Bạn đang xem bài viết ✅ Quyết định số 78/2008/QĐ-TTG Về một số chính sách thực hiện chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 08 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Quyết định số 78/2008/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Về một số chính sách thực hiện chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 08 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
—————

Số: 78/2008/QĐ-TTg

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

——————-

Hà Nội, ngày 10 tháng 06 năm 2008

QUYẾT ĐỊNH
Về một số chính sách thực hiện chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 08 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ
————————
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 08 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình bố trí dân cư;

Căn cứ Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt một số chính sách thực hiện chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn 2006 – 2010 và định hướng đến năm 2015 theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 08 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là chương trình bố trí dân cư).

Điều 2. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi áp dụng

Chính sách này áp dụng cho việc thực hiện bố trí, ổn định dân cư theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước tại các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015.

2. Đối tượng áp dụng

Hộ gia đình được bố trí, ổn định theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm:

a) Hộ gia đình bị mất nhà ở, đất ở, đất sản xuất do sạt lở, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất, lốc xoáy, sóng thần;

b) Hộ gia đình sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất, ngập lũ, lốc xoáy, sóng thần;

c) Hộ gia đình sống ở vùng đặc biệt khó khăn về đời sống như thiếu đất, nước để sản xuất; thiếu nước sinh hoạt; thiếu cơ sở hạ tầng; hộ thuộc diện nghèo sống du cư trên đầm phá, các làng chài trên sông nước, sống ở vùng bị ô nhiễm môi trường;

d) Hộ gia đình tự nguyện đến các vùng biên giới đất liền, khu kinh tế quốc phòng, hải đảo;

đ) Hộ gia đình đang sinh sống hợp pháp ở vùng xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng cần phải di chuyển ra khỏi các khu rừng để bố trí lại dân cư nhằm tạo điều kiện cho các hộ ổn định cuộc sống và phát triển bền vững;

e) Hộ gia đình đã di cư tự do đến các địa bàn trong cả nước hoặc đang ở vùng xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng nhưng không theo quy hoạch bố trí dân cư, đời sống còn khó khăn cần phải bố trí, ổn định vào vùng quy hoạch.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện chính sách

1. Hộ gia đình đến vùng dự án được Nhà nước hỗ trợ về di chuyển (nếu có), nhà ở, lương thực và các hỗ trợ khác; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển dịch vụ sản xuất tạo điều kiện ổn định đời sống, phát triển bền vững cộng đồng dân cư.

2. Ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu, kết hợp với ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn để thực hiện chương trình bố trí dân cư.

3. Chỉ hỗ trợ đầu tư các dự án đã đảm bảo các thủ tục đầu tư theo quy định hiện hành.

Điều 4. Chính sách đất đai

Căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật về đất đai, các địa phương có biện pháp thu hồi diện tích đất đai chưa sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả của các tổ chức, các nông, lâm trường hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để giao cho hộ gia đình, cá nhân thuộc các dự án bố trí dân cư.

Điều 5. Chính sách hỗ trợ

1. Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình:

Đối với các hộ thuộc đối tượng qui định tại khoản 2 Điều 2 Quyết định này được hỗ trợ ở nơi đi về di chuyển người, hành lý; hỗ trợ ở nơi đến về khai hoang, công cụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, nhà ở, lương thực (trong thời gian đầu đến vùng quy hoạch bố trí dân cư, tối đa không quá 12 tháng), nước sinh hoạt (nơi không có điều kiện xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung), mức hỗ trợ cụ thể như sau:

a) Khai hoang đất sản xuất, trong đó hỗ trợ khai hoang xây dựng đồng ruộng 7 triệu đồng/ha; khai hoang tạo nương cố định 4 triệu đồng/ha;

b) Hộ gia đình thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Quyết định này, mức hỗ trợ là 20 triệu đồng/hộ; trong đó, nếu di chuyển khác huyện hoặc ngoài tỉnh thì hỗ trợ ở nơi đi 4 triệu đồng/hộ và hỗ trợ ở nơi đến 16 triệu đồng/hộ;

c) Hộ gia đình thuộc đối tượng quy định tại điểm b và c khoản 2 Điều 2 Quyết định này, mức hỗ trợ như sau:

– Hộ gia đình di chuyển trong nội vùng dự án là 10 triệu đồng/hộ;

– Hộ gia đình di chuyển trong nội tỉnh đến vùng dự án là 12 triệu đồng/hộ; trong đó, nếu di chuyển khác huyện thì hỗ trợ ở nơi đi 2 triệu đồng/hộ và hỗ trợ ở nơi đến 10 triệu đồng/hộ;

– Hộ gia đình di chuyển ra ngoài tỉnh đến vùng dự án 15 triệu đồng/hộ; trong đó, hỗ trợ ở nơi đi 3 triệu đồng/hộ, hỗ trợ ở nơi đến 12 triệu đồng/hộ.

d) Hộ gia đình được bố trí, ổn định ở các xã biên giới đất liền Việt – Trung, mức hỗ trợ như sau:

– Hộ gia đình di chuyển đến thôn, bản giáp biên giới là 30 triệu đồng/hộ; nếu di chuyển từ huyện khác đến thôn, bản giáp biên giới thì hỗ trợ ở nơi đi 5 triệu đồng/hộ và hỗ trợ ở nơi đến 25 triệu đồng/hộ;

– Hộ gia đình di chuyển đến thôn, bản khác (không giáp biên giới), trong xã biên giới nhưng cùng huyện là 20 triệu đồng/hộ; nếu di chuyển từ huyện khác đến thôn, bản khác (không giáp biên giới), thuộc xã biên giới thì hỗ trợ ở nơi đi 4 triệu đồng/hộ và hỗ trợ ở nơi đến 16 triệu đồng/hộ;

đ) Hộ gia đình được bố trí, ổn định ở các xã biên giới đất liền Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia, mức hỗ trợ áp dụng theo Quyết định số 160/2007/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ là 20 triệu đồng/hộ; trường hợp nếu di chuyển khác huyện đến xã biên giới thì hỗ trợ ở nơi đi 4 triệu đồng/hộ và hỗ trợ ở nơi đến 16 triệu đồng/hộ.

e) Hộ gia đình di chuyển ra hải đảo, mức hỗ trợ như sau:

– Đối với đảo cách đất liền dưới 50 hải lý là 80 triệu đồng/hộ, trong đó hỗ trợ ở nơi đi 8 triệu đồng/hộ, hỗ trợ ở nơi đến 72 triệu đồng/hộ;

– Đối với đảo cách đất liền từ 50 hải lý trở lên là 132 triệu đồng/hộ, trong đó hỗ trợ ở nơi đi 12 triệu đồng/hộ, hỗ trợ ở nơi đến 120 triệu đồng/hộ;

– Đối với đảo có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, phương tiện vận chuyển khó khăn, mức hỗ trợ căn cứ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có đảo, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, quy định cụ thể kinh phí để mua lương thực thời gian đầu đến đảo, xây dựng nhà ở và công trình cấp nước sinh hoạt.

g) Hộ gia đình thuộc đối tượng quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 2 Quyết định này, mức hỗ trợ, bồi thường và tái định cư thực hiện theo quy định tại Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và các quy định khác có liên quan.

h) Hộ gia đình thuộc đối tượng quy định tại điểm e khoản 2 Điều 2 Quyết định này, tự nguyện chấp hành chuyển đến vùng quy hoạch dân cư theo sắp xếp của chính quyền các cấp ở địa phương nơi đến thì được xem xét giao đất ở, đất sản xuất theo mức và điều kiện giao đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đến quy định. Mức hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình thuộc đối tượng này không quá 3 triệu đồng/hộ; mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đến quy định phù hợp với hình thức, cự ly và địa bàn di chuyển.

Trường hợp là hộ dân tộc thiểu số, đời sống quá khó khăn thì được xem xét hỗ trợ thêm kinh phí để mua lương thực trong thời gian đầu đến vùng dự án bố trí dân cư, giống cây lương thực, phân bón cho vụ đầu, giải quyết nước sinh hoạt. Mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đến quy định nhưng không quá 5 triệu đồng/hộ;

i) Ngoài mức hỗ trợ nêu trên hộ di chuyển đến vùng trũng thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long được hỗ trợ thêm 1,2 triệu đồng/hộ để mua 01 chiếc xuồng làm phương tiện đi lại (tên xã thuộc vùng trũng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định); hộ di dân từ vùng đồng bằng, trung du, miền núi lên vùng cao được hỗ trợ thêm tiền di chuyển 0,7 triệu đồng/hộ (tên xã thuộc vùng cao theo quy định của Ủy ban Dân tộc).

2. Chính sách hỗ trợ cộng đồng:

a) Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu đối với vùng bố trí, sắp xếp dân cư tập trung, bao gồm các hạng mục: bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có); san lấp mặt bằng đất ở tại điểm tái định cư; khai hoang đất sản xuất (đối với khai hoang tập trung); đường giao thông (nội vùng dự án và đường nối điểm dân cư mới đến tuyến giao thông gần nhất); thủy lợi nhỏ; phòng học bậc phổ thông cơ sở, nhà mẫu giáo, nhà trẻ; trạm y tế; công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và một số công trình thiết yếu khác.

Chủ đầu tư dự án bố trí dân cư căn cứ vào hiện trạng cơ sở hạ tầng của cộng đồng dân cư vùng dự án và địa bàn xây dựng điểm tái định cư để lựa chọn quyết định đầu tư xây dựng các hạng mục công trình. Chỉ đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình chưa có nhưng có nhu cầu hoặc nâng cấp, sửa chữa các công trình đã xuống cấp, không nhất thiết phải xây dựng đủ các hạng mục công trình nêu trên;

b) Đối với xã nhận dân đến ở xen ghép theo chỉ tiêu kế hoạch của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao thuộc đối tượng qui định tại khoản 2 Điều 2 Quyết định này thì được hỗ trợ là 30 triệu đồng/hộ để thực hiện các việc: điều chỉnh đất ở, đất sản xuất để giao cho các hộ mới đến (khai hoang, bồi thường theo qui định khi thu hồi đất của tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất); xây dựng mới hoặc nâng cấp một số công trình hạ tầng thiết yếu như: lớp học, trạm xá, thủy lợi nội đồng, đường dân sinh, công trình cấp nước công cộng. Các hạng mục công trình được lựa chọn để nâng cấp hoặc đầu tư mới do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định theo thứ tự ưu tiên và phù hợp với thực tế của địa phương trên cơ sở có sự tham gia của cộng đồng dân cư sở tại.

Điều 6. Một số chính sách khác

1. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề cho các lao động thuộc hộ gia đình được bố trí, sắp xếp đến vùng dự án bố trí dân cư nhưng không đảm bảo quỹ đất sản xuất nông nghiệp để ổn định đời sống, mức hỗ trợ cụ thể áp dụng theo khoản 3 Điều 1 Quyết định số 81/2005/QĐ-TTg ngày 18 tháng 04 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn. Những hộ nghèo di chuyển đến vùng quy hoạch bố trí dân cư được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển sản xuất theo quy định hiện hành.

2. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc lồng ghép chính sách thuộc các chương trình, dự án khác trên địa bàn với dự án thuộc chương trình bố trí dân cư.

Download file tài liệu để xem thêm chi tiết

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Quyết định số 78/2008/QĐ-TTG Về một số chính sách thực hiện chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 08 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

Tham khảo thêm:   Mẫu giấy chứng nhận đầu tư cấp cho nhà đầu tư nước ngoài

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *