Bạn đang xem bài viết ✅ Quyết định số 2011/QĐ-TTG Về việc thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước các dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 và nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Quyết định số 2011/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Về việc thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước các dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 và nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
———–

Số: 2011/QĐ-TTg

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

————————-

Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2009

QUYẾT ĐỊNH
Về việc thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước
các dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy nhiệt điện Long Phú 1
và nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2
—————-

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 8904/BKH-GS&TĐĐT ngày 18 tháng 11 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước các dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 và nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Thành phần Hội đồng bao gồm:

– Ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Chủ tịch Hội đồng.

– Ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Phó Chủ tịch Hội đồng.

– Các ủy viên Hội đồng:

1. Ông Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

2. Ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3. Ông Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Ông Ngô Thịnh Đức, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

5. Ông Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ Công Thương.

6. Ông Phạm Sỹ Danh, Thứ trưởng Bộ Tài chính.

7. Ông Bùi Hồng Lĩnh, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

8. Ông Bùi Phạm Khánh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

9. Ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

10. Ông Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Công an.

11. Ông Lê Đình Tiến, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

12. Ông Văn Trọng Lý, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

13. Ông Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

14. Ông Đỗ Văn Tắc, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng.

15. Ông Trần Thành Nghiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng (tham gia thẩm định Dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú 1).

16. Ông Phạm Văn Ca, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình (tham gia thẩm định Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định.

Hội đồng thẩm định Nhà nước có các Tổ chuyên môn để giúp Hội đồng thực hiện công việc thẩm định, đánh giá, trong đó có Tổ thường trực và Thư ký tổng hợp.

Điều 2. Hội đồng thẩm định Nhà nước có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

– Tổ chức thẩm định các dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 và nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 trình Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định để xem xét, báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư;

– Yêu cầu Chủ đầu tư cung cấp các tài liệu, thông tin có liên quan đến dự án đầu tư để phục vụ công tác thẩm định; khi cần thiết yêu cầu Chủ đầu tư sửa đổi, bổ sung hồ sơ tài liệu đáp ứng các yêu cầu thẩm định;

– Được mời các tổ chức tư vấn, chuyên gia trong nước tham gia thẩm định hay phản biện Dự án;

– Thành lập các Tổ chuyên môn, Tổ thường trực và Thư ký tổng hợp theo yêu cầu công tác thẩm định;

– Xem xét, quyết định các vấn đề về quy chế làm việc, chương trình và kế hoạch công tác của Hội đồng và các vấn đề khác có liên quan trong quá trình thẩm định Dự án.

Điều 3. Kinh phí thẩm định Dự án và chi phí thuê tư vấn thẩm định do cơ quan thường trực Hội đồng lập dự trù trình Chủ tịch Hội đồng xem xét, quyết định để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện.

Điều 4. Trách nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên trong Hội đồng:

1. Chủ tịch Hội đồng:

– Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thẩm định, tiến bộ và các hoạt động thẩm định theo nhiệm vụ được giao, những ý kiến đánh giá kết quả thẩm định, kết luận và kiến nghị của Hội đồng về các nội dung của Dự án;

– Xem xét phê chuẩn quy chế làm việc của Hội đồng, kế hoạch thẩm định, quyết định triệu tập các cuộc họp Hội đồng, chủ trì các phiên họp, phân công trách nhiệm Phó Chủ tịch và các ủy viên Hội đồng, quyết định bổ nhiệm người phụ trách các Tổ;

– Trong các trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng triệu tập và chủ trì các phiên họp Hội đồng hoặc báo cáo trước Chính phủ một số nội dung hoặc công việc do Phó Chủ tịch trực tiếp phụ trách;

– Được mời đại diện các Bộ, ngành, địa phương liên quan, các cơ quan chuyên môn của Đảng, Quốc hội tham dự và đóng góp ý kiến tại một số phiên họp của Hội đồng về những vấn đề liên quan đến nội dung thẩm định của Hội đồng;

– Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng có thể yêu cầu các Bộ, các cơ quan Chính phủ, các tổ chức tư vấn trong nước thực hiện nhiệm vụ thẩm định độc lập mang tính chất chuyên sâu.

2. Phó Chủ tịch Hội đồng:

– Giúp Chủ tịch Hội đồng tổ chức bộ máy làm việc, chỉ đạo các hoạt động của Hội đồng, theo dõi và thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng được Chủ tịch Hội đồng ủy nhiệm (mời họp, chủ trì cuộc họp, báo cáo trước Chính phủ), báo cáo thường xuyên về tình hình và kết quả thực hiện của Hội đồng. Thay mặt Chủ tịch Hội đồng quyết định các vấn đề liên quan đến triển khai, điều hành công việc của Hội đồng khi được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền;

– Giúp Chủ tịch Hội đồng xem xét, đánh giá các báo cáo chuyên môn và các hoạt động khác của Hội đồng để trình Thủ tướng Chính phủ;

– Trực tiếp chỉ đạo Tổ thường trực và thư ký tổng hợp. Quyết định về bộ máy, quy chế làm việc của Tổ thường trực và Thư ký tổng hợp theo yêu cầu nhiệm vụ.

3. Các ủy viên Hội đồng:

– Xem xét, có ý kiến về các nội dung thẩm định Dự án trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ, cơ quan và địa phương do ủy viên Hội đồng phụ trách và về những vấn đề chung của Dự án;

– Giúp Hội đồng tổ chức các lực lượng chuyên gia, phương tiện làm việc, cơ sở nghiên cứu (Bộ, cơ quan) thuộc quyền quản lý của ủy viên đó để hoàn thành nhiệm vụ được giao;

– Tham dự đầy đủ các phiên họp của Hội đồng, trao đổi đóng góp ý kiến về các nội dung xem xét, thẩm định và biểu quyết các kết luận của Hội đồng khi cần thiết. Trường hợp đặc biệt không thể tham dự được, ủy viên Hội đồng phải có ý kiến bằng văn bản, đồng thời ủy quyền cho đại diện tham dự. Người được ủy quyền phải hiểu biết tổng thể về Dự án để đóng góp ý kiến về vấn đề Hội đồng xem xét, thẩm định và tham gia biểu quyết (khi cần thiết). Ý kiến của đại diện được ủy quyền là ý kiến của ủy viên đó trong Hội đồng.

Điều 5. Quy chế làm việc cụ thể của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng quyết định.

Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan thường trực Hội đồng:

– Huy động bộ máy giúp Chủ tịch Hội đồng tổ chức công việc thẩm định Dự án và các hoạt động chung của Hội đồng. Phối hợp với các cơ quan, các Tổ (chuyên môn, thường trực), các tổ chức tư vấn và các chuyên gia để thực hiện các công việc thẩm định;

– Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ Dự án, gửi hồ sơ Dự án đến các thành viên Hội đồng, lập và trình kế hoạch thẩm định Dự án;

– Tổng hợp các ý kiến thành viên Hội đồng, đề xuất, trình Chủ tịch Hội đồng xem xét, quyết định những vấn đề cần xử lý trong quá trình thẩm định (lựa chọn cơ quan tư vấn thẩm định, làm việc với chủ đầu tư, tổ chức tư vấn, tổ chức tư vấn khảo sát…);

– Chuẩn bị các chương trình, nội dung, dự kiến các nội dung kết luận và biểu quyết, mời họp, tài liệu và phương tiện làm việc cho các phiên họp của Hội đồng;

– Chuẩn bị các nội dung yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của các thành viên trong Hội đồng, các tổ, nhóm chuyên môn trong quá trình thẩm định, trình Chủ tịch Hội đồng (hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng) thông qua và ký văn bản yêu cầu khi được yêu cầu;

– Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng giao;

– Chuẩn bị báo cáo của Hội đồng, trình Thủ tướng Chính phủ;

– Lập dự trù kinh phí liên quan đến các hoạt động của Hội đồng trình Chủ tịch Hội đồng thông qua, phối hợp quản lý chi phí theo đúng chế độ Nhà nước quy định.

Điều 7. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến quá trình thẩm định Dự án, cấp kinh phí hoạt động theo yêu cầu của Hội đồng.

Điều 8. Hội đồng sẽ giải tán khi kết thúc nhiệm vụ.

Điều 9. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đồng chí có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, ngành, địa phương liên quan (Điều 1);
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng Trung ương Đảng;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;
– Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam;
– VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, ĐP, TKBT;
– Lưu: VT, KTN (04).
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG

(đã ký)

Hoàng Trung Hải

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Quyết định số 2011/QĐ-TTG Về việc thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước các dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 và nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

Tham khảo thêm:   Bài tập cuối khóa Mô đun 9 môn Lịch sử - Địa lí THPT Đáp án bài tập cuối khóa Module 9 THPT

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *