Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Quyết định 1288/QĐ-BHXH ngày 25/07/2017 về quy chế quản lý đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, Quyết định quy định việc quản lý hoạt động đầu tư số tiền nhàn rỗi từ quỹ bảo hiểm xã hộ, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp do BHXH Việt Nam quản lý. Mời các bạn cùng tham khảo nội dung chi tiết và tải Quyết định 1288/QĐ-BHXH tại đây.
Nội dung Quyết định 1288/QĐ-BHXH
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1288/QĐ-BHXH |
Hà Nội, ngày 25 tháng 7 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ CÁC QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
TỔNG GIÁM ĐỐC BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH11 ngày 20/11/2014;
Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 ngày 14/11/2008 và Luật số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế;
Căn cứ Luật An toàn vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/6/2015;
Căn cứ Luật Việc làm số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013;
Căn cứ Nghị định số 01/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 30/2016/NĐ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 20/2016/TT-BTC ngày 03/02/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý đầu tư quỹ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý đầu tư các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các Quyết định số 1066/QĐ-BHXH ngày 8/10/2013 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Quy chế Quản lý đầu tư các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Quyết định số 976/QĐ-BHXH ngày 25/9/2014 của Tổng Giám đốc ban hành Quy chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ Dự phòng rủi ro trong hoạt động đầu tư các quỹ bảo hiểm do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.
Điều 3. Vụ trưởng Vụ Quản lý đầu tư quỹ, Chánh Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Tài chính-Kế toán, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Đầu tư và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TỔNG GIÁM ĐỐC Nguyễn Thị Minh |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ ĐẦU TƯ CÁC QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1288/QĐ-BHXH ngày 25 tháng 7 năm 2017 của Tổng Giám đốc
Bảo hiểm xã hội Việt Nam)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định việc quản lý hoạt động đầu tư số tiền nhàn rỗi từ quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) (sau đây gọi tắt là các quỹ bảo hiểm) do BHXH Việt Nam quản lý.
2. Đối tượng áp dụng bao gồm BHXH Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư các quỹ bảo hiểm do BHXH Việt Nam quản lý.
Điều 2. Nguyên tắc chung
1. Hoạt động đầu tư từ các quỹ bảo hiểm phải bảo đảm minh bạch, an toàn, hiệu quả và thu hồi được vốn đầu tư.
2. Thực hiện đầu tư theo đúng phương án đầu tư đã được Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam (sau đây gọi là Hội đồng quản lý) thông qua và các hình thức, phương thức đầu tư quy định tại Nghị định số 30/2016/NĐ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH, BHYT, BHTN (sau đây gọi tắt là Nghị định số 30/2016/NĐ-CP).
3. Huy động tối đa tiền nhàn rỗi từ các quỹ bảo hiểm để thực hiện đầu tư nhằm bảo toàn và tăng trưởng các quỹ bảo hiểm.
Điều 3. Các hình thức đầu tư
1. Hoạt động đầu tư từ các quỹ bảo hiểm được thực hiện thông qua các hình thức theo thứ tự ưu tiên như sau:
a) Mua trái phiếu Chính phủ;
b) Cho Ngân sách nhà nước vay;
c) Gửi tiền; mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các Ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt, hoạt động lành mạnh theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
d) Cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội vay theo hình thức mua trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do các Ngân hàng này phát hành;
đ) Đầu tư vào các dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
2. Việc đầu tư vào hai hình thức quy định tại Điểm d và Điểm đ Khoản 1 Điều này chỉ áp dụng đối với quỹ BHTN; số tiền đầu tư vào hai hình thức này không được vượt quá 20% số dư quỹ BHTN của năm trước liền kề.
Chương II
XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN ĐẦU TƯ
Điều 4. Xây dựng Phương án đầu tư từ các quỹ bảo hiểm hàng năm
1. Căn cứ xây dựng Phương án
a) Các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động đầu tư các quỹ bảo hiểm và các văn bản liên quan đến hoạt động đầu tư các quỹ bảo hiểm hiện hành;
b) Kết quả thực hiện phương án đầu tư quỹ đã được Hội đồng quản lý thông qua năm trước, ước thực hiện đầu tư quỹ năm nay;
c) Dự toán thu – chi quỹ BHXH, BHYT, BHTN trong năm kế hoạch của Ngành do các đơn vị Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Vụ Tài chính-Kế toán, Ban Thu xây dựng và cung cấp cho Vụ Quản lý đầu tư quỹ;
d) Số tiền gốc và lãi đầu tư dự kiến thu hồi trong năm kế hoạch;
đ) Nguồn đảm bảo thanh khoản để chi trả các chế độ và dự phòng năm kế hoạch;
e ) Nguồn vốn cho các yêu cầu cấp thiết khác theo chỉ đạo của Hội đồng quản lý và Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.
2. Xác định nguồn vốn nhàn rỗi trong năm: Căn cứ dự toán thu – chi BHXH, BHYT, BHTN nguồn đảm bảo thanh khoản để chi các chế độ và dự phòng; số tiền gốc, lãi đầu tư dự kiến thu hồi trong năm kế hoạch, Vụ Quản lý đầu tư quỹ xác định số tiền nhàn rỗi có thể đầu tư được trong năm kế hoạch.
3. Xây dựng phương án đầu tư quỹ
a) Xây dựng cơ cấu đầu tư: Căn cứ Báo cáo thực hiện đầu tư các quỹ bảo hiểm năm trước, tình hình thực hiện đầu tư các quỹ bảo hiểm năm nay và mục tiêu nhiệm vụ năm kế hoạch, Vụ Quản lý đầu tư quỹ xây dựng cơ cấu đầu tư phù hợp với các hình thức đầu tư và đảm bảo tuân thủ theo Điều 3 của Quy chế này.
b) Nội dung phương án đầu tư quỹ:
– Đánh giá tình hình thực hiện hoạt động đầu tư năm trước, ước thực hiện năm nay, chi tiết theo từng hình thức đầu tư, gồm các chỉ tiêu: số dư nợ đầu tư, số tiền đầu tư, số tiền thu hồi (tiền gốc, lãi), mức lãi suất đầu tư.
– Dự kiến đầu tư trong năm kế hoạch, gồm các chỉ tiêu: Tổng số tiền đầu tư, các hình thức đầu tư, cơ cấu đầu tư, mức lãi suất đầu tư, số tiền thu hồi (tiền gốc, lãi), số dư nợ đầu tư cuối năm.
c) Vụ Quản lý đầu tư quỹ gửi Vụ Kế hoạch và Đầu tư kế hoạch đầu tư từ các quỹ bảo hiểm năm kế hoạch đã được Lãnh đạo Ngành BHXH Việt Nam phê duyệt để tổng hợp chung trong dự toán ngân sách năm của Ngành.
4. Thủ tục và trình tự phê duyệt phương án đầu tư quỹ
a) Căn cứ số liệu dự toán thu-chi của Ngành; số dư quỹ dự phòng, số tiền lãi phát sinh tại các tài khoản tiền gửi thanh toán, số dư tiền tại tài khoản đảm bảo thanh toán do Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Vụ Tài chính-Kế toán cung cấp, Vụ Quản lý đầu tư quỹ xây dựng phương án đầu tư quỹ trình Tổng Giám đốc phê duyệt.
b) BHXH Việt Nam trình Hội đồng quản lý thông qua phương án đầu tư quỹ năm kế hoạch.
c) Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu xét thấy cần thiết phải điều chỉnh hoặc bổ sung phương án đầu tư nhằm đảm bảo thực hiện kế hoạch và nâng cao hiệu quả đầu tư, hoặc do điều chỉnh dự toán thu – chi BHXH, BHYT, BHTN, Vụ Quản lý đầu tư quỹ chủ trì phối hợp với Vụ Kế hoạch và Đầu tư trình Tổng Giám đốc báo cáo Hội đồng quản lý xem xét, quyết định.
Điều 5. Lập kế hoạch đầu tư các quỹ bảo hiểm hàng tháng
1. Căn cứ lập kế hoạch
a) Phương án đầu tư các quỹ bảo hiểm trong năm đã được Hội đồng Quản lý thông qua;
b) Số dư trên các tài khoản tiền gửi thanh toán của BHXH Việt Nam ngày đầu của tháng, dự kiến các khoản chi gồm: chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN, chi BHXH, BHYT, BHTN trong tháng do Vụ Tài chính – Kế toán cung cấp;
c) Dự kiến số thu BHXH, BHYT, BHTN trong tháng do Ban Thu cung cấp;
d) Số tiền gốc và lãi đầu tư đến hạn thu hồi được trong tháng;
đ) Thông tin thị trường và các cơ hội đầu tư.
2. Lập kế hoạch đầu tư hàng tháng
a) Ban Thu: Vào ngày đầu tiên hàng tháng, nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì chuyển vào ngày làm việc gần nhất, gửi thông báo cho Vụ Quản lý đầu tư quỹ số tiền đã thu được tháng trước và dự kiến số tiền thu được trong tháng.
b) Vụ Tài chính – Kế toán: Vào ngày đầu tiên hàng tháng, nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì chuyển vào ngày làm việc gần nhất, gửi thông báo cho Vụ Quản lý đầu tư quỹ số liệu số dư trên các tài khoản tiền gửi thanh toán của BHXH Việt Nam ngày đầu của tháng, dự kiến các khoản chi trong tháng (gồm các khoản chi như: chi BHXH, BHYT, BHTN, chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN, nguồn đảm bảo thanh khoản để chi trả chế độ và dự phòng).
c) Vụ Quản lý đầu tư quỹ: Vào ngày 05 hàng tháng, nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì chuyển vào ngày làm việc gần nhất, căn cứ số tiền gốc và lãi đầu tư đến hạn thu hồi trong tháng và các số liệu và tài liệu liên quan do các đơn vị cung cấp, xác định số tiền tạm thời nhàn rỗi có thể đầu tư được trong tháng, báo cáo, trình Tổng Giám đốc về kế hoạch đầu tư trong tháng.
Chương III
PHƯƠNG THỨC THỰC HIỆN ĐẦU TƯ
Mục I. ĐẦU TƯ TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ, TRÁI PHIẾU ĐƯỢC CHÍNH PHỦ BẢO LÃNH, CHO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VAY
Điều 6. Đầu tư trái phiếu Chính phủ
1. Xây dựng kế hoạch mua trái phiếu Chính phủ (viết tắt là TPCP)
a) Căn cứ vào phương án đầu tư quỹ đã được Hội đồng quản lý thông qua, kế hoạch phát hành TPCP hàng năm của Bộ Tài chính, Vụ Quản lý đầu tư quỹ trình Tổng Giám đốc về kế hoạch mua TPCP về khối lượng, kỳ hạn, thời điểm.
b) Các hình thức mua TPCP như sau (Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 30/2016/NĐ-CP):
– Mua TPCP từ Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước;
– Mua TPCP từ các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về giao dịch TPCP.
2. Phương thức mua trái phiếu Chính phủ
Căn cứ kế hoạch phát hành TPCP được Bộ Tài chính phê duyệt, Vụ Quản lý đầu tư quỹ trình Tổng Giám đốc thực hiện mua TPCP theo quy định hiện hành và phù hợp với thị trường TPCP trong nước theo các hình thức:
2.1. Trên thị trường sơ cấp:
a) Mua TPCP theo hình thức phát hành riêng lẻ.
Vụ Quản lý đầu tư quỹ trực tiếp liên hệ với các đơn vị liên quan để phối hợp thực hiện theo quy định, các bước như sau:
– Gửi Kho bạc Nhà nước (KBNN) công văn đề nghị mua TPCP;
– KBNN trình Bộ Tài Chính ban hành Quyết định phát hành trái phiếu cho BHXH Việt Nam;
– Sau khi có Quyết định của Bộ Tài Chính, BHXH Việt Nam thực hiện chuyển tiền đầu tư mua TPCP vào tài khoản do KBNN chỉ định.
– Thực hiện việc đăng ký và lưu ký TPCP theo quy định
b) Tham gia đấu thầu TPCP qua thành viên đấu thầu
Vụ Quản lý đầu tư quỹ trực tiếp liên hệ với các đơn vị liên quan để phối hợp thực hiện theo quy định, các bước như sau:
– Lựa chọn thành viên đấu thầu và lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ lưu ký.
– Đặt lệnh đấu thầu TPCP
– Thanh toán tiền mua trái phiếu.
– Thanh toán phí lưu ký chứng khoán.
c) Trực tiếp đấu thầu TPCP không cạnh tranh lãi suất qua hệ thống đấu thầu điện tử của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (viết tắt là HNX) theo quy định.
Vụ Quản lý đầu tư quỹ trực tiếp liên hệ với các đơn vị liên quan để phối hợp thực hiện theo quy định, các bước như sau:
– Đăng ký tham gia hệ thống đấu thầu tại HNX
– Lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ lưu ký
– Tham gia đấu thầu không cạnh tranh lãi suất trên HNX
– Thanh toán tiền mua TPCP sau phiên đấu thầu
– Thanh toán phí sử dụng thiết bị đầu cuối, phí lưu ký theo quy định.
d) Việc đấu thầu TPCP tại mục b, c Điều này thực hiện theo quy trình riêng.
2.2. Trên thị trường thứ cấp
BHXH Việt Nam mua TPCP từ các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về giao dịch TPCP được thực hiện trên thị trường thứ cấp. Trình tự thủ tục đầu tư mua TPCP trên thị trường thứ cấp thực hiện theo quy định hiện hành.
3. Thanh toán tiền mua TPCP
a) Đối với hình thức phát hành riêng lẻ: Căn cứ Quyết định của Bộ Tài chính, Vụ Quản lý đầu tư quỹ gửi công văn kèm theo Quyết định của Bộ Tài chính về việc phát hành TPCP cho BHXH Việt Nam (bản phô tô) đề nghị Vụ Tài chính – Kế toán thực hiện chuyển tiền mua TPCP đảm bảo kịp thời đầy đủ theo quy định.
b) Đối với hình thức đấu thầu: Căn cứ kết quả trúng thầu, Vụ Quản lý đầu tư quỹ gửi công văn kèm theo thông báo kết quả trúng thầu và kế hoạch đấu thầu TPCP đã được Lãnh đạo BHXH Việt Nam phê duyệt thông báo Vụ Tài chính – Kế toán thực hiện chuyển tiền mua TPCP cho KBNN trước 14:00 giờ ngày T+1, trong đó ngày T là ngày tổ chức đấu thầu.
Sau mỗi đợt chuyển tiền, Vụ Tài chính – Kế toán gửi thông báo bằng văn bản (ghi rõ: Số tiền đã chuyển, ngày chuyển tiền) cho KBNN, đồng thời gửi Vụ Quản lý đầu tư quỹ 01 bản để phối hợp theo dõi.
4. Trường hợp cần thiết phải bán TPCP để thu hồi vốn trước hạn
a) Vụ Quản lý đầu tư quỹ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan nêu rõ lý do báo cáo Tổng Giám đốc trình Hội đồng quản lý quyết định;
b) Sau khi Hội đồng quản lý phê duyệt, Vụ Quản lý đầu tư quỹ chủ trì trình Tổng Giám đốc thực hiện bán TPCP theo quy định hiện hành.
Điều 7. Đầu tư trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành
Vụ Quản lý đầu tư quỹ trình Tổng Giám đốc đầu tư trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành theo phương án đầu tư đã được Hội đồng quản lý thông qua và thực hiện theo Điều 10 Nghị định số 30/2016/NĐ-CP của Chính phủ, Điều 6 của Quy chế này và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Thời hạn đầu tư mua trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành tối đa không quá 05 năm.
Điều 8. Cho Ngân sách Nhà nước vay
1. Căn cứ phương án đầu tư quỹ đã được Hội đồng quản lý thông qua và nhu cầu vay đối với Ngân sách Nhà nước tại từng thời điểm theo yêu cầu, Vụ Quản lý đầu tư quỹ căn cứ nguồn tiền nhàn rỗi của BHXH Việt Nam, xác định mức cho vay, thời điểm cho vay trình Tổng Giám đốc phê duyệt đảm bảo kịp thời.
Thời hạn vay, mức lãi suất cho vay: Thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 30/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
2. Thủ tục cho vay và chuyển tiền vay
a) Vụ Quản lý đầu tư quỹ:
– Căn cứ nhu cầu vay vốn của Ngân sách Nhà nước tại thời điểm cần vay và các tài liệu liên quan, dự thảo hợp đồng vay vốn để Lãnh đạo BHXH Việt Nam và Lãnh đạo Bộ Tài chính ký hợp đồng theo quy định.
– Lập tờ trình Tổng Giám đốc đề xuất nội dung để các đơn vị liên quan thực hiện theo hợp đồng và chuyển tiền cho Ngân sách Nhà nước về thời gian chuyển tiền, số tiền, tài khoản chuyển theo hợp đồng đã ký.
b) Vụ Tài chính – Kế toán:
Căn cứ hợp đồng đã ký (bản gốc) và công văn đề nghị chuyển tiền của Vụ Quản lý đầu tư quỹ thực hiện chuyển tiền, hạch toán theo dõi quản lý, đồng thời gửi thông báo bằng văn bản (ghi rõ: Số tiền đã chuyển, ngày chuyển tiền) cho Bộ Tài chính và Vụ Quản lý đầu tư quỹ một bản để quản lý, theo dõi.
3. Thu hồi nợ vay gốc, lãi: Vụ Quản lý đầu tư quỹ chủ trì và thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 7 Nghị định số 30/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
4. Trước thời điểm đến hạn thanh toán trả nợ gốc, trả lãi các khoản do Ngân sách Nhà nước vay 10 ngày làm việc, BHXH Việt Nam gửi Công văn cho Bộ Tài chính để làm thủ tục thanh toán.
5. Gia hạn nợ, cho vay lại: Vụ Quản lý đầu tư quỹ chủ trì thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 7 Nghị định số 30/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Download file tài liệu để xem thêm chi tiết.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Quyết định 1288/QĐ-BHXH Quy chế quản lý đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.