Bạn đang xem bài viết ✅ Quyết định 649/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án tăng cường năng lực quản lý, thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đối với các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam đến năm 2015 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Quyết định 649/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01 tháng 06 năm 2012 về việc phê duyệt Đề án tăng cường năng lực quản lý, thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đối với các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam đến năm 2015.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
——–
Số: 649/QĐ-TTg

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—————-

Hà Nội, ngày 01 tháng 06 năm 2012

QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC QUẢN LÝ, THỰC THI CÓ HIỆU QUẢ PHÁP LUẬT BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN TẬP THỂ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN TẠI VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2015

————–

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 06 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ ngày 18 tháng 06 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “tăng cường năng lực quản lý, thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đối với các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam đến năm 2015” với những nội dung chính sau đây:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây gọi tắt là tổ chức đại diện tập thể); hỗ trợ nâng cao năng lực của các tổ chức đại diện tập thể, hướng tới hoạt động chuyên nghiệp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội viên, thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật

Từng bước hoàn thiện chính sách, pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Đến năm 2015, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý Nhà nước đối với các tổ chức đại diện tập thể; ban hành các quy định cụ thể như: quy định về biểu giá, phương thức thanh toán tiền bản quyền; quy định về hoạt động giám định quyền tác giả, quyền liên quan… để làm cơ sở cho việc thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.

b) Về nâng cao nhận thức

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan thông qua việc tổ chức các hội thảo, lớp tập huấn, xuất bản tài liệu, xây dựng chương trình truyền thông phổ biến tới công chúng nói chung và các đối tượng liên quan nói riêng; các cán bộ quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan từ trung ương đến địa phương; cán bộ của các tổ chức đại diện tập thể; các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan; các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm, các đối tượng quyền liên quan.

c) Nâng cao năng lực của hệ thống tổ chức đại diện tập thể

– Các tổ chức đại diện tập thể có tổ chức bộ máy hoàn thiện, có nhân sự chuyên trách được đào tạo, am hiểu chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu quản lý quốc tế (ISO).

Tham khảo thêm:   Tổng hợp code Punch Wall Simulator và cách nhập

– Các tổ chức đại diện tập thể xây dựng và hoàn thiện trang web, phần mềm hệ thống, cơ sở dữ liệu để quản lý tác phẩm, các đối tượng quyền liên quan, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo tiêu chuẩn quốc tế; thực hiện tốt trách nhiệm quản lý, khai thác có hiệu quả các quyền ủy thác của hội viên đồng thời bảo đảm tính công khai, minh bạch các hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể.

– Các tổ chức đại diện tập thể thực thi có hiệu quả hoạt động cấp phép, thu và phân phối tiền bản quyền; phục vụ tối đa lợi ích của hội viên, của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng; tự trang trải kinh phí hoạt động.

d) Về hợp tác quốc tế

Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, ký kết hợp tác và đại diện bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan với các tổ chức đại diện tập thể quốc tế tương ứng.

II. NHIỆM VỤ

1. Đối với các tổ chức đại diện tập thể

a) Đề xuất xây dựng cơ chế chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể.

– Đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; về các tổ chức đại diện tập thể.

– Đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ cần thiết đối với các loại hình tổ chức đại diện tập thể.

b) Nâng cao nhận thức pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan của hội viên các tổ chức đại diện tập thể, các tổ chức và cá nhân khai thác sử dụng.

– Tổ chức nâng cao nhận thức pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan cho các hội viên của các tổ chức đại diện tập thể.

– Tổ chức nâng cao nhận thức pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan cho các tổ chức và cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm và các đối tượng quyền liên quan.

– Tổ chức tuyên truyền pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong hoạt động đại diện tập thể của các tổ chức đại diện tập thể.

c) Kiện toàn tổ chức, đào tạo cán bộ của các tổ chức đại diện tập thể.

– Củng cố, hoàn thiện bộ máy quản lý, nhân sự thúc đẩy hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể.

– Tổ chức đào tạo cán bộ của tổ chức đại diện tập thể.

2. Đối với cơ quan quản lý Nhà nước các tổ chức đại diện tập thể

a) Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách, pháp luật

– Tổ chức rà soát chức năng, Điều lệ, tổ chức bộ máy hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể.

– Xây dựng báo cáo đánh giá hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể làm cơ sở đề xuất quy hoạch phát triển hệ thống tổ chức đại diện tập thể ở Việt Nam.

– Tổ chức thu thập nghiên cứu các tài liệu, thông tin quốc tế liên quan đến hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể: cơ chế quản lý điều hành hoạt động, biểu giá thu và phân phối tiền bản quyền…, tại các quốc gia phát triển.

– Xây dựng Đề án trình các cấp có thẩm quyền tổ chức thành lập tổ chức đại diện tập thể mới quản lý nhóm quyền hiện chưa có tổ chức đại diện tập thể.

– Tổ chức rà soát các văn bản pháp luật quy định về quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và liên quan đến các tổ chức đại diện tập thể nói riêng.

– Tổ chức nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định hiện hành về quyền tác giả, quyền liên quan; về chính sách hỗ trợ đối với các tổ chức đại diện tập thể.

b) Nâng cao nhận thức pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.Tổ chức các hội thảo, lớp tập huấn về nghiệp vụ quyền tác giả, quyền liên quan; xuất bản tài liệu, xây dựng các chương trình truyền thông, các chiến dịch tuyên truyền, thực thi pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tới các đối tượng liên quan.

Tham khảo thêm:   Mẹo lên level 20 nhanh cho người mới chơi Pokémon GO

c) Tổ chức đào tạo cán bộ

– Đào tạo kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan cho cán bộ của các tổ chức đại diện tập thể thông qua việc tham dự hội thảo, lớp tập huấn nghiệp vụ ở trong nước, nước ngoài; tổ chức các chuyến nghiên cứu, khảo sát học tập kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trên thế giới về lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt chú trọng vào kỹ năng quản lý điều hành, thu và phân phối tiền bản quyền…

– Đào tạo kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan cho cán bộ thuộc các cơ quan quản lý, thực thi từ trung ương đến địa phương thông qua việc tham dự hội thảo, hội nghị, lớp tập huấn nghiệp vụ ở trong nước, nước ngoài; tổ chức các chuyến nghiên cứu, khảo sát học tập kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trên thế giới về lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt chú trọng vào kỹ năng xây dựng ban hành chính sách pháp luật, kinh nghiệm quản lý Nhà nước về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và kinh nghiệm thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan…

III. GIẢI PHÁP

1. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và quy định về hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể nói riêng; ban hành các quy định về biểu giá, phương thức thanh toán tiền bản quyền; về hoạt động giám định quyền tác giả, quyền liên quan; về chính sách hỗ trợ đối với các tổ chức đại diện tập thể; sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Điều lệ của các tổ chức đại diện tập thể… Đây là khâu quan trọng hàng đầu hiện nay, là giải pháp có tính đột phá tạo hành lang pháp lý để quản lý, thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan

– Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan bằng các hình thức nhằm nâng cao nhận thức và tri thức về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan trong cộng đồng nói chung, trong những tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan nói riêng.

– Tổ chức xuất bản sách và các tài liệu về quyền tác giả, quyền liên quan phổ biến tới cán bộ quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan. Tổ chức các hội thảo, các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và về tổ chức đại diện tập thể nói riêng cho các nhóm đối tượng khác nhau như: các nhà sáng tạo, các tổ chức cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm, các đối tượng quyền liên quan, người hưởng thụ và các đối tượng quản lý, thực thi.

3. Nâng cao năng lực của hệ thống các tổ chức đại diện tập thể

– Củng cố hoàn thiện bộ máy quản lý, nhân sự của các tổ chức đại diện tập thể.

– Tổ chức đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ của các tổ chức đại diện tập thể.

– Chuẩn hóa hệ thống tổ chức, bộ máy, lĩnh vực quản lý, các chế độ báo cáo, chế độ tài chính, các quy trình đàm phán, thu và phân phối tiền bản quyền tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, đạt tiêu chuẩn quản lý quốc tế (ISO).

4. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

– Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với các tổ chức đại diện tập thể thông qua việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; về các tổ chức đại diện tập thể; tăng cường giám sát, kiểm tra, chỉ đạo các tổ chức đại diện tập thể hoạt động tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật.

– Tổ chức rà soát hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể; củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy của các tổ chức đại diện tập thể có nhân sự chuyên trách am hiểu chuyên môn, nghiệp vụ; quy hoạch hệ thống tổ chức đại diện tập thể; thành lập tổ chức đại diện tập thể mới quản lý nhóm quyền hiện chưa có tổ chức quản lý tập thể theo thông lệ quốc tế.

Tham khảo thêm:   Lịch sử 11 Bài 2: Sự xác lập và phát triển của chủ nghĩa tư bản Soạn Sử 11 Cánh diều trang 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19

– Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đáp ứng yêu cầu thực tiễn thực thi pháp luật tại quốc gia và cam kết tại các điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan.

5. Tăng cường hợp tác quốc tế

– Tăng cường quản lý, chỉ đạo công tác hợp tác quốc tế, tận dụng có hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức đại diện tập thể quốc gia và quốc tế thông qua việc ký kết các chương trình hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật.

– Từng bước nghiên cứu, tiến tới ký kết ủy thác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan với các tổ chức đại diện tập thể quốc tế tương ứng khi có đủ điều kiện.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Tổng kinh phí dự kiến: 12 tỷ đồng (mười hai tỷ đồng).

2. Nguồn kinh phí: Từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn đóng góp hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; kinh phí lồng ghép của các Chương trình phát triển kinh tế xã hội khác. Ngân sách Nhà nước được cấp hàng năm theo quy định hiện hành.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

– Chủ trì triển khai thực hiện Đề án “tăng cường năng lực quản lý, thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đối với các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam đến năm 2015” đã được phê duyệt.

– Xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ tổ chức thực hiện Đề án theo tiến độ đã được phê duyệt; tổng hợp kế hoạch hàng năm để cân đối điều phối kinh phí ngân sách thực hiện Đề án.

– Phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án trên phạm vi toàn quốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Bộ Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành có liên quan cân đối phân bổ ngân sách hàng năm thực hiện Đề án.

3. Bộ Nội vụ

Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành có liên quan kiện toàn tổ chức, phê duyệt Điều lệ của các tổ chức đại diện tập thể và xem xét, cân nhắc việc cho phép thành lập các tổ chức đại diện tập thể để không trùng lặp về chức năng nhiệm vụ và lĩnh vực hoạt động.

4. Bộ Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền pháp luật và hoạt động thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.

5. Các tổ chức đại diện tập thể

Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, kiến nghị cụ thể trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào kế hoạch thực hiện Đề án hàng năm.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan và tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ,
các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Văn phòng Trung ương Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Ban Tuyên giáo Trung ương;
– VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT,
các Vụ: TH, PL, KTTH;
– Lưu: Văn thư, KGVX (5b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG

(đã ký)

Nguyễn Thiện Nhân

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Quyết định 649/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án tăng cường năng lực quản lý, thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đối với các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam đến năm 2015 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *