Sáng kiến kinh nghiệm: Xây dựng trò chơi Học vần cho học sinh lớp 1 là tài liệu dành cho các thầy cô giáo có thêm những kinh nghiệm để xây dựng được các trò chơi cũng như học vần cho học sinh một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Nội dung mẫu sáng kiến kinh nghiệm: Xây dựng trò chơi Học vần cho học sinh lớp 1 gồm toàn bộ kiến thức cũng như nội dung giảng dạy từ cơ bản đến nâng cao, những kinh nghiệp tổ chức trò chơi học vần cho các em học sinh được tiến hành thế nào. Cùng với đó là rất nhiều những điều mới lạ giúp cho trẻ có thể làm quen với một môi trường mới, giúp trẻ tìm hiểu về những vấn đề tự nhiên, xã hội cũng như học vần hiệu quả nhất. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.
Sáng kiến kinh nghiệm
Xây dựng trò chơi Học vần cho học sinh lớp 1
PHẦN MỞ ĐẦU
I. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Trong hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục tiểu học (GDTH) có vai trò hết sức quan trọng. Điều này đã được ghi rõ trong “Luật Phổ cập giáo dục tiểu học”: “GDTH là bậc học nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân, có nhiệm vụ xây dựng và phát triển tình cảm đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ và thể chất của trẻ em nhằm hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Có thể nói, GDTH chính là những viên gạch đầu tiên xây dựng một nền móng vững chắc cho toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân.
Bước vào học lớp 1, cuộc sống của trẻ có nhiều biến đổi to lớn. Thứ nhất, từ đây, trẻ phải làm quen với một môi trường mới, bạn bè mới, thầy cô mới và đặc biệt là những môn học mới đem lại cho các em những hiểu biết về tự nhiên, xã hội. Trong đó, có môn Tiếng Việt với rất nhiều phân môn như Học vần, Tập viết, Chính tả, Tập đọc, …. Với nhiệm vụ chiếm lĩnh và làm chủ một công cụ mới sử dụng trong học tập và giao tiếp, phân môn Học vần có vị trí đặc biệt quan trọng.
Nếu như ở mẫu giáo, chơi là hoạt động chủ đạo thì ở tiểu học, hoạt động học lại là hoạt động chủ đạo. Đây chính là biến đổi thứ hai trong đời sống của trẻ. Việc chuyển từ hoạt động chơi sang hoạt động học là một rào cản rất lớn đối với học sinh (HS) lớp 1. Các em thường khó tập trung trong một thời gian dài, học theo cảm hứng. Vì vậy, kết quả học tập của các em chưa cao. Với phân môn Học vần, trẻ có thể nhanh chóng nhớ được mặt chữ nhưng cũng rất nhanh quên. Người giáo viên (GV) phải có biện pháp giúp trẻ có hứng thú học tập, học với niềm thích thú, say mê với tất cả các môn học nói chung và phân môn Học vần nói riêng. Để làm được điều đó, người GV phải kết hợp sử dụng nhiều phương pháp dạy học (PPDH) với nhiều hình thức khác nhau để lôi cuốn, hấp dẫn trẻ vào bài học. Trò chơi là một giải pháp có tính hiệu quả cao.
Trên thực tế, hiện nay, GV thường chú trọng tới việc dạy kiến thức, kĩ năng cho HS chứ ít quan tâm đến việc HS có thích học hay không. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến các tiết học Học vần rất nhàm chán, đơn điệu, hiệu quả không cao. Ở một vài trường tiểu học, khối lớp 1 được trang bị bảng thông minh sử dụng trong dạy học phân môn Học vần và Toán. Với những tính năng vượt trội, bảng thông minh đã cho phép HS được trực tiếp thao tác trên bảng, tạo sự thích thú cho HS. Tuy nhiên, số lượng trường, số lượng bảng được trang bị không phải nhiều. Vì vậy, nhiều GV đã nghĩ tới việc xây dựng hệ thống trò chơi và đưa vào các tiết Học vần để gây hứng thú cho HS. Tuy nhiên, các trò chơi này vẫn còn thiếu tính hấp dẫn, hiệu quả mang lại chưa cao.
Từ những lí do trên, chúng tôi quyết định chọn nghiên cứu đề tài “Xây dựng trò chơi Học vần cho học sinh lớp 1”.
II. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
1. Mục đích nghiên cứu
Đề tài nghiên cứu này nhằm giúp HS nhanh chóng nhận biết mặt chữ, qua đó nâng cao hiệu quả dạy và học phân môn Học vần.
2. Nhiệm vụ nghiên cứu
– Hệ thống hoá những vấn đề có liên quan đến nội dung nghiên cứu: mục tiêu, nội dung của phân môn Học vần; đặc điểm tâm sinh lí của HS lớp 1; trò chơi và trò chơi học tập.
– Thiết kế các trò chơi dạy học Học vần.
– Đề xuất biện pháp và quy trình tổ chức trò chơi dạy học Học vần.
III. GIẢ THUYẾT KHOA HỌC
Nếu thiết kế được hệ thống trò chơi hấp dẫn và tổ chức một cách hợp lí thì HS sẽ nhanh chóng nhận biết được mặt chữ, hiệu quả dạy học Học vần sẽ được nâng cao.
IV. ĐỐI TƯỢNG VÀ KHÁCH THỂ NGHIÊN CỨU
1. Đối tượng nghiên cứu
– Hệ thống trò chơi, biện pháp và quy trình tổ chức trò chơi dạy học Học vần lớp 1.
2. Khách thể nghiên cứu
– Phương pháp dạy học Học vần.
V. PHẠM VI NGHIÊN CỨU
1. Lĩnh vực khoa học: Phương pháp dạy học Tiếng Việt ở tiểu học.
2. Đối tượng nghiên cứu: Quá trình đọc của HS lớp 1.
VI. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
– Phương pháp nghiên cứu văn bản, tài liệu
– Phương pháp tổng hợp – phân tích dữ liệu
VII. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ
Trò chơi là một vấn đề không còn quá xa lạ trong dạy học nói chung và dạy học tiểu học nói riêng. Các vấn đề lí luận về trò chơi đã được nhiều nhà sư phạm trên thế giới cũng như ở nước ta quan tâm, nghiên cứu. Với sự đa dạng của hình thức tổ chức cũng như những ý nghĩa, tác dụng to lớn mà trò chơi đem lại, trò chơi được nghiên cứu theo nhiều khuynh hướng khác nhau:
– Khuynh hướng thứ nhất: Các nhà sư phạm nghiên cứu trò chơi và sử dụng nó với mục đích giáo dục – phát triển nhân cách toàn diện cho trẻ. Tiêu biểu cho khuynh hướng này là N.K. Crupxkaia, I.A. Komenxki, Đ. Lokk, J.J. Rutxo, Saclơ Phuriê, Robert Owen, A.X. Macarenco, E.I. Chikhieva, …
Các nhà sư phạm này cho rằng trò chơi có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. “Trò chơi học tập đẩy mạnh sự phát triển chung của trẻ, nó giúp trẻ xích lại gần nhau, phát huy tính độc lập của chúng. Nếu cô giáo biết cách tổ chức, hướng dẫn loại trò chơi này một cách khéo léo và sinh động thì trẻ sẽ rất thích thú và tràn ngập niềm vui” (Theo E.I. Chikkieva).
– Khuynh hướng thứ hai: Với các đại diện tiêu biểu là I.B. Bazedora, Ph. Phroebel, X.G. Zalxmana, …, họ nghiên cứu và sử dụng trò chơi học tập trong phạm vi dạy học. Ở đây, trò chơi được xem như là một hình thức dạy học sinh động có tác dụng lớn trong việc kích thích hứng thú cũng như xây dựng động cơ học tập cho HS tiểu học nói chung và HS lớp 1 nói riêng.
Nhà sư phạm nổi tiếng A.I Xôrôkina đã đưa ra một luận điểm vô cùng quan trọng về đặc thù của dạy học kết hợp với trò chơi: “Trò chơi học tập là một quá trình phức tạp, nó là hình thức dạy học và đồng thời nó vẫn là trò chơi … Khi các mối quan hệ chơi bị xóa bỏ, ngay lập tức trò chơi biến mất và khi ấy, trò chơi biến thành tiết học, đôi khi biến thành sự luyện tập”.
– Khuynh hướng thứ ba: Nghiên cứu và sử dụng trò chơi học tập vào mục đích giáo dục và phát triển một số năng lực, phẩm chất trí tuệ cho HS, mà tiêu biểu là các nhà sư phạm nổi tiếng như T.M. Babunova, A.K. Bodarenco, ….. Với khuynh hướng này, trò chơi học tập được xem như là một phương pháp dạy học hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc nâng cao tính tích cực, độc lập trong quá trình nhận thức của HS.
Ở nước ta, các nhà tâm lí cũng dành một sự quan tâm đặc biệt tới vấn đề này. Trong một số giáo trình giảng dạy trong các trường đại hoc như “giáo dục học”, “giáo dục học Tiểu học”, trò chơi được đề cập đến là một trong những phương pháp (PP) tích cực, kích thích hứng thú học tập cho HS. “Trò chơi là một hình thức tổ chức dạy học nhẹ nhàng, hấp dẫn, lôi cuốn HS vào học tập tích cực, vừa chơi, vừa học và học có kết quả”. Trong giáo trình Phương pháp dạy học Tiếng Việt cũng nhấn mạnh rằng trò chơi là một PPDH Học vần hiệu quả. Nó giúp giờ học sinh động, duy trì được hứng thú của HS, qua trò chơi, các em được tham gia học tập một cách chủ động và tích cực. Các tài liệu tham khảo khác như “Trò chơi học âm – vần tiếng Việt”, “Dạy và học môn Tiếng Việt ở tiểu học theo chương trình mới” cũng đã nghiên cứu một số vấn đề lí luận về trò chơi học tập ở tiểu học. Một số tài liệu đã xây dựng được hệ thống trò chơi Học vần – “Vui học Tiếng Việt”, “Trò chơi học âm – vần Tiếng Việt”, “Trò chơi thực hành Tiếng Việt”.
Tuy đã có được sự quan tâm, đầu tư nghiên cứu của các nhà tâm lí học, các nhà biên soạn sách nhưng PP trò chơi mới chỉ dừng lại ở lí thuyết. Hệ thống trò chơi được xây dựng vần còn nhiều hạn chế. Nội dung, hình thức trò chơi chưa phong phú, phần hướng dẫn chơi còn sơ sài. Điều đó dẫn đến kết quả mong muốn đạt được thông qua trò chơi không cao. Vì vậy, việc thiết kế hệ thống trò chơi Học vần lớp 1 có ý nghĩa quan trọng cả về mặt lí luận lẫn thực tiễn.
PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA VIỆC XÂY DỰNG TRÒ CHƠI HỌC VẦN CHO HỌC SINH LỚP 1
I. CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ DẠY HỌC PHÂN MÔN HỌC VẦN LỚP 1
1. Mục tiêu của việc dạy học phân môn Học vần
Mục tiêu cao nhất của việc dạy học Tiếng Việt là rèn cho học sinh (HS) bốn kĩ năng sử dụng tiếng Việt: nghe, nói, đọc, viết thông qua bảy phân môn: Học vần, Tập viết, Chính tả, Tập đọc, Luyện từ và câu, Tập làm văn, Kể chuyện. Trong đó, Học vần là phân môn khởi đầu giúp HS chiếm lĩnh và làm chủ một công cụ mới để sử dụng trong học tập và giao tiếp. Đó chính là chữ viết – phương tiện có ưu thế nhất trong giao tiếp của loài người. Vì vậy, có thể nói, Học vần là phân môn có vị trí đặc biệt quan trọng trong môn Tiếng Việt ở tiểu học.
Mục tiêu dạy học Học vần cũng như các phân môn khác là rèn luyện bốn kĩ năng cho HS là nghe, nói, đọc, viết. Tuy nhiên, kĩ năng nghe và nói đã khá quen thuộc với HS, kĩ năng đọc và viết còn nhiều mới lạ, không phải HS nào cũng được làm quen trước khi bước vào lớp 1. Bởi vậy, theo quan điểm hiện hành, mục tiêu đặc biệt cần đạt tới của phân môn Học vần là dạy chữ, tức là làm thế nào để HS biết đọc, biết viết một cách nhanh nhất. Việc chú trọng mục tiêu dạy chữ được thể hiện ở những điểm sau:
Một là, sách cung cấp vừa đủ lượng con chữ để thể hiện các đơn vị âm thanh và ghép các con chữ này thành các tiếng có thực trong tiếng Việt văn hoá.
Hai là, hệ thống chữ được đưa vào bài học theo đặc điểm chữ viết và theo nguyên tắc đi từ chữ cái cấu tạo đơn giản đến chữ cái có cấu tạo phức tạp dần.
Ba là, những khác biệt thể hiện trên chữ viết đều được lấy làm căn cứ để xây dựng bài học.
Với mỗi đơn vị chữ, sách giáo khoa (SGK) đều giới thiệu một tiếng thực làm tiếng khoá cho nó. Qua việc nhận diện tiếng, HS hiểu được các âm mà chữ thể hiện đồng thời biết được các âm, các tiếng đó được đọc như thế nào. Điều này đảm bảo việc dạy chữ và dạy âm được tiến hành song song với nhau.
2. Nội dung, chương trình phân môn Học vần
Trong chương trình môn Tiếng Việt 1, phân môn Học vần được giảng dạy trong vòng 21 tuần, mỗi tuần dạy 5 bài. Mỗi bài được dạy trong 2 tiết, thời lượng mỗi tiết dạy là 35 phút, giữa hai tiết có 5 phút nghỉ giải lao.
Nội dung của phân môn Học vần gồm hai phần. Phần một dạy về hệ thống âm, chữ ghi âm và thanh điệu bao gồm 28 bài đầu. Phần hai dạy về hệ thống vần, gồm 75 bài tiếp theo.
………..
Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Sáng kiến kinh nghiệm: Xây dựng trò chơi Học vần cho học sinh lớp 1 Mẫu sáng kiến kinh nghiệm lớp 1 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.