Quyết định số 161/2004/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ————— |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 07 tháng 09 năm 2004 |
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ
Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
_____
Thủ tướng Chính phủ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 66/2004/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2004 của Chính phủ về việc chuyển Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vào Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
Quyết định:
Điều 1. Vị trí và chức năng
1. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là tổ chức thuộc Bộ Tài chính, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán; trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; quản lý các hoạt động dịch vụ công thuộc lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật.
2. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có tư cách pháp nhân, có con dấu hình quốc huy và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:
1. Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính các văn bản quy phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, năm năm, hàng năm về chứng khoán, thị trường chứng khoán;
2. Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định theo thẩm quyền hoặc để Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ việc thành lập, đình chỉ hoạt động hoặc giải thể Trung tâm Giao dịch chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán, các tổ chức khác có liên quan đến hoạt động chứng khoán và giao dịch chứng khoán;
3. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về chứng khoán, thị trường chứng khoán sau khi được phê duyệt;
4. Ban hành tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm chuyên môn nghiệp vụ, định mức kinh tế – kỹ thuật để áp dụng trong các tổ chức, đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật và của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
5. Cấp, gia hạn, đình chỉ hoặc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký phát hành, đăng ký giao dịch, giấy phép niêm yết, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề kinh doanh và dịch vụ chứng khoán theo quy định của pháp luật;
6. Tổ chức, quản lý Trung tâm Giao dịch chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán và các thị trường giao dịch chứng khoán có tổ chức, trung tâm lưu ký, đăng ký, thanh toán bù trừ chứng khoán;
7. Quản lý việc thực hiện các quy định về chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với các tổ chức phát hành chứng khoán ra công chúng, tổ chức niêm yết chứng khoán, tổ chức kinh doanh chứng khoán và tổ chức phụ trợ theo quy định của pháp luật;
8. Thanh tra, kiểm tra và giám sát các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động tại thị trường chứng khoán và xử lý các vi phạm về chứng khoán và thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật;
9. Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức hiệp hội chứng khoán thực hiện mục đích, tôn chỉ và Điều lệ hoạt động của hiệp hội; kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật của hiệp hội chứng khoán theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
10. Thực hiện chế độ báo cáo về chứng khoán và thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
11. Thực hiện hợp tác quốc tế về chứng khoán và thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
12. Thực hiện cải cách hành chính theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt;
13. Tổ chức công tác phân tích dự báo, thông tin, tuyên truyền, phổ cập kiến thức, đào tạo và bồi dưỡng về chứng khoán và thị trường chứng khoán cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên thị trường chứng khoán;
14. Tổ chức nghiên cứu khoa học về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
15. Tổ chức, quản lý và ứng dụng công nghệ thông tin; hiện đại hóa công tác quản lý chứng khoán và thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
16. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của ủy ban Chứng khoán Nhà nước; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
17. Quản lý tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
18. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Tài chính giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
a) Bộ máy giúp việc Chủ tịch ủy ban Chứng khoán Nhà nước:
1. Ban Phát triển thị trường chứng khoán;
2. Ban Quản lý phát hành chứng khoán;
3. Ban Quản lý kinh doanh chứng khoán;
4. Ban Hợp tác quốc tế;
5. Ban Tổ chức cán bộ;
6. Ban Kế hoạch – Tài chính;
7. Ban Pháp chế;
8. Thanh tra;
9. Văn phòng (có đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh).
b) Các tổ chức sự nghiệp trực thuộc:
1. Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội;
2. Trung tâm Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh;
3. Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán;
4. Trung tâm Tin học và Thống kê;
5. Tạp chí Chứng khoán.
Việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Điều 4. Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gồm có Chủ tịch và các Phó Chủ tịch.
Chủ tịch ủy ban Chứng khoán Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Chủ tịch ủy ban Chứng khoán Nhà nước chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính về toàn bộ hoạt động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Phó Chủ tịch ủy ban Chứng khoán Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch ủy ban Chứng khoán Nhà nước và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch ủy ban Chứng khoán Nhà nước về lĩnh vực công tác được phân công.
Điều 5. Biên chế
Biên chế của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định trong tổng số biên chế của Bộ Tài chính.
Điều 6. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 7. Trách nhiệm thi hành
Bộ trưởng Bộ Tài chính, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch ủy ban Chứng khoán Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: – Ban Bí thư Trung ương Đảng, – Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, – Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, – HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, – Văn phòng Quốc hội, – Văn phòng Chủ tịch nước, – Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng, – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, – Tòa án nhân dân tối cao, – Cơ quan Trung ương của các đoàn thể, – Học Viện hành chính quốc gia, – Công báo, – VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, – Lưu: TCCB (5b), VT. |
Thủ tướng Chính phủ (đã ký) Phan Văn Khải |
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Quyết định số 161/2004/QĐ-TTG quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.