Bạn đang xem bài viết ✅ Quyết định 676/QĐ-TTg Đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cấp huyện ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế – xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng do Chính phủ Việt Nam xây dựng và triển khai trên phạm vi nông thôn toàn quốc.

Chính vì vậy, ngày 18/05/2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 676/QĐ-TTg phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017 – 2020. Wikihoc.com xin giới thiệu Quyết định 676/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện .

Nội dung Quyết định 676/QĐ-TTg năm 2017

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 676/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 18 tháng 05 năm 2017

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA TRÊN ĐỊA BÀN CẤP HUYỆN GIAI ĐOẠN 2017 – 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới và quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới;

Xét đề nghị của Bộ Xây dựng tại Tờ trình số 41/TTr-BXD ngày 29 tháng 6 năm 2016 và văn bản số 938/BXD-QHKT ngày 27 tháng 4 năm 2017 về việc phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017 – 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017 – 2020 (gọi tắt là Đề án) với những nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU

1. Quan điểm

– Xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện nhằm hình thành khu vực dân cư và cơ sở hạ tầng trên địa bàn cấp huyện phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp và nâng cao điều kiện sống người dân nông thôn gần với điều kiện sống người dân đô thị;

– Xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện gắn với mục tiêu, định hướng tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn phát triển; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, từng bước tạo điều kiện môi trường sử dụng tối đa lao động trên địa bàn huyện;

– Xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện nhằm định hướng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường và các dịch vụ xã hội phù hợp với định hướng đô thị hóa, nhằm từng bước chuẩn bị cho việc hình thành đô thị trên địa bàn, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng định hướng và đề xuất các giải pháp xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa giai đoạn 2016 – 2020 phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế cả nước; xây dựng nông thôn theo các tiêu chí huyện nông thôn mới phù hợp với đặc điểm từng vùng miền; định hướng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường và các dịch vụ xã hội, phù hợp với định hướng đô thị hóa, nhằm từng bước chuẩn bị cho việc hình thành đô thị trên địa bàn, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

b) Mục tiêu cụ thể:

– Cụ thể hóa Quyết định, số 558/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới và quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2020, có 30% số huyện được lập quy hoạch xây dựng vùng huyện (ưu tiên các huyện có mức độ đô thị hóa cao). Xác định các định hướng của một số ngành và lĩnh vực trong quá trình xây dựng nông thôn mới nhằm phục vụ quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và phục vụ dân sinh gắn với các vùng sản xuất hàng hóa lớn trên địa bàn huyện và từng tiểu vùng trong huyện, làm tiền đề cho việc phát triển đô thị trên địa bàn huyện.

– Xác định hướng phát triển, nguyên tắc áp dụng các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật cho các khu chức năng, cơ sở hạ tầng nông thôn tại các huyện có tốc độ đô thị hóa cao (thuộc các đô thị lớn) để vừa đảm bảo yêu cầu xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016 – 2020, đồng thời hạn chế đầu tư lãng phí hoặc gây bất cập cho quá trình phát triển đô thị;

Tham khảo thêm:   Mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước Mẫu đơn

– Lập kế hoạch thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa trong giai đoạn 2017 – 2020; đề xuất các chương trình, dự án, dự kiến kinh phí và phân công các Bộ, ngành và địa phương phối hợp tổ chức thực hiện.

II. ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Các định hướng theo ngành và lĩnh vực:

a) Xây dựng các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn huyện

– Hình thành các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất cấp huyện gắn với các thị trấn, trung tâm cụm xã, các cụm công nghiệp và các thị tứ (hiện có hoặc dự kiến hình thành trên địa bàn huyện) gắn kết thuận lợi với hệ thống hạ tầng khung, đảm bảo phục vụ cho tiểu vùng trong huyện nhằm phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, gắn với vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn trong tiểu vùng;

– Các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất cấp huyện gồm các chức năng: sản xuất công nghiệp (chủ yếu là chế tạo nông cụ, công nghiệp chế biến gắn với các vùng sản xuất chuyên canh); về thương mại (chuyên doanh bán buôn nông sản và vật tư nông nghiệp, chế biến bảo quản, kho bãi); về dịch vụ sản xuất nông nghiệp, tập trung phát triển các lĩnh vực (khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y, quản lý chất lượng), dịch vụ thị trường (phân tích, dự báo thị trường; thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng; bảo hiểm rủi ro, phòng chống thiên tai; bảo vệ môi trường) và dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống (giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao). Đối với khu vực nông thôn trong các đô thị lớn có tốc độ đô thị hóa cao, cần bổ sung thêm một số chức năng khác như nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; khai thác du lịch, thương mại kết hợp sản xuất nông nghiệp.

b) Phát triển các điểm dân cư tập trung trên địa bàn xã

Đối với khu vực nông thôn ngoài đô thị cần xác định các điểm dân cư có tiềm năng phát triển để tập trung đầu tư, xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu bố trí dân cư mới phát triển hàng năm trên địa bàn xã. Định hướng tổ chức không gian các điểm dân cư tập trung theo vùng: Đồng bằng sông Hồng, Trung du, Đồng bằng vùng Duyên hải Miền Trung và địa hình núi thấp thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc, vùng Đông Nam Bộ điểm dân cư tập trung được tổ chức trên cơ sở các thôn, xóm, bản; vùng Tây Nguyên, khu vực địa hình núi cao thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc, khu vực miền núi vùng Duyên hải Miền Trung được tổ chức theo mô hình cụm thôn, bản; vùng Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức trên cơ sở thôn, ấp, tuyến dân cư, là sự kết hợp giữa dân cư hiện có theo tuyến và dân cư mới phát triển tập trung.

Đối với khu vực nông thôn trong đô thị cần phải có các giải pháp tiết kiệm đất xây dựng (có thể xây dựng nhà 2-3 tầng). Tiến hành chỉnh trang, cải tạo các điểm dân cư hiện có, mở rộng và xây dựng khu dân cư theo hướng đô thị hóa nông thôn, đặc biệt chú trọng vào cải tạo, mở rộng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, cấp thoát nước … ngay trong điểm dân cư hiện có. Xây dựng nông thôn mới phù hợp với lộ trình, giai đoạn nâng cấp lên đô thị với mục tiêu phát triển kinh tế tối đa, sử dụng đất đai hiệu quả, có sự chuẩn bị cho việc lên đô thị, việc xây dựng nông thôn mới cần có sự gắn bó mật thiết với quá trình đô thị hóa, có sự kế thừa, tránh đầu tư lãng phí khi phát triển lên đô thị. Khi chưa có các dự án đầu tư phát triển đô thị – công nghiệp, thực hiện theo tiêu chí huyện nông thôn mới, nhưng phải đảm bảo phù hợp với các định hướng phát triển của đô thị. Khi có các dự án đầu tư phát triển đô thị – công nghiệp sẽ thực hiện theo các tiêu chí về đô thị.

c) Phát triển cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Công nghiệp phục vụ nông nghiệp và ngành nghề nông thôn tập trung vào sản xuất cung ứng phần lớn vật tư phục vụ nông nghiệp. Phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện có quy mô từ 30-50 ha, ưu tiên các cụm công nghiệp hình thành mới gắn với các điểm trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất được lựa chọn trên địa bàn huyện để tập trung đầu tư. Tại các làng nghề gây ô nhiễm môi trường nơi ở, cần tách các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư tập trung và hình thành các khu tiểu thủ công nghiệp tập trung. Quy mô các khu tiểu thủ công nghiệp này khoảng 5 ha đến 10 ha.

d) Phát triển dịch vụ thương mại

– Đến năm 2020, 56% tổng số xã trên cả nước đều có chợ đạt chuẩn nông thôn mới; từng bước hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các chợ;

Tham khảo thêm:   Bộ đề thi học kì 1 môn Tin học 11 năm 2023 - 2024 sách Kết nối tri thức với cuộc sống 2 Đề kiểm tra cuối kì 1 Tin học 11 (Có đáp án + Ma trận)

– Trong giai đoạn 2016 – 2020, từng bước xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công cho sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn;

– Tại các điểm trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn huyện hình thành mạng lưới chợ trung tâm huyện, một số loại hình tổ chức phân phối như siêu thị, trung tâm thương mại quy mô nhỏ và vừa (chủ yếu là hạng III), cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi. Phát triển các loại hình tổ chức thương mại đặc thù tại các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung hoặc vùng ven đô. Hình thành các trung tâm đấu giá và sở giao dịch hàng nông sản.

đ) Phát triển cơ sở hạ tầng khung

– Đảm bảo phục vụ cấp nước cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế. Hỗ trợ người dân nông thôn hoàn tất việc xây dựng các công trình vệ sinh hộ gia đình (nhà tắm, nhà vệ sinh) và hỗ trợ cộng đồng, địa phương xây dựng các công trình vệ sinh và môi trường công cộng (nhà vệ sinh công cộng, nhà tắm, bến nước…);

– Phát triển giao thông vận tải trên địa bàn huyện một cách bền vững, tạo sự liên kết, liên hoàn thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia đến đường tỉnh, đường huyện, đường xã, giữa các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, vùng nguyên liệu với các cụm công nghiệp chế biến, tạo sự kết nối giữa sản xuất – chế biến và tiêu thụ, kết hợp giữa kinh tế với an ninh, quốc phòng;

– Cải tạo và phát triển đồng bộ hệ thống lưới điện, bảo đảm đủ điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; nâng cao chất lượng điện phục vụ sinh hoạt của dân cư nông thôn. Phát triển hệ thống bưu chính viễn thông, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo;

– Đối với cơ sở hạ tầng tại các huyện có tốc độ đô thị hóa cao cần rà soát, tính toán việc áp dụng các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật của đô thị nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng được đầu tư trong quá trình xây dựng nông thôn mới để phát triển đô thị.

e) Phát triển hệ thống hạ tầng xã hội

Phát triển hệ thống công trình giáo dục trung học phổ thông, hệ thống công trình y tế cấp huyện (cấp tiểu vùng trong huyện) gắn với các điểm trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất. Quy mô diện tích của các công trình được xác định dựa trên nhu cầu thực tế của từng vùng, từng địa phương và bảo đảm phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

2. Các giải pháp và kế hoạch thực hiện

a) Giải pháp về quy hoạch

– Đối với khu vực nông thôn ngoài đô thị tiến hành rà soát, lập quy hoạch xây dựng vùng huyện nhằm xác định các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn huyện, xác định các công trình hạ tầng khung ưu tiên đầu tư để làm cơ sở hình thành các điểm trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn huyện. Đồng thời rà soát điều chỉnh quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới phù hợp với các định hướng lớn xác định trong quy hoạch xây dựng vùng huyện. Nội dung, trình tự, thẩm định lập quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng xã thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014;

– Đối với khu vực nông thôn trong đô thị cần rà soát các quy hoạch đô thị (quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết) của các khu vực nông thôn trong đô thị, đối chiếu với các quy hoạch chung huyện, quy hoạch xã nông thôn mới tại các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao (nằm trong các khu vực dự kiến phát triển đô thị). Xây dựng kế hoạch phát triển đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới đối với các khu vực dự kiến phát triển đô thị ngắn hạn và dài hạn;

– Quy hoạch xây dựng các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện được thực hiện theo quy định lập thẩm định phê duyệt quy hoạch khu chức năng đặc thù của Luật Xây dựng. Áp dụng có điều kiện các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật của đô thị về đất đai, hạ tầng kỹ thuật đối với các dự án trong khu vực, làm tiền đề phát triển đô thị;

– Điều chỉnh các quy hoạch sản xuất nông nghiệp, trong đó trọng tâm là các vùng sản xuất tập trung nông, lâm, thủy sản, hàng hóa chủ yếu, theo hướng hình thành một nền nông nghiệp hàng hóa lớn phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện sinh thái của từng vùng;

– Quy hoạch phát triển công nghiệp cần chú trọng vào phát triển điện và năng lượng tái tạo ở nông thôn, phát triển mạnh công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ hoặc cần nhiều cho lao động (sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác mỏ, chế biến nông, lâm, thủy sản, dệt may, da giầy, cơ khí lắp ráp và sửa chữa…); phát triển ngành nghề nông thôn; bố trí, sắp xếp nâng cao năng lực công nghiệp cơ khí, hóa chất phục vụ cho nông nghiệp.

Tham khảo thêm:   Bài giảng điện tử môn Đạo đức 3 sách Kết nối tri thức với cuộc sống (Cả năm) Giáo án PowerPoint Đạo đức lớp 3

b) Giải pháp đầu tư xây dựng

– Nhà nước tham gia đầu tư cùng các doanh nghiệp trong xây dựng, quản lý và vận hành các công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; sản xuất nông nghiệp thông qua cung cấp các dịch vụ công (khuyến nông, nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ, đào tạo nhân lực, thú y, bảo vệ thực vật,…); đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm; phân cấp mạnh mẽ cho các tổ chức nông dân và doanh nghiệp; phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa nhà nước và tư nhân (đối tác công tư, hợp tác công tư,…) để huy động nguồn lực xã hội cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công;

– Rà soát, phân loại các dự án đầu tư, điều chỉnh phương thức và nguồn đầu tư để thu hút tối đa nguồn lực đầu tư xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp. Nâng cao chất lượng quá trình lựa chọn dự án; ngân sách nhà nước tập trung đầu tư vào hệ thống hạ tầng khung hoặc các công trình mang tính động lực như cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được xác định ưu tiên đầu tư;

– Đối với khu vực nông thôn ngoài đô thị tập trung đầu tư vào hệ thống giao thông kết nối các xã đến các trung tâm dịch vụ hỗ trợ. Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các trung tâm dịch vụ hỗ trợ trên địa bàn huyện;

– Đối với khu vực nông thôn trong đô thị tập trung cải tạo khu dân cư hiện hữu (chỗ ở, hạ tầng kỹ thuật, môi trường…). Ưu tiên đầu tư các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị kết hợp với thương mại, dịch vụ cho đô thị. Lồng ghép các dự án đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị xác định tại các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại các khu vực nông thôn nằm trong Chương trình phát triển đô thị.

c) Hoàn thiện các cơ chế, chính sách

– Thực thi các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác) các nhóm kinh tế tự nguyện tham gia vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp;

– Chuyển giao một số chức năng dịch vụ công của nhà nước cho các hiệp hội (xúc tiến thương mại, khuyến nông, dự báo thị trường, tiêu chuẩn chất lượng, xử lý tranh chấp…); đẩy mạnh mối quan hệ liên kết giữa nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp;

– Xây dựng các chính sách để phát triển và giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác và nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thất thoát sau thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Từng bước hình thành mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng kết nối sản xuất, chế biến, phân phối và bán sản phẩm; kết nối công nghiệp phục vụ nông nghiệp với sản xuất nông nghiệp.

d) Kế hoạch, tiến độ thực hiện đề án

– Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lựa chọn 01 huyện để triển khai thí điểm các định hướng và giải pháp xác định trong Đề án với một số tiêu chí: Gắn với vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; có tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn huyện cao so với các huyện trong toàn tỉnh; cơ bản hoàn thành quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới; có kế hoạch xây dựng huyện nông thôn mới trong giai đoạn 2017 – 2020;

– Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia lựa chọn 08 địa phương triển khai thí điểm gồm: Lào Cai, Bắc Giang, Nghệ An, Ninh Thuận lựa chọn các huyện nằm ngoài khu vực đô thị; Hà Nội, Cần Thơ, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu lựa chọn các huyện nằm trong đô thị và các huyện có kế hoạch trở thành đô thị năm 2020;

– Ủy ban nhân dân các tỉnh còn lại lựa chọn 01 huyện đáp ứng tiêu chí lựa chọn huyện thí điểm để triển khai trong giai đoạn 2017 – 2020;

– Năm 2017: Tiến hành rà soát bổ sung các quy hoạch xây dựng (quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới, quy hoạch xây dựng vùng huyện), quy hoạch phát triển ngành và lĩnh vực liên quan đến xây dựng điểm trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn huyện. Lập quy hoạch xây dựng vùng huyện các huyện được lựa chọn thí điểm. Lập quy hoạch chi tiết xây dựng các điểm trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn huyện.

Download file tài liệu để xem thêm chi tiết.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Quyết định 676/QĐ-TTg Đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cấp huyện của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *