Bạn đang xem bài viết ✅ Quyết định 3887/QĐ-BTP Quy định chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và cơ quan Thi hành án dân sự ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Quyết định 3887/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp ngày 18 tháng 12 năm 2012 về việc quy định chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và cơ quan Thi hành án dân sự.

BỘ TƯ PHÁP

——————–
Số: 3887/QĐ-BTP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—————-

Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2012

QUYẾT ĐỊNH
Quy định chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong các đơn vị
thuộc Bộ Tư pháp và cơ quan Thi hành án dân sự

————————
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 46/2012/TTLT-BTC-TTCP ngày 16 tháng 3 năm 2012 của liên Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ quy định chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Quyết định này quy định về chế độ bồi dưỡng theo ngày đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và các cơ quan Thi hành án dân sự.

2. Đối tượng được áp dụng

a) Cán bộ, công chức của các đơn vị thuộc Bộ và cơ quan Thi hành án dân sự được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc phân công làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân.

b) Bộ trưởng, Thứ trưởng, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân.

c) Cán bộ, công chức trong các đơn vị thuộc Bộ và cơ quan Thi hành án dân sự được cấp có thẩm quyền mời, triệu tập làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân.

d) Cán bộ, công chức, cán bộ y tế, dân phòng, giao thông khi được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc phân công phối hợp làm nhiệm vụ tiếp công dân, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm y tế tại trụ sở tiếp công dân cơ quan Bộ Tư pháp hoặc địa điểm tiếp công dân của cơ quan Thi hành án dân sự.

đ) Cán bộ, công chức trong các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan Thi hành án dân sự được giao nhiệm vụ chuyên trách xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Điều 2. Nguyên tắc áp dụng

Nguyên tắc áp dụng chế độ bồi dưỡng tại Quyết định này được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 46/2012/TTLT-BTC-TTCP ngày 16 tháng 3 năm 2012 của Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 46/2012/TTLT-BTC-TTCP).

Điều 3. Mức hỗ trợ

1. Các đối tượng quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 2 Điều 1 Quyết định này khi trực tiếp tham gia công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân được bồi dưỡng theo mức 100.000 đồng/ngày/người. Nếu các đối tượng trên đang được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thanh tra thì được bồi dưỡng theo mức 80.000 đồng/ngày/người.

2. Các đối tượng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 1 Quyết định này khi tham gia phối hợp làm nhiệm vụ tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân được bồi dưỡng theo mức 50.000 đồng/ngày/người.

3. Các đối tượng quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 1 Quyết định này được bồi dưỡng theo mức 50.000 đồng/ngày/người.

Điều 4. Quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí bồi dưỡng

1. Nguồn kinh phí

Kinh phí đảm bảo chế độ bồi dưỡng được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch số 46/2012/TTLT-BTC-TTCP. Riêng năm 2012, các cơ quan, đơn vị sắp xếp trong phạm vi dự toán ngân sách đã được giao và nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện chế độ bồi dưỡng theo quy định tại Quyết định này.

2. Cách thức chi trả

a) Tiền bồi dưỡng cho các đối tượng được quy định tại các điểm a, b, và đ khoản 2 Điều 1 Quyết định này thuộc biên chế trả lương của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm chi trả.

b) Tiền bồi dưỡng cho các đối tượng được quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều 1 Quyết định này do cơ quan có thẩm quyền mời, triệu tập phối hợp chi trả.

c) Khoản tiền bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức khi trực tiếp tham gia làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được thanh toán hàng tháng cùng tiền lương và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

3. Quản lý sử dụng

a) Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ trong phạm vi quản lý của mình, có trách nhiệm quyết định cụ thể (bằng văn bản) danh sách các đối tượng được hưởng chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 1 Quyết định này, làm căn cứ thực hiện chi trả.

b) Cơ quan, đơn vị được giao phụ trách công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có trách nhiệm mở sổ theo dõi, ghi chép đầy đủ nội dung, biên bản tiếp công dân, số ngày tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân; nội dung và số ngày xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh. Hàng tháng, lập bảng kê chi tiết số ngày thực tế trực tiếp tham gia của cán bộ, công chức (đính kèm bản phô tô sổ theo dõi và biên bản tiếp công dân); những người tham gia phối hợp; những người chuyên trách làm công tác xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (đính kèm bản phô tô sổ theo dõi); lấy xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao phụ trách công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, khiến nghị, phản ánh để làm căn cứ chi trả.

4. Thanh quyết toán

Việc quản lý, chi tiêu, thanh quyết toán kinh phí chi trả tiền bồi dưỡng cán bộ, công chức tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được thực hiện theo chế độ hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này trong đơn vị mình và các đơn vị trực thuộc.

2. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, việc thực hiện Quyết định này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tư pháp (Vụ Kế hoạch – Tài chính) để kịp thời hướng dẫn, thực hiện.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 114/QĐ-BTP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và các cơ quan Thi hành án dân sự được áp dụng kể từ ngày 01/5/2012.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Chánh Thanh tra Bộ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
– Như Điều 6;
– Thanh tra Chính phủ (để biết);
– Các Thứ trưởng (để biết);
– Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp;
– Lưu VT Bộ, Vụ KHTC.

BỘ TRƯỞNG

(đã ký)


Hà Hùng Cường

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Quyết định 3887/QĐ-BTP Quy định chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và cơ quan Thi hành án dân sự của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

Tham khảo thêm:   Thông tư số 01/2012/TT-BNG Hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 5/12/2011 của Chính phủ về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *