Bạn đang xem bài viết ✅ Phân tích hình ảnh người mẹ trong bài Con Cò (Dàn ý + 4 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 9 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Bài thơ Con cò của Chế Lan Viên, đã miêu tả thành công hình tượng người mẹ luôn chăm sóc cho người con của mình.

Phân tích hình ảnh người mẹ trong bài Con Cò

Dưới đây, sẽ là dàn ý chi tiết và một số bài văn mẫu lớp 9: Phân tích hình ảnh người mẹ trong bài thơ Con cò. Hy vọng đây sẽ là tài liệu vô cùng hữu ích giúp cho các bạn học sinh củng cố lại kiến thức môn Ngữ văn lớp 9, cũng như có thêm hành trang thật tốt để bước vào kỳ thi Tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới. Sau đây, xin mời quý thầy cô và các bạn cùng tham khảo nội dung của tài liệu này.

Dàn ý phân tích hình ảnh người mẹ trong bài Con Cò

I. Mở bài:

– Sơ lược tác giả, tác phẩm.

– Hình tượng người mẹ trong Con cò.

II. Thân bài:

a. Đoạn 1: Hình tượng người mẹ đã hiện lên thông qua những lời ru dịu dàng.

– Người mẹ không chỉ đơn thuần là hát ru con ngủ, mà còn truyền cho đứa con vẻ đẹp thanh bình của quê hương thông qua hình ảnh cánh cò trắng dập dờn.

→ Truyền cho con những nhận thức đầu đời về tình cảm với quê hương đất nước.

– Mẹ tâm tình với con “Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn/Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ”, bộc lộ sự hy sinh, vất vả, cố gắng lao động từng ngày của người mẹ để cho đứa con của mình.

– Hình tượng con cò khổ cực, cô đơn, lặn lội kiếm ăn, chính là hình ảnh của người mẹ, hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam trong truyền thống dân tộc.

+ Họ đã phải chịu khổ cực, vất vả từng ngày, không quản đêm sáng, chịu nhiều nỗi đắng cay.

+ Trước đứa con thơ dại, người mẹ cũng không vì những vất vả đó mà oán trách, trái lại họ vẫn luôn thể hiện một tình yêu dịu dàng, nhân hậu, sẵn sàng bao bọc chở che.

b. Khổ thơ 2: Người mẹ gắn bó với con trong mọi sinh hoạt, trong mọi bước đi của cuộc đời.

– Người mẹ ôm ấp con, cho con giấc ngủ ấm áp, an bình, vỗ về cho con giấc ngủ đầy yêu thương trong suốt những năm tháng tuổi thơ, theo bước con tới trường.

– Những suy tư của người mẹ về tương lai xa, khi con lớn lên, khi con trưởng thành và bước vào đường đời.

c. Khổ cuối: Những suy nghĩ, những lời nhắn nhủ của mẹ dành cho đứa con còn ở trong nôi.

– Dặn dò con rằng dù đi đến bất kể đâu, mẹ vẫn một lòng sánh bước che chở cho con như thuở còn thơ bé bởi “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi hết đời/ lòng mẹ vẫn theo con”.

– Nhắc nhở con về cuộc đời của mẹ, một cuộc đời lam lũ vất vả mưa nắng dãi dầu, để che cho con cả một cuộc đời lênh đênh, tránh khỏi mưa gió. Mẹ không kể công, kể khổ thế nhưng cuộc đời này mẹ dành cho con tất cả những tình yêu to lớn vĩ đại nhất cũng là chỉ mong con lớn lên thành người có ích cho đất nước, không phụ tấm lòng mong mỏi của mẹ.

III. Kết bài:

– Nêu cảm nhận.

Phân tích hình ảnh người mẹ trong bài Con Cò – Mẫu 1

Lời ru của bà, của mẹ êm đềm chảy trong mạch nguồn những câu hát ca dao, âm vang của lời ca ấy còn vang vọng trong bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên. Trong lời ru của mẹ, hình ảnh con cò cũng chính là hình tượng mẹ gợi nhiều suy ngẫm sâu sắc.

Người mẹ đưa con vào giấc ngủ say nồng với lời hát ru nhẹ nhàng, dòng sữa ngọt lành cũng nâng đỡ giấc mơ con. Tình thương yêu đứa con bé bỏng được gửi gắm vào lời ru thiết tha của mẹ:

“Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ hát…”

“Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân”

Quãng thời gian thơ bé nằm trong nôi, trên đôi bàn tay mẹ âu yếm, vỗ về, mới cảm nhận tình yêu bao la của mẹ. “Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”. Sữa mẹ nuôi lớn con nhưng lời mẹ hát, nơi chứa đựng tâm tư, tình cảm của mẹ lại nuôi lớn tâm hồn con. Đứa con ngủ say “chẳng phân vân”, bởi “chưa biết” những nỗi niềm ẩn giấu trong giai điệu quen thuộc.

Cánh cò trắng bay hoài trong lời mẹ hát. Chú cò trắng gầy guộc, khẳng khiu luôn tất tả kiếm ăn nuôi con, nó là hiện thân của sự chịu thương chịu khó, đức hi sinh cao cả. Đằng sau hình dáng con cò, ta thấy cả hình tượng mẹ vất vả, lam lũ.

“Con cò bay la
Con cò bay lả…
Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.”

Không gian mở ra rộng lớn: “cổng phủ, Đồng Đăng”, hình ảnh thân cò miệt mài bay đi kiếm ăn trong khoảng không bát ngát tượng trưng cho cuộc đời mẹ ngược xuôi mọi chốn để chăm lo cho con, để con được sống hạnh phúc trong tuổi ấu thơ hồn nhiên “chơi rồi lại ngủ”. Nhà thơ Chế Lan Viên khéo léo sử dụng ý, chọn lời trong những câu ca dao thân thuộc, vừa khơi dậy tình cảm những tình cảm nhất trong lòng mỗi người, vừa làm tăng tính nhạc cho lời ru của mẹ. Lời mẹ hát như chất chứa nỗi buồn khi nhắc tới những tủi cực của cái cò:

“Con cò ăn đêm,
Con cò xa tổ,
Cò gặp cành mềm,
Cò sợ xáo măng…”

Lời hát lại gợi nhắc những vần nhịp ca dao xa xưa khi cánh cò dò dẫm đêm hôm đi tìm cái ăn vì đói vì thiếu thốn kiệt cùng cò mới dấn thân mình vào đêm tối, bao hiểm nguy rình rập. Mẹ là cánh cò, bất chấp gian khổ trong cuộc đời vì con.

“Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”

Thật vậy, mẹ sẵn sàng nâng niu, chở che cho con lúc nguy khó, bấp bênh trên đường đời. mẹ luôn ở bên dìu dắt con vượt qua những “Cành mềm” – ẩn dụ cho những chông gai, thử thách phía trước.

Mẹ hát ru con với niềm tin hy vọng tương lai con tươi đẹp sẽ mở ra. Mẹ cũng như cánh cò mãi sát cánh bên con như người bạn, theo con đi học, tới trường đón nhận những tri thức mới mẻ. Mẹ thoáng băn khoăn về tương lai con:

“Lớn lên, lớn lên, lớn lên…
Con làm gì?”

Mẹ tự trả lời: “Con làm thi sĩ!” bởi mẹ mong ước thế giới tâm hồn của con có thể vẫn trong sáng đẹp đẽ như ngày nào. Làm thi sĩ để cánh cò còn bay mãi trong tâm trí của con. Những ước mong thật giản dị xuất phát từ tình yêu con vô hạn. Từ những câu hát ru quen thuộc, Chế Lan Viên cũng gói ghém dòng triết lý, suy tư về tình mẫu tử cao đẹp:

Tham khảo thêm:   Ma trận đề thi học kì 1 lớp 7 năm 2023 - 2024 sách Cánh diều Ma trận đề thi cuối kì 1 lớp 7

“Cò sẽ tìm con,
Cò mãi yêu con.
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.”

Con lớn khôn theo năm tháng nhưng có một điều không thay đổi là tình yêu thương vô điều kiện của mẹ. Câu hát vẫn ngân lên nhẹ nhàng và thấm thía ý nghĩa sâu xa về tình mẹ:

“À ơi!…
Ngủ đi! Ngủ đi!”

Nhà thơ Chế Lan Viên sử dụng biện pháp ẩn dụ tài tình trong suốt bài thơ, hình ảnh người mẹ mang những nét đẹp của tình mẫu tử truyền thống thiêng liêng được khắc họa qua hình ảnh con cò. Những lời nhắn gửi qua câu hát ru, giai điệu quen thuộc còn đọng lại, ngân nga mãi trong tâm trí ta.

Phân tích hình ảnh người mẹ trong bài Con Cò – Mẫu 2

Chế Lan Viên là một trong những nhà thơ xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Thơ ông mang nặng tính triết lí và trí tuệ sâu sắc, đồng thời cũng thể hiện những suy ngẫm về tình yêu thương mà “Con cò” là một ví dụ điển hình. Bài thơ là khúc ca ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, tha thiết mà mẹ dành cho con. Từ hình ảnh con cò, bài thơ đã khắc họa hình ảnh người mẹ với tình yêu con vô bờ và tấm lòng hi sinh đáng quý.

Bài thơ đan lồng những câu hát ru của mẹ, khiến hình ảnh người mẹ hiện lên với tình yêu con đầy tha thiết. Ngay từ đầu, người mẹ đã ru con bằng những câu ca dao đằm thắm, mượt mà:

“Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay…”

Con còn bé bỏng, còn thơ dại nhưng đã có mẹ ở bên ân cần chăm sóc. Mẹ hát ru con bằng những câu ca dao về con cò, để rồi khẳng định tình yêu cháy bỏng của mình dành cho con:

“Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn
Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ”

Chú cò kia không có mẹ, ở một mình nên phải vất vả mưu sinh để tự nuôi sống bản thân còn ở đây con đã có mẹ, con chỉ việc ăn ngủ và khôn lớn từng ngày. Người mẹ mang một tinh thần hy sinh rất lớn, nó xuất phát từ tình yêu to lớn mà mẹ dành cho con. Dù cuộc sống còn muôn vàn những vất vả, nhưng con không cần lo vì đã có mẹ ở bên ân cần săn sóc.

“Ngủ yên, ngủ yên, cò ơi, chớ sợ
Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng”

Lời ru của mẹ giúp em bé đi sâu vào giấc ngủ chất chứa cả một sự chở che để em yên giấc say nồng. Cuộc sống còn trăm ngàn khó khăn như cuộc sống của kiếp con cò, con vạc đậu phải cành mềm nhưng dẫu sao mẹ cũng đang ở bên con và nuôi con khôn lớn. Lời nói của mẹ khiến ta cảm nhận được hơi ấm của tình thương và tinh thần trách nhiệm mẹ dành cho đứa con còn thơ bé. Nếu như cuộc sống có đầy rẫy khó khăn thì không sao vì con vẫn an toàn trong vòng tay mẹ, vẫn ngủ yên dưới dòng sữa ấm nóng mẹ ban. Tình yêu con tha thiết khiến lời thơ như một khúc hát tâm hồn của chính những người mẹ.

Người mẹ đã hòa vào với hình ảnh con cò để mong muốn sẽ mãi ở bên sát cánh cùng con:

“Cò đứng ở quanh nôi
Rồi cò vào trong tổ
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ
Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi”

Người mẹ tảo tần ấy chăm sóc đến cả từng miếng ăn giấc ngủ của con để con khôn lớn. Mẹ đứng đưa nôi, mẹ săn sóc cho giấc ngủ con yên rồi mẹ mới ngủ. Trong giấc ngủ của con chứa cả niềm hy vọng của mẹ, niềm tin của mẹ. Mẹ yêu con nên dõi theo cả từng bước con đi: Khi con nằm nôi mẹ ở quanh nôi, khi con khôn lớn trưởng thành mẹ lại ở bên cạnh đồng hành cùng con suốt cả chặng đường đi học. Dù có đi đâu, mẹ vẫn luôn ở bên con. Người mẹ đặt tình yêu và niềm tin hoàn toàn vào đứa con thân yêu của mình. Mẹ mong con làm thi sĩ để giữ lại những vẻ đẹp của cuộc sống, mẹ sẵn sàng ở bên cạnh con, ngay cả trong những câu thơ con viết để ngắm nhìn sự trưởng thành của con:

“Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn”

Người mẹ yêu con tha thiết đã gửi gắm và lời thơ Chế Lan Viên một thông điệp, cũng chính là triết lý mà tác giả muốn gửi gắm tới bạn đọc:

“Dù ở gần con
Dù ở xa con
Lên rừng xuống bể
Cò mãi tìm con
Cò mãi yêu con
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”

Dù ở gần hay ở xa, dù có phải vượt muôn ngàn cách trở thì mẹ vẫn sẽ mãi dõi theo bước chân con và yêu con mãi mãi. Sức mạnh tình yêu nơi mẹ có thể chiến thắng mọi khoảng cách địa lý và thời gian để ở bên con. Hai câu thơ cuối chất chứa suy cảm của tác giả: Dù con đã lớn khôn, trưởng thành nhưng ở bên mẹ con mãi mãi là đứa con bé bỏng cần được chở che săn sóc, dẫu cuộc đời qua đi thì lòng mẹ vẫn mãi mãi theo con. Hình ảnh người mẹ hiện lên tuyệt đẹp: giàu đức hi sinh, sự tần tảo và tấm lòng yêu con tha thiết. Đó phải chăng là hình ảnh đại điện cho hàng triệu người mẹ Việt Nam đang dõi theo bước chân con mỗi ngày?

Khúc ru cứ vang lên ngân mãi trong lòng người đọc. Hình ảnh người mẹ trong bài thơ khiến lòng ta cảm thấy bồi hồi xúc động với những phẩm cách mà một người phụ nữ Việt Nam đang có. Tượng đài về người mẹ sẽ mãi mãi là một biểu tượng không bao giờ tắt về tình yêu, tình mẫu tử thiêng liêng.

Phân tích hình ảnh người mẹ trong bài Con Cò – Mẫu 3

Chế Lan Viên (1920-1989), là một nhà thơ nổi tiếng của nền thơ ca Việt Nam thế kỷ XX. Tên tuổi của ông đã được biết đến rộng rãi khi phong trào thơ Mới giai đoạn (1932-1941) phát triển và thực sự bùng nổ với tập thơ Điêu tàn (1937), bằng một hồn thơ lạ lùng, đậm tính chất huyền bí, kinh dị. Đến sau cách mạng tháng Tám, nhiều bậc trí thức thức đương thời đã thoát khỏi tình cảnh bế tắc, và Chế Lan Viên cũng vậy, ông không còn đi tìm cái “tôi” với những vần thơ điên cuồng nữa mà rẽ hướng sang tập trung khai thác vẻ đẹp của con người, của đất nước, và vẻ đẹp của những tình cảm thiêng liêng bằng những vần thơ triết lý, trí tuệ, thấm đẫm suy tưởng với những hình ảnh thơ vừa gần gũi, vừa đa dạng, phong phú. Con cò là một trong những sáng tác hay nhất của Chế Lan Viên, tác phẩm được in trong tập Hoa ngày thường – Chim báo bão (1967). Trong đó hình ảnh người mẹ hiện lên thông qua hình ảnh bao trùm của bài thơ – hình tượng con cò một cách gần gũi, tha thiết, với lời thơ như những lời ru ngọt ngào, êm ái, đượm tình mẫu tử thiêng liêng.

Tham khảo thêm:   Địa lí 11 Bài 4: Một số tổ chức quốc tế và khu vực, an ninh toàn cầu Soạn Địa 11 Kết nối tri thức trang 14, 15, 16, 17, 18, 19

Trong khổ thơ đầu tiên hình tượng người mẹ đã hiện lên thông qua những lời ru dịu dàng, vòng tay mẹ bồng con thật ấm áp, tràn đầy yêu thương, hạnh phúc, mẹ hát ru con những lời ru ngọt ngào:

“Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò Cổng Phủ
Con cò Đồng Đăng…”

Người mẹ không chỉ đơn thuần là hát ru con ngủ, mà hơn cả tình yêu của người mẹ dành cho con ở đây còn là sự dạy dỗ đứa con khi còn tấm bé “con còn bế trên tay/con chưa biết con cò”, thế nhưng bằng tri thức, bằng tấm lòng của mình mẹ đã chỉ cho con biết đến con cò trong chính lời ru đầy yêu thương, ấm áp cả mình. Người mẹ đã truyền cho đứa con vẻ đẹp thanh bình của quê hương thông ba hình ảnh cánh cò trắng dập dờn, và cả những địa danh quen thuộc trên quê hương, truyền cho con những nhận thức đầu đời về tình cảm với quê hương đất nước.

Hình ảnh người mẹ tiếp tục hiện lên thông qua các mà mẹ tâm tình với con “Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn/Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ”. Điều đó đã bộc lộ sự hy sinh, vất vả, cố gắng lao động từng ngày của người mẹ để cho đứa con của mình được giấc ngủ yên, được một tuổi thơ hạnh phúc, không phải lo âu suy nghĩ. Những câu thơ tiếp:

“Con cò ăn đêm
Con cò xa tổ
Cò gặp cành mềm
Cò sợ xáo măng
Ngủ yên, ngủ yên, cò ơi, chớ sợ
Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng”.

Ở đây không chỉ là những lời người mẹ nói về hình tượng con cò khổ cực, cô đơn khi so sánh với con, mà hơn thế nữa thông qua hình ảnh con cò lặn lội kiếm ăn, ta thấy được đó chính là hình ảnh của người mẹ, hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam trong truyền thống dân tộc. Họ đã phải chịu khổ cực, vất vả từng ngày, không quản đêm sáng, chịu nhiều nỗi đắng cay, đối mặt với nhiều những khó nhọc, mệt mỏi trong cuộc đời cốt chỉ để kiếm được kế sinh nhai cho chồng cho con. Sự hy sinh ấy không phải ai cũng thấu hiểu, cũng sẻ chia được, thế nhưng trước đứa con thơ dại, người mẹ cũng không vì những vất vả đó mà oán trách, trái lại họ vẫn luôn thể hiện một tình yêu dịu dàng, nhân hậu, sẵn sàng bao bọc chở che, con cứ ngủ những giấc thật say nồng, còn ngoài kia bao nhiêu nắng mưa dãi dầu cứ để mẹ gánh. Cành mềm mẹ cũng như cò, mẹ cũng e ngại lắm, thế nhưng vì con mẹ chẳng còn sợ nữa, thậm chí mẹ sẽ vì con mà sẵn tay nâng cả cành mềm. Và trong những lời ru của mẹ luôn mang theo cả những tri thức tuyệt vời của dân tộc đem đến cho tuổi thơ con, tâm hồn con những khái niệm phong phú, tươi đẹp “thấm hơi xuân”. Và người mẹ luôn làm tất cả chỉ để dành cho con điều tốt đẹp nhất, cuộc sống tốt đẹp nhất, dòng sữa ngọt ngào nhất, cho con một tuổi thơ hạnh phúc đủ đầy.

Và không chỉ lúc thơ bé, khi con còn bế trên tay người mẹ mới gần gũi hết lòng, mà hình ảnh người mẹ, cũng như hình ảnh cánh cò vẫn luôn gắn bó và theo con suốt cả chặng đường đời.

“Ngủ yên, ngủ yên, ngủ yên
Cho cò trắng đến làm quen
Cò đứng ở quanh nôi
Rồi cò vào trong tổ
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ
Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi
Mai khôn lớn, con theo cò đi học
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân
Lớn lên, lớn lên, lớn lên…
Con làm gì?
Con làm thi sĩ
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn”

Người mẹ ôm ấp con, cho con giấc ngủ ấm áp, an bình, vỗ về cho con giấc ngủ đầy yêu thương trong suốt những năm tháng tuổi thơ. Khi con đến trường, mẹ dẫn con đi những bước đầu tiên mẹ đưa đón con hằng ngày, với một hy vọng cuộc đời con được thắp sáng bởi tri thức. Đặc biệt tình yêu của mẹ, sự dịu dàng, lo lắng, hy vọng cho con còn thể hiện trong những suy tư của người mẹ về tương lai xa, khi con lớn lên, khi con trưởng thành và bước vào đường đời.

“Lớn lên, lớn lên, lớn lên…
Con làm gì?
Con làm thi sĩ
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn”

Mẹ nghĩ về một tương lai xa, con sẽ trở thành thi sĩ, mang đến cho cuộc đời những vần thơ tốt đẹp, hay là con có trở thành ai đi chăng nữa, thì mẹ vẫn luôn sánh bước bên con, vẫn miệt mài dõi theo con cả cuộc đời, chỉ bởi con là con của mẹ.

Đến khổ thơ cuối hình ảnh của người mẹ hiện lên thông qua những suy nghĩ, những lời nhắn nhủ của mẹ dành cho đứa con còn ở trong nôi.

“Dù ở gần con
Dù ở xa con
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con

À ơi!
Một con cò thôi
Con cò mẹ hát
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi
Ngủ đi, ngủ đi!
Cho cánh cò, cánh vạc
Cho cả sắc trời
Đến hát
Quanh nôi”

Dẫu biết cho đến ngày con đi khắp phương trời, lên rừng xuống bể còn rất xa, thế nhưng người mẹ vẫn âu yếm dặn với con rằng dù đi đến bất kể đâu, mẹ vẫn một lòng sánh bước che chở cho con như thuở còn thơ bé bởi “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi hết đời/ lòng mẹ vẫn theo con”. Dẫu con 80 tuổi đời, mẹ đã một trăm thì suốt kiếp con vẫn mãi là đứa trẻ bé bỏng trong tấm lòng nhân ái bao la của mẹ không thay đổi. Mẹ cũng nhắc nhở với con rằng “Một con cò thôi/Con cò mẹ hát/Cũng là cuộc đời/Vỗ cánh qua nôi”, tức là lời dạy của mẹ về cánh cò, mẹ không chỉ hát để ru con ngủ, mà cánh cò đó cũng chính là cuộc đời của mẹ, một cuộc đời lam lũ vất vả mưa nắng dãi dầu, để che cho con cả một cuộc đời lênh đênh, tránh khỏi mưa gió. Mẹ không kể công, kể khổ thế nhưng cuộc đời này mẹ dành cho con tất cả những tình yêu to lớn vĩ đại nhất cũng là chỉ mong con lớn lên thành người có ích cho đất nước, không phụ tấm lòng mong mỏi của mẹ.

Tham khảo thêm:   Tiếng Anh 7 Unit 3: Writing Soạn Anh 7 trang 41 sách Chân trời sáng tạo

Con cò của Chế Lan Viên là một bài thơ hay và sâu sắc khi nói về tình mẫu tử thiêng liêng, vốn là đề tài rất được yêu thích trong các tác phẩm thơ ca sau cách mạng tháng tám. Sự khác biệt của Con cò so với các tác phẩm cùng đề tài chính là sự vận dụng hình ảnh cánh cò từ trong ca dao truyền thống để gây dựng nên hình tượng người mẹ, người phụ nữ Việt Nam tần tảo, chịu đựng và hy sinh điển hình. Cùng với đó là những vần thơ tự do ngắn dài linh hoạt, mang âm hưởng lời ru dịu dàng, đem đến cho người đọc những suy tưởng, triết lý sâu xa về tình mẫu tử và về cuộc đời mỗi con người cũng gói trọn trong mấy lời ru của mẹ.

“Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết những lời mẹ ru”.

(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa – Nguyễn Duy)

Phân tích hình ảnh người mẹ trong bài Con Cò – Mẫu 4

Nhắc đến Chế Lan Viên, ta không thể không nhớ tới những vần thơ giàu suy tư triết lí và lấp lánh màu sắc trí tuệ. Một trong những bài thơ gợi nhớ về người thơ ấy không thể không kể đến” Con cò”. Có lẽ bài thơ không phải là một trong những tuyệt tác của di sản thơ Chế Lan Viên, nhưng là bài thơ đi sâu vào lòng bạn đọc nhất của thi sĩ họ Chế. Đọc bài thơ, ta không chỉ được ngồi trên chiếc tàu tốc hành trở về những ngày thơ bé mà còn thấy cả một dáng hình thân thương thông qua hình ảnh người mẹ với những lời hát ru ngọt ngào đong đầy những giấc trẻ thơ.

Người mẹ hiện lên trong tiếng ru ầu ơ dịu dàng và tha thiết:

“Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò cổng phủ,
Con cò Đồng Đăng…”

Cùng với tiếng hát ru dịu êm ấy, ta như thấy người mẹ hiền bế đứa con bé xinh trên tay, cất lời hát ru. Những câu hát ru từ ngàn đời đã nâng giấc biết bao những lớp lớp trẻ thơ:

“Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm mà lộn xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.”

Mẹ cũng hát ru con những câu ca muôn thuở ấy. Nhìn con thơ”còn bế trên tay”, “còn chưa biết con cò”, lòng mẹ dạt dào tình yêu thương vô bờ bến. Mẹ yêu con cò chốn làng quê thanh bình với những cánh cò” bay lả bay la”, mẹ thương con cò trong ca dao long đong lận đận nhọc nhằn một nắng hai sương vất vả nuôi con, nuôi chồng. Và mẹ yêu thương chăm chút cho con của mẹ biết bao lần. Bởi thế mà mẹ đang hát ru con. Giọng hát dịu dàng của mẹ, dòng sữa ngọt ngào của mẹ cho giấc ngủ con đong đầy, để cho “con ngủ chẳng phân vân”. Mẹ thương con cò, mẹ yêu đất nước và trong lời hát ru con, mẹ như muốn tâm tình cùng con bé bỏng của mẹ. Phải chăng qua lời ru ấy cũng là sự khẳng định của mẹ, rằng mẹ sẽ như thân cò, sẽ yêu con, sẽ vì con, dù phải chịu bao nhiêu gian khó, thậm chí là hi sinh bản thân để che chở cho con, để con được sống trong niềm vui và hạnh phúc?

Mẹ dành cho con thớ tất cả: Cánh tay dịu hiền của mẹ, lời ru câu hát êm đềm của mẹ, dòng sữa ngọt ngào của mẹ,… Mẹ cho con tất cả sự chở che , bảo bọc

“Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn
Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.”

Những hoán dụ nghệ thuật đã hình tượng tình mẹ bao la. Nhịp thơ cũng chính là nhịp võng, nhịp cánh tay đưa nôi nhẹ nhàng, đầy vỗ về:

“Ngủ yên! Ngủ yên! Ngủ yên!
Cánh có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng!
Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân,
Con chưa biết con cò con vạc
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát,
Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân”

Điệp ngữ “Ngủ yên”, “con chưa biết” và “con cò” lặp đi lặp lại nhiều lần làm cho giọng thơ trở nên đầm ấm , ngọt ngào, thiết tha dìu dịu chan chứa hạnh phúc yêu thương của mẹ dành cho con.

Ngắm nhìn con thơ say giấc ngủ, lòng mẹ dạt dào những mơ ước mai sau. “Cánh cò” trong lời mẹ hát sẽ bầu bạn cùng con, sát cánh cùng con trên những bước đường đời đầu tiên, cùng con san sẻ những buồn vui cũng như những niềm vui và hạnh phúc:

“Ngủ yên! Ngủ yên! Ngủ yên!
Cho cò trắng đến làm quen
Cò đứng ở quanh nôi
Rồi cò vào trong tổ
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ
Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi
Mai khôn lớn con theo cò đi học
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân
Lớn lên, lớn lên, lớn lên
Con làm gì?
Con làm thi sĩ!
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn…”

Cánh cò hay chính là mẹ, là tình yêu thương của mẹ sẽ theo con, sẽ bầu bạn cùng con những lúc con vui chơi, những lúc con học tập, và cả sau này, khi con lớn lên, mẹ ao ước về nghề nghiệp tương lai của con, mẹ muốn con của mẹ làm thi sĩ và cánh cò sẽ bay mãi trong những câu văn con!

Mẹ nghĩ về cuộc đời của con mai sau, tình yêu thương dạt dào của mẹ đã cất thành lời ru, như một lời thề nguyền của mẹ:

“Dù ở gần con
Dù ở gần con
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”

Mẹ nghĩ về tương lai của con, con sẽ lớn lên, có thể con sẽ đi xa, xa mẹ, có thể con sẽ ở gần ngay bên cạnh mẹ đây, có thể đường đời con nhiều chông gai trắc trở, cuộc sống sẽ thử thách con bằng muôn vàn những cách thức khác nhau thì mẹ vẫn luôn bên con, luôn dõi theo con, luôn luôn yêu thương và cho con một bến bờ bình yên và dịu dàng nhất. Con bây giờ, con của mai sau, con của nhiều nhiều năm sau nữa, khi con đã lớn khôn, khi con có thể đã là mẹ , thì với mẹ, con vẫn là một đứa bé cần được chở che! Tình mẹ bao la vô bờ đến thế đấy!

Mẹ không chỉ yêu con, thương con mà còn thương những thân phận , những con người nhỏ bé đáng thương trong cuộc đời:

“À ơi
Một con cò thôi
Con cò mẹ hát
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi”

Phải chăng người mẹ hiền đang bâng khuâng về câu hát:

“Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”?

Qua hình tượng lời ru và hình tượng con cò, bài thơ đã vẽ lên một bức chân dung người mẹ Việt Nam dịu hiền, giàu tình yêu thương, tình mẫu tử thiêng liêng bất diệt, tình yêu thương cuộc đời để rồi cứ đi mãi, đi mãi vào tâm hồn người đọc.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Phân tích hình ảnh người mẹ trong bài Con Cò (Dàn ý + 4 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 9 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *