Bạn đang xem bài viết ✅ Soạn bài Trình bày suy nghĩ về tình cảm của con người với quê hương – Kết nối tri thức 6 Ngữ văn lớp 6 trang 104 sách Kết nối tri thức tập 1 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Nhằm giúp học sinh chuẩn bị bài cho phần nói và nghe, Wikihoc.com sẽ cung cấp tài liệu Soạn văn 6: Trình bày suy nghĩ về tình cảm của con người với quê hương.

Soạn bài Trình bày suy nghĩ về tình cảm của con người với quê hương
Soạn bài Trình bày suy nghĩ về tình cảm của con người với quê hương

Tài liệu dành cho các bạn học sinh lớp 6 có thể hiểu rõ hơn về bài học. Mời tham khảo nội dung chi tiết ngay bên dưới.

Trình bày suy nghĩ về tình cảm của con người với quê hương

Trước khi nói

a. Chuẩn bị nội dung nói

– Viết ra giấy các ý chính của bài nói.

– Mục đích nói: Chia sẻ với người nghe suy nghĩ của em về tình cảm của con người với quê hương.

– Người nghe: thầy cô, bạn bè, người thân, những người quan tâm đến vấn đề được nói đến.

– Chuẩn bị tranh ảnh, bài hát… về quê hương để minh họa cho bài trình bày (nếu có).

b. Tập luyện

– Có thể tập luyện một mình, trước bạn bè hoặc người thân.

– Tiếp thu những nhận xét, góp ý để phần trình bày tốt hơn.

– Tập nói rõ ràng, điều chỉnh ngữ điệu phù hợp.

Trình bày bài nói

– Khi trình bày bài nói, cần bám sát vào mục đích nói lên suy nghĩ của em về tình cảm gắn bó của con người với quê hương nói chung, có thể liên hệ với tình cảm của em.

– Để không bị bỏ sót ý quan trọng, thỉnh thoảng em có thể nhìn lướt các ý được ghi ra giấy.

– Chú ý kết hợp trình bày ý kiến với việc sử dụng tranh ảnh, bài hát… để tăng sức hấp dẫn cho bài nói. Có thể thu hút sự chú ý của người nghe bằng cách đặt câu hỏi gợi mở về tình cảm của mỗi người đối với quê hương. Trong khi nói có thể kết hợp ngâm thơ hoặc hát một hai đoạn về quê hương để bài nói thêm sinh động, hấp dẫn.

Sau khi nói

– Người nghe:

  • Bày tỏ sự đồng cảm với suy nghĩ, cảm xúc của người nói.
  • Nêu câu hỏi về những điểm còn chưa thấy rõ hay có sự khác biệt trong suy nghĩ giữa người nói và người nghe về tình cảm gắn bó của con người với quê hương.
  • Góp ý về cách trình bày (ngữ điệu, diễn đạt, sự tương tác…)

– Người nói:

  • Lắng nghe và phản hồi ý kiến của người nghe.
  • Giải thích những điều người nghe cần làm rõ, trao đổi lại những ý kiến khác biệt.
  • Cảm ơn và tiếp thu những góp ý xác đáng.
Tham khảo thêm:   Granny 3: Vị trí tìm thấy đồ vật trong game Bà ngoại ma 3

Thực hành nói và nghe

1. Dàn ý

– Mở đầu: Kính chào thầy cô và các bạn, sau đây tôi xin phép được trình bày về vấn đề… (nội dung vấn đề)

– Nội dung vấn đề: Tình yêu quê hương đất nước là tình cảm yêu mến và gắn bó sâu sắc, chân thành đối với những sự vật, con người thuộc về nơi chúng ta sinh ra và lớn lên. Biểu hiện của tình yêu quê hương đất nước được thể hiện từ quá khứ đến hiện tại.

– Trong quá khứ:

  • Các vị anh hùng lãnh đạo nhân dân chống lại kẻ thù xâm lược: Bà Trưng, Bà Triệu, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Lợi…
  • Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ: Các chiến sĩ đã không ngại gian khổ hiểm nguy đã cầm súng đi chống giặc và giành lại độc lập cho đất nước. Những người ở hậu phương không ngừng tăng gia sản xuất để cung cấp lương thực thực phẩm cho tiền tuyến.

– Trong thời bình:

  • Tình cảm với người thân trong gia đình.
  • Tình làng nghĩa xóm.
  • Sự gắn bó với làng quê nơi mình sinh ra (bờ tre, ngọn dừa, cánh đồng lúa chín…).
  • Lòng tự hào dân tộc qua các áng thơ văn ngợi ca tinh thần ngoan cường của dân tộc.
  • Các bảo tàng lưu giữ những kỷ vật khắc ghi chiến công của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc.
  • Sự phấn đấu quên mình của mỗi cá nhân biết học tập, lao động để làm giàu đẹp thêm cho quê hương đất nước
  • Không ngừng nỗ lực để góp phần đưa đất nước sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
  • Những hoạt động nhằm hướng tới con đường Xã hội chủ nghĩa với mong muốn mang lại cuộc sống no đủ, đầm ấm cho nhân dân và sự phát triển bền vững.
  • Sự bảo vệ, gìn giữ các nét đẹp truyền thống của văn hóa dân tộc.
  • Quyết tâm chiến đấu bảo vệ đất nước của mỗi con người trong những lúc gian nguy…

=> Biểu hiện của tình yêu quê hương đất nước vô cùng phong phú.

– Kết thúc vấn đề: Dưới đây là phần trình bày của tôi, cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe.

2. Bài mẫu

Mẫu 1

– Mở đầu:

Kính chào thầy cô và các bạn, sau đây tôi xin phép được trình bày về vấn đề tình cảm của con người với quê hương.

– Nội dung chính:

Cuộc sống có muôn vàn đổi thay, nhưng những truyền thống tốt đẹp luôn cần được gìn giữ. Một trong số đó chính là tình yêu quê hương.

Có thể hiểu đơn giản, tình yêu quê hương là sự yêu mến, trân trọng và gắn bó với mảnh đất mà mỗi người sinh ra và lớn lên. Chúng ta luôn có một quê hương riêng, và một tổ quốc chung. Tình yêu quê hương luôn gắn liền với tình yêu đất nước, trở thành truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Bất cứ dân tộc nào trên thế giới cũng đều có một lòng yêu quê hương, đất nước nồng nàn. Nhưng có lẽ dân tộc Việt Nam thì hơn cả.

Tham khảo thêm:   Thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ ăn uống

Trong lịch sử dân tộc đã có hàng nghìn năm chống lại kẻ thù phương Bắc. Sau đó, chúng ta phải kể đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Biết bao nhiêu chàng trai, cô gái – họ ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, mang trong trái tim mình tình yêu với mảnh đất quê hương, để rồi không ngại hy sinh thân mình vì chính mảnh đất ấy. Đặc biệt, chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam chính là tấm gương sáng ngời cho lòng yêu nước thương dân sâu sắc, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng đánh bại kẻ thù xâm lược. Người đã ra đi tìm đường cứu nước khi mới chỉ là một chàng trai tràn đầy nhiệt huyết, lòng căm thù giặc. Suốt ba mươi năm bôn ba nước ngoài, Bác chỉ nghĩ đến phải làm sao tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc mà không ngại những khó khăn, gian khổ. Cả cuộc đời của Bác đã cống hiến cho đất nước, cho nhân dân.

Nhà văn Nga, I-li-a Ê-ren-bua đã từng viết: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Quê hương nào không là một phần máu thịt của tổ quốc, giang sơn. Yêu quê hương là một biểu hiện của lòng yêu Tổ quốc. Thế hệ trẻ hôm nay cần giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó của ông cha ta ngày trước. Mỗi bạn trẻ cần cố gắng học tập tốt, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy của trường, lớp cũng như biết yêu thương bạn bè, kính trọng thầy cô và những người xung quanh. Đồng thời, chúng ta cần phải xác định cho bản thân một ước mơ, một lý tưởng để cố gắng hoàn thành nó và trở thành người có ích trong tương lai.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tránh xa những việc làm gây hại cho quê hương đất nước. Đó là lối sống thực dụng, ăn chơi sa đọa, lãng phí, sống tự do, cá nhân, vô tổ chức…

Như vậy, mỗi người cần nuôi dưỡng tình yêu quê hương. Có như vậy, chúng ta mới có động lực để cố gắng xây dựng và phát triển đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.

– Kết thúc:

Dưới đây là phần trình bày của tôi, cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự đóng góp của thầy cô và các bạn.

Mẫu 2

“Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ”

Những lời thơ trong bài “Bài học đầu cho con” của Đỗ Trung Quân đã đem đến cho chúng ta suy nghĩ về tình cảm của con người đối với quê hương.

Tham khảo thêm:   Cách đấu boss Scaramouche trong Genshin Impact

Tình yêu quê hương là tình cảm yêu mến và gắn bó sâu sắc, chân thành đối với những sự vật, con người thuộc về nơi chúng ta sinh ra và lớn lên. Tình cảm đó luôn thường trực trong trái tim mỗi con người. Bởi quê hương là nơi chúng ta sinh ra, lớn lên và trải qua thật nhiều kỉ niệm. Hình ảnh quê hương in đậm trong tâm trí của con người, không thể phai mờ. Hình ảnh lũy tre xanh, với mái đình cổ kính rêu phong. Hay cánh đồng lúa chín vàng mênh mông với cánh cò bay lả rập rờn… Có thể nói rằng quê hương là mảnh đất ruột thịt, thân thương mà dù ở nơi đâu con người cũng muốn trở về.

Tình yêu quê hương còn gắn liền với tình yêu đất nước. Trong quá khứ, nhiều người đã nguyện hy sinh tính mạng để bảo vệ giành lại tự do cho quê hương, đất nước. Ở hiện tại, chúng ta thể hiện tình yêu đó qua cố gắng học tập, rèn luyện để trở thành một người có ích, trở về xây dựng quê hương đất nước phát triển. Hay như việc tiếp thu văn minh hiện đại của nước ngoài dựa trên nguyên tắc “hòa nhập chứ không hòa tan”- giữ gìn những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc…

Tình yêu quê hương thật đáng trân trọng, vậy mà có nhiều người trẻ lại sẵn sàng chạy theo lối sống thực dụng, ăn chơi sa đọa, lãng phí, sống tự do, cá nhân, vô tổ chức… Họ quên đi nguồn cội của mình, rời bỏ quê hương hoặc thậm chí là tìm cách chống phá đất nước. Những hành vi như để lộ bí mật quốc gia, hiện tượng chảy máu chất xám… đều đáng lên án, phê phán. Chúng ta cần góp một phần nhỏ bé trong công tác bảo vệ, giữ gìn và phát triển đất nước ngày một cường thịnh. Mỗi cá nhân hãy biết bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước và có những hành động cụ thể để bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày một phát triển. Đồng thời cũng cần lên án và tránh xa những hành vi gây hại đến quê hương, đất nước.

Quê hương là nơi gắn bó máu thịt với mỗi người. Tình cảm với quê hương vô cùng quý giá, cần được mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy.

Xem thêm: Trình bày suy nghĩ về tình cảm của con người với quê hương

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Soạn bài Trình bày suy nghĩ về tình cảm của con người với quê hương – Kết nối tri thức 6 Ngữ văn lớp 6 trang 104 sách Kết nối tri thức tập 1 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *