Bạn đang xem bài viết ✅ Quyết định 01/2013/QĐ-KTNN Quy trình kiểm toán Chương trình mục tiêu Quốc gia ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Quyết định 01/2013/QĐ-KTNN về Quy trình kiểm toán Chương trình mục tiêu Quốc gia do Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành.

KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
——–

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————————————

Số: 01/2013/QĐ-KTNN

Hà Nội, ngày 29 tháng 03 năm 2013

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY TRÌNH KIỂM TOÁN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIATỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu;

Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Quyết định số 02/2008/QĐ-KTNN ngày 15/02/2008 của Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành Quy chế soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Kiểm toán Nhà nước; Quyết định số 02/2009/QĐ-KTNN ngày 07/4/2009 của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Kiểm toán Nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 04/2007/QĐ-KTNN ngày 02/8/2007 của Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành Quy trình kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước;

Xét đề nghị của Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình kiểm toán Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 02/2012/QĐ-KTNN ngày 04/04/2012 của Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành Quy trình kiểm toán Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
– Văn phòng TW và các ban của Đảng; các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
– Thủ tướng Chính phủ;
– Văn phòng Chủ tịch nước; VP Quốc hội; VP Chính phủ;
– Hội đồng dân tộc; các Ủy ban của Quốc hội;
– Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP;
– HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– VKSND tối cao, TAND tối cao;
– Các cơ quan TW của các đoàn thể;
– Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91;
– Cục Kiểm tra VBQPPL – Bộ Tư pháp;
– Công báo;
– Lãnh đạo KTNN; các đơn vị trực thuộc KTNN;
– Lưu: VT.

TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

(Đã ký)

Đinh Tiến Dũng

QUY TRÌNH KIỂM TOÁN

CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2013/QĐ-KTNN ngày29 tháng 03 năm 2013 của Tổng Kiểm toán Nhà nước)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quy trình này quy định trình tự, nội dung, thủ tục tiến hành các bước công việc của cuộc kiểm toán Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG), bao gồm các bước:

a) Chuẩn bị kiểm toán;

b) Thực hiện kiểm toán;

c) Lập và gửi báo cáo kiểm toán;

d) Kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

2. Quy trình này được áp dụng đối với các Đoàn kiểm toán nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình kiểm toán các cuộc kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia do Kiểm toán Nhà nước thực hiện.

Điều 2. Yêu cầu đối với Đoàn kiểm toán và các thành viên của đoàn kiểm toán khi thực hiện kiểm toán Chương trình mục tiêu Quốc gia

Khi thực hiện kiểm toán CTMTQG, Đoàn kiểm toán, Kiểm toán viên, thành viên khác của đoàn kiểm toán phải tuân thủ các quy định tại Quy trình kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 04/2007/QĐ-KTNN ngày 02/8/2007 của Tổng Kiểm toán Nhà nước và các quy định tại Quy trình này.

Điều 3. Loại hình kiểm toán

Tuỳ theo đặc điểm, tính chất của từng cuộc kiểm toán có thể áp dụng một, hai hoặc cả ba loại hình kiểm toán: Kiểm toán báo cáo tài chính; Kiểm toán tuân thủ; Kiểm toán hoạt động.

Chương II

CHUẨN BỊ KIỂM TOÁN

Mục 1. KHẢO SÁT VÀ THU THẬP THÔNG TIN VỀ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA ĐƯỢC KIỂM TOÁN

Điều 4. Thông tin cần thu thập

1. Những thông tin cần thu thập về Chương trình mục tiêu Quốc gia

a) Quyết định phê duyệt Chương trình, các văn bản về chủ trương, đường lối, chính sách điều hành chương trình … (nêu rõ số, ngày và cấp quyết định của văn bản)…;

b) Mục tiêu của Chương trình; Đối tượng được hưởng lợi;

c) Nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia; các dự án thuộc Chương trình;

d) Thời gian thực hiện Chương trình; Phạm vi triển khai Chương trình;

đ) Tổng mức đầu tư của Chương trình (nếu có); Tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình (trong đó: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, viện trợ quốc tế, vốn do dân đóng góp, vốn tín dụng, …); Đề án được duyệt của chương trình (trung ương, địa phương);

e) Cơ chế quản lý tài chính chương trình: Lập và phân bổ kế hoạch vốn; cơ chế cấp phát, thanh toán vốn; quản lý chi tiêu (nêu rõ đối với từng loại: Chi sự nghiệp, chi đầu tư xây dựng cơ bản); quyết toán vốn (nêu nhiệm vụ của từng cấp: cơ quan Trung ương, địa phương);

g) Số vốn đã phân bổ cho Chương trình, trong đó xác định rõ vốn đầu tư, vốn sự nghiệp (Kèm phụ biểu tổng hợp chi tiết cho từng tỉnh);

h) Kết quả thực hiện mục tiêu của chương trình theo từng dự án thành phần và tổng thể toàn Chương trình;

i) Tình hình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán liên quan đến hoạt động thời kỳ sẽ kiểm toán, kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán;

k) Một số thuận lợi, khó khăn chủ yếu khi thực hiện Chương trình;

2. Thông tin về hệ thống kiểm soát nội bộ

a) Môi trường kiểm soát nội bộ: Cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của bộ máy quản lý Chương trình (Trung ương, địa phương) và cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình (khái quát chức năng nhiệm vụ của từng bộ phận); hình thức quản lý thực hiện; chính sách, quy chế quản lý nội bộ của đơn vị về giám sát thực hiện, nghiệm thu, thanh quyết toán; tài chính- kế toán, nhân sự…;

b) Hoạt động kiểm soát và các thủ tục kiểm soát: Việc thực hiện các quy chế quản lý trong các khâu lập và trình duyệt kế hoạch, giám sát thực hiện, nghiệm thu, thanh quyết toán;

c) Công tác kế toán tại các đơn vị thực hiện Chương trình: Chính sách kế toán áp dụng; tổ chức bộ máy kế toán; tổ chức hạch toán kế toán: hệ thống chứng từ, tài khoản, sổ kế toán, báo cáo kế toán;

(Nêu rõ tại cơ quan quản lý tổng hợp, chủ trì thực hiện và các đơn vị tham gia thực hiện chương trình).

d) Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản khác liên quan tới việc chuẩn bị, tổ chức, điều hành, quản lý, thực hiện Chương trình; Các văn bản cam kết tài trợ, hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp về kinh phí hỗ trợ thực hiện Chương trình;

đ) Kiểm toán, thanh tra và kiểm tra nội bộ: Tình hình kiểm toán, thanh tra và kiểm tra nội bộ;

e) Công tác giám sát, kiểm tra thực hiện chương trình của Hội đồng nhân dân các cấp từ khâu lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện và quyết toán kinh phí.

Điều 5. Nguồn thu thập thông tin

1. Thông tin từ đơn vị quản lý và đơn vị thực hiện Chương trình

a) Thu thập tài liệu, hồ sơ liên quan đến Chương trình: Quyết định phê duyệt Chương trình, các Quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện của cấp có thẩm quyền: Trung ương, địa phương; Báo cáo quyết toán tài chính; Báo cáo tình hình thực hiện, tình hình thanh toán, tạm ứng, các báo cáo kế toán, thống kê theo quy định của Nhà nước; Báo cáo giám sát đầu tư hàng năm, báo cáo sơ kết tổng kết chương trình, những thông tin, những chỉ tiêu có liên quan đến đối tượng hưởng lợi từ Chương trình của từng địa phương; Báo cáo giám sát việc thực hiện Chương trình của Hội đồng nhân dân; Quyết định về tổ chức bộ máy quản lý thực hiện Chương trình; Các văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc tổ chức thực hiện Chương trình; Hiệp định vay vốn và những quy định, hướng dẫn của nhà tài trợ liên quan đến quản lý, sử dụng vốn vay (nếu có); Các văn bản trao đổi giữa các bên tham gia quản lý, thực hiện Chương trình; Các báo cáo thanh tra, kiểm tra, kiểm toán (nếu có);

b) Các báo cáo bằng văn bản của đơn vị hoặc phỏng vấn trực tiếp cơ quan quản lý Chương trình theo các nội dung yêu cầu theo đề cương khảo sát về các nội dung cần thu thập tại Điều 4 Quy trình này.

2. Thông tin từ bên ngoài đơn vị thực hiện chương trình

a) Cơ quan cấp trên;

b) Cơ quan cấp phát vốn;

c) Cơ quan đã, đang tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán;

d) Các phương tiện thông tin đại chúng;

đ) Các đơn vị khác (nếu có).

Điều 6. Phương pháp thu thập thông tin

1. Đánh giá tài liệu của các lần kiểm toán trước.

2. Thu thập và đánh giá tài liệu từ các nguồn khác nhau.

3. Phỏng vấn, trao đổi trực tiếp.

4. Quan sát, thực nghiệm.

Mục 2. ĐÁNH GIÁ THÔNG TIN ĐÃ THU THẬP VÀ HỆ THỐNG KIỂM SOÁT NỘI BỘ CỦA ĐƠN VỊ ĐƯỢC KIỂM TOÁN

Điều 7. Đánh giá khái quát tình hình thực hiện Chương trình

1. Tình hình, đặc điểm của Chương trình từ khi bắt đầu thực hiện đến thời điểm kiểm toán: Việc chấp hành trình tự, thủ tục thực hiện Chương trình; những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện; nguyên nhân khách quan, chủ quan của những khó khăn, thuận lợi có liên quan đến Chương trình…

2. Tình hình thanh, quyết toán vốn Chương trình.

3. Hiệu quả kinh tế, xã hội, kết quả thực hiện mục tiêu của Chương trình (đánh giá sơ bộ).

Điều 8. Đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ

1. Việc đánh giá Hệ thống kiểm soát nội bộ để làm cơ sở xác định rủi ro kiểm soát, trọng tâm kiểm toán.

2. Đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ bao gồm các nội dung sau:

a) Việc phân công, phân cấp chức năng và nhiệm vụ của các đơn vị quản lý, thực hiện: sự rõ ràng, hợp lý, thuận lợi cho quá trình thực hiện;

b) Các nhân tố ảnh hưởng đến lĩnh vực hoạt động của đơn vị, như: Các biến động về kinh tế, chính sách, quy chế của đơn vị, sự thay đổi về nhân sự, mức độ phức tạp của công việc, …;

c) Tổ chức công tác kế toán;

d) Tính hiệu lực, hiệu quả và độ tin cậy của hệ thống kiểm soát nội bộ.

Mục 3. XÁC ĐỊNH TRỌNG TÂM VÀ RỦI RO KIỂM TOÁN

Điều 9. Trọng tâm kiểm toán

1. Xác định trọng tâm kiểm toán làm cơ sở đánh giá các sai phạm hoặc thiếu sót phát hiện được trong quá trình thực hiện kiểm toán.

2. Trọng tâm kiểm toán thường tập trung vào các vấn đề sau:

a) Xác định nhu cầu đầu tư, sự phù hợp về quy mô, phạm vi, đối tượng thụ hưởng từ Chương trình;

b) Kết quả thực hiện các mục tiêu của Chương trình; Hiệu quả của những nội dung đã thực hiện;

c) Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành thực hiện chương trình;

d) Các vấn đề gây tác động lớn tới chính sách xã hội, môi trường, nền kinh tế;

đ) Các vấn đề dư luận đang quan tâm đến Chương trình;

e) Các dự án thành phần của Chương trình có các nội dung đầu tư, hạng mục công trình, công trình có giá trị lớn;

g) Việc chấp hành luật pháp, các quy định, chế độ trong việc quản lý thực hiện Chương trình;

h) Việc phân bổ kế hoạch vốn và quyết toán dự án, chương trình; việc sử dụng nguồn vốn của chương trình có đảm bảo đúng nội dung, mục tiêu, có đảm bảo đúng đối tượng;

i) Các vấn đề khác (nếu có).

Điều 10. Rủi ro kiểm toán

1. Rủi ro tiềm tàng

a) Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích và đánh giá các hoạt động chủ yếu; thu thập thông tin về các mối quan hệ của Chương trình mục tiêu để đánh giá rủi ro tiềm tàng, làm cơ sở xác định quy mô mẫu kiểm toán, xác định phương pháp và thời gian khi lập kế hoạch kiểm toán;

b) Những vấn đề chủ yếu tồn tại rủi ro tiềm tàng cao của Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Địa bàn thực hiện rộng do nhiều cơ quan, địa phương quản lý thực hiện; Phong tục tập quán và đặc điểm an ninh, chính trị và kinh tế xã hội các vùng miền khác nhau; Chương trình có nhiều loại hình dự án, mức độ phức tạp cao…; Chương trình liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, chính sách của người dân, tác động lớn đến kinh tế, xã hội; Cơ chế, chính sách quản lý, điều hành chương trình đa dạng, phức tạp.

2. Rủi ro kiểm soát

a) Dựa trên cơ sở khảo sát đánh giá Hệ thống kiểm soát nội bộ đã đề cập ở Mục 2 của Chương này để xác định rủi ro kiểm soát;

b) Những vấn đề tồn tại rủi ro kiểm soát ở mức độ cao trong trường hợp: Hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ không đầy đủ; Hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ không hiệu quả;

3. Đánh giá rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát

Trên cơ sở kết quả phân tích về hệ thống kiểm soát nội bộ và các thông tin về Chương trình mục tiêu quốc gia, đánh giá về rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát theo các mức độ: cao, trung bình, thấp.

4. Rủi ro phát hiện

Dựa vào kết quả đánh giá rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát để dự kiến nội dung, phạm vi thử nghiệm để giảm mức độ rủi ro phát hiện và rủi ro kiểm toán xuống mức thấp.

Mục 4. LẬP KẾ HOẠCH KIỂM TOÁN CỦA ĐOÀN KIỂM TOÁN

Điều 11. Mục tiêu kiểm toán

1. Trên cơ sở mục tiêu kiểm toán chung của toàn ngành và yêu cầu của từng cuộc kiểm toán để xác định mục tiêu cụ thể.

2. Mục tiêu kiểm toán tổng quát đối với một Chương trình mục tiêu Quốc gia gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Đánh giá tính tuân thủ pháp luật;

b) Xác định tính đúng đắn, trung thực của các tài liệu, số liệu kế toán và các báo cáo quyết toán kinh phí Chương trìnhtại các đơn vị được kiểm toán;

c) Đánh giá công tác quản lý chỉ đạo điều hành của các đơn vị tham gia quản lý chương trình; kiến nghị chấn chỉnh những yếu kém, bất cập trong công tác quản lý, điều hành;

d) Đánh giá tình hình thực hiện nội dung, mục tiêu, tiến độ thực hiện chương trình;

đ) Đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, thực hiện Chương trình;

e) Kiến nghị với đơn vị được kiểm toán khắc phục những sai phạm, yếu kém trong hoạt động quản lý, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách chế độ, quản lý kinh tế – kỹ thuật và quản lý tài chính kế toán;

Điều 12. Nội dung kiểm toán

1. Kiểm toán tình hình kinh phí và quyết toán kinh phí của Chương trình.

2. Kiểm toán tính tuân thủ chính sách, chế độ, pháp luật của Nhà nước và cam kết với nhà tài trợ (nếu có).

3. Kiểm toán công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện Chương trình.

4. Kiểm toán tình hình thực hiện nội dung, mục tiêu Chương trình.

5. Kiểm toán tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của Chương trình.

Điều 13. Phạm vi và giới hạn kiểm toán

1. Phạm vi kiểm toán

a) Thời kỳ được kiểm toán.

b) Đơn vị được kiểm toán.

2. Giới hạn kiểm toán

Nêu những nội dung, công việc không thực hiện kiểm toán và lý do không thực hiện kiểm toán.

3. Trong trường hợp các cuộc kiểm toán Chương trình MTQG thực hiện lồng ghép với cuộc kiểm toán ngân sách các bộ ngành TW địa phương, cần xác định rõ nội dung, phạm vi và giới hạn kiểm toán.

Điều 14. Thiết lập tiêu chí cho việc đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của chương trình

1. Yêu cầu của tiêu chí đánh giá

a) Phù hợp với mục tiêu kiểm toán cụ thể, hợp lý, khách quan và có căn cứ khoa học; phù hợp phong tục tập quán và đặc điểm an ninh, chính trị và kinh tế xã hội trên địa bàn được kiểm toán;

b) Được lập trên cơ sở các thông tin và dữ liệu đáng tin cậy;

c) Có tính khả thi.

2. Nguồn thông tin thiết lập tiêu chí

a) Các thông tin về CTMTQG đã thu thập được theo quy định tại Mục 1 Chương II Quy trình này;

b) Các tiêu chuẩn, quy chuẩn được ban hành bởi các cơ quan có thẩm quyền, những công bố của các tổ chức chuyên ngành, các tiêu chuẩn có liên quan do các tổ chức quốc tế ban hành…;

c) Chính sách của Nhà nước về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội;

d) Luật và các văn bản qui phạm pháp luật có liên quan;

đ) Các tài liệu chuyên đề, các số liệu, tài liệu thống kê;

e) Tham khảo ý kiến chuyên gia…;

3. Thiết lập tiêu chí cho việc đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả

Việc thiết lập tiêu chí đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả được xác định căn cứ vào từng chương trình cụ thể để xác lập, ví dụ một số tiêu chí:

a) Thời gian thực hiện;

b) Đưa ra phương án với chi phí thấp nhất để đạt được kết quả đề ra;

c) Đưa ra phương án với chi phí không thay đổi nhưng đạt được kết quả cao nhất;

d) Đưa ra giải pháp vật liệu sử dụng với chất lượng như yêu cầu nhưng giá cả thấp nhất;

đ) Xác định các chi phí lãng phí không thật sự cần thiết: Khối lượng, chủng loại vật tư, thiết bị, biện pháp thi công;

e) Phương án phù hợp với phong tục tập quán của người dân vùng dự án;

g) Hiệu quả về xã hội: giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập, tăng nộp thuế cho nhà nước, tăng lợi nhuận, ổn định đời sống, chỉ số NPV,…

Điều 15. Phương pháp kiểm toán

Thực hiện theo quy định tại mục 4 Chương III của “Quy trình kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước”. Trường hợp sử dụng các phương pháp kiểm toán đặc thù cần nêu rõ nội dung, phương pháp thực hiện, ví dụ nếu sử dụng phương pháp phỏng vấn cần thống nhất xây dựng các chỉ tiêu, nội dung phỏng vấn để đảm bảo tính nhất quán trong tiêu thức đánh giá.

Download file tài liệu để xem thêm chi tiết

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Quyết định 01/2013/QĐ-KTNN Quy trình kiểm toán Chương trình mục tiêu Quốc gia của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

Tham khảo thêm:   Tổng hợp câu chuyện hay về Công tác chủ nhiệm lớp ở Tiểu học Bài dự thi Kể chuyện về Công tác chủ nhiệm

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *