Bạn đang xem bài viết ✅ Quyết định 1058/QĐ-TTg Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1058/QĐ-TTg ngày 19/07/2017 về việc phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020”. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020:

– Các ngân hàng thương mại (NHTM) cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12 – 15 NHTM áp dụng thành công Basel II và từ 01 đến 02 NHTM nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á.

– Tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các NHTM.

– Hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các NHTM cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam và các quỹ tín dụng nhân dân đạt mức vốn điều lệ tối thiểu 01 tỷ đồng.

– Phấn đấu xử lý và kiểm soát nợ xấu để đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho công ty thu mua nợ quốc gia… xuống dưới 3% (trừ NHTM yếu kém đã được chính phủ phê duyệt phương án xử lý).

Nội dung Quyết định 1058/QĐ-TTg

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——-o0o——–

Số: 1058/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 19 tháng 07 năm 2017

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “CƠ CẤU LẠI HỆ THỐNG CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG GẮN VỚI XỬ LÝ NỢ XẤU
GIAI ĐOẠN 2016 – 2020”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị quyết số 142/2016/QH13 ngày 12 tháng 4 năm 2016 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng;

Căn cứ Nghị quyết số 27/2017/NQ-CP ngày 21 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020;

Căn cứ Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020;

Xét đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020” (sau đây gọi là Đề án) kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

– Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án và ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, đơn vị chủ trì bảo đảm triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả.

– Chỉ đạo, hướng dẫn và thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện phương án xử lý/phương án cơ cấu lại của tổ chức tín dụng (bao gồm cả tổ chức tín dụng yếu kém); chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Tham khảo thêm:   TOP ứng dụng làm ảnh hộ chiếu trên di động

– Đôn đốc, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương và tổ chức liên quan định kỳ tổng hợp, xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01 tháng 7 và ngày 31 tháng 12 hàng năm về đánh giá tình hình và kết quả triển khai thực hiện Đề án, khó khăn, vướng mắc phát sinh và đề xuất giải pháp báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

– Chủ trì, phối hợp và chủ động cung cấp thông tin cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật, diễn biến về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu để tạo sự ủng hộ, đồng thuận trong toàn xã hội.

– Tăng cường quản lý và điều hành hiệu quả hoạt động của thị trường tiền tệ, thị trường vàng, thị trường ngoại hối; điều hành linh hoạt, có hiệu quả chính sách tiền tệ, duy trì sự ổn định lãi suất, tỷ giá phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường góp phần bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính và duy trì môi trường kinh doanh an toàn cho các tổ chức tín dụng; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, đặc biệt là tín dụng cho những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản.

– Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 để đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực vốn của Basel II.

– Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong công tác thanh tra, giám sát hoạt động các tổ chức tín dụng, đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng và sở hữu cổ phần, cổ phiếu gây tác động bất lợi tới thị trường chứng khoán và rủi ro cho tổ chức tín dụng.

– Phối hợp với các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước (bao gồm cả tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước) xây dựng kế hoạch và thực hiện lộ trình thoái vốn góp, vốn cổ phần tại tổ chức tín dụng.

2. Trách nhiệm của Bộ Tài chính:

– Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí nguồn để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 để đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực vốn của Basel II theo Phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

– Nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua, bán nợ của các doanh nghiệp, về hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua, bán nợ.

– Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng lộ trình và bố trí nguồn xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước trung ương, địa phương, nợ xấu từ hoạt động cho vay theo các chương trình dự án, chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh.

– Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành, các cơ quan chủ quản của các doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan, tổ chức tín dụng liên quan xây dựng phương án xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước.

– Nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giao dịch trên thị trường chứng khoán và chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán để giao dịch công khai, minh bạch vào thời điểm thích hợp.

Tham khảo thêm:   Tiếng Anh lớp 3 Unit 7: Lesson 1 Unit 7 trang 116 Explore Our World (Cánh diều)

– Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế tài chính đối với các tổ chức tín dụng yếu kém trong quá trình cơ cấu lại và xử lý nợ xấu.

3. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

– Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính cân đối, bố trí nguồn để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 để đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực vốn của Basel II theo Phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

– Phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng lộ trình và bố trí nguồn xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước trung ương, địa phương, nợ xấu từ hoạt động cho vay theo các chương trình dự án, chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh.

– Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước.

4. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp:

Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thi hành án dân sự các cấp phối hợp, hỗ trợ Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các tổ chức tín dụng trong quá trình thi hành bản án, quyết định của Tòa án về xử lý tài sản bảo đảm; chỉ đạo Tổng cục thi hành án dân sự phối hợp với các tổ chức tín dụng rà soát, tổng hợp các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án chưa được thi hành hoặc đang được thi hành dở dang, đẩy nhanh thi hành án các vụ án còn tồn đọng.

5. Trách nhiệm của Bộ Công an:

– Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

– Cơ quan Công an các cấp tăng cường phối hợp, hỗ trợ các tổ chức tín dụng, VAMC đảm bảo an ninh trật tự trong việc thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ.

– Chỉ đạo Cơ quan điều tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức liên quan đẩy nhanh việc điều tra, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đặc biệt là việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của cổ đông lớn và người có liên quan để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức tín dụng và người gửi tiền.

6. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông: Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong công tác chỉ đạo, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

7. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường:

– Nghiên cứu, sửa đổi quy định tại Luật Đất đai để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về nhận thế chấp là quyền sử dụng đất của các tổ chức không phải là các tổ chức tín dụng.

– Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung ưu tiên nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai Quốc gia.

– Nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến đăng ký điện tử về đất đai, trong đó có đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; xây dựng quy định và chỉ đạo thực hiện lộ trình cập nhật và công khai thông tin các giao dịch về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên hệ thống thông tin điện tử của cơ quan tài nguyên và môi trường để các bên liên quan nắm bắt. Đối với địa phương chưa xây dựng xong cơ sở dữ liệu đất đai, việc cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo quy định hiện hành về cung cấp thông tin.

Tham khảo thêm:   Nghị định 93/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương

8. Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức, có liên quan tổ chức quán triệt các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Quyết định này, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện các nội dung sau:

– Trước ngày 15 tháng 8 năm 2017 ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể; trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, đơn vị chủ trì, đưa vào chương trình công tác để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Quyết định này; gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tổng hợp, theo dõi việc tổ chức thực hiện.

– Hướng dẫn, chỉ đạo các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước có sở hữu cổ phần, vốn góp tại các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại các tổ chức tín dụng theo đúng lộ trình và chịu trách nhiệm xử lý các hậu quả có liên quan đến tổ chức tín dụng thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật; khuyến khích, thu hút nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ cho sự phát triển của quỹ tín dụng nhân dân.

– Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Đề án trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và đề xuất các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước ngày 01 tháng 6 và ngày 30 tháng 11 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

9. Trách nhiệm của các tổ chức tín dụng:

– Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng.

– Bảo đảm an ton hoạt động, an toàn tài sản của Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân trong quá trình cơ cấu lại.

– Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cơ cấu lại tổ chức tín dụng.

– Báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đầy đủ, kịp thời, trung thực kết quả, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng và đề xuất biện pháp xử lý (nếu có).

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của các tổ chức tín dụng, VAMC chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán nhà nước;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Ngân hàng Chính sách xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT, ĐMDN, PL, QHĐP;
– Lưu: VT, KTTH (2).KN

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Quyết định 1058/QĐ-TTg Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *