Bạn đang xem bài viết ✅ Quy định 102-QĐ/TW Quy định xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Ngày 15/11/2017, Ban chấp hành Trung ương ban hành Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm. Quy định nêu rõ phạm vi, đối tượng, nguyên tắc xử lý kỷ luật.

Đồng thời cũng nêu rõ những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng mức kỷ luật Đảng, còn một số trường hợp sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng. Chẳng hạn như cố ý xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự thật, kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ…

Quy định 102-QĐ/TW có hiệu lực kể từ ngày ban hành, thay thế Quy định 181-QĐ/TW ngày 30/3/2013.

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
——-
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
—————
Số: 102-QĐ/TW Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2017

QUY ĐỊNH 102-QĐ/TW

QUY ĐỊNH XỬ LÝ KỶ LUẬT ĐẢNG VIÊN VI PHẠM

– Căn cứ Điều lệ Đảng; Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XII;

– Căn cứ Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Điều lệ Đảng;

– Căn cứ Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng,

Bộ Chính trị quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng

1- Quy định này quy định nội dung vi phạm và hình thức kỷ luật đối với đảng viên vi phạm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, nghị quyết, quy định của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, cơ quan, đơn vị. Trường hợp đảng viên vi phạm những nội dung chưa có trong Quy định này thì căn cứ vào quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và vận dụng Quy định này để xử lý kỷ luật cho phù hợp.

2- Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận; nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và những nội dung nêu trong Quy định này.

Điều 2. Nguyên tắc xử lý kỷ luật

1- Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời.

2- Việc thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm phải thực hiện đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của Điều lệ Đảng, quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

3- Khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu phê bình và sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra, mục tiêu, yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.

Trong xử lý kỷ luật, phải kết hợp xem xét kết quả tự phê bình và phê bình với kết quả thẩm tra, xác minh của tổ chức đảng để bảo đảm kết luận dân chủ, khách quan, trung thực, đầy đủ, chính xác. Cần làm rõ nguyên nhân, phân biệt sai lầm, khuyết điểm của đảng viên do trình độ, năng lực hoặc động cơ vì lợi ích chung hay vì lợi ích cá nhân, cục bộ mà cố ý làm trái; vi phạm nhất thời hay có hệ thống; đã được giáo dục, nhắc nhở, ngăn chặn nhưng vẫn làm trái; ý thức tự phê bình và phê bình kém, không tự giác nhận lỗi, không bồi hoàn vật chất đầy đủ, kịp thời; có hành vi đối phó, gây khó khăn, trở ngại cho việc kiểm tra; phân biệt đảng viên khởi xướng, tổ chức, quyết định với đảng viên bị xúi giục, lôi kéo, đồng tình làm sai.

4- Hình thức kỷ luật: Đối với đảng viên chính thức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ; đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo.

Đảng viên vi phạm đến mức khai trừ thì phải khai trừ, không áp dụng hình thức xóa tên; cấp ủy viên vi phạm đến mức cách chức thì phải cách chức, không cho thôi giữ chức; đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, không đủ tư cách thì xóa tên trong danh sách đảng viên.

5- Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không “xử lý nội bộ”; bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ; nếu bị xử phạt bằng hình phạt thấp hơn cải tạo không giam giữ hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính thì tùy nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ mà xem xét, thi hành kỷ luật đảng một cách thích hợp.

6- Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên bị thi hành kỷ luật về Đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị ngay các tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị – xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước và điều lệ của đoàn thể.

Khi các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị – xã hội đình chỉ công tác, khởi tố bị can hoặc thi hành kỷ luật đối với cán bộ, hội viên, đoàn viên là đảng viên thì phải thông báo ngay bằng văn bản cho tổ chức đảng quản lý đảng viên đó biết. Chậm nhất là 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo, tổ chức đảng quản lý đảng viên phải xem xét, xử lý kỷ luật về Đảng.

7- Một nội dung vi phạm chỉ bị xử lý kỷ luật một lần bằng một hình thức kỷ luật. Trong thời điểm kiểm tra, xem xét xử lý vụ việc, nếu đảng viên có từ hai nội dung vi phạm trở lên thì xem xét, kết luận từng nội dung vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật; không tách riêng từng nội dung vi phạm của đảng viên để xử lý kỷ luật nhiều lần với các hình thức kỷ luật khác nhau.

8- Trong cùng một vụ việc có nhiều đảng viên vi phạm thì mỗi đảng viên đều phải bị xử lý kỷ luật về nội dung vi phạm của mình.

9- Tổ chức đảng có thẩm quyền khi thi hành kỷ luật oan, sai đối với đảng viên phải chủ động thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định đó; nếu tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật đối với đảng viên mà tổ chức đảng đó có vi phạm trong việc xem xét, xử lý kỷ luật đến mức phải kỷ luật thì cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy cấp trên xem xét, quyết định.

10- Sau một năm, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật (trừ quyết định kỷ luật khai trừ), nếu đảng viên không khiếu nại, không tái phạm hoặc không có vi phạm mới đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định kỷ luật đương nhiên hết hiệu lực.

Tham khảo thêm:   Võ Lâm Nhàn Hiệp: Danh sách các môn phái

11- Không được luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước đối với đảng viên đang được tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật.

Điều 3. Thời hiệu xử lý kỷ luật

1- Thời hiệu xử lý kỷ luật về Đảng là thời hạn được quy định trong Quy định này mà khi hết thời hạn đó thì đảng viên có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật.

a) Thời hiệu xử lý kỷ luật đảng được quy định như sau:

– 5 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

– 10 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức.

b) Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm. Nếu trong thời hạn xử lý kỷ luật được quy định tại Điểm a Khoản này, đảng viên có hành vi vi phạm mới thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm mới.

2- Không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đảng đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; vi phạm về chính trị nội bộ; về an ninh, quốc phòng, đối ngoại có xâm hại đến lợi ích quốc gia và việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp.

Điều 4. Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng mức kỷ luật đảng

1- Những trường hợp vi phạm có một hoặc một số tình tiết sau được xem xét giảm nhẹ mức kỷ luật:

a) Chủ động báo cáo vi phạm của mình với tổ chức, tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm trước khi bị phát hiện.

b) Chủ động báo cáo, cung cấp thông tin, phản ánh đầy đủ, trung thực về những người cùng vi phạm.

c) Chủ động khắc phục hậu quả vi phạm và tích cực tham gia ngăn chặn hành vi vi phạm; tự giác bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra.

d) Vi phạm do nguyên nhân khách quan hoặc do bị ép buộc nhưng đã chủ động báo cáo với tổ chức.

đ) Vi phạm do phải thực hiện chủ trương, quyết định, mệnh lệnh sai trái của cấp trên.

2- Những trường hợp vi phạm có một hoặc một số tình tiết sau phải xem xét tăng nặng mức kỷ luật:

a) Đã được tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giáo dục, nhắc nhở mà không sửa chữa.

b) Quanh co, che giấu hoặc không tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm.

c) Bao che cho người cùng vi phạm; trù dập, trả thù người đấu tranh, tố cáo vi phạm hoặc người cung cấp chứng cứ vi phạm.

d) Cung cấp thông tin, báo cáo sai sự thật; ngăn cản người khác cung cấp chứng cứ vi phạm; sửa chữa, tiêu hủy chứng cứ, lập hồ sơ, chứng cứ giả.

đ) Đối phó, cản trở, gây khó khăn, trở ngại trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, thẩm tra, xác minh, thu thập chứng cứ vi phạm.

e) Vi phạm do lợi dụng tình trạng khẩn cấp, thiên tai, thực hiện chính sách xã hội và an ninh, quốc phòng.

g) Vi phạm gây thiệt hại về vật chất phải bồi hoàn nhưng không bồi hoàn, không khắc phục hậu quả.

h) Vi phạm nhiều lần, có hệ thống, bị xử lý kỷ luật nhiều lần.

i) Vi phạm có tổ chức; là người chủ mưu, khởi xướng hành vi vi phạm.

k) Ép buộc, vận động, tổ chức, tiếp tay cho người khác cùng vi phạm.

l) Ép buộc, hướng dẫn hoặc tạo điều kiện cho người khác tạo lập tài liệu, hồ sơ, chứng cứ giả; che giấu, sửa chữa, tiêu hủy chứng cứ, hồ sơ, tài liệu.

Điều 5. Các trường hợp chưa xem xét, xử lý kỷ luật và không xử lý kỷ luật

1- Đảng viên vi phạm đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức, bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện được cơ quan y tế có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (từ cấp huyện trở lên) xác nhận thì chưa xem xét, xử lý kỷ luật.

2- Đảng viên vi phạm đã qua đời, tổ chức đảng xem xét, kết luận, không xử lý kỷ luật, trừ trường hợp đảng viên đó vi phạm kỷ luật đặc biệt nghiêm trọng.

Điều 6. Giải thích từ ngữ

1- Đảng viên vi phạm: Là việc đảng viên không tuân theo hoặc làm trái Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, quy định của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội mà đảng viên là thành viên.

2- Cố ý vi phạm: Là việc đảng viên đã được thông báo, phổ biến, biết về quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đã nhận thức được hành vi của mình là vi phạm nhưng vẫn thực hiện.

3- Vô ý vi phạm: Là việc đảng viên không nhận thức được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nên đã vi phạm hoặc tuy ý thức được hậu quả về hành vi của mình nhưng vì quá tự tin cho rằng hậu quả sẽ không xảy ra nên dẫn đến vi phạm.

4- Tái phạm: Là việc đảng viên vi phạm đã được kiểm điểm rút kinh nghiệm hoặc đã bị xử lý kỷ luật nhưng lại vi phạm nội dung đã được kiểm điểm hoặc bị xử lý.

5- Hậu quả do hành vi vi phạm của đảng viên gây ra:

a) “Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng” là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại không lớn, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác.

b) “Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng” là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm uy tín của bản thân và tổ chức đảng, Cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác.

c) “Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng” là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, gây dư luận xấu, rất bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm mất uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác.

d) “Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, gây phẫn nộ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm mất tư cách của đảng viên và vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng hoặc gây thiệt hại lớn về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác.

6- Thiếu trách nhiệm: Là việc đảng viên thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao không đầy đủ; không thực hiện đúng nguyên tắc, chế độ, thủ tục, quy trình, quy phạm; không đúng tiêu chuẩn, điều kiện hoặc thời gian theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công việc cụ thể đó.

7- Buông lỏng quản lý: Là việc đảng viên có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý nhưng không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, không chấp hành quy định của cấp trên; không ban hành các quyết định, quy chế, quy định, quy trình; không có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoặc đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý.

Chương II

VI PHẠM VỀ CHÍNH TRỊ VÀ NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC, SINH HOẠT ĐẢNG

Điều 7. Vi phạm về quan điểm chính trị và chính trị nội bộ

1- Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Bị người khác xúi giục, lôi kéo, mua chuộc mà có hành vi nói, viết, lưu trữ, tán phát, xuất bản, cung cấp thông tin, tài liệu, hiện vật có nội dung trái với đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tham khảo thêm:   Quyết định 3151/2012/QĐ-UBND Phụ cấp tăng thêm đối với Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố của tỉnh Thái Bình

b) Phụ họa, a dua theo những quan điểm trái với quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thiếu trách nhiệm trong đấu tranh chống biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, chống diễn biến hòa bình.

c) Có biểu hiện dao động, giảm sút niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng.

d) Không trung thực trong khai lý lịch, lịch sử bản thân và bổ sung lý lịch đảng viên.

2- Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):

a) Bị xúi giục, dụ dỗ hoặc do nhận thức không đúng mà nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước; làm những việc mà pháp luật không cho phép.

b) Xúi giục, kích động, ép buộc người khác nói, viết, lưu giữ, tán phát, xuất bản, cung cấp những thông tin, tài liệu, hiện vật có nội dung trái Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

c) Bị dụ dỗ, lôi kéo hoặc bị cưỡng ép tham gia các đảng phái, tổ chức chính trị hoạt động trái phép.

3- Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:

a) Cố ý nói, viết có nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự thật, phủ nhận vai trò lãnh đạo và thành quả cách mạng của Đảng và dân tộc.

b) Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên, đa đảng”.

c) Cố ý đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; bôi nhọ lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước; truyền thống của dân tộc, của Đảng và Nhà nước.

d) Lợi dụng dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo hoạt động gây nguy hại đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

đ) Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước.

e) Hoạt động trong các đảng phái, tổ chức chính trị phản động.

g) Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng.

h) Tác động, lôi kéo, định hướng dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng.

i) Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang; đòi “phi chính trị hóa” quân đội và công an; xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.

k) Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học – nghệ thuật. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Điều 8. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ

1- Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Thiếu trách nhiệm trong việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

b) Bị kích động, xúi giục, mua chuộc, lôi kéo, cưỡng ép tham gia các hoạt động gây mất dân chủ, mất đoàn kết nội bộ.

c) Bị xúi giục, lôi kéo vào những việc làm trái nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; vi phạm quy chế dân chủ, quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng, các quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác.

d) Đe dọa trả thù, trù dập người chất vấn, góp ý, phê bình, tố cáo mình dưới mọi hình thức.

đ) Không chấp hành chế độ báo cáo, chế độ thông tin và trả lời chất vấn theo quy định của Đảng và Nhà nước.

2- Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phủ quyết ý kiến của đa số thành viên khi thông qua nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận thuộc thẩm quyền của tập thể.

b) Tham gia hoặc xúi giục, cưỡng ép người khác tham gia các hoạt động chia rẽ, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ.

c) Lừa dối cấp trên, báo cáo sai, xuyên tạc sự thật; che giấu khuyết điểm, vi phạm của bản thân, của người khác hoặc của tổ chức; tạo thành tích giả; cơ hội, kèn cựa, địa vị, độc đoán, chuyên quyền.

d) Cục bộ, bè phái, độc đoán, chuyên quyền trong chỉ đạo, điều hành dẫn đến vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.

đ) Ban hành văn bản hoặc có việc làm trái với nghị quyết, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của cấp ủy, tổ chức đảng.

e) Lợi dụng tập trung dân chủ để vận động cá nhân, chi phối tập thể, quyết định theo ý chí chủ quan làm lợi cho cá nhân, người thân, phe nhóm, dòng họ.

g) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trấn áp cấp dưới, trù dập người có ý kiến thuộc về thiểu số hoặc trái với ý kiến của mình.

h) Không chấp hành các quyết định lãnh đạo, chỉ đạo, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của tổ chức đảng cấp trên và cấp mình.

i) Cố ý nói và làm trái nghị quyết, quyết định, kết luận đã được tập thể thống nhất thông qua.

3- Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:

a) Vô tổ chức, vô kỷ luật, bỏ vị trí công tác nhiều lần không có lý do chính đáng; có hành vi chống lại các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

b) Lợi dụng quyền dân chủ để bè phái, lợi ích nhóm hoặc lợi ích cục bộ gây mất đoàn kết trong tổ chức, cơ quan, đơn vị nơi mình sinh hoạt.

c) Trả thù người góp ý, đấu tranh, phê bình, tố cáo hoặc người cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vi phạm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân mình.

Điều 9. Vi phạm các quy định về bầu cử

1- Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Được phân công nhiệm vụ tổ chức, thực hiện bầu cử nhưng thiếu trách nhiệm kiểm tra, thẩm định, xem xét hồ sơ xin ứng cử.

b) Thực hiện không đúng, không đầy đủ nguyên tắc, quy trình, thủ tục về bầu cử.

c) Không thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình về bầu cử theo quy định của pháp luật hoặc có hành vi làm mất an ninh trật tự nơi bầu cử.

Tham khảo thêm:   Văn mẫu lớp 9: Kể lại đoạn trích Cảnh ngày xuân bằng văn xuôi (Dàn ý + 5 mẫu) Những bài văn hay lớp 9

2- Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn tác động, gây áp lực đến các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền để đề cử người thân của mình vào các chức danh lãnh đạo của tổ chức đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội.

b) Tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội (theo quy định phải do tổ chức đảng giới thiệu) khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép.

c) Có trách nhiệm thẩm định, xét duyệt nhân sự, nhưng cố tình đưa người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bầu vào các chức danh lãnh đạo của tổ chức đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội.

d) Không trung thực trong việc kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử; có hành vi gian dối trong thực hiện các quy định về bầu cử.

đ) Có hành vi mua chuộc, xúi giục, cưỡng ép hoặc vận động bầu cử trái quy định; cản trở, đe dọa người khác thực hiện quyền ứng cử, đề cử hoặc bầu cử theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.

e) Không trung thực trong việc kê khai, nhận xét, xác nhận hoặc thẩm định hồ sơ, lý lịch, tài sản, thu nhập của người ứng cử theo quy định về bầu cử.

3- Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:

a) Tổ chức thực hiện việc giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc làm sai lệch kết quả bầu cử.

b) Có hành vi, việc làm phá hoại cuộc bầu cử.

c) Tổ chức lực lượng, phe nhóm, dòng họ để vận động người tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử vào các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội trái quy định.

Điều 10. Vi phạm về tuyên truyền, phát ngôn

1- Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Tuyên truyền, sao chép, tán phát, cung cấp thông tin, tài liệu, hiện vật có nội dung xấu.

b) Tự ý phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và các phương tiện truyền thông khác, vi phạm Luật Báo chí, Luật Xuất bản và những quy định khác của Đảng và Nhà nước về phát ngôn, cung cấp thông tin, tuyên truyền, xuất bản.

c) Phát ngôn hoặc cung cấp những thông tin, tài liệu, văn bản của các đề án, dự án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước chưa được cấp có thẩm quyền cho phép phổ biến.

d) Không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật.

2- Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):

a) Phát ngôn trái với quan điểm, đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng và pháp luật của Nhà nước; loan truyền những thông tin không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

b) Cung cấp thông tin, tài liệu cho tổ chức, cá nhân, cho báo chí những vấn đề thuộc bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật. Cung cấp thông tin chưa được phép, sai sự thật, không trung thực cho báo chí.

c) Cung cấp thông tin cho báo chí về các vụ án đang trong quá trình điều tra chưa được phép công bố hoặc chưa xét xử. Cung cấp, đăng tải các thông tin chi tiết phục vụ cho kết luận vụ việc kiểm tra; những vụ việc đang trong giai đoạn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán chưa có kết luận hoặc chưa được phép công bố theo quy định.

d) Cung cấp thông tin gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ đối ngoại và trật tự, an toàn xã hội.

đ) Tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

e) Trả lời phỏng vấn, cho đăng tải tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội có nội dung sai sự thật, mang tính kích động, gây hoang mang hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử.

g) Lợi dụng việc phát ngôn, chất vấn, trả lời chất vấn, nhân danh việc phản ánh, góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng, dự thảo Hiến pháp, pháp luật, thư ngỏ, hồi ký để đưa ra các quan điểm, thông tin gây tổn hại uy tín của Đảng, Nhà nước hoặc đả kích, vu cáo, xúc phạm, nhận xét, đánh giá tùy tiện có dụng ý xấu đối với tổ chức, cá nhân.

h) Sáng tác, sản xuất, tàng trữ, tán phát các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật không lành mạnh, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam, mang tính kích động gây ảnh hưởng xấu trong xã hội; tán phát bài viết, bài nói, bài phỏng vấn, hồi ký, hình ảnh có nội dung không đúng sự thật.

3- Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:

a) Không chấp hành kỷ luật phát ngôn và bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước, đã để lộ thông tin, tán phát tài liệu, hiện vật không đúng nguyên tắc, chế độ quy định; tung tin sai lệch về nội bộ Đảng, gây tác động xấu đến ổn định chính trị, kỷ luật, kỷ cương, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và nhân dân, để kẻ xấu và các lực lượng thù địch, phản động lợi dụng xuyên tạc, chống phá, hạ thấp uy tín của Đảng, chống phá Nhà nước.

b) Lợi dụng dân chủ, nhân quyền để tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước; cố ý nói, viết, lưu giữ trái phép hoặc tán phát rộng rãi các thông tin, tài liệu, hiện vật có nội dung trái Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng hoặc đưa lên mạng những nội dung chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

c) Kích động, lôi kéo người khác tham gia hội thảo, tọa đàm không được tổ chức có thẩm quyền cho phép, có nội dung trái chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

d) Lợi dụng quyền bảo lưu ý kiến, quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp để tuyên truyền chống Đảng và Nhà nước, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

đ) Đảng viên khi có những việc làm sai trái, đã được cấp có thẩm quyền nhắc nhở, giải thích nhưng không tiếp thu, tiếp tục có bài nói, viết, phát ngôn, tán phát hồi ký, đơn, thư công kích sự lãnh đạo của Đảng, bôi nhọ, vu khống làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

…………………

Download tài liệu để xem chi tiết toàn văn Quy định 102-QĐ/TW

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Quy định 102-QĐ/TW Quy định xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *