Bạn đang xem bài viết ✅ Quyết định 1529/QĐ-BTC Tiêu chuẩn ASEAN đối với kế toán viên chuyên nghiệp ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Ngày 09/08/2021, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 1529/QĐ-BTC năm 2021 về Quy chế đánh giá đối với kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN.

Theo đó quy định ứng viên đáp ứng tất cả tiêu chuẩn sau có thể đăng ký công nhận là kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN (ASEAN CPA):

  • Có chứng chỉ kế toán viên Việt Nam hoặc chứng chỉ kiểm toán viên Việt Nam;
  • Có thời gian công tác thực tế về kế toán, kiểm toán, tài chính ít nhất 3 năm trong 5 năm liên tục từ khi được cấp bằng tốt nghiệp đại học tới thời điểm nộp đơn đăng ký công nhận ASEAN CPA;
  • Tuân thủ và đảm bảo chương trình cập nhật kiến thức (CPD) theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Quy chế, đơn cử như: Chậm nhất ngày 31/8 hằng năm, để duy trì chức danh ASEAN CPA thì mỗi ASEAN CPA phải đảm bảo quy định hiện hành về giờ cập nhật kiến thức tương tự như áp dụng đối với kế toán viên hành nghề, kiểm toán viên hành nghề tại Việt Nam; Nộp báo cáo duy trì chức danh ASEAN CPA hằng năm cho Bộ tài chính;
  • Không vi phạm nghiêm trọng các quy định về chuyên môn, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán của Việt Nam và quốc tế.

BỘ TÀI CHÍNH
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 1529/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 09 tháng 8 năm 2021

QUYẾT ĐỊNH 1529/QĐ-BTC

BAN HÀNH QUY CHẾ ĐÁNH GIÁ ĐỐI VỚI KẾ TOÁN VIÊN CHUYÊN NGHIỆP TIÊU CHUẨN ASEAN

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán trong ASEAN ngày 13/11/2014;

Căn cứ Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015;

Căn cứ Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 ngày 29/3/2011;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế đánh giá đối với kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Chủ tịch Ủy ban giám sát của Việt Nam thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán trong ASEAN và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
– Như điều 3;

– Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Tổng bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam;
– Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam;
– Các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán;
– Công báo;
– Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
– Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
– Website Bộ Tài chính;
– Lưu: VT, Cục QLKT (50).

BỘ TRƯỞNG




Hồ Đức Phớc

QUY CHẾ
ĐÁNH GIÁ ĐỐI VỚI KẾ TOÁN VIÊN CHUYÊN NGHIỆP TIÊU CHUẨN ASEAN

(Kèm theo Quyết định số 1529/QĐ-BTC ngày 09/8/2021 của Bộ Tài chính)

Chương I

GIỚI THIỆU VỀ QUY CHẾ

Điều 1. Giới thiệu về Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán trong ASEAN

1. Chính phủ của các nước Brunei Darussalam, Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Indonesia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Malaysia, Liên bang Myanmar, Cộng hòa Philippines, Cộng hòa Singapore, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là các quốc gia thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (sau đây được gọi chung là “ASEAN” hoặc “Các nước thành viên ASEAN” hoặc “Nước thành viên ASEAN”) cùng nhất trí về Thỏa thuận Thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về dịch vụ kế toán, kiểm toán (sau đây được gọi tắt là “Thỏa thuận”) nhằm:

a) Tạo thuận lợi cho việc di chuyển của các chuyên gia cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán giữa các nước thành viên ASEAN;

b) Tăng cường các cơ chế hiện hành của từng nước thành viên ASEAN trong việc cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán; và

c) Trao đổi thông tin để xúc tiến việc chấp thuận các thông lệ tốt nhất về các chuẩn mực và trình độ chuyên môn về kế toán, kiểm toán.

2. Văn bản Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán trong ASEAN được ký kết vào ngày 13/11/2014 được đăng tải trên trang web của ASEAN tại địa chỉ: http://www.asean.org/communities/asean-economic-community/category/services.

Điều 2. Quy chế đánh giá đối với kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN

Quy chế đánh giá đối với kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN được xây dựng dựa trên các cam kết của Việt Nam tại thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán trong ASEAN.

Điều 3. Kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN

1. Theo quy định tại Thỏa thuận: một người có quốc tịch của một nước thành viên ASEAN có đủ tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn và đáp ứng các yêu cầu quy định của Quy chế này có thể đăng ký để được ghi tên vào Đăng bạ Kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN (ACPAR) và nhận danh hiệu ASEAN CPA.

Tham khảo thêm:   Bộ đề thi giữa học kì 2 môn Giáo dục công dân 8 năm 2023 - 2024 sách Chân trời sáng tạo Đề kiểm tra giữa kì 2 GDCD 8 (Có đáp án, ma trận)

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý nghề nghiệp tại mỗi quốc gia thành viên ASEAN (ở Việt Nam là Bộ Tài chính) sẽ ủy quyền cho Ủy ban Giám sát của nước mình (ở Việt Nam là Ủy ban Giám sát của Việt Nam) tiếp nhận hồ sơ, thực hiện quy trình đăng ký của các ASEAN CPA để trình Ủy ban điều phối kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN xem xét phê duyệt và duy trì Đăng bạ ASEAN CPA của quốc gia mình theo quy định của Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán trong ASEAN.

Điều 4. Kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký (RFPA)

1. Một ASEAN CPA có nguyện vọng cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán tại một quốc gia thành viên ASEAN khác phải đủ tư cách để đăng ký với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý nghề nghiệp của nước sở tại để trở thành Kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký.

2. Một Kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký sẽ chỉ cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán trong phạm vi năng lực của mình khi được công nhận và chấp thuận bởi Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý nghề nghiệp của nước sở tại là thành viên ASEAN và chỉ thực hiện các công việc theo các quy định cụ thể đã đăng ký. Đồng thời Kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký đó phải tuân thủ:

a) Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp phù hợp với các chính sách về đạo đức được thiết lập và ban hành bởi nước xuất xứ nơi Kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký đăng ký là ASEAN CPA;

b) Pháp luật và quy định về hành nghề của nước sở tại là thành viên ASEAN nơi mà người đăng ký được phép làm việc như một Kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký;

c) Làm việc trong sự hợp tác với các kế toán viên, kiểm toán viên của nước sở tại là thành viên ASEAN tuân theo pháp luật và các quy định của nước sở tại.

Điều 5. Mục tiêu và hoạt động của Quy chế đánh giá

1. Quy chế này đưa ra khuôn khổ để đánh giá Kế toán viên chuyên nghiệp để được ghi tên vào ACPAR bởi Ủy ban giám sát của Việt Nam.

2. Quy chế này cần phải được Ủy ban điều phối kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN xem xét và công nhận trước khi Ủy ban giám sát của Việt Nam được ủy quyền tiếp nhận hồ sơ, thực hiện quy trình đăng ký của các ASEAN CPA để trình Ủy ban điều phối kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN phê duyệt theo quy định của Thỏa thuận.

Chương II

ỦY BAN GIÁM SÁT CỦA VIỆT NAM THỰC HIỆN THỎA THUẬN THỪA NHẬN LẪN NHAU VỀ DỊCH VỤ KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN TRONG ASEAN, CƠ CHẾ CÔNG NHẬN

Điều 6. Tổ chức nghề nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý nghề nghiệp

1. Tổ chức nghề nghiệp và cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý nghề nghiệp kế toán, kiểm toán tại Việt Nam

a) Bộ Tài chính là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý nghề nghiệp kế toán, kiểm toán tại Việt Nam. Bộ Tài chính thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kế toán, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.

b) Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) và Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam (VAA) là hai tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán của Việt Nam.

2. Tổ chức nghề nghiệp và cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý nghề nghiệp kế toán, kiểm toán tại Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm thực hiện những công việc theo quy định tại Điều 5 của Thỏa thuận.

Điều 7. Ủy ban giám sát của Việt Nam thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán trong ASEAN

1. Ủy ban giám sát của Việt Nam thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán trong ASEAN (Sau đây gọi tắt là Ủy ban giám sát của Việt Nam) do Bộ Tài chính quyết định thành lập. Ủy ban giám sát của Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 6 của Thỏa thuận.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định thành lập Ủy ban giám sát của Việt Nam. Ủy ban giám sát của Việt Nam bao gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các thành viên. Thành viên Ủy ban giám sát của Việt Nam hiện hành được thể hiện tại Phụ lục số 1.

3. Địa chỉ liên hệ:

Ủy ban Giám sát của Việt Nam

Bộ Tài chính Việt Nam

28 Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam

Điện thoại: + 84 024 22202828

Fax: + 84 024 22208020

Website: http://www.mof.gov.vn

Email: [email protected]

4. Chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban giám sát của Việt Nam

4.1. Triển khai và duy trì quá trình đệ trình các hồ sơ đăng ký của các ứng viên tại Việt Nam đủ điều kiện để được công nhận là ASEAN CPA và được ghi tên vào Đăng bạ Kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN, Ủy ban Giám sát của Việt Nam sẽ tuân thủ các tiêu chí và các thủ tục theo quy định của Thỏa thuận.

Tham khảo thêm:   Văn mẫu lớp 11: Giới thiệu tác phẩm kịch Thị Mầu lên chùa Giới thiệu một tác phẩm kịch

4.2. Ủy ban giám sát của Việt Nam phải thực hiện theo quy định của Thỏa thuận để đảm bảo các ứng viên của Việt Nam được ghi tên vào Đăng bạ Kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN:

a) Tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của Thỏa thuận;

b) Cung cấp bằng chứng khi nộp hồ sơ đăng ký công nhận là ASEAN CPA hoặc hồ sơ gia hạn và bằng chứng về việc tuân thủ đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức (CPD) được quy định tại Quy chế này.

4.3. Ủy ban Giám sát của Việt Nam thu hồi chức danh ASEAN CPA và hủy bỏ khỏi Đăng bạ ASEAN CPA khi các ASEAN CPA:

a) Vi phạm các quy định tại Thỏa thuận khi là Kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký ở nước sở tại; hoặc

b) Không tuân thủ đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức (CPD); hoặc

c) Vi phạm nghiêm trọng các quy định về chuyên môn và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán của Việt Nam hoặc nước sở tại dẫn đến việc hủy đăng ký hoặc đình chỉ hành nghề hoặc thu hồi giấy chứng nhận/giấy phép.

Điều 8. Cấp phép để được làm việc với tư cách kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký (RFPA)

1. Một ASEAN CPA đến từ một nước thành viên ASEAN tham gia Thỏa thuận phải đăng ký với Bộ Tài chính Việt Nam để được làm việc với tư cách là Kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký tại Việt Nam. Sau khi được chấp thuận, Kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký không được hành nghề độc lập mà phải làm việc trong doanh nghiệp dịch vụ kế toán; doanh nghiệp kiểm toán; chi nhánh doanh nghiệp kế toán, kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam hoặc các doanh nghiệp, tổ chức khác có chấp nhận RFPA; không được ký báo cáo kiểm toán, báo cáo về dịch vụ đảm bảo khác và các dịch vụ liên quan (dịch vụ phi đảm bảo) và các dịch vụ kế toán đòi hỏi phải có Giấy phép hành nghề trừ khi người đó đã được cấp Giấy phép hành nghề bởi Bộ Tài chính Việt Nam theo quy định của Luật Kế toán hoặc Luật Kiểm toán độc lập.

2. Bộ Tài chính Việt Nam sẽ giám sát và đánh giá hoạt động thực tiễn chuyên môn của Kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký để đảm bảo tuân thủ Thỏa thuận. Bộ Tài chính Việt Nam có thể ban hành những quy định mà không đi ngược lại hoặc làm thay đổi bất cứ điều khoản nào của Thỏa thuận nhằm mục tiêu duy trì các tiêu chuẩn cao về hành nghề và đạo đức trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán.

Điều 9. Cơ chế công nhận

1. Các yêu cầu để được đăng ký công nhận là kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN

1.1. Ứng viên đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn sau đây có thể đăng ký công nhận là ASEAN CPA:

a) Có chứng chỉ kiểm toán viên Việt Nam hoặc chứng chỉ kế toán viên Việt Nam;

b) Có thời gian công tác thực tế về kế toán, kiểm toán, tài chính ít nhất ba (3) năm trong giai đoạn năm (5) năm liên tục kể từ khi được cấp bằng tốt nghiệp đại học tới thời điểm nộp đơn đăng ký công nhận là ASEAN CPA quy định tại Khoản 2 Điều 9 của Quy chế này;

c) Tuân thủ và đảm bảo chương trình cập nhật kiến thức (CPD) quy định tại Khoản 3 Điều 9 của Quy chế này;

d) Không vi phạm nghiêm trọng các quy định về chuyên môn và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán của Việt Nam và quốc tế.

1.2. Đơn đăng ký công nhận là ASEAN CPA được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục 3/ASEAN CPA ban hành kèm theo Quy chế này.

2. Yêu cầu về thời gian công tác thực tế

2.1. Để chứng minh về thời gian thực tế làm kế toán, kiểm toán, tài chính quy định tại điểm b đoạn 1.1 khoản 1 Điều 9 ứng viên phải có Giấy xác nhận thời gian công tác thực tế do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của cơ quan, đơn vị nơi ứng viên đã thực tế làm việc ký xác nhận (Phụ lục 4/ASEAN CPA).

2.2. Trường hợp cần làm rõ các thông tin trong hồ sơ đăng ký công nhận là ASEAN CPA, Ủy ban giám sát Việt Nam có quyền yêu cầu ứng viên giải trình hoặc cung cấp tài liệu (sổ bảo hiểm xã hội, tài liệu khác) phục vụ cho việc kiểm tra, đối chiếu, xác minh quá trình làm việc và các thông tin khác trong hồ sơ đăng ký công nhận là ASEAN CPA.

3. Yêu cầu về giờ cập nhật kiến thức (CPD)

3.1. Mục tiêu của chương trình cập nhật kiến thức là tăng cường nhu cầu học tập lâu dài và cung cấp nền tảng kiến thức qua đó kế toán viên chuyên nghiệp có thể duy trì và nâng cao trình độ chuyên môn trong việc thực hiện công việc.

3.2. Mỗi ứng viên khi nộp hồ sơ đăng ký công nhận là ASEAN CPA phải đảm bảo các quy định hiện hành về yêu cầu giờ cập nhật kiến thức như áp dụng đối với người đăng ký hành nghề kế toán, người đăng ký hành nghề kiểm toán tại Việt Nam.

3.3. Chậm nhất là ngày 31/8 hàng năm, để duy trì chức danh ASEAN CPA thì mỗi ASEAN CPA phải đảm bảo quy định hiện hành về giờ cập nhật kiến thức tương tự như áp dụng đối với kế toán viên hành nghề, kiểm toán viên hành nghề tại Việt Nam và nộp báo cáo duy trì chức danh ASEAN CPA hàng năm cho Bộ Tài chính theo mẫu quy định tại Phụ lục số 7/ASEAN CPA ban hành kèm theo Quy chế này.

Tham khảo thêm:   Mẫu đơn xin đi học Trung cấp chính trị (2 mẫu) Đơn xin học lớp trung cấp lý luận chính trị

3.4. Giấy chứng nhận chức danh ASEAN CPA sẽ không còn hiệu lực nếu một trong các quy định sau đây không thỏa mãn:

a) ASEAN CPA không đảm bảo quy định hiện hành về giờ cập nhật kiến thức áp dụng đối với kế toán viên hành nghề, kiểm toán viên hành nghề tại Việt Nam; hoặc

b) ASEAN CPA không nộp báo cáo duy trì chức danh ASEAN CPA hàng năm cho Bộ Tài chính theo mẫu quy định tại Phụ lục số 7/ASEAN CPA ban hành kèm theo Quy chế này theo quy định tại điểm 3.3 khoản 3 Điều 9 Quy chế này.

3.5. Ứng viên khi nộp hồ sơ để được công nhận là ASEAN CPA và ASEAN CPA khi nộp báo cáo duy trì chức danh ASEAN CPA hàng năm phải cung cấp bằng chứng về việc tuân thủ các quy định về cập nhật kiến thức.

4. Yêu cầu về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp

4.1. Tất cả các ứng viên đăng ký công nhận là ASEAN CPA và các ASEAN CPA đều phải tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán của Việt Nam và quốc tế; tuân thủ các quy định về đạo đức, hành vi do Việt Nam và các nước khác nơi ASEAN CPA hành nghề đã lập ra và có hiệu lực.

4.2. ASEAN CPA sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với các hoạt động trong quá trình hành nghề kế toán, kiểm toán. Trong quá trình hành nghề kế toán, kiểm toán, ứng viên không được vi phạm nghiêm trọng các quy định về chuyên môn và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán ở Việt Nam hoặc ở nước khác.

5. Lưu trữ hồ sơ để duy trì giám sát

5.1. Nhằm hỗ trợ quá trình giám sát, xác minh quy trình hoạt động hành nghề của các nước thành viên ASEAN và trao đổi thông tin, Ủy ban giám sát của Việt Nam sẽ lưu một bộ hồ sơ đầy đủ sau khi ứng viên đã trở thành ASEAN CPA và có tên trong Đăng bạ Kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN.

5.2. Ủy ban Giám sát của Việt Nam có thể lựa chọn các ASEAN CPA có tên trong Đăng bạ Kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN để kiểm tra việc:

a) Tuân thủ yêu cầu về cập nhật kiến thức;

b) Tiếp tục đáp ứng các điều kiện của ASEAN CPA.

Điều 10. Quy trình đăng ký

1. Hướng dẫn nộp hồ sơ đăng ký công nhận là ASEAN CPA

1.1. Giới thiệu chung

Phần này hướng dẫn cụ thể các nội dung theo quy định tại điểm 4.2 và Phụ lục II của Thỏa thuận khi ứng viên nộp hồ sơ đăng ký công nhận là ASEAN CPA hoặc gia hạn công nhận là ASEAN CPA.

1.2. Quy trình nộp hồ sơ

a) Hồ sơ đăng ký được lập theo hướng dẫn quy định tại Thỏa thuận và mẫu tại Phụ lục của quy chế này và nộp cho Ủy ban giám sát của Việt Nam.

b) Ủy ban giám sát của Việt Nam thay mặt Ủy ban điều phối kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN tiến hành tiếp nhận hồ sơ và thực hiện quy trình đăng ký theo quy định của Thỏa thuận.

c) Ứng viên sẽ được thông báo bằng văn bản về kết quả chấp thuận của Ủy ban điều phối kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN.

d) Giấy chứng nhận ASEAN CPA sẽ được ACPACC cấp cho ứng viên có đầy đủ và đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.

e) Để tiếp tục được công nhận chức danh ASEAN CPA, ứng viên phải luôn đáp ứng điều kiện của ASEAN CPA, bao gồm cả điều kiện về cập nhật kiến thức quy định tại khoản 3 Điều 9 của Quy chế này.

1.3. Hồ sơ đăng ký công nhận là ASEAN CPA gồm:

a) Đơn đăng ký công nhận là kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN;

b) Bản sao chứng chỉ kiểm toán viên Việt Nam hoặc bản sao chứng chỉ kế toán viên Việt Nam;

c) Giấy xác nhận thời gian công tác thực tế về kế toán, kiểm toán, tài chính;

d) Tài liệu chứng minh giờ cập nhật kiến thức;

e) 2 ảnh màu cỡ 3x4cm được chụp trên nền trắng trong thời hạn không quá sáu (06) tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký công nhận là ASEAN CPA.

2. Đánh giá về chuyên môn:

Ủy ban Giám sát của Việt Nam thay mặt Ủy ban điều phối kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN thực hiện quy trình đăng ký theo quy định của Thỏa thuận về việc đánh giá kinh nghiệm thực tế làm kế toán, kiểm toán, tài chính của ứng viên.

Ủy ban Giám sát của Việt Nam phải đảm bảo rằng các tài liệu có liên quan đến việc đánh giá ứng viên để trở thành ASEAN CPA được cung cấp khi có yêu cầu của Ủy ban điều phối kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN.

3. Phí đăng ký lần đầu, phí duy trì hàng năm

Đối với những ứng viên được Ủy ban điều phối kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN chấp thuận cấp Giấy chứng nhận ASEAN CPA hoặc gia hạn giấy chứng nhận ASEAN CPA thì phải nộp phí đăng ký lần đầu hoặc phí duy trì hàng năm (phí gia hạn) (nếu có) khi có thông báo từ Ủy ban giám sát của Việt Nam.

……………

Tải File về để xem thêm nội dung chi tiết Quyết định

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Quyết định 1529/QĐ-BTC Tiêu chuẩn ASEAN đối với kế toán viên chuyên nghiệp của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *