Quyết định số 906/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ——————- Số: 906/QD-TTg |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển
điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030
____________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại các tờ trìn số 2684/TTr-BCT ngày 18 tháng 3 năm 2010 về định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và số 2725/TTr-BCT ngày 19 tháng 3 năm 2010 về định hướng quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam; ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại công văn số 4437/BTNMT-TCMT ngày 23 tháng 11 năm 2009 về kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Dự án quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 với các nội dung chính sau đây:
1. Quan điểm phát triển điện hạt nhân
a) Phát triển điện hạt nhân vì mục đích hoà bình là chính sách nhất quán của Việt Nam.
b) Phát triển điện hạt nhân dựa trên công nghệ hiện đại, đã được kiểm chứng và theo một chương trình dài hạn để tiến đến hình thành ngành công nghiệp điện hạt nhân Việt Nam.
c) Phát triển điện hạt nhân phải đảm bảo an toàn cho con người và môi trường.
d) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ điện hạt nhân.
đ) Huy động hợp lý các nguồn lực xã hội cho phát triển điện hạt nhân để đảm bảo thành công của chương trình phát triển điện hạt nhân.
e) Xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại các địa điểm lựa chọn theo từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa điểm, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và khu vực.
2. Mục tiêu phát triển điện hạt nhân
a) Mục tiêu tổng quát: từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân Việt Nam bảo đảm quản lý an toàn và khai thác hiệu quả các nhà máy điện hạt nhân, từng bước tăng dần tỷ lệ tham gia của các ngành công nghiệp trong nước vào việc thực hiện các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tiến đến tự chủ về thiết kế, chế tạo, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng các nhà máy điện hạt nhân.
b) Mục tiêu cụ thể:
– Đến năm 2015:
+ Thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên: hoàn thành phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt địa điểm, tổ chức lựa chọn nhà thầu, chuẩn bị đủ đội ngũ cán bộ quản lý dự án và các chuyên gia kỹ thuật nòng cốt cho chủ đầu tư, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khởi công xây dựng nhà máy.
+ Công nghệ điện hạt nhân: xây dựng được đội ngũ chuyên gia điện hạt nhân.
+ Tham gia của các ngành công nghiệp trong nước: quy hoạch, xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy và chuẩn bị năng lực cho các ngành công nghiệp trong nước tham gia cung cấp vật tư, thiết bị, xây dựng, lắp đặt, quản lý dự án, giám sát và kiểm tra chất lượng nhà máy điện hạt nhân.
+ Địa điểm xây dựng: hoàn tất việc chuẩn bị địa điểm cho khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
+ Đảm bảo an ninh cung cấp nhiên liệu hạt nhân: nghiên cứu các cơ chế, chính sách và giải pháp đảm bảo an ninh cung cấp nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân. Tổ chức điều tra, thăm dò nguồn tài nguyên urani, xây dựng cơ chế, chính sách về khai thác, sử dụng thương mại tài nguyên urani.
+ Quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng: hoàn thành quy hoạch địa điểm lưu giữ chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình của quốc gia. Nghiên cứu xây dựng các chính sách về quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Xây dựng năng lực nghiên cứu triển khai về xử lý chất thải phóng xạ.
+ Đảm bảo an toàn hạt nhân: ban hành đủ các văn bản quy phạm, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình, thủ tục phục vụ phê duyệt địa điểm, thiết kế và cấp phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Xây dựng đủ năng lực cho cơ quan quản lý an toàn hạt nhân để thực hiện các hoạt động cấp giấy phép liên quan đến đảm bảo an toàn hạt nhân cho giai đoạn đến khi bắt đầu khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
+ Tăng cường năng lực hỗ trợ kỹ thuật: xây dựng cơ quan hỗ trợ kỹ thuật độc lập có đủ năng lực để thực hiện phân tích, thẩm định, đánh giá an toàn hạt nhân cho giai đoạn phê duyệt địa điểm, thiết kế và cấp phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân; điều hành hoạt động của mạng lưới quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường; thực hiện việc kiểm định và hiệu chuẩn các thiết bị liên quan trong dự án; có năng lực kỹ thuật bước đầu trong ứng phó và xử lý các sự cố bức xạ và hạt nhân. Quy hoạch mạng lưới các cơ sở chữa bệnh do phóng xạ của quốc gia.
+ Đào tạo phát triển nguồn nhân lực hạt nhân: quy hoạch, tuyển dụng và đào tạo đủ cán bộ quản lý dự án, chuyên gia kỹ thuật cho chủ đầu tư, cán bộ chuyên môn cho các cơ quan nghiên cứu triển khai về công nghệ điện hạt nhân, cơ quan hỗ trợ kỹ thuật và cơ quan quản lý an toàn hạt nhân. Đồng thời quy hoạch các cơ sở đào tạo đại học, trên đại học chuyên ngành điện hạt nhân. Xây dựng các chính sách về đào tạo và sử dụng nhân lực điện hạt nhân.
+ Đầu tư và thu xếp tài chính: nghiên cứu và xây dựng cơ chế, chính sách về đầu tư và thu xếp tài chính cho việc thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
– Đến năm 2020:
+ Thực hiện xây dựng nhà máy điện hạt nhân nhân đầu tiên: hoàn thành việc xây dựng và đưa tổ máy đầu tiên của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào vận hành phát điện thương mại năm 2020, tổ máy 2 vào vận hành năm 2021.
+ Công nghệ điện hạt nhân: thực hiện được một số hoạt động chuyển giao công nghệ điện hạt nhân với đối tác nước ngoài, tập trung cho công nghệ thiết kế nhà máy điện hạt nhân.
+ Tham gia của các ngành công nghiệp trong nước: tổ chức để các ngành công nghiệp trong nước tham gia cung cấp vật tư, thiết bị, xây dựng, lắp đặt, vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng với giá trị hợp đồng từ 20% đến 30% tổng giá trị xây lắp công trình.
+ Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân: khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2; tiến hành công tác chuẩn bị địa điểm cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tiếp theo.
+ Đảm bảo an ninh cung cấp nhiên liệu hạt nhân: ban hành chính sách về đảm bảo an ninh cung cấp nhiên liệu hạt nhân, trong đó có việc thành lập quỹ đảm bảo an ninh nhiên liệu. Xây dựng lộ trình về nội địa hoá sản xuất nhiên liệu từ urani giàu nhập khẩu. Xây dựng cơ chế, chính sách về khai thác và sử dụng tài nguyên urani. Có năng lực để tiếp thu công nghệ chế tạo nhiên liệu hạt nhân và hệ thống phòng thí nghiệm về công nghệ urani hiện đại.
+ Quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng: ban hành đồng bộ các chính sách về quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, có hệ thống các phòng thí nghiệm hiện đại về công nghệ xử lý chất thải phóng xạ.
+ Đảm bảo an toàn hạt nhân: ban hành đủ các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình, thủ tục phục vụ cho việc cấp phép vận hành, bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân, đồng thời đảm bảo đủ năng lực cho cơ quan quản lý an toàn hạt nhân để thực hiện nhiệm vụ cấp phép.
+ Tăng cường năng lực hỗ trợ kỹ thuật: có cơ quan hỗ trợ kỹ thuật độc lập hoàn chỉnh, đủ năng lực thực hiện phân tích, thẩm định, đánh giá an toàn hạt nhân, quan trắc phóng xạ môi trường, kiểm định và hiệu chuẩn thiết bị hạt nhân, ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân đảm bảo phục vụ hiệu quả cho việc đưa nhà máy điện hạt nhân vào vận hành an toàn. Xây dựng xong cơ sở chẩn đoán và điều trị bệnh phóng xạ tại bệnh viện Ninh Thuận và Trung tâm chẩn đoán và điều trị bệnh phóng xạ của quốc gia tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
+ Đào tạo phát triển nguồn nhân lực hạt nhân: đảm bảo đủ nhân lực cho vận hành và bảo dưỡng tổ máy số 1 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, cơ quan an toàn hạt nhân, các cơ quan nghiên cứu triển khai và hỗ trợ kỹ thuật theo yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan này tại thời điểm năm 2020. Vận hành ổn định các cơ sở đào tạo đại học, trên đại học chuyên ngành điện hạt nhân.
+ Đầu tư và thu xếp tài chính: đảm bảo thu xếp tài chính cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên và chuẩn bị phương án thu xếp tài chính cho các nhà máy tiếp theo. Xây dựng cơ chế tài chính cho quản lý chất thải phóng xạ và tháo dỡ nhà máy khi hết hạn sử dụng.
– Đến năm 2030:
+ Thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân: triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tiếp theo, đưa điện hạt nhân thành một trong những nguồn năng lượng chủ lực của đất nước, chiếm tỷ lệ thích hợp trong cơ cấu nguồn điện của quốc gia.
+ Công nghệ điện hạt nhân: làm chủ được công nghệ thiết kế nhà máy điện hạt nhân và có khả năng tham gia thiết kế cùng với đối tác nước ngoài.
+ Tham gia của các ngành công nghiệp trong nước: các ngành công nghiệp trong nước tham gia vào các công trình nhà máy điện hạt nhân với giá trị hợp đồng chiếm từ 30% đến 40% tổng giá trị xây lắp công trình.
+ Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân: hoàn thành việc chuẩn bị địa điểm và khởi công xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tiếp theo.
+ Đảm bảo an ninh cung cấp nhiên liệu hạt nhân: làm chủ công nghệ sản xuất nhiên liệu hạt nhân, xây dựng dự án đầu tư cơ sở sản xuất nhiên liệu hạt nhân trong nước từ urani giàu nhập khẩu. Bắt đầu tổ chức khai thác thương mại tài nguyên urani trong nước.
+ Quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng: bắt đầu triển khai nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình của quốc gia; có hệ thống các phòng thí nghiệm đồng bộ và hiện đại về xử lý chất thải phóng xạ.
+ Đảm bảo an toàn hạt nhân: hoàn thiện, cập nhật, bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo năng lực của cơ quan quản lý an toàn hạt nhân phù hợp với sự phát triển của chương trình điện hạt nhân tại thời điểm năm 2030.
+ Tăng cường năng lực hỗ trợ kỹ thuật: tăng cường, bổ sung tiềm lực cho cơ quan hỗ trợ kỹ thuật độc lập và cho các cơ sở chẩn đoán và điều trị bệnh phóng xạ phù hợp với nhu cầu phát triển của chương trình điện hạt nhân tại thời điểm năm 2030.
+ Đào tạo phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân: đảm bảo đủ nhân lực cho chủ đầu tư, cơ quan an toàn hạt nhân, các cơ quan nghiên cứu triển khai và hỗ trợ kỹ thuật theo yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan này ở thời điểm năm 2030. Vận hành ổn định các cơ sở đào tạo đại học, trên đại học chuyên ngành điện hạt nhân.
+ Đầu tư và thu xếp tài chính: đảm bảo thu xếp tài chính cho nhà máy điện hạt nhân tiếp theo. Tổ chức vận hành cơ chế thu xếp tài chính cho quản lý chất thải phóng xạ và tháo dỡ nhà máy khi hết hạn sử dụng.
3. Định hướng phát triển các nhà máy điện hạt nhân
– Năm 2020: tổ máy điện hạt nhân đầu tiên, công suất khoảng 1000 MW vào vận hành.
– Năm 2025: tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân khoảng 8.000 MW, chiếm khoảng 7% tổng công suất nguồn điện.
– Năm 2030: tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân khoảng 15.000 MW, chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện.
Danh mục, quy mô công suất và tiến độ các tổ máy điện hạt nhân
STT Nhà máy Công suất
(MW) Năm vận hành
1 Điện hạt nhân Phước Dinh tổ máy 1 1000 2020
2 Điện hạt nhân Phước Dinh tổ máy 2 1000 2021
3 Điện hạt nhân Vĩnh Hải tổ máy 1 1000 2021
4 Điện hạt nhân Vĩnh Hải tổ máy 2 1000 2022
5 Điện hạt nhân Phước Dinh 3 1000 2023
6 Điện hạt nhân Phước Dinh 4 1000 2024
7 Điện hạt nhân Vĩnh Hải tổ máy 3 1000 2024
8 Điện hạt nhân Vĩnh Hải tổ máy 4 1000 2025
9 Điện hạt nhân khu vực miền Trung 1 và 2 2 x 1000 2026
10 Điện hạt nhân khu vực miền Trung 3 1.300 – 1.500 2027
11 Điện hạt nhân khu vực miền Trung 4 1.300 – 1.500 2028
12 Điện hạt nhân khu vực miền Trung 5 1.300 – 1.500 2029
13 Điện hạt nhân khu vực miền Trung 6 1.300 – 1.500 2030
Tổng công suất 15.000 – 16.000
4. Định hướng quy hoạch địa điểm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân
Để đáp ứng chương trình phát triển các nhà máy điện hạt nhân nêu trên, định hướng quy hoạch 8 địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, mỗi địa điểm có khả năng xây dựng từ 4 đến 6 tổ máy điện hạt nhân:
a) Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
b) Thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.
c) Thôn Lộ Liêu, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
d) Vũng La, thôn Phú Hải, xã Xuân Phương, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
đ) Thôn Sơn Tịnh, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
e) Bãi Chà Là, thôn Bình Tiên, xã Cống Hải, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận.
g) Thôn Gia Hòa, xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
h) Thôn Văn Bân, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
5. Các chính sách phát triển điện hạt nhân
a) Chính sách đầu tư:
– Đối với 4 tổ máy đầu tiên của Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư.
– Xem xét giao các tập đoàn kinh tế nhà nước có đủ tiềm lực và kinh nghiệm để đầu tư hoặc liên doanh đầu tư các tổ máy điện hạt nhân tiếp theo.
b) Chính sách về công nghệ:
– Định hướng công nghệ lựa chọn là công nghệ hiện đại, an toàn và được kiểm chứng, đảm bảo hiệu quả kinh tế; thuận lợi trong vận hành, bảo trì, sửa chữa, đào tạo nhân lực, quản lý, cũng như khả năng tiến tới nội địa hoá thiết bị.
– Quy mô công suất tổ máy:
+ Giai đoạn đầu sẽ lựa chọn tổ máy với công suất khoảng 1.000 MW.
+ Giai đoạn sau năm 2025: xem xét công suất tổ máy lớn hơn.
c) Chính sách về nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân:
– Cung cấp nhiên liệu hạt nhân: đến năm 2030, nhiên liệu của các nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam sẽ được nhập khẩu.
– Quản lý chất thải phóng xạ:
+ Các chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình sinh ra từ các nhà máy điện hạt nhân được lưu trữ tạm thời tại kho chứa của nhà máy để sau này được chuyển đến lưu trữ lâu dài tại bãi chứa chất thải quốc gia.
+ Chất thải phóng xạ hoạt độ cao, chủ yếu là nhiên liệu đã cháy, được lưu trữ tạm thời tại nhà máy điện hạt nhân, dưới hình thức lưu trữ ướt tại các bể ngâm trong nhà máy điện hạt nhân.
d) Chính sách về nội địa hóa: nội địa hoá chế tạo thiết bị cho nhà máy điện hạt nhân được tiến hành từng bước theo chương trình nội địa hoá được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
đ) Chính sách về quan hệ quốc tế trong phát triển điện hạt nhân:
– Khẳng định chủ trương sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, nghiên cứu tham gia các công ước và điều ước quốc tế liên quan đến phát triển nhà máy điện hạt nhân phù hợp với xu thế chung của quốc tế.
– Đẩy mạnh hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), ASEAN và một số nước thuộc tổ chức Hợp tác vùng (RCA), tích cực tham gia các hoạt động trong tổ chức Diễn đàn Hợp tác hạt nhân châu Á (FNCA).
– Đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia có kinh nghiệm và tiềm lực mạnh trong lĩnh vực điện hạt nhân.
6. Các giải pháp thực hiện
a) Giải pháp về tổ chức thực hiện:
– Xây dựng và hoàn thiện đầy đủ khuôn khổ pháp lý cho phát triển điện hạt nhân.
– Xây dựng và nâng cao năng lực kỹ thuật bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân: xây dựng cơ quan hỗ trợ kỹ thuật độc lập về an toàn hạt nhân với đầy đủ các trang thiết bị thí nghiệm hiện đại; đội ngũ cán bộ chuyên môn trình độ cao và nguồn tài chính cần thiết.
– Cơ cấu tổ chức điều hành thực hiện chương trình phát triển điện hạt nhân: thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quá trình thực hiện các dự án điện hạt nhân và phát triển cơ sở hạ tầng của ngành công nghiệp điện hạt nhân Việt Nam.
b) Giải pháp về đầu tư phát triển điện hạt nhân: ban hành các cơ chế, chính sách và các biện pháp hỗ trợ về đầu tư và tài chính, phù hợp với các quy định hiện hành và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
c) Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực:
– Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực theo các hình thức: đào tạo trong nước, đào tạo ngoài nước.
– Nâng cấp và thành lập các cơ sở đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thực hiện dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân; nhân lực cho thực hiện các hoạt động nghiên cứu triển khai (R&D) và hỗ trợ kỹ thuật; nhân lực cho các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân; nhân lực cho các cơ sở đào tạo.
d) Giải pháp về thông tin tuyên truyền:
– Xây dựng chương trình thông tin đại chúng về điện hạt nhân đồng bộ với chương trình phát triển điện hạt nhân.
– Phối hợp thường xuyên và chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước và tổ chức liên quan nhằm tạo nên sự hiểu biết cần thiết của công chúng đối với phát triển điện hạt nhân.
– Đảm bảo thông tin kịp thời và minh bạch về điện hạt nhân; duy trì sự ủng hộ của công chúng đối với tất cả các khâu của dự án điện hạt nhân, từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, triển khai và đưa vào vận hành các dự án điện hạt nhân.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Các Bộ, ngành, địa phương căn cứ nội dung Quyết định này, phổ biến và công bố công khai định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030. Đồng thời căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền theo quy định, các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư và các địa phương trong việc triển khai thực hiện định hướng quy hoạch này.
2. Trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương:
a) Bộ Công Thương:
– Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đầu tư xây dựng các dự án nhà máy điện hạt nhân theo định hướng tại Quyết định này, phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
– Theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển các nhà máy điện hạt nhân và những vấn đề mới phát sinh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh, bổ sung định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam cho phù hợp.
– Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chương trình nội địa hoá trong xây dựng, thiết kế và chế tạo thiết bị nhà máy điện hạt nhân.
b) Bộ Khoa học và Công nghệ: phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo triển khai các chương trình đẩy mạnh hoạt động khoa học – công nghệ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, hoàn thiện các văn bản pháp quy bảo đảm an toàn phát triển điện hạt nhân.
c) Bộ Tài nguyên và Môi trường:
– Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án điện hạt nhân.
– Tổ chức khảo sát, thăm dò đánh giá trữ lượng nguồn tài nguyên urani.
d) Bộ Kế hoạch và Đầu tư: chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, ban hành cơ chế huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển điện hạt nhân.
đ) Bộ Giáo dục và Đào tạo: chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển điện hạt nhân.
e) Bộ Ngoại giao: chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và đề xuất các hoạt động và giải pháp về quan hệ quốc tế phục vụ phát triển các dự án điện hạt nhân.
g) Bộ Công an: tổ chức thực hiện công tác bảo vệ khu vực xây dựng công trình nhà máy điện hạt nhân theo yêu cầu bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
h) Bộ Quốc phòng: phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức huy động nhân lực, phương tiện tham gia thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia khi xảy ra sự cố hạt nhân.
i) Các địa phương có địa điểm xây dựng dự án điện hạt nhân: chủ trì, phối hợp với các chủ đầu tư thực hiện việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dân, tái định cư cho các dự án điện hạt nhân theo quy định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: – Ban Bí thư Trung ương Đảng; – Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; – HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; – Văn phòng Trung ương Đảng; – Văn phòng Chủ tịch nước; – Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; – Văn phòng Quốc hội; – Ngân hàng Phát triển Việt Nam; – VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; – Lưu: VT, TCCV (5b). Q. |
THỦ TƯỚNG (đã ký) |
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Quyết định số 906/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.