Bạn đang xem bài viết ✅ Soạn bài Ôn tập phần Văn học (lớp 12, học kì I) Soạn văn 12 tập 1 tuần 18 (trang 213) ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Wikihoc.com sẽ cung cấp bài Soạn văn 12: Ôn tập phần Văn học,  là tài liệu vô cùng hữu ích.

Mời các bạn học sinh lớp 12 tham khảo tài liệu dưới đây để chuẩn bị bài nhanh chóng và đầy đủ.

Soạn bài Ôn tập phần Văn học

Câu 1. Quá trình phát triển của văn học Việt Nam từ 1945 đến hết thế kỉ XX (những giai đoạn và thành tựu chủ yếu của từng giai đoạn).

a. Chặng đường từ năm 1945 đến năm 1954

– Chủ đề bao trùm trong những ngày đầu đất nước giải phóng: ca ngợi Tổ quốc và quần chúng cách mạng, kêu gọi tinh thần đoàn kết toàn dân, cổ vũ phong trào Nam tiến, biểu dương những tấm gương vì nước quên mình.

– Từ năm 1946, văn học tập trung phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Văn học gắn bó sâu sắc với đời sống cách mạng và kháng chiến; hướng tới đại chúng, phản ánh sức mạnh của quần chúng nhân dân; thể hiện niềm tự hào dân tộc và niềm tin vào tương lai tất thắng của cuộc kháng chiến.

– Các thể loại văn học:

  • Truyện ngắn và kí mở đầu cho văn xuôi kháng chiến.
  • Thơ những năm chống Pháp cũng đạt được nhiều thành tựu xuất sắc.
  • Một số vở kịch ra đời phản ánh hiện thực cách mạng và kháng chiến.
  • Lí luận, nghiên cứu, phê bình văn học chưa phát triển nhưng một số tác phẩm đã có ý nghĩa quan trọng.

b. Chặng đường từ năm 1955 đến năm 1964

– Văn học tập trung thể hiện hình ảnh người lao động, ngợi ca những đổi thay của đất nước và con người trong bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội với cảm hứng lãng mạn, tràn đầy niềm vui và niềm lạc quan tin tưởng.

– Các thể loại văn học:

  • Văn xuôi mở rộng đề tài, bao quát được khá nhiều vấn đề và phạm vi của hiện thực đời sống.
  • Thơ phát triển mạnh mẽ.
  • Kịch nói cũng có một số tác phẩm được dư luận chú ý.

c. Chặng đường từ năm 1965 đến năm 1975

– Văn học chặng đường này tập trung viết về cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ. Chủ đề bao trùm là ca ngợi tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

– Các thể loại:

  • Văn xuôi phản ánh cuộc chiến đấu và lao động đã khắc họa khá thành công hình ảnh con người Việt nam anh dũng, kiên cường.
  • Thơ đạt được những thành tựu xuất sắc đánh dấu một bước tiến mới của nền thơ Việt Nam hiện đại.
  • Kịch cũng có những thành tựu đáng ghi nhận.

* Lưu ý: Văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 cần phải lưu ý tới văn học vùng địch tạm chiếm (văn học dưới chế độ thực dân cũ hoặc mới). Dưới chế độ Mĩ và chính quyền Sài Gòn, nhiều xu hướng văn học tiêu cực phản động tồn tại đan xen nhau: xu hướng “chống cộng”, xu hướng đồi trụy… Nhưng bên cạnh đó, vẫn có xu hướng văn học tiến bộ, yêu nước và cách mạng.

Câu 2. Những đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975.

a. Nền văn học chủ yếu vận động theo hướng cách mạng hóa, gắn bó sâu sắc với vận mệnh chung của đất nước

– Nền văn học mới được khai sinh cùng với sự ra đời của nhà nước nhân dân còn non trẻ, lại trải qua ba mươi năm chiến tranh ác liệt chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, vận nước có lúc ngàn cân treo sợi tóc nên sớm được kiến tạo theo mô hình “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận” (Hồ Chí Minh) cùng với nhà văn kiểu mới: nhà văn – chiến sĩ.

– Gắn bó với vận mệnh chung của đất nước nên quá trình vận động, phát triển của nền văn học mới ăn nhịp với từng chặng đường lịch sử của dân tộc, theo sát nhiệm vụ chính trị của đất nước.

– Văn học Việt Nam giai đoạn này tập trung vào đề tài: Tổ quốc (bảo vệ đất nước, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước), chủ nghĩa xã hội.

=> Như vậy, có thể coi văn học như một tấm gương phản chiếu những vấn đề lớn lao, trọng đại nhất của đất nước và cách mạng từ 1945 đến 1975: đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

b. Nền văn học hướng về đại chúng

– Đại chúng vừa là đối tượng phản ánh và đối tượng phục vụ, vừa là nguồn cung cấp bổ sung lực lượng sáng tác cho văn học.

– Văn học giai đoạn này quan tâm tới đời sống của nhân dân lao động, nói lên nỗi bất hạnh của những người lao động nghèo khổ bị áp bức, bóc lột trong xã hội cũ cũng như niềm vui, niềm tự hào của họ về cuộc đời mới.

– Phần lớn những tác phẩm đều ngắn gọn, nội dung dễ hiểu, chủ đề rõ ràng. Ngôn ngữ nghệ thuật bình dị, trong sáng, dễ hiểu.

c. Nền văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn

– Văn học mang đậm chất sử thi, tập trung phản ánh những vấn đề cơ bản nhất, có ý nghĩa sống còn của đất nước.

– Khuynh hướng sử thi đòi hỏi người cầm bút nhìn con người và cuộc đời không chỉ bằng con mắt của cá nhân mình mà chủ yếu bằng con mắt có tầm bao quát lịch sử, dân tộc và thời đại.

– Văn học vừa mang đậm tính sử thi vừa tràn đầy cảm hứng lãng mạn. Cảm hứng lãng mạn được thể hiện qua việc khẳng định phương diện lí tưởng của cuộc sống mới và vẻ đẹp của con người mới, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

Tham khảo thêm:   Cách hồi sinh đồng đội trong Free Fire OB26

– Văn học giai đoạn này không phải không có những tác phẩm vượt ra ngoài hai khuynh hướng trên, nhưng đó chỉ thuộc về dòng phụ lưu của nền văn học.

Câu 3. Quan điểm sáng tác văn học nghệ thuật của Hồ Chí Minh? Chứng minh mối quan hệ nhất quán giữa quan điểm sáng tác với sự nghiệp văn học của Người.

a. Quan điểm sáng tác

– Hồ Chí Minh coi văn học là vũ khí chiến đấu lợi hại phụng sự cho sự nghiệp cách mạng. Nhà văn cũng phải có tinh thần xung phong như chiến sĩ ngoài mặt trận.

– Bác luôn chú trọng tính chân thật và tính dân tộc của văn học.

– Khi cầm bút, Hồ Chí Minh bao giờ cũng xuất phát từ mục đích, đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm. Người luôn tự đặt câu hỏi:

  • Viết cho ai? (Đối tượng)
  • Viết để làm gì? (Mục đích)
  • Viết cái gì? (Nội dung)
  • Viết thế nào? (Hình thức)

b. Chứng minh mối quan hệ giữa quan điểm sáng tác với sự nghiệp văn học của người:

Một số truyện kí viết bằng tiếng Pháp: Pa-ri (1922), Lời than vãn của bà Trưng Trắc (1922), Vi hành (1923)… Những tác phẩm này đều nhằm tố cáo tội ác dã mạn, bản chất xảo trá của bọn thực dân phong kiến và tay sai…

Câu 4. Mục đích và đối tượng của văn bản Tuyên ngôn độc lập (căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể khi Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn)? Phân tích nội dung và hình thức của tác phẩm để làm rõ Tuyên ngôn Độc lập vừa là một áng văn chính luận mẫu mực, vừa là một áng văn chan chứa tình cảm lớn.

a. Mục đích, đối tượng:

– Mục đích: Khẳng định nền độc lập của dân tộc Việt Nam; Tranh thủ sự ủng hộ từ bạn bè quốc tế; Thể hiện quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc.

– Đối tượng: Bọn đế quốc thực dân mà cụ thể là thực dân Pháp, quốc dân đồng bào Việt Nam và nhân dân thế giới.

b. Phân tích nội dung và hình thức để làm rõ Tuyên ngôn Độc lập vừa là một áng văn chính luận mẫu mực, vừa là một áng văn chan chứa tình cảm lớn:

* Tuyên ngôn Độc lập là áng văn chương mẫu mực của thời đại:

– Là văn kiện chính trị, chứa đựng những nội dung chính trị, nhưng đây không phải là tác phẩm khô khan, trừu tượng.

– Có hệ thống lập luận chặt chẽ, với những lý lẽ sắc bén, những bằng chứng thuyết phục:

  • Nêu ra cơ sở pháp lý của bản tuyên ngôn.
  • Tiếp đến, Hồ Chí Minh đưa ra cơ sở thực tế của chủ quyền dân tộc Việt Nam: tội ác của thực dân pháp về kinh tế, chính trị, quân sự,…, về công khai hóa, bảo hộ của Pháp

– Khẳng định dân tộc Việt Nam có quyền trên đất nước mình.

– Từ những cơ sở pháp lý và cơ sở thực tế hết sức đầy đủ, chặt chẽ, rõ ràng, Hồ Chí Minh đã đi đến tuyên bố Độc lập:

  • Tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết mọi đặc quyền đặc lợi của Pháp trên đất nước ta.
  • Các nước Đồng minh không thể không công nhận chủ quyền độc lập của dân Việt Nam.
  • Khẳng định quyền Dân tộc Việt Nam có quyền độc lập, tự do.

* Tuyên ngôn Độc lập chứa đựng tình cảm nồng nhiệt, tâm huyết của người viết:

– Lời văn “Tuyên ngôn độc lập” có lúc vang lên chắc chắn, vững chãi khi tác giả trích dẫn những bản tuyên ngôn của nước Mỹ, Pháp.

– Đau đớn, căm giận khi kể tội giặc Pháp.

– Sung sướng, tự hào với sức mạnh quật khởi nghĩa của nhân dân khi đứng lên đánh đuổi phát xít Nhật, giành lấy chính quyền.

– Quyết tâm sắt đá khi nói về sự bảo vệ quyền tự do và độc lập của dân tộc.

Câu 5. Vì sao nói Tố Hữu là nhà thơ trữ tình – chính trị? Phân tích khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong thơ Tố’ Hữu.

a. Tố Hữu là nhà thơ trữ tình – chính trị:

– Thơ Tố Hữu không đi sâu vào tình cảm riêng, mà tập trung thể hiện những tính cảm lớn, mang tính tiêu biểu, phổ biến của con người cách mạng: tình yêu lí tưởng (Từ ấy), tình quân dân (Cá nước), tình cảm quốc tế vô sàn (Em bé Triều Tiên).

– Thơ Tố Hữu mang tính sử thi, coi những sự kiện chính trị lớn của đất nước là đối tượng thể hiện chủ yếu, luôn đề cập đến vấn đề có ý nghĩa lịch sử và tính chất toàn dân: Cảnh xây dựng đất nước thật vĩ đại (Bài ca mùa xuân năm 1961), cảnh cả nước lên đường ra trận (Chào xuân 67)…

b. Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong thơ Tố Hữu

– Chủ đề lớn trong thơ Tố Hữu là: lẽ sống cách mạng, niềm vui lớn và ân tình cách mạng. Thơ ông thể hiện cái “tôi” của dân tộc và cách mạng.

– Thơ ông tập trung thể hiện vẻ đẹp lí tưởng của con người về cuộc sống mới, thể hiện niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng của cách mạng, của đất nước, dẫu hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn, hi sinh gian khổ.

Câu 6. Phân tích những biểu hiện của tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu?

– Thể thơ của dân tộc: lục bát.

– Cách xưng hô “mình – ta” thường xuất hiện trong ca dao đối đáp giao duyên.

– Các biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ thường có, ta có thấy nhà thơ rất chú ý sử dụng kiểu tiểu đối của ca dao, có tác dụng nhấn mạnh ý thơ tạo ra nhịp thơ uyển chuyển cân xứng, hài hoà làm cho lời thơ dễ nhớ, dễ thuộc, thấm sâu vào tâm tư.

Tham khảo thêm:   Thông tư 01/2021/TT-BYT Điều kiện hỗ trợ tiền hoặc hiện vật cho phụ nữ khi sinh đủ 2 con

Câu 7. Vấn đề đặt ra và hệ thống luận điểm, cách triển khai lí lẽ và dẫn chứng trong các bài viết: Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc (Phạm Văn Đồng), Mấy ý nghĩ về thơ (Nguyễn Đình Thi), Đô-xtôi-ép-xki (X. Xvai-gơ).

a. Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc (Phạm Văn Đồng)

– Vấn đề đặt ra: Nguyễn Đình Chiểu là ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc.

– Hệ thống luận điểm, cách triển khai lí lẽ và dẫn chứng:

  • Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ lớn của dân tộc.
  • Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu phản ánh phong trào yêu nước.
  • Lục Vân Tiên là một tác phẩm lớn.

=> Cách triển khai lí lẽ và dẫn chứng chặt chẽ, thuyết phục.

b. Mấy ý nghĩ về thơ

– Vấn đề đặt ra: Một số ý nghĩ về thơ ca.

– Hệ thống luận điểm, cách triển khai lí lẽ và dẫn chứng:

  • Đặc trưng cơ bản của thơ
  • Những đặc điểm của thơ ca.

=> Cách triển khai lí lẽ và dẫn chứng hợp lí, cụ thể.

Câu 8. Phân tích vẻ đẹp của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng (So sánh với hình tượng người lính trong bài thơ. Đồng Chí của Chính Hữu).

– Hình ảnh thật chân thực về binh đoàn Tây Tiến:

  • “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc”: hóa chất bom đạn của kẻ thù đã làm cho mái tóc người lính không còn đẹp nữa, nhưng cũng có thể là người lính chủ động cắt tóc để thuận tiện cho sinh hoạt.
  • “Quân xanh màu lá dữ oai hùm”: màu xanh của lớp áo ngụy trang lẫn với màu xanh của lá cây, nhưng đó cũng được hiểu là khuôn mặt xanh xao của người lính khi bị sốt rét rừng.

=> Sự khó khăn, gian khổ của người lính Tây Tiến trong hoàn cảnh chiến tranh. – Mạnh mẽ là thế, nhưng cũng có đôi lúc người lính cũng đầy thơ mộng

  • “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới”: đôi mắt đang theo dõi kẻ thù với sự căm giận và quyết tâm
  • “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. nhớ đến những cô gái Hà Nội với vẻ đẹp thướt tha thanh lịch.

– Sự mất mát hy sinh của người lính:

  • “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”: đó không phải là một cái chết mà rất nhiều cái chết.
  • “Áo bào thay chiếu anh về đất”: hình ảnh “áo bào” chính là chiếc áo lính các anh đang mặc, “về đất” cách nói giảm nói tránh gợi sự hy sinh của người lính.
  • Hình ảnh cuối cùng “sông Mã gầm lên khúc độc hành” là sự thành kính đưa tiễn các anh.

– Giống nhau: Cả hai bài thơ đều sáng tác năm 1948, viết về hình ảnh người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

– Khác nhau:

  • Trong Tây Tiến: Hình tượng người lính có xuất thân từ học sinh Hà Thành. Họ hiện lên với vẻ đẹp hào hùng, sự hy sinh nhưng vẫn đầy lãng mạn hào hoa.
  • Trong Đồng Chí: Hình tượng người lính xuất có thân từ những người nông dân cày lam lũ, họ chiến đấu với sức mạnh của tinh thần đồng đội kề vai sát cánh bên nhau.

Câu 9. Những khám phá riêng của mỗi bài thơ về đất nước, quê hương qua bài thơ Đất nước (Nguyễn Đình Thi) với đoạn trích Đất nước trong trường ca Mặt đường khát vọng (Nguyễn Khoa Điềm).

(1) Giống nhau:

  • Đều viết về đề tài đất nước.
  • Thể hiện niềm tự hào sâu sắc, tình yêu quê hương đất nước mãnh liệt.
  • Giọng điệu thiết tha, sâu lắng

(2). Khác nhau:

a. Đất nước của Nguyễn Đình Thi

* Đất nước được cảm nhận qua mùa thu xưa và nay:

– Mùa thu xưa: mùa thu của Hà Nội với những con phố dài xao xác, không khí chớm lạnh…, sự ra đi của con người lặng lẽ nhưng đầy quyết tâm bảo vệ đất nước.

– Mùa thu nay vui tươi hơn, đất nước được “thay áo mới” con người đã làm chủ đất nước, được tự do sung sướng.

=> Sự chuyển biển của đất nước chính là sự chuyển biến của mùa thu.

* Đất nước đau thương trong chiến tranh, vinh quang trong chiến thắng

– Đất nước chịu nhiều mất mát, đau thương: cánh đồng quê chảy máu, dây thép gai đâm nát trời chiều, bát cơm chan đầy nước mắt.

– Đất nước bất khuất anh hùng: Nước Việt Nam từ máu lửa/Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.

b. Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm

* Lý giải nguồn gốc, định nghĩa về Đất Nước.

* Tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân:

– Chiều rộng địa lí:

  • Không gian thân thương gắn với những kỉ niệm của tình yêu đôi lứa:
  • Đất Nước là không gian sinh tồn của cộng đồng người Việt qua các thế hệ được tạo lập từ thuở sơ khai với truyền thuyết:

– Chiều dài của lịch sử:

  • Đất nước được làm nên bởi những con người bình dị vô danh nhưng lại hết sức lớn lao phi thường.
  • Những con người vô danh ấy đã làm nên giá trị vật chất và giá trị tinh thần truyền lại cho con cháu

– Chiều sâu văn hóa: Những truyền thống lâu đời như tục ăn trầu của bà, thói quen bới tóc của mẹ, say đắm và thủy chung trong tình yêu, biết quý trọng nghĩa tình, quyết liệt với kẻ thù.

Câu 10. Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh. Anh chị cảm nhận được gì về tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu của bài thơ này

– Sử dụng nghệ thuật tương phản: “dữ dội – dịu êm”, “ồn ào – lặng lẽ”, từ đó khái quát trạng thái đối lập của sóng, gợi liên tưởng đến tâm lý của người phụ nữ khi yêu (khi mãnh liệt khi lại dịu dàng).

– Nghệ thuật nhân hóa: “sông không hiểu” được mình, nên “sóng” muốn tìm đến không gian rộng lớn. Đó là hành trình của sóng là hành trình khám phá chính bản thân mình, khát khao vươn tới giá trị tuyệt đích trong tình yêu của người phụ nữ.

Tham khảo thêm:   Công văn 3818/BGDĐT-GDTH Hướng dẫn tổ chức dạy học các môn Ngoại ngữ 1 cấp Tiểu học

– “Ôi con sóng… và ngày sau vẫn thế”: Dù trong quá khứ hay hiện tại sóng luôn dạt dào, sôi nổi, luôn khát vọng. Đó cũng là khát vọng và bản tính của người phụ nữ muôn đời.

– Điệp ngữ “em nghĩ về” và câu hỏi: “Từ nơi nào sóng lên” nhấn mạnh niềm khát khao nhận thức bản thân, người mình yêu và nhận thức về tình yêu muôn đời.

– Xuân Quỳnh dựa vào quy luật tự nhiên để tìm khởi nguồn của sóng, của tình yêu, gợi lên sự trăn trở trước bí ẩn của tình yêu, thời điểm bắt đầu tình tình yêu.

– Nỗi nhớ là tình cảm chủ đạo, luôn thường trực trong trái tim những người đang yêu.Nỗi nhớ bao trùm cả không gian, thời gian: “dưới lòng sâu… trên mặt nước …”, “ngày đêm không ngủ được”.

– Khẳng định quy luật vĩnh cửu của thiên nhiên “Con nào chẳng tới bờ/Dù muôn vời cách trở”. Ở ngoài đại dương xa xôi đó, có trăm ngàn con sóng vỗ. Nhưng cuối cùng, con sóng nào cũng tìm được đến bến bờ của mình.

– Cũng giống như “em” và “anh, dù cuộc đời phải trải qua muôn ngàn sóng gió, có đôi lúc phải cách xa nhau. Thì đến cuối cùng, “em” và “anh” vẫn sẽ gặp lại nhau. Và tình cảm của đôi ta sẽ mãi mãi tồn tại.

– “Cuộc đời tuy dài thế/Năm tháng vẫn đi qua”: Cảm giác cô đơn nhỏ bé trước cuộc đời, nỗi lo âu về sự hữu hạn của tình yêu trước thời gian vô tận.

– “Như biển kia dẫu rộng/Mây vẫn bay về xa”: Cảm giác bất an trước cái dễ đổi thay của lòng người giữa “muôn vời cách trở”. Nhưng đây còn là vượt lên sự lo âu phấp phỏng đặt niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của tình yêu như mây có thể vượt qua biển rộng.

– “Làm sao” gợi sự băn khoăn, khắc khoải, ước ao được hóa thành “trăm con sóng nhỏ” để muôn đời vỗ mãi vào bờ.

– Khát khao của người phụ nữ được hòa mình vào cuộc đời, được sống trong “biển lớn tình yêu” với một tình yêu trường cửu, bất diệt với thời gian.

=> Hình tượng “sóng” xuyên suốt bài thơ, gửi gắm tình cảm của nhà thơ.

Câu 11. Những điểm cơ bản về nội dung và nghệ thuật của các bài thơ: Dọn về làng (Nông Quốc Chân), Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên) Đò Lèn (Nguyễn Duy), Bác ơi (tố Hữu)

a. Dọn về làng

  • Nội dung: Bài thơ đã khắc họa chân thực cuộc sống khổ cực của người dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
  • Nghệ thuật: Hình ảnh sinh động, sử dụng biện pháp tu từ…

b. Tiếng hát con tàu

  • Nội dung: Bài thơ thể hiện niềm vui sướng, hạnh phúc của nhà thơ khi được trở về với nhân dân, đất nước.
  • Nghệ thuật: Nghệ thuật sáng tạo hình ảnh, sử dụng nhiều biện pháp tu từ…

c. Đò Lèn

  • Nội dung: Bài thơ đã khắc họa những kỉ niệm đẹp đẽ về thời thơ ấu và hình ảnh người bà tần tảo, vất vả. Qua đó, tác giả bộc lộ tình yêu thương, sự kính trọng dành cho người bà đã mất.
  • Nghệ thuật: Hình ảnh gần gũi, ngôn ngữ giản dị…

d. Bác ơi

  • Nội dung: Bài thơ Bác ơi thể hiện nỗi xót xa trước sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, tác giả còn khắc họa hình ảnh Bác – một con người sống có lí tưởng, giàu lòng nhân ái, sống khiêm tốn và giản dị.
  • Nghệ thuật: Sử dụng các biện pháp tu từ, giọng thơ tha thiết, hình ảnh giàu tính biểu tượng…

Câu 12. So sánh Chữ người tử tù (Ngữ văn 11) với Người lái đò sông Đà (Ngữ văn 12). Nhận xét những điểm thống nhất và khác biệt của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945.

a. Giống nhau:

– Có cảm hứng mãnh liệt trước những cảnh tượng độc đáo, tác động mạnh mẽ vào giác quan nghệ sĩ.

– Tiếp cận thế giới thiên về phương tiện thẩm mĩ, tiếp cận con người thiên về phương diện nghệ sĩ

b. Khác nhau:

– Thể loại:

  • Chữ người tử tù: truyện ngắn.
  • Người lái đò sông Đà: tùy bút.

Nội dung và phong cách nghệ thuật:

  • Chữ người tử tù: Cái đẹp trong quá khứ, đi tìm chất tài hoa nghệ sĩ ở tầng lớp những con người đặc tuyển.
  • Người lái đò sông Đà: Cái đẹp ở cuộc sống hiện tại, đi tìm chất tài hoa nghệ sĩ trong đại chúng nhân dân lao động bình thường.

Câu 13. Cảm hứng thẩm mĩ và văn phong của Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đoạn trích bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông?

a. Cảm hứng thẩm mĩ: Ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên phong phú đa dạng, huyền ảo như đời sống tâm hồn con người. Cảnh vật sông Hương – con sông gắn bó với lịch sử, văn hoá của Huế và cũng là của dân tộc – qua đó thể hiện sự yêu mến, say mê vẻ đẹp đối với dòng sông, đất nước.

b. Nét đặc sắc trong văn phong của Hoàng Phủ Ngọc Tường: Những cảm xúc sâu lắng được tổng hợp từ một vốn hiểu biết văn hóa phong phú về văn hóa, lịch sử và văn chương cùng một văn phong tao nhã, hướng nội, tinh tế và tài hoa. Ngôn ngữ sử dụng trong sáng, giàu hình ảnh, giàu chất thơ…

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Soạn bài Ôn tập phần Văn học (lớp 12, học kì I) Soạn văn 12 tập 1 tuần 18 (trang 213) của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *