Quyết định số 952/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Chuyển Công ty mẹ – Tổng công ty Hàng không Việt Nam thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ———– Số: 952/QĐ-TTg |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 23 tháng 06 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
Chuyển Công ty mẹ – Tổng công ty Hàng không Việt Nam
thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
do Nhà nước làm chủ sở hữu
———————-
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp Nhà nước ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về chuyển đổi công ty Nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu;
Xét đề nghị của Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng không Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Chuyển Công ty mẹ – Tổng công ty Hàng không Việt Nam (sau đây gọi là Tổng công ty Hàng không Việt Nam) thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, với những nội dung chính sau đây:
1. Tên, loại hình doanh nghiệp và trụ sở.
a) Tên:
– Tên tiếng Việt: Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
– Tên tiếng Anh: Vietnam Airlines Company Limited.
– Tên viết tắt: Vietnam Airlines.
b) Loại hình doanh nghiệp: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
c) Địa chỉ trụ sở chính: Số 200, phố Nguyễn Sơn, phường Bồ Đề, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.
2. Hình thức pháp lý và tư cách pháp nhân:
Tổng công ty Hàng không Việt Nam là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam; có con dấu riêng; được mở tài khoản tại ngân hàng theo quy định của pháp luật; tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các quy định pháp luật có liên quan và Điều lệ tổ chức và hoạt động do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam là doanh nghiệp vận chuyển hàng không được cấp thương quyền vận chuyển hành khách, hàng hóa, bưu kiện; được cấp chứng chỉ khai thác tàu bay; đồng thời thực hiện chức năng đầu tư ra ngoài doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
3. Ngành nghề kinh doanh:
a) Ngành nghề kinh doanh chính: Đầu tư, quản lý vốn đầu tư và trực tiếp sản xuất, kinh doanh:
– Vận chuyển hàng không đối với hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu kiện, bưu phẩm, thư; hoạt động hàng không chung (bay chụp ảnh địa hình, khảo sát địa chất, bay hiệu chuẩn các đài dẫn đường hàng không, sửa chữa bảo dưỡng đường điện cao thế, phục vụ dầu khí, trồng rừng, kiểm tra môi trường, tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu y tế, bay phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng…);
– Bảo dưỡng tàu bay, động cơ, phụ tùng, thiết bị hàng không và các thiết bị kỹ thuật khác; sản xuất linh kiện, phụ tùng, vật tư tàu bay, trang thiết bị kỹ thuật và các nội dung khác thuộc lĩnh vực công nghiệp hàng không; cung ứng các dịch vụ kỹ thuật và vật tư phụ tùng cho các hãng hàng không trong nước và nước ngoài; xuất nhập khẩu tàu bay, động cơ, phụ tùng, thiết bị hàng không (thuê, cho thuê, thuê mua và mua, bán) và những mặt hàng khác theo quy định của Nhà nước.
b) Ngành nghề kinh doanh có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính:
– Vận tải đa phương thức; cung ứng các dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; các dịch vụ tại nhà ga hành khách, ga hàng hóa và các dịch vụ phục vụ sân đỗ tại các cảng hàng không, sân bay; dịch vụ giao nhận hàng hóa; sản xuất, chế biến, xuất, nhập khẩu thực phẩm để phục vụ trên tàu bay, các trang thiết bị phục vụ dây chuyền vận tải hàng không;
– Đầu tư và khai thác hạ tầng kỹ thuật tại các sân bay: nhà ga hành khách, hàng hóa, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ đồng bộ trong dây chuyền vận tải hàng không;
– Xuất, nhập khẩu và cung ứng xăng dầu, mỡ hàng không (bao gồm nhiên liệu, dầu mỡ bôi trơn và chất lỏng chuyên dùng) và xăng dầu khác tại các cảng hàng không sân bay và các địa điểm khác;
– Dịch vụ đại lý cho các hãng hàng không, các nhà sản xuất tàu bay, động cơ, thiết bị, phụ tùng tàu bay, các công ty vận tải, du lịch trong nước và nước ngoài; cung ứng dịch vụ thương mại, du lịch, khách sạn, bán hàng miễn thuế tại nhà ga hàng không và tại các tỉnh, thành phố; các dịch vụ hàng không khác;
– Tài chính, cho thuê tài chính, ngân hàng; in ấn, xây dựng, tư vấn xây dựng;
– Đào tạo; cung ứng, xuất, nhập khẩu lao động, khoa học, công nghệ và các dịch vụ chuyên ngành hàng không khác;
– Đầu tư ra nước ngoài; mua, bán doanh nghiệp; góp vốn, mua cổ phần hoặc chuyển nhượng vốn góp, bán cổ phần và kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật;
– Các lĩnh vực, ngành nghề khác theo quy định của pháp luật.
4. Vốn điều lệ tại thời điểm 31 tháng 12 năm 2009 là: 8.942 tỷ đồng (tám nghìn, chín trăm bốn mươi hai tỷ đồng chẵn).
Việc điều chỉnh, bổ sung vốn điều lệ thực hiện theo quy định của pháp luật.
5. Thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu:
Thủ tướng Chính phủ và các Bộ theo sự ủy quyền của Chính phủ thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
Download file tài liệu để xem thêm chi tiết
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Quyết định số 952/QĐ-TTG Chuyển Công ty mẹ – Tổng công ty Hàng không Việt Nam thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.