Bạn đang xem bài viết ✅ Phân tích ý nghĩa nhan đề bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên Những bài văn mẫu lớp 12 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Wikihoc.com mời quý thầy cô cùng các bạn học sinh lớp 12 cùng tham khảo bài văn mẫu Phân tích ý nghĩa nhan đề bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên.

Đây là tài liệu cực kì hữu ích bao gồm 3 bài văn mẫu được chúng tôi tuyển chọn từ các bài làm hay nhất của học sinh trên cả nước. Qua đó các bạn có thêm nhiều tư liệu tham khảo, củng cố kiến thức trau dồi vốn từ để đạt được kết quả cao trong kì thi THPT Quốc gia 2020 sắp tới. Ngoài ra các bạn tham khảo thêm một số bài văn mẫu khác tại chuyên mục Văn 12. Chúc các bạn học tập tốt.

Ý nghĩa nhan đề bài thơ Tiếng hát con tàu – Mẫu 1

Chúng ta từng biết đến một Chế Lan Viên siêu hình trước Cách mạng đã “từ thung lũng đau thương” đến với “cánh đồng vui”, từ “cái tôi” cô đơn bế tắc đến với cuộc đời rộng lớn của nhân dân, đất nước, cách mạng. Cuộc “trở về” ấy đã được Chế Lan Viên thể hiện trong những vần thơ chan chứa niềm biết ơn trong tập Ánh sáng và phù sa mà Tiếng hát con tàu là một bài thơ tiêu biểu.

Bài thơ Tiếng hát con tàu được sáng tác nhân cuộc phát động nhân dân, nhất là thanh niên đi xây dựng khu kinh tế mới ở miền núi Tây Bắc. Từ sự kiện kinh tế – chính trị này, Chế Lan Viên đã có dịp bộc lộ những trăn trở, xúc động, và lòng biết ơn của mình đối với Tổ quốc, Nhân dân cùng những suy nghĩ về ngọn nguồn sáng tạo của thi ca. Bài thơ hấp dẫn người đọc bởi chất trữ tình – triết luận, bởi những sáng tạo độc đáo, bất ngờ, mới lạ ngay từ nhan đề và lời đề từ.

Trước hết phải giải thích hình tượng con tàu. Đây là hình ảnh mang tính biểu tượng, tuy nhiên trên thực tế, ta chưa có đường tàu lên Tây Bắc. Nhưng Chế Lan Viên vẫn nghĩ tới hình tượng một con tàu. Con tàu ở đây tượng trưng cho một cuộc hành trình. Vậy, Tiếng hát con tàu – nhan đề bài thơ – nghĩa là lời ca ngợi cuộc hành trình.

Căn cứ vào nội dung bài thơ, ta có thể thấy thêm ý nghĩa của nhan đề bài thơ. Cuộc hành trình lên Tây Bắc, cũng là cuộc hành trình về với nhân dân, về với Tổ quốc và về với cội nguồn của cảm hứng thi ca. Cho nên, Tiếng hát con tàu là bài ca về cuộc hành trình với ý nghĩa biểu tượng nhiều nghĩa như trên.

Chính Chế Lan Viên cũng đã từng nói: “Thực ra làm thơ chính là nói và viết về cái điều tỏa ra trước thực tế chứ không phải bằng bản thân thực tế”. Khi viết bài thơ này, nhà thơ cảm thấy “trong lòng rất day dứt cảm thấy cuộc sống của mình sẽ chật hẹp bé nhỏ nếu không hòa được với cuộc đời chung” (Chế Lan Viên). Con tàu – hồn thơ đang trong cuộc hành trình về với nhân dân thoát khỏi đời riêng nhỏ hẹp. Đây không phải hành trình lãng tử bơ vơ mà là một chuyến tàu giục giã, hối thúc tràn đầy hưng phấn. Con tàu đã làm nên phần nhạc của bài thơ mà năng lượng là niềm vui, là cảm xúc dạt dào, là “tiếng hát”. Con tàu là biểu tượng cho khát vọng ra đi, đi đến những miền đất xa xôi của Tổ quốc. Với Chế Lan Viên, ra đi thực chất là trở về (Con đã đi nhưng con cần vượt nữa/ Cho con về gặp lại Mẹ yêu thương) bởi vì trước đây nhà thơ đã đi quá xa (vào thế giới siêu hình), xa đến nỗi tưởng quên cả đường về. Chế Lan Viên đã đi theo cách mạng cũng hết sức tự nhiên nhưng còn nhiều lực cản đặc biệt là phải vượt lên chính mình, vượt lên những “buồn rớt”, “mộng rớt” trong tâm hồn để tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc đời, tìm thấy ngọn nguồn của sáng tạo. Cuộc ra đi – trở về này được nhà thơ hình tượng hóa thành một chuyên tàu lên Tây Bắc, nơi quê hương cách mạng, nơi đất nước đang gọi, nơi “tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu”.

Con tàu là biểu tượng cho khát vọng lên đường. Tiếng hát biểu thị sự phấn chấn hăm hở, tin yêu và tự hào. Có một thời chàng thi sĩ này đã khóc. Nhiều người nhầm chàng là hậu duệ của Chế Bồng Nga bởi chàng trong thân phận của một người dân vong quốc đã khóc thương cho sự đổ nát “điêu tàn” của đất nước Chiêm Thành. Trong thơ chàng, người ta nghe thấy tiếng xương gãy, đầu rơi, tủy vọt, tiếng voi gầm ngựa hí, tiếng binh khí thành Đồ Bàn và tiếng “muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi”. Đến với cách mạng, người thi sĩ ấy đã thoát ra khỏi “những tháp Chàm lẻ loi, bí mật” và sau một quá trình “nhận đường, “tìm đường” đã cất lên tiếng hát, tiếng hát của lòng biết ơn vì Đảng, Bác, nhân dân, đất nước đã đem “ánh sáng và phù sa” đến làm sống dậy một hồn thơ.

Tiếng hát con tàu là tiếng hát của một tâm hồn đang phấn chấn, hăm hở với khát vọng lên đường đến những miền đất mới mà thực chất là trở về với nhân dân, đất nước – ngọn nguồn của hồn thơ, của những sáng tạo.

Những nội dung trên đây của bài thơ đã được Chế Lan Viên dồn nén một cách cô đọng, hàm súc trong bốn câu đề từ:

Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hóa những con tàu
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu!

Trong các tác phẩm văn học, lời đề từ như một tín hiệu chỉ dẫn, lời mách bảo kín đáo con đường khám phá tác phẩm. Tuy nhiên, không phải một lúc chúng ta có thể nhận thức được hết ý nghĩa của lời đề từ. Muốn hiểu được lời đề từ phải nắm được nội dung tác phẩm. Vì thế, lời đề từ và nội dung tác phẩm luôn soi chiếu lẫn nhau để vừa hiểu sâu tác phẩm vừa nhận ra ý vị của lời đề từ vốn có hình thức như một câu đố:

Tham khảo thêm:   Sinh học 11 Bài 19: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở động vật Giải Sinh 11 Cánh diều trang 125, 126, 127, 128, 129

Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hóa những con tàu

Câu thơ cho ta thấy Tây Bắc là một biểu tượng, tượng trưng cho nhiều địa danh, mang nhiều ý nghĩa. Tây Bắc là cách nói về Tổ quốc, về Nhân dân, và với tác giả thì Tây Bắc còn có ý nghĩa là nơi ngọn nguồn của cảm xúc mà lí tưởng, cuộc đời nhà thơ đang hướng tới.

Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu?

Chế Lan Viên đã thống nhất nhiều sự việc trong một biểu tượng: Con tàu – Tâm hồn ta – Tây Bắc – Tổ quốc – Nhân dân – Cội nguồn sáng tạo… để lôi cuốn độc giả. Khi “phá cô đơn ta hòa nhập với người”, khi mỗi con người phá bỏ chủ nghĩa cá nhân, phá bỏ những quan niệm nghệ thuật siêu hình bế tắc để hòa nhập với cộng đồng, với thế giới, với nhân dân đất nước thì tâm hồn mỗi con người sẽ trở thành một thế giới không tầm thường chút nào. Tâm hồn anh thuộc về nhân dân, được sinh ra từ nhân dân, được nhân dân nuôi sống. Cuộc đời và thế giới cá nhân đã hóa thân, chưng cất thành tâm hồn nhân dân. Vì thế tâm hồn anh có sự giao cảm đặc biệt với muôn triệu tâm hồn. Chế Lan Viên đã nhiều lần nói về sự thay đổi kì diệu này:

“Tâm hồn tôi khi thế giới soi vào
Thấy nghìn núi trăm sông diễm lệ”.

hoặc:

“Sợi chỉ lòng anh nghèo có một màu
Xe vào cái đa sắc của cuộc đời thêm chói lọi”

Tiếng hát con tàu, Tây Bắc cũng soi vào hồn nhà thơ và nhìn vào tâm hồn nhà thơ bỗng phát hiện ra Tây Bắc đâu chỉ là một miền đất, một vùng quê. Tây Bắc còn sống trong mỗi con người với những kỉ niệm “máu rỏ tâm hồn ta thấm đất”. Tây Bắc là “anh con”, “em con”, là “mế”, là “bản sương giăng”, “đèo mây phủ” là vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng”, là cuộc sống gian lao nhưng trọng nghĩa tình, là tất cả những kỉ niệm tươi rói để kết lại thành: “Tây Bắc – người là mẹ của hồn thơ”.

Lời đề từ chính là một lời tâm niệm: tâm hồn ta thuộc về nhân dân, đất nước. Nhìn vào tâm hồn thấy nhân dân, đất nước. Soi vào đất nước, nhân dân lại thấy được lòng mình. Ra đi đến với cuộc đời, đến với đất nước, nhân dân cũng chính là tìm đến tâm hồn đích thực của mình với những tình cảm trong sáng, những nghĩa tình sâu nặng. Đó chính là ngọn nguồn của sáng tạo bởi “chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép”. Tiếng hát con tàu có vẻ đẹp hài hòa giữa cảm xúc và suy tư, giữa tình cảm và trí tuệ. Đây cũng là đặc điểm phong cách Chế Lan Viên trong Ánh sáng và phù sa.

Ý nghĩa nhan đề bài thơ Tiếng hát con tàu – Mẫu 2

Tiếng hát con tàu ở đây còn gọi là con tàu Tây Bắc in trong tập Ánh sáng và phù sa. Có thể hiểu ánh sáng ở đây là ánh sáng soi rọi lí tưởng và phù sa bồi đắp tâm hồn. Bài thơ phản ánh không khí hăng hái xây dựng cuộc sống mới.

Tây Bắc, nơi chiến trường khốc liệt, đã diễn ra nhiều trận đánh lớn của dân tộc chống kẻ thù xâm lược, nổi tiếng nhất là chiến dịch Điện Biên Phủ với những chiến công lẫy lừng. Hòa bình lặp lại vào những năm 1959 – 1960, đất nước ta có chủ trương vận động nhân dân từ miền xuôi lên miền ngược cùng đồng bào dân tộc xây dựng kinh tế, xã hội, làm giàu cho đất nước, từng lớp thanh niên mang sức trẻ, lòng nhiệt huyết hăng hái lên đường. Hòa nhập trong không khí hân hoan, rộn ràng, tác giả cũng muốn được hòa mình vào công cuộc xây dựng đất nước, mang cái tôi nhỏ bé hòa chung vào sức mạnh dân tộc. Con Tàu lên Tây Bắc mà tác giả viết lên chỉ là một con tàu trong tưởng tượng nhưng nó lại chở nặng một niềm đau đáu, một nỗi khát khao được hòa mình trong núi rừng Tây Bắc, được sống và lao động với đồng bào, một khát vọng lên đường. Bài thơ được sáng tác khi nhà thơ Chế Lan Viên lúc này còn đang nằm trên giường bệnh, từng câu thơ trong khổ thơ đề từ vừa mang nỗi khát khao nhưng cũng chứa đầy một nỗi niềm riêng của chính tác giả.

Mấy câu thơ đề từ cũng chính là cảm hứng chủ đạo mang ý nghĩa sâu sắc, ngay câu thơ mở đầu tác giả đã đặt ngay một câu hỏi tu từ đầy trí tuệ sâu sắc, gây ấn tượng đến bạn đọc một cách độc đáo. “Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc” – một câu hỏi như xoáy sâu vào tâm hồn người đọc, bất kỳ một nơi nào, một vùng miền nào của tổ quốc khi cần những bàn tay khai phá thì bất kỳ nơi đâu ta vẫn sẵn sàng. Tây Bắc cũng là một vùng đất như vậy, vùng đất với núi rừng vời vợi, có những con người cần lao, đầy tình yêu thương trong kháng chiến, và giờ đây cũng đang mong mỏi những tấm lòng đến khai phá dựng xây.

“Khi hồn ta đã hóa những con tàu”

Hình ảnh trong câu thơ thứ hai cho ta thấy một sự thống nhất hòa quyện giữa cái “tôi” và cái “ta” thành một thể thống nhất. Tâm hồn của nhà thơ như đã lên đường đến với vùng đất rộng lớn của tổ quốc. Tuy bản thân đang bị bó hẹp một chỗ, nhưng hoàn cảnh không ngăn được tâm hồn nghệ sĩ, tâm hồn của người Cách mạng về với Tây Bắc, về với kỷ niệm, về với nhân dân. Con tàu tâm tưởng của nhà thơ như đã chạm đến khát khao, phá vỡ cái không gian chật hẹp để được hòa mình với công cuộc của đất nước.

Tham khảo thêm:   Những lựa chọn tốt nhất để thay thế cho Skillshare

“Khi tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu”

Cuộc đời rộng lớn đã ùa vào thế giới cá nhân và chuyển hóa thành máu thịt tâm hồn cá nhân ấy, kết tinh thành tác phẩm nghệ thuật. Ngọn lửa khát khao trong lòng tác giả đã chuyển hóa, tâm hồn người nghệ sĩ đã đi đến nơi mà nó muốn đến. Tác giả như được quay về với những kỉ niệm đẹp đẽ, thắm thiết, trở thành ngọn nguồn của thơ ca chân chính. Có thể thấy, một sự thống nhất “hồn ta đã hóa những con tàu”, “tâm hồn ta là Tây Bắc”, một sự khẳng định đầy sắc son với vùng đất ấy, con tàu như mở hết tốc lực trong hành trình đến với nhân dân, với đất nước.

Thực sự khổ thơ đề từ đã mang lại một cảm giác khó tả, mới bấy nhiêu thôi mà mang lại bao nhiêu cảm xúc và đầy ý nghĩa. Chẳng vậy mà những câu thơ đề từ lại có một ý nghĩa đặc biệt đối với một tác phẩm văn học. Nó nêu rõ ý đồ nghệ thuật và khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho tác giả, trong bài thơ Tràng Giang nhà thơ Huy Cận cũng đã đề câu thơ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” mở ra cái mênh mông của vũ trụ ngay từ câu thơ đầu tiên. Đối với bài thơ Tiếng hát con tàu cũng chính là khơi dậy trong lòng bạn đọc một niềm khát khao cháy bỏng đó là được đi, đi đến nơi mà tâm hồn mong ước, nơi ghi dấu kỉ niệm, một vùng đất bao la đầy hứa hẹn. Qua khổ thơ đề từ của bài thơ “Tiếng hát con tàu” cho ta thấy một ý nghĩa sâu sắc. Lời đề từ là khát vọng mong muốn của nhà thơ cùng anh em đến vùng đất xa xôi kia để giúp đỡ nhân dân khai hoang. Đó phải chăng là lý tưởng của một người chiến sĩ. Từ đó cho ta thấy một tâm hồn thi sĩ thanh cao, một khát khao cháy bỏng đầy nhiệt huyết, muốn đem công sức của mình góp xây vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Chỉ có bốn câu thơ đề từ mở đầu bài thơ mà có ý nghĩa như một tuyên ngôn nghệ thuật cho cả một thế hệ nhà thơ tham gia xây dựng đất nước sau ngày hòa bình lặp lại.

Tiếng hát con tàu tít tít những đi và đến, về và gặp, đợi chờ và hối thúc. Trên mặt phẳng của trang thơ có cả sự sống ba chiều. Người đọc có ảo giác về một cuộc lên đường thật. Không tin sao được khi lời mời cứ xoáy vào anh:

Anh đi chăng? Sao chửa ra đi?

Ý nghĩa nhan đề bài thơ Tiếng hát con tàu – Mẫu 3

“Đi ta đi khai phá rừng hoang
Hỏi núi non cao đâu sắt đâu vàng…”

(Tố Hữu)

Năm 1960, miền Bắc bước vào kế hoạch “5 năm lần thứ nhất” xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa. Trong bài thơ chúc Tết, Bác Hồ viết: “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Một phong trào cách mạng rộng lớn dâng lên động viên tuổi trẻ lên đường, đi đến mọi miền xa xôi của Tổ quốc, đến với chiến trường xưa với mơ ước biến Tây Bắc thành “hòn ngọc ngày mai của Tổ quốc” (Phạm Văn Đồng).

Phong trào cách mạng rộng lớn đã khơi gợi cảm hứng trong tâm hồn nhà thơ Chế Lan Viên với bao nghĩa tình thắm thiết về một vùng đất “thấm máu” và đồng bào Tây Bắc thân yêu. Bài thơ “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên mang tiếng reo vui của thời đại được sáng tác vào thời gian này. Bài thơ được rút từ tập “Ánh sáng và phù sa” – một thành tựu thi ca xuất sắc của Chế Lan Viên.

Hình ảnh con tàu trong bài thơ là biểu tượng cho những cuộc lên đường đi tới những vùng đất xa xôi và thân yêu của đất nước. Thực tế cho đến ngày nay vẫn chưa hề có con tàu và con tàu lên Tây Bắc. Gắn “tiếng hát” với “con tàu” tạo thành nhan đề “Tiếng hát con tàu” để nói lên cảm hứng lãng mạn, niềm khao khát đi tới Tây Bắc, đi tới mọi miền xa xôi “vời vợi nghìn trùng” của Tổ quốc mà hiến dâng và phục vụ. Lên đường cùng với “con tàu” và “tiếng hát” với khát vọng đi xa, đi tới những chân trời mơ ước. Lên đường để vượt ra những cuộc đời quẩn quanh chật hẹp đến với cuộc sống rộng lớn của nhân dân: “Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp – Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?..”. Đến với Tây Bắc là trở về với nhân dân, đến với cội nguồn hạnh phúc, là đến với chiến trường xưa “nơi máu rỏ, tâm hồn ta thấm đất”. Là đến với những con người cần cù, dũng cảm, nghĩa tình như anh du kích, em liên lạc, bà mế “lửa hồng soi tóc bọc” nuôi giấu cán bộ mà “Trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi”, đến với cô gái vùng cao “Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng…”. Đến với Tây Bắc là trở về với ân nghĩa thuỷ chung:

“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp tay đưa”.

Không chỉ là đất nước gọi lên đường mà chính là sự thức nhận của lòng mình vẫy gọi: “Đất nước gọi ta hay lòng ta gọi?”; là sự mong đợi của mẹ và em: “Tình em đang mong, tình mẹ đang chờ…”. Phần cuối bài thơ là tiếng hát say mê, phấn chấn: “Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội – Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga…”. Đến với Tây Bắc là đến với chính mình, tự khẳng định mình:

Mười năm chiến tranh vàng ta đau trong lửa
Nay trở về ta lấy lại vàng ta”.

“Tiếng hát con tàu” còn là khúc ca tâm tình của người nghệ sĩ chân chính tự nguyện đến với cuộc sống cần lao, đến với suối nguồn của niềm vui, là đến với ánh sáng và phù sa cuộc đời đang “đổi sắc thay da”. Tây Bắc sẽ là nơi ươm hạt giống, làm nảy mầm những mùa hoa đẹp của thi ca:

“Lấy cả những cơn mơ! Ai bảo con không mộng tưởng?
Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng?
Lòng ta cũng như tàu ta cũng uống
Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân.”

Có thể nói nhan đề “Tiếng hát con tàu” biểu trưng khá sinh động cho nội dung tình cảm chủ đạo của bài thơ. Cảm hứng chủ đạo ấy được mở rộng ra, nâng cao lên tầm suy tưởng triết lí, từ một vấn đề thời sự cụ thể, nhà thơ khẳng định một đạo lí sống đẹp, mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, tư cách công dân của người nghệ sĩ chân chính:

Tham khảo thêm:   Viết lời chúc nghỉ hè tới thầy cô và bạn bè trong lớp Soạn Hoạt động trải nghiệm 6 Chủ đề 9 Cánh diều

“… Rẽ người mà đi, vịn tay mà đến
Mặt đất nồng nhựa nóng của cần lao”.

Đề từ là một hiện tượng ta thường bắt gặp đó đây. “Trường giang” của Huy Cận, “Người lái đò Sông Đà” của Nguyễn Tuân, một số bài thơ của Xuân Diệu trong “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió” đều có lời đề từ. Đề từ có lúc nói lên mục đích, động lực khơi nguồn cảm hứng, có lúc làm nổi bật cảm hứng chủ đạo bao trùm tác phẩm. Trong bài thơ “Tiếng hát con tàu”, khổ thơ đề từ khái quát ý nghĩa của toàn bài:

“Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hóa những con tàu,
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu?”.

Trước hết phải khẳng định đây là một hồn thơ lãng mạn, cất cánh tung bay. Mỗi câu chữ và hình tượng dạt dào cảm xúc. Cấu trúc câu thơ là những câu hỏi tu từ đã để lại trong lòng người nhiều ấn tượng mãnh liệt. Tây Bắc là miền tây thân yêu của Tổ quốc ta, “Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng”, nơi có nhiều tiềm năng, nơi có truyền thống anh hùng, nhân dân cần cù, dũng cảm và tình nghĩa, nhưng còn nghèo nàn lạc hậu. “Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc” – nó tượng trưng cho những vùng rừng núi bao la của đất nước thân yêu như Việt Bắc, Tây Nguyên… Đến với Tây Bắc là để lao động và xây dựng, khám phá và sáng tạo. Chỉ có thể đến với Tây Bắc và mọi miền xa xôi khác với điều kiện “Khi lòng ta đã hóa những con tàu”. Lúc đầu là con tàu “đói những vành trăng” và về sau là con tàu “mộng tưởng”. Sự nhận thức ấy là động lực để lên đường, với bao niềm vui phấn khởi và hi vọng. Đến với Tây Bắc là để đền ơn đáp nghĩa, vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm công dân, vừa là để khơi nguồn cho mọi sáng tạo: “Tây Bắc ơi, người là mẹ của hồn thơ”.

Cuộc sống xây dựng rộng lớn trên miền Bắc trong những năm 60 là sự khơi nguồn hạnh phúc, là ngọn nguồn của mọi sáng tạo nghệ thuật và thơ. Tràn ngập giữa một không gian bao la là sức sống và niềm vui của thời đại, của hàng triệu con người:

“Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát”.

Không khí sôi động ấy được nói đến trong nhiều tập thơ cùng thời: “Đất nở hoa” của Huy Cận, “Gió lộng” của Tố Hữu:

“Sướng vui thay, miền Bắc của ta,
Cuộc sống tưng bừng đổi sắc thay da”.

(“Trên miền Bắc mùa xuân”- Tố Hữu)

Thơ là hương sắc, là phù sa, là muối mặn cuộc đời. “Không có thơ đâu giữa lòng đóng khép”. Nghệ thuật chỉ có thể đơm hoa kết trái trong cuộc đời, khi người nghệ sĩ chân thành mở rộng lòng mình đón nhận ngọn gió thời đại, đem tâm hồn mình hòa nhập với cuộc sống của nhân dân. Khi “tiếng con tàu” tâm tưởng nhà thơ hòa nhịp với tiếng hát rộn ràng “bộn bề” của Tổ quốc thì cũng là lúc người nghệ sĩ tự soi vào tâm hồn mình mà thấy được bóng hình quê hương xứ sở. Có thể nói đó là sự hóa thân kì diệu: “Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu?”. Câu thơ vang lên đĩnh đạc tự hào. Một lần khác, ý tưởng cao đẹp này đã được tác giả “Ánh sáng và phù sa” diễn tả rất thơ:

“Tâm hồn tôi khi Tổ quốc soi vào
Thấy ngàn núi trăm sông diễm lệ”.

(Chim lượn trăm vòng)

Trong khổ thơ đề từ này có hai câu thơ tưởng như có sự mâu thuẫn: “Lòng ta đã hóa những con tàu” rồi lại “Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu?” kì thực rất hợp lí, thống nhất một cách biện chứng trong quy luật phát triển của tư tưởng và tình cảm và của sự sáng tạo nghệ thuật. Câu trên nói lên sự thức nhận và động lực. Câu dưới nói lên sự hóa thân. Đó là mối quan hệ nhân quả giữa văn chương và cuộc sống.

Tóm lại khổ thơ đề từ nói lên khát vọng lên đường và niềm tự hào của nhà thơ nguyện đem tài năng để hiến dâng và sáng tạo vì sự phồn vinh Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Nó cho ta thấy bản sắc thơ của Chế Lan Viên: sáng tạo hình ảnh đẹp, mới lạ và ngôn ngữ sắc sảo. Nghệ sĩ và cuộc sống, cái tâm và cái tài, ngoại cảnh nội và hướng ngoại, tất cả đều tìm thấy sự hòa hợp thống nhất trong thơ. Cái đẹp của thơ trước hết là cái đẹp của một tấm lòng trang trải mà ta cảm nhận được qua lời đề từ và những vần thơ dào dạt say mê trong bài thơ “Tiếng hát con tàu”.

Khổ thơ trên là cảm hứng, là tình yêu lớn, là tấm lòng đẹp của nhà thơ: “Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu?” – Tây Bắc là hình hài của Tổ quốc thân yêu. Yêu Tây Bắc cũng là yêu Tổ quốc. Tình cảm sâu nặng luôn luôn vang lên trong thơ Chế Lan Viên như một điệp khúc tự hào:

“Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng
Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”.

Ngày nay, bài thơ “Tiếng hát con tàu” vẫn thắp sáng trong lòng chúng ta ngọn lửa thiêng liêng về tình yêu Tổ quốc. Tiếng hát ân tình thuỷ chung vẫn còn làm mê say lòng người. Vì nó là bài học đẹp nhất và sâu sắc nhất.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Phân tích ý nghĩa nhan đề bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên Những bài văn mẫu lớp 12 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *