Bạn đang xem bài viết ✅ Quyết định 2782/QĐ-BGTVT Tăng số lượng ngân hàng câu hỏi sát hạch lái xe lên 600 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Ngày 24/12/2018, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quyết định 2782/QĐ-BGTVT phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về chất lượng đào tạo, sát hạch, quản lý giấy phép lái xe.

Theo đó, những giải pháp về nâng cao công tác sát hạch lái xe là:

  • Xây dựng bổ sung tăng số lượng ngân hàng từ 450 câu hỏi lên 600 câu, lộ trình tăng dần theo năm. Đảm bảo nội dung câu hỏi phù hợp với điều kiện địa lý, dân trí và các quy định hiện hành.
  • Bổ sung các quy định về truất quyền sát hạch đối với thí sinh vi phạm lỗi mất an toàn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông nghiêm trọng…

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 2782/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2018

QUYẾT ĐỊNH 2782/QĐ-BGTVT

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO, SÁT HẠCH VÀ QUẢN LÝ GIẤY PHÉP LÁI XE ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008;

Căn cứ Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe;

Căn cứ Nghị định số 138/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam tại Tờ trình số 87/TTr-TCĐBVN ngày 25/9/2018 về việc phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý giấy phép lái xe đảm bảo an toàn giao thông;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý giấy phép lái xe đảm bảo an toàn giao thông với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm

a) Tăng cường công tác quản lý nhà nước, khai thác hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và đảm bảo chất lượng của đội ngũ lái xe.

b) Tiếp tục kế thừa nhằm phát huy hiệu quả của các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch hiện có với quy mô theo hướng hiện đại, phù hợp với khả năng đầu tư và đặc điểm của từng địa phương.

c) Bảo đảm sự phù hợp với các quy định của pháp luật; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác.

2. Mục tiêu

a) Đánh giá hiện trạng công tác quản lý nhà nước, công tác phối hợp giữa các cơ quan trong việc quản lý đào tạo, sát hạch, cấp và quản lý giấy phép lái xe.

b) Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp và quản lý giấy phép lái xe.

3. Nội dung các nhóm giải pháp

a) Giải pháp về quy hoạch, chiến lược và xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật:

– Nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 phù hợp với Công ước về giao thông đường bộ, Công ước về Biển báo và tín hiệu đường bộ và thực tiễn phát sinh, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo cơ chế thúc đẩy mạnh mẽ cho sự đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ với phương tiện giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

– Tiếp tục rà soát để xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe và dịch vụ sát hạch lái xe cho phù hợp với thực tiễn.

– Nghiên cứu sửa đổi Nghị định 46/2016/NĐ-CP để tăng các chế tài xử phạt khi vi phạm như: Thu hồi giấy phép đào tạo lái xe ô tô, giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động; thu hồi thẻ sát hạch viên, giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe đối với các cá nhân có hành vi tiêu cực trong quá trình đào tạo, sát hạch và có thể cấm tham gia các hoạt động liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch lái xe tùy theo mức độ vi phạm.

– Tiếp tục rà soát, tổng kết tình hình thực hiện Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

b) Giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý nhà nước:

– Nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Bộ Giao thông vận tải để thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX cơ giới đường bộ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên toàn quốc. Triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị Quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về “Tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự an toàn giao thông”; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, trong các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm có nêu: “Coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo, các trung tâm sát hạch trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; quản lý chặt chẽ đối với những người được cấp giấy phép lái xe. Khắc phục những hạn chế, yếu kém và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, sách nhiễu trong đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe” và các quy định có liên quan về công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX cơ giới đường bộ.

Tham khảo thêm:   Lịch sử 7 Bài 20: Việt Nam thời Lê Sơ (1428-1527) Soạn Sử 7 trang 79 sách Cánh diều

– Phát triển nguồn lực trong đội ngũ cán bộ quản lý, sát hạch viên, cán bộ công chức trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp đổi và quản lý GPLX; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan để thống nhất các chính sách, nội dung đào tạo, sát hạch nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý giấy phép lái xe.

c) Giải pháp về kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe:

– Giải pháp về kiểm soát, giám sát:

+ Tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất và giám sát công tác đào tạo lái xe theo quy định tại tất cả các Sở Giao thông vận tải trong toàn quốc. Công khai địa điểm, thời gian tổ chức các kỳ sát hạch; kế hoạch đào tạo của các khóa đào tạo lái xe ô tô và mô tô của các cơ sở đào tạo lái xe trên trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải để các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát. Tăng cường vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý sát hạch, Hội đồng sát hạch, Tổ sát hạch và hiệu trưởng, giám đốc các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe; đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, công tác đào tạo.

+ Xử lý nghiêm, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi Giấy phép đào tạo các cơ sở đào tạo lái xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn.

+ Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công An và các địa phương trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ người lái xe khi tham gia giao thông cũng như khi tham gia học, sát hạch, cấp GPLX.

– Giải pháp về nâng cao chất lượng đào tạo:

+ Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch tại địa phương tiếp tục đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định đảm bảo đồng bộ, hiện đại. Thường xuyên tuyển chọn, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, cán bộ làm công tác quản lý đào tạo.

+ Rà soát giáo trình đào tạo để bổ sung đầy đủ các tình huống giao thông cho phù hợp, sát với thực tiễn như: Nút giao phức hợp, đường bộ giao cắt với đường sắt, điểm ra vào đường cao tốc, nút giao từ đường phụ ra đường chính; đường đèo dốc, đường có sương mù, đường trơn trượt, đường cao tốc, hầm đường bộ, cầu vượt sông lớn…

+ Kiểm tra, rà soát đội ngũ giáo viên đảm bảo các điều kiện theo quy định; nghiên cứu xây dựng nội dung chương trình và lộ trình tập huấn nâng cao đối với giáo viên dạy thực hành lái xe; định kỳ 3 năm 1 lần tổ chức tập huấn để nâng cao nghiệp vụ đối với giáo viên dạy thực hành lái xe theo nội dung do Bộ Giao thông vận tải quy định.

+ Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe, sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và ứng dụng công nghệ để quản lý thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô (trừ hạng B1) theo lộ trình quy định.

+ Tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu các cơ sở đào tạo thực hiện đúng, đủ nội dung chương trình đào tạo.

+ Phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, thử nghiệm, lắp đặt, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định lộ trình trang bị thiết bị mô phỏng để đào tạo, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe đối với học viên học lái xe.

d) Giải pháp về nâng cao công tác sát hạch lái xe:

– Xây dựng, bổ sung để tăng số lượng ngân hàng từ 450 câu hỏi lên 600 câu và lộ trình tăng dần theo hàng năm; tăng số lượng câu hỏi đối với mỗi bài thi; đảm bảo dữ liệu ngân hàng câu hỏi phù hợp với điều kiện địa lý, dân trí và quy định hiện hành để áp dụng cho sát hạch lý thuyết; bổ sung câu hỏi liên quan đến các tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nghiêm trọng.

– Nghiên cứu, hướng dẫn các trung tâm sát hạch lựa chọn, lắp đặt camera, đường truyền để kết nối trực tiếp dữ liệu hình ảnh phòng sát hạch lý thuyết và hình ảnh quá trình sát hạch thực hành lái xe trong hình của học viên tại các bài sát hạch mà thí sinh dễ mắc lỗi đến Sở Giao thông vận tải và để các cơ quan chức năng có thể giám sát trực tiếp quá trình sát hạch; tổ chức lưu trữ tại các Trung tâm sát hạch theo quy định phục vụ công tác thanh kiểm tra.

– Nghiên cứu bổ sung quy định truất quyền sát hạch đối với các thí sinh vi phạm lỗi gây mất an toàn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng như: Không tuân thủ tín hiệu đèn, vi phạm vạch phân làn tại ngã tư; không dừng xe tại nơi giao nhau với đường sắt, khi tham gia giao thông trên đường giao thông công cộng.

Tham khảo thêm:   Công văn 2892/TCHQ-GSQL Thủ tục hải quan đối với bao bì nhập khẩu để đóng gói sản phẩm xuất khẩu

– Nghiên cứu bổ sung nội dung sát hạch trên thiết bị mô phỏng để sát hạch lái xe để học viên điều khiển phương tiện qua các nút giao phức hợp, đường bộ giao cắt với đường sắt, điểm ra vào đường cao tốc, nút giao từ đường phụ ra đường chính; đường đèo dốc, đường có sương mù, đường trơn trượt, đường cao tốc, hầm đường bộ, cầu vượt sông lớn…và các tình huống tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.

– Phát huy vai trò giám sát của người học, dự sát hạch thông qua việc công khai các quy định; công khai diễn biến quá trình sát hạch tại các kỳ sát hạch.

– Yêu cầu các Sở Giao thông vận tải thực hiện nghiêm túc quy định, quy trình sát hạch cấp GPLX tại tất cả các kỳ sát hạch cấp GPLX; nhất là tại các kỳ sát hạch cấp GPLX mô tô tại vùng sâu, vùng xa cách xa trung tâm thành phố. Bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, phẩm chất đạo đức; văn hóa giao tiếp đối với sát hạch viên. Tổ chức kiểm tra, đánh giá phân loại để kịp thời khen thưởng, động viên sát hạch viên hoàn thành tốt nhiệm vụ và kỷ luật sát hạch viên vi phạm quy chế.

đ) Giải pháp về nâng cao chất lượng quản lý, cấp giấy phép lái xe, cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe:

– Tiếp tục hoàn thiện phần mềm quản lý GPLX mới phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường kỹ năng nghiệp vụ, ngăn chặn, phát hiện người lái xe sử dụng nhiều GPLX cùng một lúc; thắt chặt hơn nữa thủ tục cấp lại GPLX nhằm nâng cao ý thức trong việc bảo quản, cất giữ GPLX của người lái xe.

– Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính tại các Sở Giao thông vận tải; xây dựng áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 đổi giấy phép lái xe; dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 cấp giấy phép lái xe quốc tế trên toàn quốc; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, văn hóa giao tiếp ứng xử đối với cán bộ trực tiếp tiếp xúc với nhân dân để phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

– Hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị phục vụ dịch vụ công trực tuyến trong công tác cấp, đổi giấy phép lái xe, quản lý, truyền dữ liệu và in GPLX; đào tạo cán bộ nghiệp vụ giỏi về chuyên môn có đạo đức tốt tham gia công tác cấp đổi GPLX để nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước.

– Nghiên cứu quy định nhằm hạn chế tình trạng giả khai báo mất để được cấp lại GPLX nhiều lần.

– Phối hợp với Bộ Công an để chia sẻ dữ liệu vi phạm của người lái xe, không để xảy ra tình trạng người bị tạm giữ GPLX giả khai báo mất để được cấp lại GPLX.

e) Giải pháp về quản lý lái xe sau khi đào tạo và quản lý lái xe kinh doanh vận tải:

– Quản lý lái xe sau khi đào tạo:

+ Hàng năm xây dựng kế hoạch nâng cao trình độ lái bằng cách tổ chức hội thi tại đơn vị, hội thi cấp hiệp hội, cấp thành phố… Xây dựng chính sách động viên, khuyến khích lái xe đạt chuẩn theo quy định như: Văn hóa giao thông, đạo đức nghề nghiệp, lối sống, năng lực chuyên môn.

+ Thí điểm khi thi nâng hạng GPLX, cấp lại giấy phép lái xe hết hạn theo quy định, các lái xe nhất thiết phải trải qua các khóa học tập trung và được sát hạch lý thuyết cũng như thực hành về các luật, bộ luật, quy định của pháp luật: Dân sự, Hình sự, Bảo hiểm, Giao thông đường bộ; các Nghị định, Thông tư về quản lý giao thông vận tải, kỹ năng lái xe, xử phạt hành chính và phải thi hết học phần và phải lồng ghép các nội dung nâng cao trách nhiệm đạo đức người lái xe khi tham gia giao thông vào chương trình đào tạo, nghiên cứu bổ sung quy định thời gian đã lái xe thực tế trước khi cấp GPLX có số ghế và tải trọng lớn.

+ Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lái xe về xã hội, về cách lựa chọn ngành nghề, kỹ năng lái xe phù hợp với khả năng và nhu cầu doanh nghiệp.

– Quản lý lái xe kinh doanh vận tải sau khi đào tạo:

+ Các đơn vị kinh doanh vận tải cần xây dựng kế hoạch tuyển dụng người lái xe đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn về tuyển dụng do doanh nghiệp đề ra.

+ Sau khi người lái xe được ký hợp đồng lao động với các đơn vị kinh doanh vận tải, bộ phận quản lý thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt về tình hình công việc của người lái xe, từ đó có phương pháp phù hợp để điều chỉnh và tập huấn cho người lái xe về cả đạo đức, tay nghề và pháp luật.

g) Giải pháp về đổi mới quản lý nhà nước trong quản lý giấy phép lái xe:

– Tiếp tục củng cố, hoàn thiện và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cá nhân, tổ chức liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi và quản lý sử dụng giấy phép lái xe từ Trung ương đến từng địa phương.

– Nghiên cứu, sắp xếp mạng lưới các cơ sở đào tạo lái xe, các trung tâm sát hạch lái xe phù hợp với Luật Quy hoạch, Luật Giao thông đường bộ.

– Tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho các thành phần xã hội tham gia cung ứng dịch vụ công. Các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập được khuyến khích tham gia cung ứng dịch vụ bình đẳng như các đơn vị sự nghiệp công lập. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm huy động tối đa các nguồn lực ngoài nhà nước trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp đổi GPLX.

– Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý theo hướng làm tốt chức năng quản lý nhà nước, xây dựng, hoàn thiện các chính sách, cơ chế về đào tạo, sát hạch; kiểm soát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện công tác đào tạo, sát hạch, cấp đổi GPLX.

Tham khảo thêm:   Quyết định số 952/QĐ-TTG Chuyển Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu

– Xây dựng khung pháp lý về kiểm tra, giám sát và đánh giá các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch và đơn vị cung ứng dịch vụ công trong đào tạo, sát hạch, cấp đổi GPLX.

– Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, tiêu chí để làm căn cứ kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe đảm bảo quá trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe công khai, minh bạch, đánh giá đúng kỹ năng của người lái xe khi được cấp giấy phép lái xe tham gia giao thông.

h) Giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính:

– Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe ở mức độ 3, mức độ 4 trên toàn quốc.

– Hướng dẫn hỗ trợ các Sở Giao thông vận tải trong việc phối hợp với Sở Thông tin truyền thông địa phương để liên kết, xây dựng hệ thống IGate (một cửa) của tỉnh, thành phố phục vụ người dân có nhu cầu trong việc cấp, đổi GPLX đảm bảo tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân của một cơ quan có thẩm quyền thông qua cơ chế một cửa và một cửa liên thông theo chỉ đạo của Chính phủ.

i) Giải pháp về nâng cao hiệu quả tuyên truyền và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm:

– Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra tiêu chuẩn theo quy định đối với các Sở Giao thông vận tải, các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe; kiểm tra đột xuất công tác quản lý đào tạo, sát hạch cấp GPLX cơ giới đường bộ, trong đó lưu ý đến công tác kiểm tra nội dung đào tạo thực hành lái xe trên đường giao thông công cộng; đào tạo và sát hạch lái xe ô tô, mô tô hạng A1, A2; thường xuyên kiểm tra đột xuất các kỳ sát hạch cấp GPLX, đặc biệt là các kỳ sát hạch cấp GPLX mô tô hạng A1 và A2; cấp GPLX ô tô nâng hạng và hạng FC. Kiên quyết xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe vi phạm nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan.

– Xây dựng quy chế phối hợp và phần mềm quản lý vi phạm pháp luật Giao thông đường bộ giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam – Bộ Giao thông vận tải với Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an áp dụng thống nhất trên toàn quốc nhằm quản lý chặt chẽ người lái xe vi phạm và có biện pháp xử lý kịp thời.

Việc triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục các giải pháp nêu trên với sự tham gia đầy đủ, kiên quyết của các cơ quan chức năng, các cơ sở đào tạo lái xe, các trung tâm sát hạch lái xe và sự đồng tình hưởng ứng của người học, sẽ khắc phục các tồn tại trong công tác quản lý đào tạo sát hạch, cấp GPLX thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông.

4. Lộ trình và kinh phí thực hiện

a) Lộ trình

Đề án thực hiện từ tháng 01/2019 và kết thúc vào tháng 12/2020, cụ thể:

– Quý I/2019: Tổ chức hội nghị tại 03 khu vực (khu vực phía Bắc, Khu vực miền Trung Tây nguyên và Khu vực phía Nam) để phổ biến và tiếp thu ý kiến của các đại biểu đại diện các Sở Giao thông vận tải, cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch.

– Từ Quý II/2019 đến tháng 12/2020: Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe sẽ tổ chức triển khai theo các nhóm giải pháp được nêu tại Đề án.

b) Kinh phí:

Kinh phí nghiên cứu và thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn kinh phí an toàn giao thông, các nguồn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các nguồn hỗ trợ khác (nếu có).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Chủ trì triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý giấy phép lái xe đảm bảo an toàn giao thông” đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

2. Vụ Tổ chức cán bộ: Chủ trì kiểm tra, theo dõi, đôn đốc quá trình thực hiện và tổng hợp báo cáo kết quả.

3. Các Vụ: An toàn giao thông, Pháp chế, Tài chính, Khoa học công nghệ và Trung tâm Công nghệ thông tin trong phạm vi chức năng nhiệm vụ phối hợp triển khai thực hiện Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
– Như điều 3;

– Bộ trưởng (để báo cáo);
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia;
– Trung tâm CNTT, Báo GTVT;
– Lưu: VT, TCCB (L-10b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Đình Thọ

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Quyết định 2782/QĐ-BGTVT Tăng số lượng ngân hàng câu hỏi sát hạch lái xe lên 600 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *