Sau khi đã tìm hiểu về cách sử dụng các yếu tố miêu tả trong văn thuyết minh, các em học sinh lớp 9 sẽ được củng cố kiến thức với bài luyện tập.
Wikihoc.com mời bạn đọc cùng tham khảo tài liệu Soạn văn 9: Luyện tập sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh.
Soạn bài Luyện tập sử dụng yếu tố miêu tả – Mẫu 1
I. Hướng dẫn chuẩn bị
Cho đề bài: Con trâu ở làng quê Việt Nam.
1. Tìm hiểu đề
– Yêu cầu: thuyết minh về con trâu ở làng quê Việt Nam.
– Nội dung cần trình bày: Nguồn gốc, đặc điểm ngoại hình, tập tính sinh sống, vai trò, ý nghĩa của con trâu.
2. Tham khảo văn bản thuyết minh trong SGK và cho biết có thể sử dụng được những ý gì cho bài thuyết minh.
Có thể sử dụng:
– Khái quát chung về loài trâu (Đoạn 1)
– Nguồn gốc của Trâu Việt Nam (Đoạn 2)
– Khả năng sinh sản của trâu (Đoạn 3)
– Công dụng, vai trò của trâu (Đoạn 4)
II. Luyện tập
Gợi ý:
1. Dàn ý
* Mở bài: Giới thiệu chung về hình ảnh con trâu trên đồng ruộng, làng quê Việt Nam.
* Thân bài
a. Nguồn gốc, đặc điểm của loài trâu:
– Trâu Việt Nam có nguồn gốc từ trâu rừng thuần hóa, thuộc nhóm trâu đầm lầy.
– Là động vật thuộc lớp thú, lông trâu có màu xám, xám đen; thân hình vạm vỡ, thấp, ngắn; bụng to; mông dốc; đuôi dài thường xuyên phe phẩy; bầu vú nhỏ; sừng hình lưỡi liềm…
– Trâu mỗi năm chỉ đẻ từ một đến hai lứa, mỗi lứa một con…
b. Lợi ích của con trâu:
– Trong đời sống vật chất:
- Trâu nuôi chủ yếu để kéo cày, bừa, giúp người nông dân làm ra hạt lúa, hạt gạo.
- Là tài sản quý giá của nhà nông.
- Cung cấp thịt; cung cấp da, sừng để làm đồ mỹ nghệ…
– Trong đời sống tinh thần:
- Trâu là người bạn thân thiết với tuổi thơ của trẻ em ở nông thôn một buổi đi học, một buổi đi chăn trâu:thổi sáo, đọc sách, thả diều, đánh trận giả khi chăn trâu…
- Con trâu với lễ hội: Hội chọi trâu ở Đồ Sơn – Hải Phòng, lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên, biểu tượng của Sea Game 22 Đông Nam Á được tổ chức tại Việt Nam…
* Kết bài
– Khẳng định lại vai trò của con trâu trong đời sống người nông dân ở làng quê Việt Nam.
– Tình cảm của người viết đối với con trâu.
2. Bài văn mẫu
Trâu ơi ta bảo trâu này:
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
Cấy cày giữ nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy, ai mà quản công.
Bao giờ cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn
Hình ảnh con trâu vốn không còn xa lạ gì nữa với mỗi người dân Việt Nam.
Trâu (miền Trung gọi là tru) là một loài động vật thuộc họ Trâu bò, phân bộ Nhai lại, nhóm Sừng rỗng, bộ Guốc chẵn, lớp thú có vú. Chúng thường sống hoang dã ở Nam Á, Đông Nam Á và miền bắc nước Úc. Còn ở Việt Nam, chúng thường được nuôi với số lượng rất lớn.
Trâu Việt Nam có nguồn gốc từ trâu rừng thuần hóa, thuộc nhóm trâu đầm lầy. Bộ lông của chúng có màu xám hoặc xám đen. Thân hình to khỏe và vạm vỡ. Bụng to, mông dóc, đuôi dài thường xuyên phe phẩy. Bầu vú nhỏ và đặc biệt là đôi sừng hình lưỡi liềm cứng và nhọn có thể trở thành một loại vũ khí tự vệ cho chúng khi gặp phải kẻ thù.
Chúng gồm hai loại phổ biến là trâu trắng và trâu đen. Việc phân loại này được dựa theo màu sắc của lông. Trâu trắng là loại trâu có lông màu trắng ngà. Người ta cho rằng trâu trắng thường mang lại may mắn. Nhưng loài trâu này rất hiếm gặp. Còn trâu đen thì có bộ lông màu đen xám, chiếm số lượng áp đảo hơn cả.
Về tập tính của loài trâu, có một điểm vô cùng nổi bật như: Trâu có tập tính nhai lại khi ăn, thức ăn được đưa vào dạ cỏ và dạ tổ ong, phần thức ăn không tan được đưa lại khoang miệng để trâu nhai lại, phần tan vào các dạ lá sách, dạ túi khế để tiêu hóa. Điều này thật thú vị! Chúng sẽ phải mất rất nhiều thời gian để tiêu hóa thức ăn nhưng lại không bao giờ cảm thấy đói. Ngoài ra, trâu là loài sống theo bầy đàn. Chúng thường sống thành một gia đình lớn tại các vùng đầm lầy, thung lũng.
Về sinh sản, hằng năm trâu đẻ hai lứa. Mỗi lứa chỉ cho ra đời một con con. Trâu con mới chào đời được gọi là nghé. Chúng chưa có sừng và thường nặng từ 22 – 25 kg. Một con nghé trưởng thành khá nhanh. Khoảng hai tuần thì biết đi và từ hai đến ba tháng thì có thể phát triển thành một con trâu trưởng thành. Các bộ phận khác cũng dần hoàn thiện trong quá trình phát triển.
Về đặc điểm, trâu có thân hình chắc nịch, khỏe khoắn, bộ lông có hai loại màu trắng ngà hoặc xám đen với các sợi lông ngắn tũn. Da của chúng rất dày và cứng cáp. Có lẽ, khi mùa đông đến, loài trâu không sợ lạnh cũng chính vì bộ da của chúng. Trâu có bốn chân ngắn với bộ guốc chẵn. Đuôi dài, linh hoạt và thường ve vẩy để đuổi ruồi, muỗi chứ không chịu nằm yên một chỗ. Phần đầu trâu có hai cặp sừng dài. Ở một con trâu trưởng thành, cặp sừng này có thể rất dài. Đôi mắt của chúng to và trông lúc nào cũng lờ đờ như thiếu ngủ. Trong khoang miệng không có hàm trên. Hầu hết trâu đực có phần minh to hơn trâu cái, sức kéo cùng thịt trâu dai và chắc hơn trâu cái. Trâu cái có thể tiết sữa nhưng sữa trâu không có nhiều dinh dưỡng như sữa bò.
Về giá trị vật chất, loài trâu gắn với người nông dân từ bao đời nay. Ông cha ta có câu: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Chúng chủ yếu cung cấp sức kéo cho con người: giúp kéo xe, kéo cày cho người nông dân khi ngoài đồng. Ngoài ra, ngày nay, thịt trâu cũng trở thành một món đặc sản khá nổi tiếng. Da trâu cũng có thể được dùng làm da các loại túi, ví, thời trang. Về giá trị tinh thần, con trâu chính là người bạn đồng hành với người nông dân trong công việc lao động vất vả. Một số nơi, còn tổ chức lễ hội mà con trâu chính là nhân vật chính như lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Con trâu cũng chính là một biểu tượng văn hóa của người nông dân Việt Nam.
Cho dù xã hội ngày càng hiện đại nhưng đối với những người nông dân Việt Nam, con trâu mãi là một người bạn gắn bó trong công việc lao động của họ.
Kính mời bạn đọc tham khảo thêm bài văn mẫu Thuyết minh về con trâu Việt Nam.
Soạn bài Luyện tập sử dụng yếu tố miêu tả – Mẫu 2
I. Luyện tập
Gợi ý:
Loài trâu chúng tôi quanh năm làm lụng vất vả cực nhọc cùng với người nông dân ngoài đồng ruộng. Hình ảnh của chúng tôi có lẽ đã không còn xa lạ gì với người dân Việt Nam. Nhưng không phải ai cũng có thể hiểu hết toàn bộ những đặc điểm và tập tính của chúng tôi. Chính vì vậy, tôi sẽ giới thiệu cho các bạn toàn bộ về loài trâu chúng tôi.
Loài Trâu là một loài động vật thuộc họ Trâu bò, phân bộ Nhai lại, nhóm Sừng rỗng, bộ Guốc chẵn, lớp Thú có vú. Đối với nguồn gốc, xuất xứ của loài trâu ở Việt Nam có rất nhiều tài liệu ghi chép. Tuy nhiên chưa có một tài liệu nghiên cứu nào cho biết chúng tôi ra đời chính xác vào thời điểm nào. Có lẽ, chúng tôi phải có mặt trên trái đất từ rất lâu rồi. Tùy vào điều kiện thiên nhiên địa lí mà trâu ở mỗi vùng miền lại có những đặc tính sinh trưởng khác nhau. Còn ở Việt Nam do tính chất khí hậu nhiệt đới gió mùa nên trâu có nguồn gốc là trâu rừng thuần hóa, hay còn gọi là trâu đầm lầy. Chúng tôi cũng giống như các loài vật khác đều có giống đực và giống cái. Cả hai đều có những điểm chung về tập tính nhưng lẽ dĩ nhiên sẽ khác nhau về ngoại hình. Một con trâu đực như tôi sẽ có phần minh to hơn trâu cái, sức kéo cùng thớ thịt sẽ dai và chắc hơn trâu cái. Trâu cái có thể tiết sữa nhưng sữa trâu không có nhiều dinh dưỡng như sữa bò. Hằng năm, những con trâu cái sẽ đẻ hai lứa. Mỗi lứa chỉ cho ra đời một con con. Những con trâu mới chào đời sẽ được gọi với một cái tên rất đáng yêu là nghé. Chúng chưa có sừng và thường nặng từ 22 – 25 kg. Một con nghé trưởng thành khá nhanh. Khoảng hai tuần thì biết đi và từ hai đến ba tháng thì có thể phát triển thành một con trâu trưởng thành. Các bộ phận khác cũng dần hoàn thiện trong quá trình phát triển.
Còn về tập tính sinh sống của chúng tôi, chắc hẳn sẽ gây ngạc nhiên cho con người. Chúng tôi có tập tính nhai lại. Vậy nhai lại là gì? Hiểu đơn giản quá trình nhai lại gồm hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất chúng tôi ăn thức ăn thô và nuốt vào dạ dày. Giai đoạn thứ hai, chúng ợ thức ăn đã phân hủy một phần trong dạ dày trở lại miệng để nhai lại. Điều này giúp cho chúng tôi không bao giờ cảm thấy đói cả. Thật thú vị phải không?
Mỗi loài vật đều có những đặc điểm ngoại hình riêng, và chúng tôi cũng vậy. Mỗi con trâu có thân hình chắc nịch, khỏe khoắn, bộ lông có hai loại màu trắng ngà hoặc xám đen với các sợi lông ngắn tũn. Da của chúng tôi rất dày và cứng cáp. Chính vì vậy mà khi mùa đông đến chúng tôi chẳng cảm thấy lạnh. Loài trâu có bốn chân ngắn với bộ guốc chẵn. Đuôi dài, linh hoạt và thường ve vẩy để đuổi ruồi, muỗi chứ không chịu nằm yên một chỗ. Phần đầu trâu có hai cặp sừng. Ở một con trâu trưởng thành, cặp sừng này có thể rất dài. Đôi mắt của chúng tôi thì to nhưng trông lúc nào cũng lờ đờ như thiếu ngủ. Trong khoang miệng không có hàm trên. Tuy vậy mà chúng tôi vẫn ăn rất khỏe. Nhưng thức ăn chủ yếu chỉ là rơm hoặc cỏ.
Đối với những người nông dân, loài trâu chính là trợ thủ đắc lực của họ . Lực kéo trung bình của một con trâu trên đồng ruộng là 70 – 75kg, tương đương 0,36 – 0,1 mã lực. Chúng tôi được phân loại như sau: Trâu loại A một ngày cày được 3 – 4 sào Bắc Bộ, loại B khoảng 2 – 3 sào và loại C khoảng 1,5- 2 sào. Không chỉ trong công việc cày bừa, loài trâu còn được dùng để kéo đồ, chở hàng. Trên đường xấu, trâu có thể kéo với tải trọng là 400 – 500 kg, đường tốt là 700 – 800kg, còn trên đường nhựa với bánh xe hơi thì tải trọng có thể lên đến 1 tấn. Trên đường đồi núi, trâu kéo từ 0,5 – 1m khối gỗ trên quãng đường 3 – 5km.
Ngoài đời sống vật chất, loài trâu cũng vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của con người. Chúng tôi được họ đưa vào 12 con giáp – đơn vị để tính năm hay tính tuổi tác. Loài trâu còn được coi là biểu tượng cho nền nông nghiệp lúa nước. Cũng như gắn với cơ nghiệp của người nông dân. Con trâu cũng được con người đưa vào rất nhiều bài ca dao, câu hát và bức tranh nữa:
Chú Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cưỡi ngựa đi chơi cầu vồng
*
Hỡi cô cắt cỏ bên đồng
Nuôi trâu cho béo làm giàu cho cha
Giàu thì chia bảy chia ba
Thân em là gái được là bao nhiêu?
Thế mới thấy được tầm quan trọng của chúng tôi đối với con người. Trên đây là những đặc điểm quan trọng nhất về loài trâu chúng tôi. Chắc hẳn sẽ giúp mỗi người đọc hiểu rõ hơn về loài trâu.
II. Bài tập ôn luyện
Đề bài: Thuyết minh về một con vật yêu thích, trong đó có sử dụng yếu tố miêu tả.
Gợi ý:
Mèo – một loại vật nuôi phổ biến đối với con người. Từ lâu, chúng đã trở thành người bạn gắn bó thân thiết trong cuộc sống của chúng ta.
Mèo là một loài động vật có vú, nhỏ bé và ăn thịt. Nguồn gốc của loài mèo được cho là mèo rừng châu Phi. Khoảng 9500 năm trước, mèo nhà đã bắt đầu sống gần gũi với con người. Cho đến ngày hôm nay chúng là một trong những thú cưng của con người.
Chiều dài cơ thể của một con mèo là 25 – 30 cm và cân nặng từ 2,5kg đến 7kg. Thân hình của một chú mèo khá nhỏ, với một chiếc đầu nhỏ và cử động linh hoạt. Mắt mèo rất tinh, có thể nhìn khoảng cách rất xa và phát sáng trong bóng tối. Chúng cũng có đôi tai mèo rất thính. Đa số những chú mèo đều có đôi tai thẳng và vểnh lên cao. Nhờ tính năng động cao của cơ tai mà mèo có thể quay người về một hướng nhưng vểnh tai theo hướng khác. Mũi mèo đen, ươn ướt, rất thính. Chân mèo nhỏ và thon dài, có vuốt và đệm thịt ở phần tiếp xúc với mặt đất giúp đi tốt trên những bề mặt gồ ghề. Da mèo khá dày, nhiều lông. Bộ lông của chúng khá mềm, với màu sắc phổ biến của mèo là trắng, vàng, xám tro hay… Đuôi mèo dài và uyển chuyển, chúng được dùng để xua đuổi ruồi muỗi. Nhưng chức năng chủ yếu của nó là giữ thăng bằng cho mèo trong khi chạy nhảy, leo trèo.
Ngày nay, mèo cũng được phân thành nhiều loại vô cùng đa dạng. Một số loài mèo khá phổ biến được nuôi như mèo Mun, mèo tam thể, mèo mướp, mèo Vàng, mèo Xiêm, có một số loài mèo quý hiếm như: mèo Anh lông ngắn, mèo Anh lông dài, mèo tai cụp… Để kể hết các giống mèo thì không xuể.
Mèo được nuôi trong nhà với điều kiện cơ sở, vật chất, chế độ ăn uống tốt, được kiểm soát, mèo thường sống trung bình khá lâu từ mười bốn đến hai mươi năm. Loài mèo là động vật sinh sản đơn tính, chúng mang thai trong ba tháng và đẻ rất nhiều lứa, mỗi lứa đẻ từ khoảng ba đến bốn con. Mèo con khi được một tháng tuổi đã phải học các động tác săn mồi như: chạy, nhảy, leo trèo, rình và vồ mồi. Thức ăn chính của mèo là những loài vật nhỏ như chuột, cóc, nhái… Đặc biệt cá và chuột được coi là món ăn khoái khẩu nhất của chúng.
Loài mèo thường sống ở những nơi có khí hậu ấm áp, và thường không chịu được lạnh giá. Chúng cũng thường tránh nơi ẩm ướt và ở rất sạch sẽ. Để làm vệ sinh cho cơ thể, nó thường thè lưỡi ra, tiết nước bọt vào chân của nó rồi bôi lên mặt và toàn thân thể.
Ngày nay, mèo đã trở thành một trong những thú cưng phổ biến được con người nuôi. Chúng được chăm sóc rất tận tình, chu đáo. Loài mèo còn được sử dụng để sáng tạo ra những nhân vật đã vô cùng quen thuộc như chú mèo máy Doraemon, Hello Kitty… với con người, đặc biệt là trẻ em. Trong văn hóa dân gian, loài mèo được đưa vào tranh Đông Hồ với bức tranh nổi tiếng “Đám cưới chuột”.
Như vậy, dù thời gian có qua đi, nhưng loài mèo vẫn vô cùng gắn bó trong cuộc sống của con người. Chúng là loài vật nhanh nhẹn và có ích.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Soạn bài Luyện tập sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh Soạn văn 9 tập 1 bài 2 (trang 28) của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.