Bạn đang xem bài viết ✅ Phân tích tâm trạng của tác giả trong bài thơ Tây Tiến Dàn ý + 4 bài văn mẫu hay nhất ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Phân tích tâm trạng của tác giả khi nhớ về miền Tây Bắc mang đến dàn ý chi tiết kèm theo 4 bài văn mẫu siêu hay giúp cho các em học sinh tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kĩ năng về văn phân tích đánh giá đoạn thơ ngày một tốt hơn.

Tâm trạng của tác giả khi nhớ về miền Tây Bắc trong bài Tây Tiến cực chất gồm cả bài làm ngắn gọn và đầy đủ để các bạn tham khảo, lựa chọn theo sức viết của mình, giúp các bạn học môn Ngữ văn dễ dàng và có sự chuẩn bị tốt hơn khi học. Ngoài ra để học tốt môn Văn các bạn xem thêm mở bài Tây Tiến, kết bài Tây Tiến, phân tích đoạn 1 Tây Tiến.

Dàn ý tâm trạng của tác giả khi nhớ về miền Tây Bắc

A. Mở bài

– Khái quát nội dung bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

– Đi sâu về nỗi nhớ của tác giả khi nhớ về miền Tây Bắc Bộ.

B. Thân bài

– Đoạn đầu bài thơ chính là đoạn ghi lại những kỉ niệm những kỉ niệm đầy ắp và nỗi nhớ của nhà thơ về những ngày tháng gắn bó cùng binh đoàn:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

– Hai câu thơ mở đầu đã tạo ngay ấn tượng về nỗi nhớ:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.

– Những hình ảnh thiên nhiên như đột ngột hiện lên trong không gian. Đó là con sông Mã kì vĩ và kiêu hãnh chảy từ thượng Lào về đất Việt, đó là rừng, là núi điệp trùng, những nơi đã in dấu chân của binh đoàn Tây Tiến một thời trận mạc, thế mà giờ đây đã xa rồi thì làm sao tránh khỏi nỗi nhớ dâng lên trong lòng người chiến sĩ Tây Tiến năm xưa.

– Nỗi nhớ ấy có địa chỉ, địa danh như đã bắt rễ trong lòng người, nỗi nhớ ấy lại trong một trạng thái thật chơi vơi, mơ hồ như một thoáng buồn xa xôi… Có lẽ nhà thơ đã đạt được cái tài cái tình ấy trong câu thơ “Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi!”.

– Từ hai câu thơ khơi nguồn ấy, mạch chảy dòng tâm sự hoài niệm của nhà thơ mở ra lan toả như một chuỗi kỉ niệm giờ đây thức dậy, lay động và xôn xao trong lòng.

Những đường Việt Bắc của ta,
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay

– Thiên nhiên như cùng hát lên, cùng âm điệu với khúc quân hành của người lính ra trận. Còn với Quang Dũng, bối cảnh thiên nhiên hiện ra trong kí ức và tâm trạng là những hình ảnh sóng đôi của sự trái ngược:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

– Bước hành quân gian lao của người lính vệ quốc mở ra trong không gian nhiều chiều. Ta như nghe thấy bước chân và hơi thở trên đường trường chinh gian lao của người lính qua câu thơ đầy những vần trắc: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thắm”.

– Biết bao nhiêu gian lao thử thách, vừa như muốn quật ngã người lính cách mạng, lại vừa như kích thích họ đi tới, dẫn tới của sự chinh phục.

– Cảnh rừng núi hiểm trở với dốc lên khúc khuỷu, với hun hút cồn mây, với độ cao thấp đến choáng ngợp của “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”, thế mà hình ảnh của sự sống vẫn chợt hiện ra như tạo nên thế cân bằng: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi’.

– Bên cái hiểm trở dữ dội của thiên nhiên là sự sống thanh bình của con người khiến cho giọng điệu và tâm tình trong thơ Quang Dũng chợt như mềm lại, tạo nên sự linh hoạt đã thành rất đỗi tài hoa trong bút pháp thể hiện:

Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

C. Kết bài

– Với những kỉ niệm về binh đoàn Tây Tiến rất khó mờ phai trong tâm trí, lại thêm bút pháp hoài niệm rất đỗi tài hoa, qua hàng loạt những hình ảnh trái ngược mà hài hoà bổ sung cho nhau, Quang Dũng đã làm sống dậy hình ảnh người lính Tây Tiến, rừng núi Tây Tiến trong nỗi nhớ thật chơi vơi về Tây Tiến.

– Những chuỗi kỉ niệm về thiên nhiên và con người đó như những thước phim vừa chân thực sinh động vừa rất huyền ảo, tình cảm và tài hoa đã góp phần tạo nên thành công cả về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích.

– Có người nhận định rằng với bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng đã dựng nên bức tượng đài bằng thơ về hình tượng người lính đánh Pháp trong cuộc kháng chiến gian lao mà dũng cảm và cũng đầy chất thơ của nhân dân ta.

Tâm trạng của tác giả khi nhớ về Tây Bắc – Mẫu 1

Cuộc sống bận rộn thường ngày vẫn luôn khiến ta mỏi mệt bởi những nhớ nhớ quên quên. Thật vậy, nhưng những thứ đã hằn sâu vào trong tiềm thức thì chẳng cách nào xóa đi được. Phải chăng cũng vì yêu thương, trân trọng những giây phút quý giá được sống chung cùng đồng đội ở nơi núi rừng Tây Bắc mà khi chia xa Quang Dũng đã không giữ được nỗi niềm nhớ thương, xúc động để mạch cảm xúc kìm nén bấy lâu đã tuôn trào. Và cứ như thế “Tây Tiến” như một bài ca chứa chan tình đồng đội đồng chí với những khoảnh khắc khó khăn gian khổ tột cùng, nhưng cũng chính những giây phút đó mà những trái tim chiến sĩ ấy đập chung một nhịp.

Mở đầu bài thơ là những kí ức tươi đẹp về núi rừng và cảnh vật:

“Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

Những cảnh vật thân thuộc ấy dường như đã đi vào trong tiềm thức, không một khi nào mà người lính không hành quân cùng núi rừng, vậy mà giờ đây họ lại phải chia tay đồng chí, rời xa nơi mình đã từng coi như mái nhà chung. Bao cảm xúc tiếc nuối, nhớ nhung da diết bỗng tràn về, nó như cơn bão cuốn xô mọi thứ trên đường đi của mình, và thật không may nó cuốn theo cả một người lính, một nghệ sĩ với trái tim nồng ấm vào guồng quay của nó để rồi bơ vơ giữa mớ cảm xúc hỗn độn ấy, Quang Dũng lại thấy chơi vơi. Một nỗi nhớ da diết, nỗi nhớ mãnh liệt nhưng chẳng thể chạm vào được, dòng cảm xúc ấy cuốn nhà thơ lơ lửng trên không, đưa tiềm thức tác giả quay về những tháng ngày xưa cũ.

Và rồi những tháng ngày khó khăn gian khổ kia lại hiện ra, đó là những mỏi mệt mà người lính gặp phải trên đường hành quân, họ phải chống chọi với thiên nhiên hung dữ, bẻ cong quy luật của vũ trụ để đối chọi lại cả đất trời:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Thiên nhiên hùng vĩ, hung dữ như một con thú hoang, nó sẵn sàng giết chết bất cứ thứ gì trên đường đi của nó, thế nhưng đôi bàn chân người lính vẫn cứ sừng sững hiên ngang giữa đất trời. Mặc cho ghềnh thác cheo leo, địa hình mấp mô hiểm trở, ngàn thước lên cao ngàn thước xuống, thế nhưng chẳng gì có thể làm chùn đôi chân người lính. Công việc dù có khó khăn đến mấy nhưng chỉ cần có niềm tin và động lực mạnh mẽ thì con người ta có thể vượt qua được.

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”

Thiên nhiên vốn không phải mang cái dáng vẻ thơ mộng, mĩ miều như chúng ta thường tưởng tượng. Thật vậy, thiên nhiên không những hung dữ mà còn chứa đựng nhiều hiểm nguy. Tính mạng người chiến sĩ luôn bị đe dọa bởi thú dữ, bởi địa hình hiểm trở mà chỉ cần bất cẩn là có thể mất đi sinh mạng. Trên đoạn đường hành quân đầy khó khăn gian khổ ấy, đã có biết bao nhiêu người lính phải chấm dứt cuộc hành trình dang dở của mình và từ biệt những người đồng chí thân thương. Anh đã trút hơi thở cuối cùng của mình trên đường hành quân cùng đồng đội thế nhưng cuộc hành trình của anh vẫn chưa kết thúc, ý chí và nghị lực kiên cường của anh sẽ tiếp sức cho những người bạn để họ đi tiếp, hoàn thành sứ mệnh mà anh còn đang dang dở.

Tham khảo thêm:   Toán 3: Em làm được những gì? Giải Toán lớp 3 trang 57, 58 sách Chân trời sáng tạo - Tập 1

Thiên nhiên hùng vĩ và hiểm trở thế nhưng nó cũng có những nét quyến rũ riêng làm mê hoặc lòng người. Đó là “Mường Lát hoa về trong đêm hơi” hay cũng có khi là cảnh tượng mái nhà thơ mộng của nhân dân miền núi “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Thật vậy, nỗi nhớ không chỉ là nhớ cảnh, nhớ đồng chí đồng đội của mình mà nỗi nhớ ấy cũng dành cho con người nơi đây:

“Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

Đó là những bữa cơm giản dị, thanh đạm nơi núi rừng. Là cảnh sinh hoạt đầy nhớ thương của người dân nơi đây, họ đã cùng nhau sống và chiến đấu, gắn bó một khoảng thời gian dài. Nỗi nhớ được cảm nhận bằng cả các giác quan, từng thứ như diễn ra thật sinh động, như đang hiện ra trước mắt người đọc về một cảnh sinh hoạt hết sức đầm ấm và vui tươi. Nỗi nhớ dài miên man choáng ngợp cả không gian và thời gian khiến người nghệ sĩ đa cảm ấy lạc lối trong kí ức của mình. Tất cả như vừa mới xảy ra hôm qua, từng thứ, từng thứ một vẫn còn rõ nét. Ông vẫn cảm nhận được mùi khói, mùi nếp xôi thơm phức, từng bóng hình vẫn hiện hữu xung quanh đây, thế nhưng giờ đây tất cả đã xa rồi, giờ chỉ còn mình ông nơi phương xa đang ôm nỗi nhớ thương mà chẳng thể quay lại được.

Câu chuyện về cuộc đời người chiến sĩ trong cuộc hành trình bảo vệ Tổ quốc có nhiều khó khăn, gian khổ nhưng vượt lên tất cả đó là tinh thần đồng chí, đồng đội và ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc. Dù khó khăn, bão táp gian khổ, dù bệnh tật hành hạ đến quằn quại trong đau đớn nhưng không lúc nào người chiến sĩ quên đi nghĩa vụ của mình cũng như tình đồng đội mà họ dành cho nhau. Hiện nay đất nước đã hòa bình nhưng em luôn tự nhủ bản thân phải hoàn thành trách nhiệm của bản thân với gia đình và xã hội. Hơn thế nữa em cần tích lũy tri thức và rèn luyện bản thân để góp phần phát triển đất nước giàu đẹp, văn minh hơn.

Tâm trạng của tác giả khi nhớ về miền Tây Bắc – Mẫu 2

Đã hơn sáu mươi năm kể từ khi bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng ra mắt bạn đọc. Sáu mươi năm! Dòng thời gian dài đằng đẵng đó đủ để nước chảy đá mòn, đủ để một mái tóc xanh ngả màu tiêu muối, đủ để ta lãng quên một con người, một tác phẩm văn chương. Nhưng với “Tây Tiến” thì không, thi phẩm vẫn vượt lên sự cản phá của thời gian, vượt qua “eo xèo” của dư luận để ngày càng tỏa sáng trong trái tim bạn yêu thơ Việt Nam. Đọc “Tây Tiến”, người ta cảm nhận được vẻ đẹp hào hùng, hào hoa, sự hi sinh bi tráng của người lính Tây Tiến và vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của thiên nhiên miền Tây…Tất cả những vẻ đẹp đó, hòa quyện trong nỗi nhớ “chơi vơi” của nhân vật trữ tình. Bằng ngòi bút lãng mạn, tài hoa của mình, Quang Dũng đã tái hiện nỗi nhớ ấy một cách sâu sắc và thấm thía:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”.

Đoạn trích nằm ở đầu bài thơ, thể hiện sâu sắc tâm trạng của tác giả khi nhớ về miền Tây Bắc và những người đồng đội.

Tây Tiến là một phân hiệu bộ đội được thành lập đầu năm 1947, thành phần chủ yếu là thanh niên trí thức Hà Nội. Nhiệm vụ của họ là phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới phía Tây. Năm 1948, Tây Tiến giải thể để thành lập trung đoàn 52, Quang Dũng cũng chuyển sang đơn vị khác. Sau khi rời đơn vị cũ chưa được bao lâu, Quang Dũng đã sáng tác bài thơ này.

Nỗi nhớ về miền đất, đoàn quân mình đã gắn bó đã được nhân vật trữ tình thể hiện ngay ở hai câu thơ đầu tiên:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”

Dòng sông là một tín hiệu nghệ thuật rất hay đi vào trong văn chương, biểu tượng cho sự lưu giữ những kỉ niệm khó phai. Bài thơ viết về Tây Tiến nhưng lại bắt đầu bằng hình ảnh sông Mã. Bởi đó là dòng sông chảy dọc miền đất Tây Bắc, là địa bàn hoạt động của người lính Tây Tiến. Sông Mã đã trở thành một chứng nhân lịch sử, một người bạn lớn chia sẻ vui buồn và hơn thế, dòng sông ấy cũng bao lần tiễn đưa người lính về với đất mẹ yêu thương. Phải chăng, nó đã trở thành dòng sông cảm xúc chở nặng những nỗi niềm đầy vơi của lòng người?

Hình ảnh sông Mã đồng hiện với Tây Tiến và đặt ở giữa là “xa rồi”, vừa có ý nghĩa với Tây Tiến, vừa có ý nghĩa với sông Mã, và vì “xa rồi” nên trong lòng nhân vật trữ tình thức dậy nỗi nhớ. Sự đồng hiện của sông Mã với Tây Tiến đã hé lộ một cấu tứ: nỗi nhớ về thiên nhiên (vùng đất Tây Bắc) luôn gắn liền với nỗi nhớ về đồng đội. Điệp từ “nhớ” đứng ở đầu mỗi vế trong câu thơ thứ hai cộng hưởng với “chơi vơi” tạo thành một kết hợp đầy ấn tượng. Nhớ “chơi vơi” là nỗi nhớ bâng khuâng, khó tả bởi nó diễn đạt nhiều cảm xúc cung bậc. Âm “ơi” là âm mở, mang âm hưởng vọng dài, lan tỏa. Âm “ơi” bắt đầu từ câu thứ nhất trải dài xuống câu thứ hai như tiếng gọi vọng ra từ những vách đá của núi rừng Tây Bắc, vọng ra từ cõi nhớ ngàn trùng của nhân vật trữ tình.

Nỗi nhớ vừa trải khắp bao la rừng núi vừa cuộn xoáy trong lòng người. Câu thơ đọc lên thấy nhẹ tênh mà bồng bềnh, vương vấn, lan tỏa theo thời gian, không gian như muốn nhấc bổng nhân vật trữ tình ra khỏi thực tại, lơ lửng trong nỗi nhớ thường trực, da diết khôn cùng. Nỗi nhớ ấy, tiếp tục được đánh thức qua những địa danh thân thiết: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông. Đó không phải là những tên gọi vô hồn mà gắn bó với tác giả. Nó gợi ra sự hoang vu, xa vắng của vùng đất Tây Bắc-nơi những người lính Tây Tiến đi trong sương, chìm lấp trong sương. Nỗi nhớ còn dựng kỉ niệm thành bức tranh Tây Bắc hiểm trở, hùng vĩ để tôn lên bức chân dung người lính Tây Tiến:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Cái hùng vĩ của cảnh vật được tô đậm thêm ở những hình ảnh miêu tả đầy ấn tượng. Câu thơ “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” đã sử dụng những vần trắc liền nhau như đoạn đường gồ ghề, lên dốc xuống đèo trên đường hành quân của người chiến sĩ. Đường hành quân vất vả như đường lên đến tận trời, khiến cho thiên nhiên cùng với con người tạo ra một hình ảnh thật thú vị “súng ngửi trời”. Mũi súng của người chiến binh được nhân hóa tạo nên một hình ảnh tinh nghịch theo kiểu lính, vừa giàu chất thơ, mang vẻ đẹp cảm hứng lãng mạn. Nó khẳng định ý chí và quyết tâm của người chiến sĩ. Chính vì chất lính trẻ trung ấy mà trước thiên nhiên dữ dội làm họ không bị mờ đi mà nổi lên đầy thách thức. Lúc này đây, thiên nhiên không còn là đối tượng để ngắm nhìn nữa mà là đối thủ “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”.

Bốn câu thơ là sự kết hợp tuyệt vời giữa vần điệu với nội dung. Sự thay đổi bằng – trắc linh hoạt như những chặng đường hành quân lên thác xuống ghềnh đầy gian khổ. Ở đó, sau những vất vả, có lúc tâm hồn con người được hòa vào những khoảnh khắc thật đẹp “nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Đứng từ trên núi cao nhìn xuống, giữa khoảng mênh mông bao la, khi cơn mưa xa khơi làm cho mọi thứ hiện ra vừa hư vừa thực thì “nhà ai” gieo vào lòng người chiến sĩ có lẽ không phải nỗi băn khoăn mà là một lời tán thưởng cho những gì đang diễn ra trước mắt. “Thi trung hữu họa”, bức tranh thiên nhiên được nhìn từ nhiều góc độ và mỗi góc nhìn là một ấn tượng vẻ đẹp khác nhau. Hành trình theo nỗi nhớ của nhà thơ, dường như người đọc cũng đang tham gia vào những vất vả của con người trong kí ức, vui với niềm vui mà họ có được.

Tham khảo thêm:   Phương pháp giải hệ phương trình chứa căn thức Tài liệu ôn tập môn Toán lớp 10

Bốn câu thơ tiếp theo, nhà thơ thể hiện sự hi sinh bi tráng của người lính trên chặng đường hành quân đầy chông gai, khó khăn nguy hiểm:

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”

Người lính Tây Tiến trong cuộc hành quân gian khổ ấy đã có người ngã xuống vì kiệt sức. Cách nói giảm, nói tránh về cái chết, vừa xót xa vừa ngạo nghễ, cứ như một sự bình tĩnh, thản nhiên đón nhận cái chết, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Để tăng thêm sự bi tráng cho sự hi sinh, Quang Dũng đã điểm tô vào bức tranh thiên nhiên với âm thanh ghê rợn. Tất nhiên là đằng sau đó có hiểm nguy, có đe dọa đến tính mạng nhưng dưới cái nhìn của những chàng trai gan dạ không kém phần tinh nghịch thì chỉ là “gầm thét”, “trêu người” mà thôi.

Không chỉ là bức tranh thiên nhiên Tây Bắc, cuộc sống của người dân nơi đây cũng xuất hiện với một vài hình ảnh chấm phá, thoáng qua nhưng gợi rất nhiều. Sau âm thanh ghê rợn của “thác” và “cọp” thì đột ngột mở ra một nỗi nhớ ấm áp về nghĩa tình dân quân:

“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

Chi tiết “cơm lên khói”, “thơm nếp xôi” là hình ảnh gần gũi, quen thuộc, gợi ra cảnh gia đình đầm ấm, hạnh phúc. “Mai Châu” đứng đầu dòng thơ thanh nhẹ như ủ sẵn trong đó một mùi hương gợi ra miền đất lành. Nỗi nhớ của nhân vật trữ tình không chỉ dừng lại ở thiên nhiên thơ mộng hùng vĩ, ở người lính Tây Tiến lạc quan giữa núi rừng khắc nghiệt mà còn ở sự gắn bó ấm áp với con người Tây Bắc.

Lính Tây Tiến nay đã “xa rồi” nhưng có bao giờ quên được “Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương” ấy? Hai tiếng “mùa em” là một sáng tạo độc đáo về ngôn ngữ thi ca. “Mùa em” có phải chăng là để nói đến mùa thiếu nữ với vẻ đẹp e ấp, duyên dáng đã để lại trong lòng người lính trẻ bao niềm thương nỗi nhớ. Có lẽ vì vậy mà điệu thơ trở nên uyển chuyển, mềm mại, tình thơ trở nên ấm áp, tươi vui. Mọi khó khăn gian khổ như bị đẩy lùi, thay vào đó là niềm lạc quan và tình thơ đong đầy.

Đoạn thơ đã để lại một dấu ấn đẹp đẽ về thơ ca kháng chiến mà sự thành công là sự kết hợp hài hòa giữa khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Bên cạnh đó còn có các yếu tố nghệ thuật như sử dụng nhiều từ láy tạo hình, cách sử dụng thanh trắc, điệp từ, nhân hóa, đối lập… tất cả đã tạo nên một đoạn thơ hay và giàu giá trị.

Nỗi nhớ là hạt nhân xuyên suốt trong cảm xúc để nhân vật trữ tình hồi tưởng lại kỉ niệm với binh đoàn Tây Tiến, những kỉ niệm như những đợt sóng từ quá khứ ào ạt tràn về dâng đầy tâm tưởng. Tóm lại, đoạn thơ trên đã thể hiện một cách rung động nỗi nhớ của tác giả về miền Tây Bắc và những người đồng đội trong kháng chiến chống Pháp.

Tâm trạng của tác giả khi nhớ về miền Tây Bắc – Mẫu 3

Ai đã từng là người lính, ai đã từng đi qua một thời trận mạc trong lòng thường lưu giữ những kỉ niệm khó quên. Kỉ niệm ấy thao thức và sống dậy mỗi khi nhắc nhớ. Quang Dũng cũng vậy. Những năm tháng gắn bó với binh đoàn Tây Tiến anh hùng của người lính – nhà thơ này đã thôi thúc ông viết Tây Tiến – một bài thơ với những vần thơ đậm chất anh hùng ca bay lên từ hiện thực khốc liệt. Đoạn đầu bài thơ chính là đoạn ghi lại những kỉ niệm những kỉ niệm đầy ắp và nỗi nhớ của nhà thơ về những ngày tháng gắn bó cùng binh đoàn:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!…
..,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

Hai câu thơ mở đầu đã tạo ngay ấn tượng về nỗi nhớ:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.

Thì ra đã có một khoảng lùi xa thời gian để thành ám ảnh, đê thành nỗi nhớ và tiếc nữa. Những tiếng “xa rồi Tây Tiến ơi” thốt lên từ trong lòng nhà thơ như một niềm nuối tiếc.Tiếng lòng đó cất lên sao mà tha thiết đến thế, đồng thời như có tiếng vọng đáp lại vào vách núi, ngân nga không dứt trong không gian bởi Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi.”. Những hình ảnh thiên nhiên như đột ngột hiện lên trong không gian. Đó là con sông Mã kì vĩ và kiêu hãnh chảy từ thượng Lào về đất Việt, đó là rừng, là núi điệp trùng, những nơi đã in dấu chân của binh đoàn Tây Tiến một thời trận mạc, thế mà giờ đây đã xa rồi thì làm sao tránh khỏi nỗi nhớ dâng lên trong lòng người chiến sĩ Tây Tiến năm xưa. Nỗi nhớ ấy có địa chỉ, địa danh như đã bắt rễ trong lòng người, nỗi nhớ ấy lại trong một trạng thái thật chơi vơi, mơ hồ như một thoáng buồn xa xôi… Có lẽ nhà thơ đã đạt được cái tài cái tình ấy trong câu thơ “Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi!”.

Từ hai câu thơ khơi nguồn ấy, mạch chảy dòng tâm sự hoài niệm của nhà thơ mở ra lan toả như một chuỗi kỉ niệm giờ đây thức dậy, lay động và xôn xao trong lòng. Và đây, hình ảnh đoàn quân mỏi giữa Sài Khao sương lấp – rất ấn tượng. Sự chân thực sinh động của hình ảnh thơ khiến ta như hình dung thấy tư thế, dáng vẻ của đoàn quân trong gian lao, cơ cực của những ngày phải đương đầu với trận mạc, đối đầu với thiếu thốn, khó khăn. Chân thực song cũng rất lãng mạn khi hình ảnh đoàn quân mỏi lại được miêu tả trong một khung cảnh đẹp huyền ảo của thiên nhiên. Những tiếng sương lấp, đêm hơi… khiến cho toàn bộ cảnh thực chợt nhoà đi, gây được ấn tượng nhiều chiều trong tâm trí người đọc. Cũng với hình ảnh đoàn quân cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Tố Hữu lại mở ra một trường liên tưởng khác:

Những đường Việt Bắc của ta,
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay

Thiên nhiên như cùng hát lên, cùng âm điệu với khúc quân hành của người lính ra trận.

Còn với Quang Dũng, bối cảnh thiên nhiên hiện ra trong kí ức và tâm trạng là những hình ảnh sóng đôi của sự trái ngược:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

Bước hành quân gian lao của người lính vệ quốc mở ra trong không gian nhiều chiều. Ta như nghe thấy bước chân và hơi thở trên đường trường chinh gian lao của người lính qua câu thơ đầy những vần trắc: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”. Ta cũng thấy hiển hiện một lộ trình đầy gian lao, đầy bất ngờ, khi Quang Dũng viết: Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống. Đặc biệt hơn nữa, hình ảnh “Heo hút cồn mây, súng ngửi trời“ thì câu thơ không phải chỉ diễn tả bước gian lao trên đường hành quân đánh giặc mà ta còn thấy cả chất của lính, tính của lính qua sự liên tường bất ngờ mà thú vị: súng ngửi trời.

Biết bao nhiêu gian lao thử thách, vừa như muốn quật ngã người lính cách mạng, lại vừa như kích thích họ đi tới, dẫn tới của sự chinh phục. Cảnh rừng núi hiểm trở với dốc lên khúc khuỷu, với hun hút cồn mây, với độ cao thấp đến choáng ngợp của “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”, thế mà hình ảnh của sự sống vẫn chợt hiện ra như tạo nên thế cân bằng: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi’. Bên cái hiểm trờ dữ dội của thiên nhiên là sự sống thanh bình của con người khiến cho giọng điệu và tâm tình trong thơ Quang Dũng chợt như mềm lại, tạo nên sự linh hoạt đã thành rất đỗi tài hoa trong bút pháp thể hiện:

Tham khảo thêm:   Đề thi giải toán trên Máy tính cầm tay tỉnh Vĩnh Phúc năm 2009 - 2010 môn Toán THPT Năm 2009 - 2010

Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

Với những kỉ niệm về binh đoàn Tây Tiến rất khó mờ phai trong tâm trí, lại thêm bút pháp hoài niệm rất đỗi tài hoa, qua hàng loạt những hình ảnh trái ngược mà hài hòa bổ sung cho nhau, Quang Dũng đã làm sống dậy hình ảnh người lính Tây Tiến, rừng núi Tây Tiến trong nỗi nhớ thật chơi vơi về Tây Tiến. Những chuỗi kỉ niệm về thiên nhiên và con người đó như những thước phim vừa chân thực sinh động vừa rất huyền ảo, tình cảm và tài hoa đã góp phần tạo nên thành công cả về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích. Có người nhận định rằng với bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng đã dựng nên bức tượng đài bằng thơ về hình tượng người lính đánh Pháp trong cuộc kháng chiến gian lao mà dũng cảm và cũng đầy chất thơ của nhân dân ta.

Đọc đoạn thơ, ta hiểu thêm về người lính Tây Tiến, hiểu thêm những điều ẩn phía sau của “đoàn binh không mọc tóc” và hiểu hơn về nguồn cội của sức mạnh mà người lính đem vào trận chiến. Yêu quý, khâm phục, tự hào là những dư vang tha thiết trong lòng người đọc khi biết về binh đoàn Tây Tiến qua những vần thơ của Quang Dũng.

Tâm trạng của tác giả khi nhớ về miền Tây Bắc – Mẫu 4

Chiến tranh qua rồi. Thế hệ trẻ hôm nay không còn phải nghe những tiếng đạn bom gào thét đen kịt một vùng trời như những người lính năm xưa phải chứng kiến. Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, bao nhiêu người đã phải bỏ lại một phần cơ thể mình trên chiến trường xa xôi… Khi chúng ta đang được tung tăng cắp sách tới trường, thì ở đâu đó có những trái tim đang nghẹn ngào, thổn thức với những kí ức đầy đau thương nhưng cũng đầy oanh liệt của năm tháng chiến tranh gian khổ khi xưa. Trong nỗi nhớ ấy, nhà thơ Quang Dũng đã viết :

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
……….
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

Đoạn thơ trích trong bài Tây Tiến do Quang Dũng viết cùng với nỗi nhớ da diết về đoàn quân Tây Tiến, mà trong đó chính bản thân ông cũng là một người lính. Ông đã cùng đồng đội trải qua biết bao nhiêu gian khổ, bao nhiêu khó khăn, nay hòa bình lập lại cũng là lúc mọi người chia tay nhau trở về quê nhà. Ông nhớ lại kỉ niệm năm xưa, nhớ lại những gì mà đoàn quân đã trải qua… Bao nhiêu xúc cảm ùa về, ông dãi bày lên trang giấy cùng những vần thơ chân thành, giản dị.

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !

Câu thơ mở đầu như khởi nguồn dòng cảm xúc đang trào dâng trong lòng nhà thơ. Theo sau đó là dấu chấm than ẩn chứa bao nghẹn ngào, lưu luyến khó nói được thành lời. Nhớ ! Mỗi nỗi nhớ chơi vơi…. Không ai hiểu nhớ chơi vơi là nỗi nhớ như thế nào nhưng có lẽ trong giây phút này, nhà thơ chỉ muốn được chạy ngay đến bên đồng đội của mình, ôm chầm lấy họ trong vòng tay thắm thiết, rồi cùng nhau ôn lại những kỉ niệm của một thời chiến tranh gian khổ nơi rừng thiêng nước độc với bao hiểm nguy, trắc trở rập rình. Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông… những cái tên đã trở thành dấu ấn trong mỗi người lính mà họ không bao giờ quên. Quang Dũng cũng vậy, bước chân họ đã cùng nhau trải qua biết bao sương gió, bao mỏm đá gập ghềnh, cùng nhau lội qua bao con suối, cùng nhau vượt thác, vượt đèo để chiến đấu hết mình vì Tổ quốc mai sau. Có những khi phải vượt qua con dốc khúc khuỷu, thăm thẳm, hay những ngọn đồi Heo hút cồn mây súng ngửi trời… Nhà thơ tái hiện lại những hiểm nguy trên con đường hành quân, người đọc có thể dễ dàng cảm nhận được trong cuộc hành trình ấy có rất nhiều trắc trở, nhưng giọng thơ của tác giả lại thể hiện sự hào hứng và tinh thần sẵn sàng, không bao giờ quản ngại khó khăn.

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Nhưng hỡi đồng đội thân yêu, hỡi những người lính can đảm, giàu lòng hi sinh, dù tinh thần có sắt đá đến mấy thì thân xác này vẫn chỉ là máu, là thịt, là xương. Và rồi, cũng đã có người ngã xuống giữa muôn trùng sóng gió :

Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời !

Có lẽ lúc này nước mắt nhà thơ đang thầm rơi trong lòng và trên đầu ngòi bút của ông như chất chứa bao cảm xúc nghẹn ngào. Không gì quý bằng mạng sống, nhưng nếu ai cũng chỉ biết giữ mạng sống cho riêng mình thì đất nước đâu có ngày được bình yên ? Bởi thế trong hình ảnh người lính ngã xuống vẫn ánh lên niềm quyết tâm rằng : anh sẵn sàng hi sinh cho đàn em, cho đồng bào, cho đất nước. Mạng sống quý thật đấy, đã mất đi rồi không bao giờ lấy lại được nữa, nhưng anh nguyện hiến dâng mạng sống mình cho những mạng sống khác được có ngày hạnh phúc, yên vui. Sự hi sinh của anh thật cao cả biết nhường nào. Tác giả đã đặt dấu chấm than cuối câu như một lời tiễn biệt linh thiêng để tiễn đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Đất nước này và thế hệ trẻ sau này mãi mãi nhớ ơn anh – những người lính đã chẳng tiếc thân mình, lại càng không tiếc máu và xương của mình cho thế hệ hôm nay. Và Quang Dũng – ông cũng tự thấy mình may mắn khi còn lành lặn trở về. Bởi thế, nỗi nhớ về đồng đội trong ông chưa bao giờ nguôi. Trong những lúc khó khăn nhất, gian khổ nhất, người ta mới thấm thía nhất tình người là gì. Những người lính – mỗi người một phương, nhưng luôn cùng chung một chí hướng là hướng về đất nước, hướng về hàng trăm nhân dân, hàng trăm em nhỏ đang thao thức được cắp sách tới trường. Thế nên, dù phải vượt qua bao gian khó, phải liều mình băng qua đạn bom, những người lính Tây Tiến nói riêng và người lính của cách mạng Việt Nam nói chung luôn sẵn sàng cống hiến hết tất cả những gì mình có. Tuổi trẻ, ước mơ, hoài bão và tình yêu nồng nàn trong sáng… các anh đều gác lại vì anh hiểu rằng phía sau mình còn biết bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu đời trẻ đang sống, đang khát khao được độc lập, tự do, được hòa bình thống nhất.

Trong nỗi nhớ nồng nàn da diết, Quang Dũng cũng không quên có những Đêm Mường Hịch cọp trêu người, hay những chiều chiều oai linh thác gầm thét… Dù tất cả đã trở thành dĩ vãng nhưng xúc cảm về những năm tháng ấy vẫn còn mãi trong tim nhà thơ, trong tim những người lính đã từ cõi chết trở về. Và rồi, khi đạn bom lắng xuống, nhà thơ lại nhớ hình ảnh của người con gái giấu xôi nuôi quân giữa rừng :

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

Mùa em – chỉ có những người lính Tây Tiến và Quang Dũng mới hiểu mùa em là mùa như thế nào. Mùa mà mùi thơm của cơm nếp làm ấm lòng người chiến sĩ, mùa của những người con gái hiền dịu, khéo léo và can đảm, chịu thương chịu khó làm hậu phương vững chắc cho các anh có cơm ăn để giữ sức đánh lại kẻ thù.

Đoạn thơ chỉ có bấy nhiêu câu nhưng là cả một miền kí ức đáng nhớ trong lòng tác giả. Ở đó có hình ảnh người lính vừa oanh liệt, vừa bi tráng. Có người đã trở về với quê hương, đoàn tụ với gia đình, nhưng có những người đã mãi mãi bỏ lại đời xanh trên con đường hành quân đầy gian khó. Bao nhiêu cảm xúc vừa nhung nhớ, vừa hạnh phúc, và vừa cảm thương cho người lính được tác giả thể hiện trong từng câu thơ, từng vần chữ. Đoạn thơ đã cho người đọc thấu hiểu thêm về những năm tháng chiến tranh của dân tộc, đồng thời cảm nhận được công lao to lớn và tình đồng đội thắm thiết của đoàn quân Tây Tiến. Hòa bình đã lập lại nhưng những người lính ấy dù còn hay đã mất vẫn mãi mãi trường tồn cùng đất nước Việt Nam.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Phân tích tâm trạng của tác giả trong bài thơ Tây Tiến Dàn ý + 4 bài văn mẫu hay nhất của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *