Quyết định 370/2012/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ———— Số: 370/QĐ-TTg |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ———————————- Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN VỀ PHÁT TRIỂN ĐIỆN HẠT NHÂN Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Nghị quyết số 41/2009/QH12 của Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 6 ngày 25 tháng 11 năm 2009 về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận;
Căn cứ Quyết định số 906/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án) thuộc Kế hoạch tổng thể thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. QUAN ĐIỂM
1. Thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân là một nhiệm vụ quan trọng cần được tiến hành một cách hệ thống, thường xuyên, lâu dài để tạo ra nhận thức đúng đắn, sự đồng thuận của công chúng, xây dựng văn hóa an toàn góp phần đảm bảo sự thành công của chương trình phát triển điện hạt nhân.
2. Hoạt động thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân phải bảo đảm kịp thời, minh bạch, được tiến hành đồng bộ, phù hợp với tiến độ của Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các dự án điện hạt nhân tiếp theo.
3. Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên từ trung ương đến địa phương, giữa các cơ quan quản lý và các tổ chức liên quan; đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, chính xác và kịp thời trong việc cung cấp thông tin, tiếp nhận và trả lời ý kiến của công chúng.
4. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm của công tác thông tin, tuyên truyền là tập trung phục vụ thực hiện thành công và đảm bảo an toàn cao nhất cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các dự án điện hạt nhân tiếp theo.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Tạo ra nhận thức và sự hiểu biết đầy đủ, đúng đắn của các tầng lớp xã hội và các tổ chức liên quan về tính chất, đặc điểm, sự cần thiết và lợi ích của điện hạt nhân trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và về yêu cầu đảm bảo an toàn, an ninh, góp phần duy trì và nâng cao sự đồng thuận của công chúng cho việc triển khai thực hiện thành công Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng như cho phát triển điện hạt nhân một cách bền vững ở Việt Nam.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn đến năm 2015
Triển khai các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân nhằm phục vụ kịp thời, trực tiếp cho việc chuẩn bị và khởi công Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, chú trọng thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, đảm bảo an toàn, an ninh.
Chương trình phổ biến kiến thức cơ bản về năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân trong các bậc học phổ thông được triển khai tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Ninh Thuận, tập trung vào đối tượng phổ thông trung học nhằm đánh giá kết quả bước đầu để triển khai mở rộng trong giai đoạn sau.
Hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm quan hệ công chúng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và Trung tâm thông tin năng lượng nguyên tử tại Hà Nội.
b) Giai đoạn 2016 – 2020
Chương trình thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân được tăng cường, mở rộng nhằm góp phần đảm bảo yêu cầu chất lượng, an toàn, hiệu quả của giai đoạn xây dựng và đưa vào vận hành các tổ máy của Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng như cho việc chuẩn bị các dự án điện hạt nhân tiếp theo.
Chương trình phổ biến kiến thức cơ bản về năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân trong các bậc học phổ thông được triển khai thực hiện ở các thành phố trực thuộc Trung ương, các tỉnh có địa điểm được nêu trong định hướng quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân và tiến tới trong phạm vi cả nước.
III. NỘI DUNG, ĐỐI TƯỢNG THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN VỀ PHÁT TRIỂN ĐIỆN HẠT NHÂN
1. Nội dung thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân
a) Các nội dung cơ bản về phát triển điện hạt nhân
– Chủ trương của Đảng, chiến lược, cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển điện hạt nhân; định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân đến năm 2030 ở Việt Nam;
– Đặc điểm, tính chất và lợi ích kinh tế – xã hội của điện hạt nhân; lịch sử, thành tựu, kinh nghiệm, tình hình và xu hướng phát triển của điện hạt nhân trên thế giới;
– Sự cần thiết phát triển điện hạt nhân và xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam;
– Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các cơ chế, chính sách di dân, tái định cư, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút lao động,… phục vụ Dự án.
b) Các nội dung về đảm bảo an toàn, an ninh trong phát triển điện hạt nhân
– An toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, ứng phó sự cố hạt nhân;
– Chu trình nhiên liệu hạt nhân, xử lý và quản lý chất thải phóng xạ;
– Hệ thống quản lý nhà nước và các văn bản pháp luật về đảm bảo an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và phát triển điện hạt nhân;
– Văn hóa an toàn và các bài học kinh nghiệm từ các sự cố hạt nhân trên thế giới.
c) Các nội dung về hoạt động hợp tác quốc tế
– Chủ trương, chính sách của Việt Nam về hợp tác quốc tế trong phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình;
– Việt Nam tham gia các điều ước quốc tế có liên quan;
– Hợp tác song phương, đa phương trong đào tạo nhân lực, bảo đảm an toàn, an ninh, nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ và hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam.
2. Các nhóm đối tượng cần được thông tin, tuyên truyền
Nội dung, phương thức thông tin tuyên truyền được thiết kế phù hợp cho các nhóm đối tượng sau:
– Các cấp quản lý, cán bộ các cơ quan Đảng, Nhà nước;
– Các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể, tôn giáo; tầng lớp trí thức, các nhà khoa học;
– Sinh viên, học sinh trong các cơ sở giáo dục, đào tạo;
– Nhân dân, đặc biệt tại tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh có nhà máy điện hạt nhân theo quy hoạch;
– Các tổ chức quốc tế và các nước có liên quan.
IV. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA ĐỀ ÁN
1. Nhiệm vụ 1: Thực hiện Chương trình thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân
Bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
– Tổ chức các hội thảo, diễn đàn, đối thoại về điện hạt nhân với sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế, tập trung vào các nội dung phát triển cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn, an ninh cho phát triển điện hạt nhân;
– Tổ chức các triển lãm, hội thảo quốc tế và quốc gia về phát triển điện hạt nhân tại một số thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh có quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân;
– Thu thập, xử lý, biên soạn và xây dựng nguồn thông tin, tài liệu, tư liệu, ấn phẩm theo các nội dung thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân của Đề án, phù hợp với từng nhóm đối tượng và yêu cầu thực tiễn, phục vụ cho các hoạt động thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân và Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận;
– Tổ chức đào tạo, tập huấn ở trong và ngoài nước cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin, tuyên truyền, biên tập viên, phóng viên báo chí về thông tin, tuyên truyền điện hạt nhân;
– Thực hiện các chương trình, chuyên mục tuyên truyền về điện hạt nhân trên các báo viết, báo mạng, kênh truyền thông đại chúng chủ chốt của trung ương, của tỉnh Ninh Thuận, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số địa phương khác;
– Tổ chức cho đại diện công chúng tham quan, tìm hiểu về điện hạt nhân; kịp thời tổ chức tìm hiểu, thu nhận và trả lời ý kiến của công chúng về phát triển điện hạt nhân;
– Xây dựng và thực hiện các dự án, hoạt động hợp tác quốc tế về thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân, đặc biệt là với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và các đối tác tham gia các dự án điện hạt nhân. Thực hiện thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam cho các tổ chức, quốc gia trên thế giới và trong khu vực;
– Tổ chức các hoạt động phối hợp với Chương trình phổ biến kiến thức cơ bản về năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân trong các bậc học phổ thông và với các trung tâm thông tin, truyền thông về điện hạt nhân;
– Hàng năm tổ chức đánh giá kết quả, kịp thời rút kinh nghiệm và bổ sung, điều chỉnh nội dung, kế hoạch của Chương trình thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân;
– Thực hiện các nội dung cần thiết khác.
Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình này.
2. Nhiệm vụ 2: Thực hiện Chương trình phổ biến kiến thức cơ bản về năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân trong các bậc học phổ thông
Bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
– Xây dựng nội dung, kế hoạch cho Chương trình phổ biến kiến thức cơ bản về năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân trong các bậc học phổ thông để đáp ứng các mục tiêu cụ thể đã đặt ra cho các giai đoạn đến năm 2015 và 2016 – 2020;
– Tổ chức nghiên cứu, biên soạn các tài liệu, giáo trình, thiết kế mô hình trực quan để bổ sung kiến thức về năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân phù hợp cho các cấp học ở hệ phổ thông;
– Tổ chức thực hiện các chương trình ngoại khóa, tham quan tìm hiểu về điện hạt nhân cho giáo viên và học sinh ở các bậc học, phối hợp với Chương trình thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân và với các trung tâm thông tin, truyền thông về năng lượng nguyên tử.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình này.
3. Nhiệm vụ 3: Xây dựng các trung tâm thông tin, truyền thông điện hạt nhân
Bao gồm những nhiệm vụ thành phần chính sau đây:
a) Xây dựng và vận hành Trung tâm quan hệ công chúng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trực tiếp phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền tại tỉnh Ninh Thuận, khu vực miền Trung và trong cả nước.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện.
b) Xây dựng và vận hành Trung tâm thông tin năng lượng nguyên tử tại Hà Nội với chức năng phổ biến kiến thức về năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân phục vụ chủ yếu cho các đối tượng là thanh niên, học sinh, sinh viên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện.
c) Nghiên cứu việc xây dựng mạng lưới thông tin, truyền thông điện hạt nhân theo yêu cầu phát triển của chương trình điện hạt nhân.
Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện.
Download file tài liệu để xem thêm chi tiết
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Quyết định 370/2013/QĐ-TTg Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.