Ngày 03/12/2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định 5053/QĐ-BYTvề việc ban hành “Sổ tay Hướng dẫn thực hành truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính”.
Theo đó, quy định cách thức truy vết F1 được thực hiện như sau:
- Bước 1: Xác định các “mốc dịch tễ”.
- Bước 2: Thông báo các “mốc dịch tễ” cho bộ phận điều phối truy vết.
- Bước 3: Triển khai truy vết F1 qua việc hỏi trực tiếp người bệnh, tại nơi bệnh nhân sinh sống, tại các “mốc dịch tễ”, phương tiện thông tin đại chúng, ứng dụng Bluezone, Viet Nam Health Declaration.
- Bước 4: Rà soát và hoàn thiện danh sách F1.
- Bước 5: Tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm.
BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5053/QĐ-BYT |
Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH 5053/QĐ-BYT
VỀ VIỆC BAN HÀNH “SỔ TAY HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH TRUY VẾT NGƯỜI TIẾP XÚC VỚI NGƯỜI CÓ XÉT NGHIỆM SARS-COV-2 DƯƠNG TÍNH”
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Sổ tay Hướng dẫn thực hành truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính”.
Điều 2. “Sổ tay Hướng dẫn thực hành truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính” là tài liệu hướng dẫn được áp dụng trên toàn quốc.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 4. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Viện trưởng các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng, Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
SỔ TAY
HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH TRUY VẾT NGƯỜI TIẾP XÚC VỚI NGƯỜI CÓ XÉT NGHIỆM SARS-COV-2 DƯƠNG TÍNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 5053/QĐ-BYT ngày 03 tháng 12 năm 2020 của Bộ Y tế)
ĐẶT VẤN ĐỀ
COVID-19 là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A do vi rút SARS-CoV-2 gây ra; Bệnh lây truyền từ người sang người. Thời gian ủ bệnh trong khoảng 14 ngày. Người mắc bệnh có thể có triệu chứng lâm sàng đa dạng: sốt, ho, đau họng, người mệt mỏi, đau người, giảm hoặc mất vị giác và khứu giác, khó thở, có thể có viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh lý nền, mạn tính, người cao tuổi. Có một tỷ lệ cao người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 không có biểu hiện lâm sàng (khoảng 40%) và có thể là nguồn lây trong cộng đồng, gây khó khăn cho việc giám sát và phòng chống dịch.
Người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính (sau đây gọi tắt là ca bệnh) đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 03 tháng 12 năm 2019. Ngày 11 tháng 3 năm 2020, WHO nhận định dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Tính đến ngày 27 tháng 10 năm 2020, có 217 quốc gia/vùng lãnh thổ đã ghi nhận các ca mắc, hiện số ca mắc vẫn có xu hướng gia tăng dù các nước/vùng lãnh thổ đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp phòng chống. Việt Nam đã ghi nhận các ca bệnh xâm nhập và các ca bệnh trong cộng đồng.
Đến nay, COVID-19 vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Hiện việc giám sát, phát hiện sớm, truy vết và khoanh vùng cách ly nguồn lây sớm vẫn là biện pháp chủ yếu trong phòng chống dịch bệnh lây lan tại các ổ dịch.
Nhằm hướng dẫn cán bộ y tế truy vết người tiếp xúc với ca bệnh để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời, ngăn chặn không để dịch lây lan ra cộng đồng và trên cơ sở những kinh nghiệm có được từ việc ứng phó với các vụ dịch tại Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Đà Nẵng và các địa phương khác trong thời gian qua, Bộ Y tế xây dựng Sổ tay này để phổ biến tới các cơ quan, địa phương thực hiện.
NỘI DUNG HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH TRUY VẾT NGƯỜI TIẾP XÚC VỚI NGƯỜI CÓ XÉT NGHIỆM SARS-COV-2 DƯƠNG TÍNH
I. Mục đích:
Truy vết người tiếp xúc với ca bệnh để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời, ngăn chặn dịch lây lan.
II. Yêu cầu:
1 – Thần tốc và triệt để, không được để sót người tiếp xúc.
2 – Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh, huyện, xã, các cơ quan, đơn vị có liên quan huy động tối đa mọi nguồn lực đảm bảo cho công tác truy vết nhanh, hiệu quả.
III. Nguyên tắc:
1 – Tiến hành truy vết càng sớm càng tốt, ngay khi có thông tin ca bệnh.
2 – Xác định các “mốc dịch tễ” trước, sau đó mới truy vết đến từng người tiếp xúc.
3 – Sử dụng đồng thời nhiều lực lượng truy vết để tiến hành truy vết thật nhanh theo các “mốc dịch tễ” phát hiện được.
4 – Áp dụng nhiều biện pháp truy vết; Các biện pháp có thể thu thập được các thông tin trùng lặp nhau nhưng bổ sung cho nhau, giúp truy vết người tiếp xúc một cách đầy đủ và có hệ thống.
5 – Đầu tư nguồn lực và thời gian để hoàn thành truy vết F1 trước trong thời gian sớm nhất; Việc truy vết F2 thực hiện sau khi đã cơ bản hoàn thành truy vết F1.
6 – Các “mốc dịch tễ” và người tiếp xúc gần F1 cần được truy vết trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi ca bệnh khởi phát cho đến khi ca bệnh được cách ly y tế.
7 – Người tham gia truy vết khi thực hiện nhiệm vụ phải thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm.
IV. Một số thuật ngữ sử dụng trong truy vết người tiếp xúc
1 – F1: Là người có tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với ca bệnh xác định trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát của ca bệnh cho đến khi ca bệnh được cách ly y tế. Khởi phát của ca bệnh được tính là ngày có triệu chứng bất thường đầu tiên về sức khỏe mà bệnh nhân cảm nhận được, có thể là một trong các triệu chứng sau: sốt, mệt mỏi; đau người, gai người ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; sốt; ho; đau họng … Nếu là người lành mang trùng (người không có bất cứ triệu chứng gì) thì ngày khởi phát được tính là ngày lấy mẫu bệnh phẩm có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
2 – F2: Là người tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với F1 trong khoảng thời gian từ ngày đầu tiên F1 tiếp xúc với ca bệnh (kể từ 3 ngày trước khi ca bệnh khởi phát) cho đến khi F1 được cách ly y tế.
3 – Mốc dịch tễ: là địa điểm, sự kiện mà ca bệnh đã đi đến hoặc đã tham gia trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến khi bệnh nhân được cách ly y tế.
Lưu ý: Việc điều tra tìm nguồn lây của ca bệnh với mốc thời gian trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát của ca bệnh sẽ thuộc phạm vi điều tra dịch tễ cơ bản và không thuộc phạm vi của hướng dẫn này.
V. Cách thức truy vết F1
1 – Bước 1: Xác định các “mốc dịch tễ”
– Người điều tra: cán bộ điều tra của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tuyến tỉnh hoặc Trung tâm y tế (TTYT) cấp huyện cùng với chính quyền địa phương và y tế cơ sở.
– Yêu cầu sản phẩm: Danh sách các “mốc dịch tễ” theo Biểu mẫu 1.
– Phương pháp truy vết:
+ Hỏi trực tiếp bệnh nhân hoặc qua điện thoại
+ Hỏi qua người thân/bạn bè/ hàng xóm/ tổ dân phố
+ Tham khảo bệnh án/hồ sơ
– Nội dung cần truy “mốc dịch tễ”
Hỏi các “mốc dịch tễ” mà bệnh nhân đã tham gia hoặc đi đến trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến khi bệnh nhân được cách ly y tế theo bảng kiểm (Bảng kiểm 1). Ghi rõ tên/địa điểm/thời gian của các “mốc dịch tễ” theo Biểu mẫu 1.
Bảng kiểm 1: Các “mốc dịch tễ” thường gặp cần hỏi
MỐC DỊCH TỄ (CA BỆNH ĐÃ ĐI ĐẾN HOẶC THAM GIA) | ||
1 | Đám cưới, đám tang, đám giỗ, sinh nhật, tân gia | o |
2 | Liên hoan ăn uống đông người | o |
3 | Nơi thường đến chơi, thăm hỏi (gia đình người thân, bạn bè ….) | o |
4 | Siêu thị, trung tâm thương mại … | o |
5 | Chợ, chợ đầu mối, chợ tạm… | o |
6 | Cửa hàng bán lẻ/tạp hóa | o |
7 | Vũ trường/quán Bar | o |
8 | Quán ăn, quán cà phê | o |
9 | Nơi công cộng tập trung đông người | o |
10 | Khu vui chơi giải trí, công viên… | o |
11 | Rạp hát, rạp chiếu phim, sân khấu | o |
12 | Chùa, đền, nhà thờ… | o |
13 | Hội họp (hưu trí, họp lớp, câu lạc bộ, đội nhóm…) | o |
14 | Khách sạn, nhà nghỉ… | o |
15 | Trường học, trung tâm dạy học… | o |
16 | Cơ quan, công ty, nơi làm việc … | o |
17 | Bệnh viện, phòng khám tư, cơ sở y tế… | o |
18 | Taxi, xe buýt, xe khách, tàu hoả, máy bay, thuyền du lịch… | o |
19 | Nơi cung cấp dịch vụ: sửa xe, cắt tóc, làm đẹp … | o |
20 | Chuyến du lịch/chuyến thăm quan/chuyến công tác | o |
21 | Khác (ghi rõ)…………………………………………………………….. | o |
2 – Bước 2: Thông báo các “mốc dịch tễ” cho bộ phận điều phối truy vết (bộ phận điều phối)
Bộ phận điều phối nên đặt tại Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm của CDC cấp tỉnh hoặc TTYT cấp huyện.
– Sau khi xác định được các “mốc dịch tễ” cán bộ điều tra truy vết thông báo ngay cho bộ phận điều phối bằng mọi phương tiện nhanh nhất (điện thoại, tin nhắn điện thoại hoặc chụp ảnh Biểu mẫu 1 gửi qua tin Zalo,Viber…).
– Bộ phận điều phối thông báo ngay cho chính quyền địa phương, hệ thống giám sát và y tế cơ sở nơi có các “mốc dịch tễ”, đồng thời điều động nhiều đội truy vết đồng loạt tới các “mốc dịch tễ” để cùng với với các lực lượng tại địa phương truy vết F1. Trong trường hợp một số “mốc dịch tễ” nằm ngoài địa bàn quản lý thì bộ phận điều phối sẽ liên hệ và thông báo “mốc dịch tễ” cho các đơn vị liên quan để phối hợp điều tra truy vết.
3 – Bước 3: Triển khai truy vết F1
Tiến hành đồng thời truy vết F1 bằng nhiều biện pháp: qua hỏi người bệnh; truy vết tại cộng đồng nơi bệnh nhân sinh sống; truy vết tại các “mốc dịch tễ”; truy vết thông qua phương tiện thông tin đại chúng; truy vết thông qua ứng dụng Bluezone, Viet Nam Health Declaration.
3.1. Truy vết F1 qua hỏi người bệnh
– Người điều tra: cán bộ điều tra của CDC tuyến tỉnh hoặc TTYT cấp huyện ở Bước 1 sau khi xác định và báo cáo các mốc dịch tễ thì tiếp tục cùng với với chính quyền địa phương và y tế cơ sở truy vết chi tiết F1 qua hỏi người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân hoặc những người có liên quan.
– Sản phẩm yêu cầu: Danh sách F1 theo Biểu mẫu 2
– Phương pháp truy vết:
+ Hỏi người bệnh theo từng ngày về các hoạt động, sinh hoạt để từ đó truy vết F1 tương ứng theo từng ngày (hỏi từ ngày gần nhất đến ngày xa nhất theo trí nhớ của bệnh nhân).
+ Lập danh sách F1 khai thác được theo Biểu mẫu 2.
+ Hỏi người bệnh bao quát lại một lần nữa về các nhóm người tiếp xúc gần thường gặp theo bảng kiểm để tránh bỏ sót F1 (Bảng kiểm 2), tiếp tục bổ sung F1 vào Biểu mẫu 2.
Bảng kiểm 2: nhóm F1 thường gặp cần hỏi bao quát để tránh bỏ sót:
NHÓM NGƯỜI TIẾP XÚC GẦN( F1) THƯỜNG GẶP | ||
1 | Người sống cùng nhà/cùng phòng/cùng hộ gia đình | o |
2 | Bạn tình/người yêu | o |
3 | Anh em họ hàng, người thân | o |
4 | Hàng xóm | o |
5 | Bạn bè thân thiết thường gặp | o |
6 | Người có tiếp xúc qua công việc/sinh hoạt hàng ngày | o |
7 | Người cùng làm việc/nơi làm việc | o |
8 | Người cùng đi công tác/cuộc họp | o |
9 | Người cùng trong lớp học/trường học | o |
10 | Người cùng nhóm du lịch, nhóm thăm quan, nhóm đi chơi | o |
11 | Người cùng sinh hoạt trong các câu lạc bộ (thơ, thể thao ….) | o |
12 | Người cùng đi vui chơi/liên hoan/uống rượu/đánh bài | o |
13 | Người cùng sinh hoạt tôn giáo | o |
14 | Người đi cùng phương tiện giao thông | o |
15 | Người cùng khoa/phòng điều trị | o |
16 | Nhân viên phục vụ và người chăm sóc bệnh nhân tại cơ sở y tế | o |
17 | Nhân viên y tế | o |
18 | Khác (ghi rõ)………………………………………………………………………… |
+ Tiếp tục khai thác, bổ sung các “mốc dịch tễ” vào Biểu mẫu 1 nếu khai thác được thêm
+ Tiếp tục phát Biểu mẫu 2, bút, số điện thoại để cho bệnh nhân tự nhớ và tự bổ sung thêm người tiếp xúc gần ở những ngày tiếp theo. Hướng dẫn bệnh nhân gửi tin nhắn qua Zalo, Viber… hoặc điện thoại cho người điều tra khi có bổ sung thêm F1.
+ Hỏi điều tra bổ sung ở các ngày tiếp theo nếu thấy cần thiết.
3.2. Truy vết F1 tại cộng đồng nơi bệnh nhân sinh sống
– Người điều tra: Đội truy vết của cấp tỉnh/huyện/xã hoặc lực lượng truy vết tăng cường (sinh viên trường y; các lực lượng khác) cùng với chính quyền địa phương, lực lượng công an, tổ dân phố/thôn/xóm, tổ Covid cộng đồng, cán bộ đoàn thể tại địa phương và các lực lượng có liên quan khác.
– Sản phẩm yêu cầu: Danh sách F1 theo Biểu mẫu 3
– Phương pháp truy vết:
+ Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hỏi từng người theo cách thức truy nhà bệnh nhân trước sau đó mở rộng truy các nhà xung quanh (nhà liền nhà) trong khu vực dân cư nơi bệnh nhân sinh sống để lập danh sách người tiếp xúc gần F1 vào Biểu mẫu 3.
+ Thông báo trên loa truyền thanh của khu dân cư thông tin về ca bệnh cũng như định nghĩa người tiếp xúc gần F1 và yêu cầu người dân chủ động khai báo với chính quyền địa phương, y tế xã nếu thuộc là đối tượng F1.
3.3. Truy vết F1 tại các “mốc dịch tễ”
– Người điều tra: Đội truy vết của cấp tỉnh/huyện/xã hoặc lực lượng truy vết tăng cường (sinh viên trường y; các lực lượng khác) cùng với chính quyền địa phương, lực lượng công an, tổ dân phố/thôn/xóm, tổ Covid cộng đồng, cán bộ đoàn thể tại địa phương và các lực lượng có liên quan khác.
– Sản phẩm yêu cầu: Danh sách người tiếp xúc gần F1 theo Biểu mẫu 3.
– Phương pháp truy vết:
+ Liên hệ với người có trách nhiệm tại địa điểm “mốc dịch tễ”.
+ Chọn một nơi thuận tiện để làm việc (hội trường, phòng họp, nơi rộng thoáng).
+ Yêu cầu người có trách nhiệm thông báo rộng rãi thông tin về ca bệnh kèm theo mục đích, yêu cầu của việc truy vết tại “mốc dịch tễ” và thông báo nơi đội điều tra làm việc để những người liên quan chủ động đến khai báo. Đảm bảo không tập trung đông người và giữ khoảng cách khi tiếp xúc tại nơi điều tra.
+ Hỏi trực tiếp những người có liên quan để khai thác về tiếp xúc.
+ Truy xuất các thiết bị ghi hình tại các mốc dịch tễ (nếu có)
+ Xem lịch công tác/nhật ký làm việc tại các mốc dịch tễ (nếu có)
+ Xem danh sách người có liên quan tại các mốc dịch tễ: danh sách mời cưới, danh sách mời tiệc, danh sách mời tân gia…(nếu có).
– Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về ca bệnh, các “mốc dịch tễ” và yêu cầu người dân chủ động khai báo với chính quyền địa phương, cơ quan y tế nếu có liên quan.
– Cung cấp địa chỉ chỉ email, số điện thoại tiếp nhận thông tin để những người có liên quan biết và chủ động khai báo trong trường hợp chưa khai báo hết.
– Lập danh sách chi tiết người tiếp xúc gần F1 theo Biểu mẫu 3 ở từng “mốc dịch tễ” được phân công truy vết.
Lưu ý: Có thể 1 người tiếp xúc với ca bệnh ở nhiều mốc dịch tễ và sẽ được ghi nhận ở nhiều danh sách. Tất cả những sự tiếp xúc này đều cần được đưa vào danh sách và sẽ lọc sự trùng lặp sau.
3.4. Truy vết F1 thông qua phương tiện thông tin đại chúng
– Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về ca bệnh cũng như các “mốc dịch tễ”, trong đó nêu rõ thời gian, địa điểm của mốc dịch tễ.
Hướng dẫn cho người dân cách thức tự khai báo, bổ sung F1 cho chính quyền địa phương và cơ quan y tế.
– Chính quyền địa phương, CDC cấp tỉnh hoặc TTYT cấp huyện cung cấp số điện thoại hoặc số điện thoại đường dây nóng của CDC, tiếp nhận thông tin qua người dân tự khai báo sau khi đã có thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
– Các đội truy vết tiếp tục xác minh bổ sung thông tin F1 có thể bị bỏ sót trước đó.
– Tổng hợp bổ sung danh sách F1 theo Biểu mẫu 3.
3.5. Truy vết F1 thông qua ứng dụng Bluezone, Viet Nam Health Declaration.
Ứng dụng Bluezone được cài đặt trên điện thoại thông minh giúp phát hiện người dùng Bluezone có tiếp xúc gần bệnh nhân COVID-19 (nếu bệnh nhân cũng sử dụng Bluezone). Các đơn vị thực hiện truy vết cần đăng ký sử dụng với Bộ Y tế để được hướng dẫn, quản lý, truy vết tại địa chỉ: https://cdc.bluezone.gov.vn/. Ngoài ra, có thể sử dụng Ứng dụng khai báo y tế (Viet Nam Health Declaration) để xác định tiền sử đi lại, cách ly, lưu trú của người nhập cảnh, người di chuyển nội địa.
4 – Bước 4: Rà soát và hoàn thiện danh sách F1
– Tất cả các đội truy vết từ các nơi gửi nhanh danh sách F1 về bộ phận điều phối, tốt nhất là gửi theo tiến độ với nguyên tắc “truy vết được đến đâu gửi ngay danh sách đến đó” và tiếp tục cập nhật cho đến khi hoàn thành truy vết (chụp ảnh danh sách F1 bằng điện thoại thông minh rồi gửi qua Zalo, Viber… về bộ phận điều phối).
– Bộ phận điều phối tổng hợp ngay danh sách F1 từ các đội điều tra nhập vào máy tính bằng ứng dụng Microsoft Excel hoặc các ứng dụng khác. Sử dụng phần mềm Microsoft Excel hoặc các ứng dụng khác để sàng lọc, lọc trùng lặp và lập danh sách toàn bộ F1 truy vết được.
– Thông báo ngay danh sách F1 truy vết được cho chính quyền địa phương và Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp để tổ chức cách ly, xử lý theo quy định.
5 – Bước 5: Tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm
– Ban chỉ đạo phòng chống dịch và chính quyền địa phương tổ chức và bố trí phương tiện đưa người F1 đi cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế. Trong quá trình tổ chức đưa người F1 đi cách ly, cơ quan y tế địa phương cùng với chính quyền và các lực lượng khác tại địa phương tiếp tục rà soát, sàng lọc để đảm bảo F1 được đưa đi cách ly chính xác, đúng đối tượng theo quy định chuyên môn.
– Tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm lần 1 cho F1 tại cơ sở cách ly y tế càng sớm càng tốt và vận chuyển mẫu bệnh phẩm tới cơ sở xét nghiệm có đủ năng lực theo quy định của Bộ Y tế. Không nên lấy mẫu bệnh phẩm F1 tại cộng đồng để tránh lộn xộn và mất thời gian trong quá trình đưa người F1 đi cách ly.
VI. Cách thức truy vết F2
Sau khi đã cơ bản hoàn thành truy vết F1, tiến hành truy vết F2 theo các cách sau đây:
1 – Phát Biểu mẫu tự cung cấp thông tin về F2 cho người F1 tự khai báo (Biểu mẫu 4).
2 – Cơ sở cách ly tập trung, chính quyền địa phương và y tế cơ sở tiếp tục điều tra truy vết F2 tại cộng đồng cũng như hỏi khai thác F2 từ người F1 tại cơ sở cách ly tập trung.
3 – Chuyển danh sách F2 truy vết được cho địa phương để tổ chức cách ly y tế tại nhà theo quy định.
……………….
Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Quyết định 5053/QĐ-BYT Sổ tay truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm COVID-19 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.