Quyết định 20/2013/QĐ-BTC về Tiêu chí và Quy trình lựa chọn doanh nghiệp nhà nước tham gia dự án thuộc Chương trình “Cải cách doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ quản trị công ty” do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
BỘ TÀI CHÍNH ———– Số: 20/QĐ-BTC |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH TIÊU CHÍ VÀ QUY TRÌNH LỰA CHỌN CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THAM GIA DỰ ÁN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH “CẢI CÁCH DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC VÀ HỖ TRỢ QUẢN TRỊ CÔNG TY”BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tố chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ công văn số 1957/TTg-QHQT ngày 16/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh mục Chương trình “Cải cách doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ quản trị Công ty” vay vốn của Ngân hàng Phát triển Châu Á;
Căn cứ công văn số 9437/VPCP-QHQT ngày 20/11/2012 của Văn phòng Chính phủ về tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước;
Căn cứ Hiệp định tài trợ Khung của Chương trình “Cải cách DNNN và hỗ trợ quản trị công ty” được ký kết ngày 27/09/2011 giữa Ngân hàng Phát triển Châu Á và Chính phủ Việt Nam;
Trên cơ sở ý kiến tham gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (công văn số 9447/BKHĐT-PTDN ngày 15/11/2012), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (công văn số 7471/NHNN-TTGS ngày 13/11/2012, số 7652/NHNN-HTQT ngày 20/11/2012);
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Giám đốc Ban Quản lý Chương trình “Cải cách doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ quản trị công ty”,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Hệ thống tiêu chí lựa chọn các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước (sau đây gọi tắt là DNNN) đủ điều kiện tham gia dự án 2 và dự án 3 thuộc Chương trình “Cải cách doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ quản trị công ty” vay vốn của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) bao gồm:
1. Nhóm tiêu chí điều kiện.
a. Mục tiêu: Soát xét hồ sơ, lập danh sách ngắn các DNNN tham gia dự án thuộc Chương trình khi đáp ứng đồng thời các tiêu chí điều kiện.
b. Nội dung: gồm 6 tiêu chí.
Tiêu chí 1- Đối tượng tham gia Chương trình là các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty Nhà nước, trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ của Công ty mẹ Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty Nhà nước tại thời điểm tham gia Chương trình.
Tiêu chí 2 – Tính tuân thủ chương trình tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty: Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp đã được chủ sở hữu phê duyệt và gửi Bộ Tài chính. Nội dung đề án tái cơ cấu doanh nghiệp phải đầy đủ, đúng các yêu cầu quy định tại Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/07/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011 – 2015”.
Tiêu chí 3 – Tính sẵn sàng cải cách:
– Hội đồng thành viên/Hội đồng Quản trị có nghị quyết về thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp để tham gia Chương trình;
– Chủ sở hữu: Bộ quản lý ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có văn bản đồng ý cho phép doanh nghiệp tham gia Chương trình.
Tiêu chí 4 – Tính công khai thông tin: Hội đồng thành viên/ Hội đồng Quản trị có văn bản cam kết cung cấp cho Bộ Tài chính (Ban Quản lý Chương trình) và ADB các thông tin về: báo cáo tài chính; quy trình quản lý, quản trị doanh nghiệp; kế hoạch chiến lược và quy trình lập kế hoạch chiến lược trong suốt thời gian đánh giá, lựa chọn doanh nghiệp và xây dựng phương án tái cấu trúc doanh nghiệp.
Tiêu chí 5 – Tính chấp hành pháp luật:
Báo cáo tài chính của công ty mẹ Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước trong 3 năm (tính đến thời điểm được xem xét lựa chọn) phải được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Những tranh chấp pháp lý quan trọng cần được nêu rõ để đảm bảo tái cơ cấu không bị cản trở bởi hệ thống pháp lý.
Tiêu chí 6 – Tính phù hợp với chương trình chiến lược đối tác quốc gia Việt Nam giai đoạn 2010 – 2015 của ADB: Doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính phù hợp với các ngành nghề mà ADB hỗ trợ phát triển (bao gồm: nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên, giáo dục, năng lượng, tài chính, giao thông vận tải, cấp nước, cơ sở hạ tầng tại các thành phố trực thuộc Trung ương và các dịch vụ công nghiệp).
2. Nhóm tiêu chí “biến số”.
a. Mục tiêu: Đánh giá, chấm điểm để lựa chọn doanh nghiệp có số điểm cao nhất (đủ điều kiện) tham gia dự án thuộc Chương trình trong danh sách ngắn DNNN.
b. Nội dung: gồm 3 nhóm chỉ tiêu.
– Nhóm chỉ tiêu tài chính, bao gồm:
Tổng nợ quá hạn và nợ ngắn hạn; nợ ngắn hạn/ tổng nợ; tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu; lợi nhuận trước thuế, chi phí lãi vay và khấu hao (EBITDA) hàng năm/ lãi vay phải trả hàng năm; dự kiến tổng nguồn lực tài chính cần thiết cho việc tái cấu trúc công ty mẹ và các công ty con (trong kế hoạch tái cơ cấu của DNNN, bao gồm cả tái cơ cấu nợ xấu); dòng tiền trên doanh số (dòng tiền hoạt động/tổng doanh thu); dòng tiền trên tổng tài sản (dòng tiền hoạt động/tổng doanh thu); dòng tiền trên vốn chủ sở hữu (dòng tiền hoạt động/vốn chủ sở hữu); hệ số khả năng thanh toán tổng quát (tổng tài sản/tổng nợ phải trả)…
– Nhóm chỉ tiêu về kế hoạch tái cấu trúc và lợi ích từ tái cấu trúc, bao gồm:
Tỷ lệ (%) tổng số lao động làm việc trong các công ty con hữu hiệu (ước tính); Tỷ lệ (%) tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm trong vòng 4 năm (2012-2015); Tỷ lệ (%) tăng dòng tiền mặt hoạt động sau 4 năm chuyển dịch cơ cấu (2012-2015); chất lượng kế hoạch tái cơ cấu (tầm nhìn, chiến lược và ngành nghề kinh doanh cốt lõi được xác định rõ ràng và các ngành nghề kinh doanh không cốt lõi được xác định, tái cơ cấu tài chính, kế hoạch quản lý nguồn nhân lực và tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp);…
– Nhóm chỉ tiêu về yếu tố thành công, bao gồm:
Chất lượng của Ban Giám đốc và quản lý cấp cao; cam kết và động lực của Hội động quản trị/ Hội đồng thành viên trong việc thực hiện tái cơ cấu; số lượng công ty con do công ty mẹ hoặc Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ; cam kết và động lực của cơ quan chủ sở hữu (Bộ quản lý ngành/ UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) trong việc thực hiện tái cơ cấu; Tổng công ty hoặc Tập đoàn kinh tế; Tình trạng của công ty kiểm toán (công ty kiểm toán được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận kiểm toán công ty niêm yết, công ty kiểm toán khác còn lại và kiểm toán nhà nước) trong năm 2011, 2012…
3. Nhóm tiêu chí bổ sung cho các DNNN đã tham gia dự án 1 của Chương trình (Tổng Công ty Sông Đà, Tổng Công ty Đường sông Miền Nam).
Tiêu chí 1 – Về đề án tái cơ cấu doanh nghiệp: Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp đã được chủ sở hữu phê duyệt (Bộ Xây dựng) hoặc chấp thuận (Bộ Giao thông Vận tải) và gửi Bộ Tài chính, ADB phải đáp ứng đầy đủ và đúng các yêu cầu quy định tại Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/07/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty Nhà nước giai đoạn 2011 – 2015”.
Tiêu chí 2 – Về kế hoạch triển khai đề án tái cơ cấu doanh nghiệp: Kế hoạch và lộ trình triển khai thực hiện đề án tái cấu trúc doanh nghiệp phải được Hội đồng thành viên/ Hội đồng quản trị doanh nghiệp phê duyệt sau khi có ý kiến tham gia của ADB và Bộ Tài chính (Ban Quản lý Chương trình).
Tiêu chí 3 – về các chỉ số tài chính cam kết: Các Tổng Công ty đạt được các chỉ số tài chính: (i) tỷ lệ nợ dài hạn/vốn tự có (vốn chủ sở hữu), (ii) hệ số trả nợ tối thiểu, (iii) tỷ lệ vốn chủ sở hữu, và (iv) các tỷ lệ tài chính khác được ADB chấp thuận theo cam kết được quy định tại Hiệp định phụ giữa Bộ Tài chính và doanh nghiệp về khoản vay tín dụng của ADB (số 2613-VIE, 2614-VIE (SF)).
Nếu các chỉ số tài chính chưa đạt được, DNNN phải có báo cáo giải trình và cam kết lộ trình thời gian cụ thể để đạt được các chỉ số tài chính đã cam kết gắn với kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp.
Tiêu chí 4 – Về tiến độ giải ngân, thanh toán: Các Tổng công ty đã thanh toán đầy đủ cho tư vấn đối với các hóa đơn thanh toán gói thầu tái cấu trúc doanh nghiệp (gói thầu chính dự án 1).
Điều 2. Quy trình lựa chọn doanh nghiệp theo các tiêu chí gồm 3 bước:
1. Bước 1 – Lựa chọn DNNN theo các tiêu chí điều kiện: Bộ Tài chính và ADB thẩm định trên cơ sở kết quả soát xét của chuyên gia tư vấn (do ADB lựa chọn) về hồ sơ, báo cáo của doanh nghiệp theo 6 tiêu chí quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 1 Quyết định này.
Kết quả bước 1 là công bố danh sách ngắn các DNNN.
2. Bước 2 – Lựa chọn doanh nghiệp theo các tiêu chí biến số: Căn cứ kết quả bước 1, chuyên gia tư vấn (do ADB lựa chọn) thực hiện đánh giá, phân tích, tính điểm theo từng chỉ tiêu cụ thể thuộc các nhóm tiêu chí biến số. Bộ Tài chính và ADB sẽ thẩm định báo cáo đánh giá lựa chọn của tư vấn và công bố kết quả.
Kết quả bước 2 là lựa chọn được DNNN có số điểm cao nhất.
3. Bước 3 – Đánh giá toàn diện hoạt động: Trên cơ sở kết quả lựa chọn theo tiêu chí điều kiện và tiêu chí biến số, DNNN có số điểm cao nhất được lựa chọn sẽ tiếp tục được đơn vị tư vấn (do ADB tuyển chọn) đánh giá toàn diện. Việc đánh giá toàn diện hoạt động sẽ đưa ra các khuyến nghị tái cấu trúc, điều kiện để tái cấu trúc thành công, khả năng hoàn trả khoản vay vốn ADB khi tham gia vào dự án thuộc Chương trình.
Kết quả bước 3 là quyết định chính thức DNNN được vay vốn tín dụng từ Chương trình.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Giám đốc Ban quản lý Chương trình “Cải cách DNNN và hỗ trợ quản trị công ty” và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn và thi hành Quyết định./
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG (Đã ký) Trần Văn Hiếu |
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Quyết định 20/2013/QĐ-BTC Tiêu chí và Quy trình lựa chọn doanh nghiệp nhà nước tham gia dự án thuộc Chương trình “Cải cách doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ quản trị công ty” của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.