố gắng sẽ đổ sông đổ bể nếu bạn không biết suy nghĩ, tính toán. Mang trong mình tư tưởng sai đương nhiên những suy nghĩ ấy cũng sẽ sai và dẫn đến hành động sai, nếu không sớm nhận ra kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả không lường.

Vậy nên tư tưởng có vai trò rất lớn trong nhận thức và hành động.

Vậy hành động là gì và tại sao đời người lại được đo bằng tư tưởng và hành động? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này trước tiên chúng ta cùng đến với khái niệm hành động. Hành động là hoạt động cụ thể của con người được thể hiện ra bằng những việc làm nhằm hướng đến một mục tiêu, một mục đích nào đó. Một hành động tưởng chừng đơn giản thế nhưng nó lại là kết quả của một chuỗi nhận thức của con người. Hành động không chỉ thể hiện suy nghĩ của con người mà còn nói lên tâm trạng, cảm xúc của họ, ngược lại cảm xúc cũng góp phần lớn trong việc chi phối lên hành động của con người. Tư tưởng giúp hình thành nên nhận thức để rồi giúp con người đưa ra những quyết định, những hành động để thực hiện cho mục tiêu đó.

Chắc hẳn chúng ta cũng đã từng được nghe đến câu nói nổi tiếng của Em-me-sơn: “Đời người được đo bằng tư tưởng và hành động, chứ không đo bằng thời gian”. Đúng vậy, cuộc đời con người được nối tiếp bởi những quãng thời gian liên tiếp nhau, cuộc sống không ngừng đổi thay khiến chúng ta phải luôn đưa ra những hành động đúng đắn mà để thực hiện được điều đó thì con người cần có một tư tưởng đúng đắn. Cuộc đời không so đo dài ngắn, từ ” đo” ý chỉ đơn vị đo lường thế nhưng không phải chỉ là đo đơn vị độ dài hay khối lượng, không phải để đo những thứ hữu hình mắt có thể thấy, tay có thể chạm. Đơn vị đo cuộc đời đâu có đơn thuần như thế. Trên Trái đất có hơn bảy tỉ người, ai ai cũng được sinh ra và lớn lên thế nhưng mỗi người lại mang trên mình một vận mệnh khác nhau, ai cũng có cuộc đời riêng của mình và không ai giống ai. Sự khác nhau ấy nằm ở suy nghĩ và hành động của họ. Có một tư tưởng vĩ đại, có một mục đích cao cả sẽ dẫn đến những hành động phi thường để làm nên điều đó. Một người tuy sống cả mấy chục năm nhưng họ luôn sống trong cảnh sợ hãi, sống trong bóng tối mà luôn e ngại vượt qua khó khăn để thắp sáng ngọn nến của cuộc đời mình thì đấy đâu gọi là sống. Một ngọn nến tuy nhỏ bé thế nhưng có thể thắp sáng được cả một căn phòng, mọi thứ sau cùng cũng sẽ bị bào mòn bởi thời gian, có thể ngọn nến ấy chỉ cháy được một vài tiếng thế nhưng nó lại có ích cho cuộc đời. Còn những cây nến khác tuy để trên giá cao, tuy còn nguyên vẹn thế nhưng nếu không được sử dụng thì cũng chỉ như những vật vô giá trị vì không được sử dụng đúng như công dụng của nó. Cũng như con người vậy, nếu bạn sợ khó, ngại khổ, nếu cứ lo sợ thời gian của mình sẽ trôi đi và mình phải làm sao để tận hưởng khoảng thời gian ấy rồi mọi thứ sẽ vụt mất, những tháng ngày đã qua đi sẽ không trở lại, càng lo sợ càng dễ mất.

Cuộc sống này cũng vậy và quy luật thời gian không ngoại trừ bất kì một ai. Biết là được sinh ra rồi sẽ phải mất đi, đâu có ai tồn tại mãi được ở trên đời để mà so hơn tính thiệt. Không ai bảo người sống lâu hơn sẽ giúp ích nhiều hơn cho cuộc đời. Sống là phải cống hiến, phải hành động để không hoài phí thời gian của cuộc đời mình.

Tham khảo thêm:   Roblox: Tổng hợp giftcode và cách nhập code Naruto War Tycoon

Cuộc đời với mỗi người lại khác nhau, không dài cũng không ngắn. Có thể chỉ vẻn vẹn mười mấy năm cuộc đời thế nhưng họ lại để lại cho đời bao nhiêu giá trị, họ sống và cống hiến cả cuộc đời mình để rồi ngàn đời sau con ghi nhớ. Đó là những chiến sĩ trẻ tuổi, những người lính giã từ quê nhà, từ bỏ tuổi xuân của mình để ra đi tìm đường cứu nước, họ gánh vác trên vai cả vận mệnh dân tộc, mang trong mình nhiều tư tưởng lớn để rồi có những hành động phi thường vượt trên cả sức tưởng tượng của con người. Sau bao khó khăn, bao đau thương mất mát cuối cùng họ đã tìm về ánh sáng cho dân tộc, mở ra một thời đại mới cho nước nhà. Có người bảo sống là phải tận hưởng, họ mang trong mình tư tưởng sai lầm về cuộc đời để rồi cố níu kéo cuộc đời nhạt nhẽo trong thoi thóp. Họ núp vào bóng đen của mọi người và hưởng thụ, sống một cuộc đời mờ nhạt như vậy liệu có phải là sống? Sống như vậy có đáng gọi là sống?

Đúng vậy, cuộc đời chỉ thực sự có ý nghĩa nếu như chúng ta dám mơ ước, dám hành động và để làm được điều đó thì chúng ta phải có tri thức. Một người có kiến thức sẽ luôn đặt ra cho mình những mục tiêu nhất định để thực hiện nó chứ không phải đưa ra những thứ xa vời không thể thực hiện được để rồi đi lầm đường lạc lối. Ai cũng có quyền mơ ước và không ai đánh thuế ước mơ thế nhưng cứ mơ ước mà không thể thực hiện được rồi con người sẽ trở nên tuyệt vọng và mỏi mệt, dần dần sẽ mất niềm tin vào cuộc sống. Ý tưởng luôn luôn là tiền đề để làm nên những điều vĩ đại thế nhưng phải trên cơ sở thực tiễn, không xa rời thực tiễn mà lý thuyết có thể thực hiện được. Chúng ta học tập để tiếp thu kiến thức, tích lũy tri thức, điều này rất cần cho mỗi người. Không phải cứ tư tưởng lớn là ắt sẽ trở thành người có tài, cứ có ý tưởng ắt sẽ có những hành động để thực hiện được ý tưởng đó. Mỗi người cần phải tự trang bị kiến thức cho mình để nhận ra được thiếu sót của bản thân, lắng nghe để sửa đổi. Không phải tư tưởng nào cũng đúng vì vậy cần phải lắng nghe, tránh quan điểm bảo thủ để rồi cứ mang trong mình suy nghĩ sai dẫn đến những hành động sai lầm.

Cuộc sống luôn có người tốt kẻ xấu, luôn có người không ngoan và kém không ngoan. Thật vậy luôn có những người tự cho là mình đúng, mình hay để rồi không quan tâm đến người khác, sống hời hợt, bảo thủ mà lại cho rằng mình đúng. Mình có cuộc sống của mình, họ có cuộc sống của họ, tuy nhiên nhiều người vẫn muốn góp ý để những người xung quanh được tốt hơn thế nhưng nhiều người lại cho rằng đó là sự ganh ghét đố kị, rằng họ chà đạp lên ước mơ của mình. Cuộc sống lắm chuyện thị phi, người nói dọc kẻ nói xuôi và cũng không thiếu những kẻ nịnh hót sống giả tạo nhằm chuộc lợi về bản thân mình, thật vậy phải luôn tỉnh táo để nhận ra ai tốt ai xấu từ đó có hướng đi riêng của mình.

Bài văn mẫu số 3

Đã bao giờ ta tự hỏi ta sống trên đời được bao lâu và làm thế nào để cuộc sống của ta có giá trị. Có ý kiến cho rằng cuộc sống của con người là chuỗi những tháng ngày; con người bằng cách này hay cách khác, chỉ cần đi hết những tháng ngày đó, là đã hoàn thành tốt nhiệm vụ làm người của mình. Thế nhưng, lại có suy nghĩ khác, cho rằng cuộc sống của chúng ta có giá trị hay không, không hẳn tùy thuộc vào thời gian. Đúng như Em-mơ-sơn từng nói: “Đời người được đo bằng tư tưởng và hành động, chứ không đo bằng thời gian”

Thật lạ! Người ta tính tuổi tác của một con người theo từng năm, từng tháng, vậy mà Em-mơ-sơn lại khẳng định thời gian không phải là thước đo của đời người. Ngẫm kỹ, ta thấy câu nói của ông hoàn toàn đúng bởi chính tư tưởng và hành động mới làm nên một con người. “Tư tưởng” là những suy nghĩ, quan điểm của con người đối với hiện thực khách quan và xã hội. Người có tư tưởng là người biết nhìn nhận, đánh giá cuộc sống, biết đề ra những nguyên tắc sống, mục đích sống và động cơ của việc “sống”. Còn “hành động”? Đó là những việc làm cụ thể nhằm một mục đích nhất định. Giữa tư tưởng và hành động có mối quan hệ chặt chẽ: Gieo tư tưởng gặt ý nghĩ, gieo ý nghĩ gặt hành động. Từ nhận thức đó, động từ “đo” trong câu nói thật có ý nghĩa. “Đo” không phải là dùng thước để đo độ dài, không phải dùng cân để “đo” cân nặng, cũng không phải dùng đồng hồ để đo thời gian. Đời người không cụ thể. Và sự “đo đạc” cuộc sống của một con người vì thế mà không thế rập khuôn như đo phút, đo giây. Từ “đo” ở đây chính là đo giá trị cuộc sống. Thông điệp mà Em-mơ-sơn muốn nói phải chăng là giá trị cuộc sống của một con người được đo bằng những gì người đó đã nghĩ và đã làm chứ không phải bằng thời gian đã sống? Nói cách khác, điều quan trọng là chúng ta đã sống như thế nào chứ không phải sống bao lâu.

Quả đúng như vậy! Cuộc sống của con người tuy được đếm bằng thời gian, nhưng lại được “đo” không phải bằng thời gian. Nó được đo bằng “tư tưởng” và “hành động”. Con người khác với những sinh vật khác ở chỗ có tư duy. Tư duy con người đã đưa cuộc sống nhân loại phát triển ngày càng tiến bộ. Và tư duy được thể hiện qua tư tưởng và hành động. Như vậy, hai khái niệm “tư tưởng” và “hành động” chính là đặc điểm cơ bản phân biệt con người và các sinh vật khác. Những bước tiến của nhân loại từ xã hội công xã nguyên thủy đến nay đã chứng minh cho giá trị của tư tưởng và hành động. Từ những bầy đàn nhỏ lẻ, tư tưởng hợp nhất đã đưa con người thống nhất thành các bộ tộc, đất nước, các liên minh khu vực, và liên minh toàn thế giới… Nếu như thiếu đi một tư tưởng liên minh tiến bộ, nếu như con người qua ngày tháng vẫn chỉ lặp đi lặp lại một nếp sống bầy đàn thời sơ khai, liệu rằng cuộc sống của chúng ta có khác gì loài khỉ, vượn?

Tham khảo thêm:   Đáp án cuộc thi Tìm hiểu pháp luật Cà Mau 2022 Hội thi trực tuyến “Tuổi trẻ với pháp luật” năm 2022

Hơn thế nữa, tư tưởng và hành động cũng là chuẩn mực phân biệt giữa con người và con người. Tư tưởng và hành động như thế nào thì giá trị của con người như thế ấy. Những người có tư tưởng và biết hành động, không ít thì nhiều, sẽ để lại những dấu ấn trong xã hội. Việc biết suy nghĩ, và dám thực hiện suy nghĩ của chính mình khiến họ không bị hòa tan vào những người xung quanh. Nhờ đó, dù hòa nhập vào vòng xoay của cuộc sống, những người có tư tưởng và hành động luôn sáng lên thứ ánh sáng đặc sắc riêng của bản thân họ. Ngược lại, người thiếu tư tưởng, ngại hành động sẽ mãi mãi chỉ là những hạt phù du nhẹ tênh, lững lờ phớt qua sự tấp nập của cuộc sống.

Vậy đấy, giá trị cuộc sống của một con người nằm trong chính tư tưởng và hành động của con người đó, chừ nào phụ thuộc vào thời gian. Chẳng vậy mà chúng ta có một Khổng Tử, một Các Mác bất tử; có một Lênin, một Hồ Chủ tịch sống mãi với thời gian; một Ê-đi-xơn đã “sống” ngót một trăm ba mươi lăm năm ở tuổi tám mươi; một Mô-da ra đi ở tuổi ba mươi lăm để lại gia sản âm nhạc vĩ đại hơn bất kì một nhạc sĩ lão luyện nào trên thế giới; một V. Huy-gô, một Nguyễn Du luôn trường tồn cùng với tâm huyết muôn đời cháy bỏng trên trang văn cái khao khát cuộc sống con người được tốt đẹp hơn… Họ, cuộc đời của họ, và những tư tưởng, những hành động của họ là vết son chói lòa trong lịch sử nhân loại. Những con người ấy dù đã ra đi, nhưng ý nghĩa cuộc đời họ, tư tưởng và hành động của họ, cống hiến của họ đã, đang, và sẽ mãi khẳng định giá trị trong cuộc sống nhân loại. Đó quả là những con người thách thức thời gian, thách thức giới hạn cuộc đời; những vì tinh tú sáng ngời soi đường cho bước đi của con người.

Trái ngược với những người ấy là những kẻ sống phó mặc, buông thả theo thời gian. Những kẻ sống theo hướng này thường có thái độ hờ hững với tất cả. Họ chỉ sống cho hết ngày hết tháng, không dám suy nghĩ và hành động. Họ trở thành những chiếc bóng dật dờ, từ chối đặc ân của con người là có “tư tưởng” và “hành động”. Những người như thế tuy không gây hại đến xã hội nói chung, nhưng cũng chẳng giúp ích gì cho ai. Họ thậm chí không nhận ra và cũng không thèm khẳng định giá trị của bản thân. Những thước đo cuộc sống từ chối họ, vì họ không có một chiều sâu nào để đo cả về “tư tưởng” lẫn “hành động”.

Cần nhấn mạnh rằng “tư tưởng” và “hành động” không thể tách rời với nhau. “Tư tưởng” là những suy nghĩ; và những suy nghĩ chỉ có giá trị khi nó được hiện thực hóa bằng “hành động”. Em-mơ-sơn đã cho “tư tưởng” và “hành động” đi liền vào một vế trong câu nói quả không phải không có dụng ý. Nếu một người sống chỉ để “suy nghĩ”, nhưng những suy nghĩ, tư tưởng của anh ta bị “chôn sâu ba tấc đất”, thì anh ta suy nghĩ để làm gì? Nếu như trước đây Các Mác vùi lấp những tư tưởng tiến bộ của mình về sự phát triển của xã hội; nếu như Lê-nin lĩnh ngộ tư tưởng Mác mà không hiện thực hóa nó bằng cuộc cách mạng vô sản, thì thế giới làm sao có được chủ nghĩa xã hội, nhân dân khắp các châu lục làm sao thoát khỏi cuộc sống tối tăm của chủ nghĩa tư bản bóc lột; và quan trọng hơn, sẽ không có một “chủ nghĩa Mác – Lênin” với cái giá trị mà hiện nay được cả thế giới thừa nhận và kính phục. Từ đó, có thể thấy, “tư tưởng” phải được thể hiện ra bằng “hành động” cụ thể thì tư tưởng mới có thể có giá trị. Mặt khác, “hành động” lại cần có tiền đề là “tư tưởng”. Chỉ khi nào nhận thức được nguyên nhân, kết quả của công việc, ta mới nên hành động. Như vậy, hành động đó mới có ý nghĩa. Nếu chỉ “nhắm mắt làm bừa” thì đâu khác gì cỗ máy, không phải người sống. Như vậy, “tư tưởng” và “hành động” có mối quan hệ hữu cơ, tương hỗ nhau, tạo nên giá trị của một con người, giá trị của đời người. Biết đề ra tư tưởng đúng đắn và hành động hết mình theo tư tưởng đó, cuộc sống con người mới có giá trị. Giá trị đó, trước hết sẽ làm vui lòng bản thân ta, sau nữa sẽ khẳng định ta trước xã hội.

Đừng bao giờ tự trách rằng thời gian của mình quá ngắn ngủi, đừng bao giờ đổ lỗi vì thời gian đã không cho phép ta sống có ích. Thời gian chỉ là khoảng nền, còn tư tưởng và hành động mới chính là đường nét, màu sắc làm nên giá trị của bức tranh cuộc sống. Một lần nữa, chúng ta nhắc lại câu nói của Em- mơ-sơn, đó là kim chỉ nam giúp chúng ta tích cực suy nghĩ đúng đắn cũng như hành động với động cơ tốt. Có như thế, ta mới xây dựng dược xã hội, khẳng định được giá trị cuộc đời mình. Hãy nhớ: “Đời người chỉ có một lần”. Ta không thể kéo dài sự sống nhưng ta có thể quyết định cách sống để làm cho khoảng thời gian sống của ta trở nên có ý nghĩa.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Suy nghĩ về câu nói Đời người được đo bằng tư tưởng và hành động Những bài văn mẫu lớp 12 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *